“Theo đuôi quần chúng” gây ảnh hưởng xấu đến việc hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, vì thế, phải kiên quyết ngăn chặn, loại bỏ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Học hỏi quần chúng, nhưng “tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng”(1); “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”(2). Theo đó, các cấp ủy, tập thể, đơn vị phải chú trọng học tập đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cũng như cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nghiêm khắc tự soi, tự sửa; có phong cách gần dân, nhưng không “mị dân”, không “theo đuôi quần chúng”, không rơi vào “chủ nghĩa dân túy”. Điều đó bảo đảm xây dựng được cấp ủy, tập thể, đơn vị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, có đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn có sự lầm lẫn nhất định giữa phương thức dân chủ với một biểu hiện có vẻ như là phương thức dân chủ: Đó chính là tệ “theo đuôi quần chúng”. Hai khái niệm này, về bản chất, là khác xa nhau. Theo Từ điển Tiếng Việt, “Phương thức công tác dân chủ” là việc “tôn trọng và tạo điều kiện để mọi người tích cực thảo luận và tham gia quyết định các công việc chung”; trong khi đó, “Theo đuôi quần chúng” là việc người lãnh đạo làm theo số đông “một cách thụ động, thiếu suy nghĩ riêng”(3).

Một số biểu hiện của tệ “theo đuôi quần chúng” trong thực tế ở một số cơ quan, đơn vị là: Người lãnh đạo dựa dẫm vào cấp dưới, không có chính kiến rõ ràng trong điều hành công việc, không tạo lập được văn hóa công vụ của tổ chức; có quan hệ khăng khít quá mức với cấp dưới, ứng xử với cấp dưới, đồng nghiệp theo cách “chiều lòng” theo một số sở thích, nguyện vọng không chính đáng, không hợp pháp làm ảnh hưởng đến công việc chung; để cho cấp dưới làm những việc vốn thuộc thẩm quyền của cá nhân người lãnh đạo; hùa theo số đông một cách vô nguyên tắc...

Sự phân biệt giữa phương thức làm việc dân chủ và tệ “theo đuôi quần chúng” không hề khó, bởi chúng đều có nội dung và đặc điểm nhận dạng cụ thể, rõ ràng. Thế nhưng, tại sao đôi lúc trong thực tế, ta vẫn bắt gặp sự lẫn lộn giữa phương thức làm việc dân chủ với những biểu hiện của tệ “theo đuôi quần chúng”? Nguyên nhân của thực trạng này cần được xem xét từ 3 yếu tố chủ yếu: Thứ nhất, trình độ chính trị của người lãnh đạo. Thứ hai, tính cách của người lãnh đạo. Thứ ba, động cơ làm việc của người lãnh đạo.

Về nội dung thứ nhất, trình độ chính trị của người lãnh đạo thể hiện qua tư duy, nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động thực tế của người đó. Trình độ chính trị của người lãnh đạo được rèn giũa và nâng lên thông qua sự tích lũy về kinh nghiệm chuyên môn cũng như trải nghiệm về cuộc sống. Tuy nhiên, một khi trình độ chính trị của người lãnh đạo còn khiếm khuyết, chưa hoàn thiện thì sẽ chưa đủ năng lực để nhận thức, tách biệt một cách rạch ròi giữa phương thức làm việc dân chủ với những biểu hiện của tệ “theo đuôi quần chúng”. Trình độ chính trị không vững có thể dẫn đến biểu hiện, hệ lụy của một trong hai thái cực: Hoặc cứng nhắc, cô độc; hoặc chỉ “theo đuôi quần chúng”. 

Ở khía cạnh thứ hai, có nhiều người bản tính xuề xòa, không có đủ sự quyết đoán cần thiết ở cương vị lãnh đạo; hoặc dù không đủ năng lực công tác, nhưng vì lý do nào đó, họ vẫn được bổ nhiệm làm lãnh đạo. Khi họ điều hành công việc sẽ dễ dẫn tới “theo đuôi quần chúng”, đánh mất vai trò lãnh đạo của người đứng đầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do đôi khi công tác đánh giá, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ còn có hạn chế, thiếu sót. Vì thế nên chưa chọn lựa được người đứng đầu có đủ tư chất cũng như năng lực, trình độ chuyên môn; do vậy, ảnh hưởng đến sức mạnh của tập thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đối với khía cạnh thứ ba, “theo đuôi quần chúng” còn thể hiện sự suy giảm đạo đức cách mạng của người lãnh đạo. Vì tính toán cá nhân mà họ hùa theo nguyện vọng không chính đáng của một số cá nhân có những suy nghĩ không đúng đắn, thiếu trách nhiệm; thậm chí, có người lãnh đạo còn cố tình hướng lái suy nghĩ của tập thể theo hướng có lợi cho mình, để rồi lấy lý do là “căn cứ vào nguyện vọng của số đông” để đưa ra những quyết định nhằm trục lợi cho bản thân và “nhóm lợi ích”./.