Nghịch lý khen - chê

VŨ VIẾT XÔ
23:48, ngày 23-08-2023

Tôi có anh bạn “nối khố” giữ cương vị lãnh đạo khá cao, được nhiều người trọng vọng, coi là hình mẫu của người đàn ông thành đạt. Nhưng anh thổ lộ riêng với tôi: Anh tưởng tôi ở cương vị lãnh đạo là sướng lắm à? Càng lên cao, người ta cứ nghĩ mình “vơ được của”. Thành đạt sự nghiệp cùng với niềm vinh dự, trách nhiệm, nhưng cũng nhiều áp lực lắm. Không ngần ngại, tôi hỏi: Áp lực gì vậy? Anh bạn tôi cười hiền: Về công việc tôi không ngại, nhưng ngại nhất là chuyện gia đình, quê hương, mối quan hệ đời thường,... Chức vị càng cao, quan hệ càng rộng, việc “hiếu - hỷ” càng nhiều; gia đình muốn đủ thứ, nào là giúp đứa con này, nào là giúp đứa cháu kia,... Trưởng họ gợi ý xây nhà thờ họ; trưởng thôn muốn giúp bê-tông hóa con đường liên thôn để bà con đi lại thuận tiện,... Lương tuy cao, nhưng “chia năm sẻ bảy”, nhiều khi cũng “bí”.

Nghe vậy, tôi rất cảm thông với người bạn của mình. Nhiều lúc, nhiều nơi, người ta khen cán bộ có chức sắc, tiền tài, giúp được con cháu, dòng tộc, địa phương,... mà ít động viên người cán bộ trọng trách càng cao càng phải liêm chính, đức độ, vì lợi ích chung.

Tôi kể cho anh bạn nghe chuyện về hai ông “sếp” ở quê mình. Đó là hai người “đồng niên” và đều có chức sắc kha khá; do điều kiện sống và công tác khác nhau nên đều công tác xa nhà, hằng năm chỉ về quê đôi ba bận. Mỗi khi các ông về, dân làng đều chú ý, ngóng chờ. Ông A mỗi khi về quê đều giành thời gian ngắn ngủi thăm hỏi mọi người bằng tấm lòng bình dị, thân thiết, nhất là với những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ông có tiếng liêm khiết, chính trực. Có lần cán bộ dưới quyền ông nói với thôn xóm: Bác ấy là “mẫu hình” cán bộ lãnh đạo, nghiêm khắc lắm... Ông B thì khác. Mỗi lần về quê lại tụ tập ăn uống, liên hoan. Có lúc ông “phóng tay” cho địa phương hàng trăm triệu đồng, cho anh em, bè bạn, họ hàng hàng chục triệu để đi nghỉ mát, tham quan,... Ông sống thoáng đãng; nhà cửa của ông, với dân quê, như một lâu đài. Người ta khen ông B là hợp thời, đổi mới, năng động nên vừa thành đạt, vừa giàu sang. Còn với ông A, người ta khen có chí, nhưng lại ngầm ngụ ý tuy có chức sắc, nhưng thôn xóm, họ hàng chả được nhờ cậy gì; chưa năng động, kém đổi mới.

Bỗng đến ngày cả hai chuẩn bị “hạ cánh”, ông B lại vướng vào lao lý, căn nhà - lâu đài của ông bị các cơ quan chức năng niêm phong vì liên quan đến tham nhũng. Còn ông A thì về quê vui thú điền viên, nhanh chóng trở thành “lão nông tri điền”. Chuyện về hai ông khiến dân làng xôn xao luận bàn râm ran. Song điều đáng bàn là, một nghịch lý khen - chê đã và đang tồn tại trong dân gian, có khi góp phần “hại” cán bộ.

Trong chúng ta, hầu như ai cũng mong muốn cán bộ, dù “to” hay “nhỏ”, đều trong sạch, vì nước, vì dân. Nhưng với những người như ông A, thì lời khen không nhiều, lại không ít lời ngầm chê trách. Trong khi đó, dù rất ghét những cán bộ vụ lợi, cá nhân, cơ hội, tham nhũng, lãng phí, nhưng những “lời khen có cánh” vẫn thường được người ta bày tỏ với trường hợp như ông B.

Thiết nghĩ, chúng ta rất cần những cán bộ luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, sống giản dị, lành mạnh, trong sáng; dành sự trân trọng, động viên những cán bộ như ông A - người thực sự “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Còn với ông B - một con người sớm có dấu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống phải được đấu tranh, ngăn chặn trước khi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Ca tụng” những người như ông B chẳng khác gì đồng lõa với “giặc nội xâm”.

Nghe câu chuyện của tôi, người bạn như cởi được tấm lòng, bớt trăn trở, nhận ra những gì cần nâng niu, gìn giữ; hứa giải quyết hài hòa các mối quan hệ chung - riêng để làm tròn trọng trách. Đó chính là điều mà nhân dân ta đang mong chờ ở cán bộ, đảng viên./.