Đúng là nghệ thuật ngôn từ của dân gian, “chống lưng” không phải theo nghĩa đen là yếu mà phải chống, mà là một sự ám chỉ lối nâng đỡ, hỗ trợ không đúng với chuẩn mực xã hội, chuẩn mực đạo đức, nhất là quy định của pháp luật. Có “cán bộ chống lưng”, thì mới có cá nhân, doanh nghiệp được hỗ trợ một cách đặc biệt để làm được những việc mà cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể làm được. Chính vì thế, họ có thể kiếm được những khoản lợi nhuận kếch sù, đủ sức và thậm chí thừa sức trang trải cho những món “cám ơn” hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho những cán bộ đã “chống lưng”.

Những “cán bộ chống lưng” có “thừa trình độ” và hơn ai hết họ thừa hiểu rằng những món quà to theo kiểu “cám ơn” như thế là đưa hối lộ. Dĩ nhiên, để tự bào chữa cho hành vi sai trái của mình thì họ biện hộ, coi những món tiền, mà những công chức nhà nước cũng phải cả đời nằm mơ nếu chỉ nhận những đồng lương chân chính, là lễ nghĩa, cám ơn, tình cảm... chứ không phải nhận hối lộ.

Và một câu hỏi lớn đang đặt ra hiện nay, đó là hiện nay có bao nhiêu quy trình, bao nhiêu bước lựa chọn, tuyển dụng, đào tạo, rèn luyện cán bộ, vậy nguyên nhân nào đã làm cho “một bộ phận không nhỏ” cán bộ vẫn bị ma lực của đồng tiền “nuốt chửng”?! Quy trình đúng, các bước thực hiện quy trình cũng đúng, nhưng nhiều khi kết quả lại chọn lựa ra cán bộ xấu, phải chăng là tha hóa đạo đức, lối sống? Có lý lẽ lắm, nhưng dư luận đang bàn tán xôn xao về không ít hiện tượng đang xảy ra, đó là “chống lưng cán bộ”. Cái gọi là đúng quy trình đã nói ở trên chỉ là hình thức. Còn nội dung sâu xa bên trong, đó là tình trạng đỡ đầu, hay còn gọi là “chống lưng”. Lý do có thể có nhiều, nhưng chắc chắn một điều, là sự “chống lưng” đó không hề vô tư.

Có hai nhẽ, thứ nhất là, do đương sự được “chống lưng”, cất nhắc là “con ông - cháu cha”, tuy còn non kém về năng lực, trình độ, đạo đức, lối sống, nhưng vì cái quan hệ như thế mà vẫn cố cho “chín ép” để được cất nhắc, đề bạt. Nhân - quả rõ ràng của cán bộ “chín ép” do được “chống lưng” như vậy là sự tha hóa đạo đức, lối sống và sa ngã vì đồng tiền, bất chấp hậu quả nặng nề, thành “củi”, vào “lò”, nhập “kho”...

Thứ hai, do động cơ thiếu trong sáng của chính những cán bộ muốn “leo cao, thọc sâu” để kiếm chác, mà cả gan bỏ ra nhiều, nhiều tiền để làm cái gọi là “chạy chọt” chỗ nọ, chỗ kia, người nọ, người kia... để đạt mục đích được cất nhắc, đề bạt. Vì đã “trót” bỏ ra nhiều tiền nên ắt phải tìm mọi mưu mô, thủ đoạn để chiếm đoạt, kiếm chác, bù đắp lại của cải, vật chất mà họ coi là “vốn” đã chi ra trong quá trình “chạy chọt”.

Như vậy, “cán bộ chống lưng” và “chống lưng cán bộ”, tuy có thể có ngoại lệ, vẫn tuy hai mà là một. Trong quy trình đó, tuy bề ngoài thì như đang cạnh tranh minh bạch, bình đẳng theo pháp luật, nhưng thực ra doanh nghiệp làm ăn chân chính cạnh tranh với doanh nghiệp được “chống lưng” thì cứ như châu chấu đá voi. Mà hậu quả của nó có thể làm méo mó các hoạt động kinh tế, bất chấp quy luật khách quan... Vì không ai làm được thì họ (doanh nghiệp được "chống lưng") làm được, từ cái việc nâng giá kit test COVID-19 lên quá cao so với giá mua vào để hưởng lợi nhuận siêu ngạch đến chạy chọt để thực hiện những chuyến bay giải cứu, mà nạn nhân được giải cứu, tuy là nạn nhân, mà vẫn phải tốn kém rất nhiều tiền, cao gấp mấy lần, thậm chí cả chục lần giá vé thông thường... để được về nước đoàn tụ với gia đình.

Qua sự việc trên, ai ai cũng xót xa vì lịch sử nhân loại, cũng như của đất nước ta hiếm có những hoạn nạn mang tính toàn cầu, gây thiệt hại về sức người, sức của như đại dịch COVID-19 vừa rồi. Thế mà họ đang tâm, biến “thách thức” lớn đó của dân, của nước thành “cơ hội” để kiếm chác, vinh thân, phì gia. Không còn lời nào để tả xiết!

Cầu mong cho cái từ chống lưng chỉ đúng với trường hợp những ai bị thoái hóa đốt sống, mà phải sử dụng công cụ chống lưng để được đi lại một cách thuận tiện hơn. Vĩnh viễn không còn cái tệ nạn “cán bộ chống lưng” và “chống lưng cán bộ”./.