Ông A, năm nay 65 tuổi, rất tự hào về chế độ an sinh xã hội dành cho ông, trong đó có cái thẻ đi xe buýt miễn phí dành cho người cao tuổi, tuy ít khi sử dụng, nhưng thấy ông khoe nhiều lần. Bỗng một hôm, ông A rất bức xúc, phàn nàn rằng, vừa rồi ông đi xe buýt bị nhân viên soát vé bắt phải mua. Khoản tiền mua vé tuy nhỏ, bảy nghìn đồng, nhưng ông rất khó chịu, không phải vì đã quen với cái thẻ ưu tiên cho người cao tuổi, mà lý do là vì cái thẻ của ông đã hết hạn (quy định thời hạn 5 năm). Ông  nói, vẻ mỉa mai, cao tuổi mà vẫn có thời hạn... hay sao? Cái ý sau mới cần phải suy ngẫm, đó là tại sao lại quy định thời hạn hiệu lực cho cái thẻ miễn phí xe buýt khi đã ưu tiên cho người cao tuổi? Với tuổi trung bình của người Việt Nam ta, khoảng gần 80 tuổi, thì một người cao tuổi phải 4 lần đi làm lại, hoặc gia hạn thẻ! Như thế chả gây tốn kém về vật chất, thời gian cho những người tham gia sản xuất thẻ, thời gian cho cả người thụ hưởng (!?).

Gần đây, chỉ vì thoái hóa, biến chất của “một bộ phận” cán bộ, nhân viên trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, mà như đồng chí C phàn nàn, mất mấy ngày nghỉ việc để đi xếp số, từ xếp số rồi mới được xếp hàng, hẹn ngày, hẹn giờ để được đến lượt đem xe ô-tô gia đình đến trung tâm đăng kiểm. Đồng chí C phải đi đến hai trung tâm, vì lần đầu những tưởng xa trung tâm thành phố thì dễ dàng hơn, nhưng giấy hẹn lại sau gần một tháng. Lo xe quá hạn đăng kiểm không thể tham gia lưu thông, anh đành hỏi bạn bè và tìm ra một trung tâm đăng kiểm khác... Một người đã vậy, hàng nghìn, hàng vạn trường hợp khác, thử tính sơ sơ, cũng tốn kém khá lớn thời gian!

Nhiều, nhiều và nhiều trường hợp khác trong cuộc sống, làm cho người dân tốn thời gian làm các thủ tục, giấy tờ hành chính khác nhau.

Chúng ta bàn và nói nhiều đến chống tham nhũng, những kết quả đạt được đã làm nức lòng hàng triệu đảng viên, hàng triệu triệu người dân, lấy lại được niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng. Nhưng còn chống lãng phí thì sao? Lãng phí ẩn mình rất tinh vi trong cuộc sống hằng ngày. Lãng phí thời gian cũng là một thứ lãng phí cực kỳ nguy hại bởi lẽ tài nguyên lớn nhất của con người chính là thời gian. Điều đó cũng hoàn toàn đúng với một quốc gia - dân tộc. Không ít quốc gia, tài nguyên chẳng có nhiều, nhưng họ vẫn vươn lên thành nước giàu, nước phát triển.

Một trong số các tiêu chí đo lường để so sánh mức độ giàu có về của cải vật chất của một quốc gia là thu nhập bình quân đầu người trong một năm, chẳng hạn GDP/người/năm. Không ít người chỉ nghĩ đến nền sản xuất, đến việc làm và thất nghiệp, đến trình độ khoa học và công nghệ. Ít ai để ý đến yếu tố thời gian. Và chúng ta đang lãng phí thời gian một cách quá mức. Lãng phí do thất nghiệp, do công nghệ lạc hậu, do tổ chức sản xuất kém khoa học... đã đi một nhẽ. Lãng phí do chính chúng ta tạo ra những lực cản vô lý, phí phạm, trong đó đáng kể là phí phạm thời gian... mới là câu chuyện lớn, đáng bàn.

Ai còn trân quý “Tài nguyên thời gian của dân, của nước”, hãy suy ngẫm sâu sắc vấn đề này, hãy hiến kế cho Đảng, Nhà nước trong phạm vi ảnh hưởng của mình, để tiết kiệm tối đa thời gian cho mọi người và cho đất nước. Hãy vượt qua mọi lợi ích cá nhân nhỏ mọn, lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ thấp hèn để cắt bỏ tất cả thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho dân, gây lãng phí thời giờ và tiền bạc của dân, của nước./.