“Sự tích” và “tích sự”

THANH MINH
10:09, ngày 05-12-2020

Tại nhiều cơ quan, đơn vị, những dịp lễ kỷ niệm, ngày truyền thống thường là khi mọi người sôi nổi “ôn cố tri tân”. Bởi đó là những khoảng thời gian làm sống lại biết bao ký ức, gồm cả “chính sử” và “dã sử”. Nhưng rôm rả hơn, thường là “dã sử” về những “sự”, những “tích” (chuyện, sự việc) liên quan đến lãnh đạo các thời kỳ. Nhiều “sự”, “tích” trở thành “điển tích” về người lãnh đạo và thậm chí, trở thành “sự tích” trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Ví như có “tích”: Ở cơ quan nọ, có người bộc lộ tài năng tổ chức từ lúc còn trẻ, khi chia một con lợn đụng cho cả cơ quan cỡ sáu, bảy chục người mà ai cũng đều tăm tắp như ai; nhưng ở địa phương kia, có người giỏi quan hệ, đi thu gom được rất nhiều thực phẩm, song lúc phân chia lại khiến chẳng ít người có cảm giác thiệt, hơn; có người chuyên “vác tù và hàng tổng” mà chả nhớ nổi con mình sinh ngày nào để báo với tổ chức nhận quà tết thiếu nhi; lại cũng có người một khi đã tính toán cho bản thân thì “không trượt xu nào”; có vị đối đáp chan chát, đanh thép nhưng khi cần thực sự “ra mặt” thì tránh né; ngược lại có vị lặng lẽ, âm thầm mà hành động quyết liệt,...

Có “sự tích đôi dép lê” khi người lãnh đạo tất tả đi hai chiếc dép lê khác màu lên điều hành một cuộc họp quan trọng đâu ra đấy. Lại có “sự tích tấm gương hình thức” khi có lãnh đạo soi gương hằng ngày để… ăn vận chỉn chu, nước hoa thơm phức, “gel” tóc nuột nà, đẹp đẽ mỗi khi xuất hiện nhưng lại chẳng giữ nổi nền nếp cơ quan, đơn vị...

Nhiều khi, cùng những “sự”, “tích” khá giống nhau trong một cơ quan, đơn vị, hoặc so với nơi này, nơi kia, nhưng có chuyện kể ra làm vang lên tiếng cười tích cực, lại có chuyện tạo tiếng cười buồn. Ví như, cùng việc để kiểm tra cấp dưới trước khi bổ nhiệm, lãnh đạo đưa họ đi công cán cùng. Sau này, khi người được bổ nhiệm thể hiện tốt, thì đó là “tích” hay về cách chọn người; còn ngược lại, thì là “tích” về hiện tượng “đi công… tác riêng”. Hoặc như chuyện đôi dép lê hai màu, với không ít lãnh đạo, đó lại là bộc lộ sự cẩu thả trong lối sống; còn soi gương chỉn chu hằng ngày cũng là cách nhiều lãnh đạo giữ gìn hình ảnh…

“Sự lạ” đó là bởi chung quy khi nói về “dấu ấn” lãnh đạo, cần trả lời câu hỏi: họ có những “tích sự” - thành tích gì?!

Thường thì lãnh đạo tài đức cũng gắn với nhiều “sự tích” tốt đẹp. Và kể cả khi họ có những “sự”, “tích” về nhược điểm, sẽ được coi “nhân vô thập toàn”; so “đại sự” - việc lớn, thành tích họ đã thực hiện được cho cơ quan, đơn vị - thì đó chỉ là những “tiểu sự”. Nhưng với những người ít tích sự, thậm chí là… vô tích sự, thì những “sự”, những “tích” thường ít tốt đẹp, và “tiểu sự” so ra lại thành “đại sự” (vì có đại sự nào đâu?!).

Vậy làm sao để lãnh đạo có nhiều “sự tích” đẹp, để mỗi khi ôn lại thì là những ký ức đầy nhân văn?

Trước hết cần thấy, “sự”, “tích” của lãnh đạo không chỉ là chuyện cũ mà nó có tính hiện thực rất rõ. Trong quá trình lãnh đạo cơ quan, đơn vị, đó có thể là những “điển tích” để khắc họa về “điển hình” của người lãnh đạo. “Sự tích” đi rất nhanh và rất sâu, có sức sống trong lòng nhiều người chắc chắn do có căn nguyên, tích cực hay tiêu cực. Nên trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, cần xem xét mọi bề, cả “sự tích” và “tích sự”; tìm hiểu cả “chính sử” và “dã sử”.

Đồng thời, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải nhớ: “Sự tích” là “bia miệng”, để nhiều lúc, như vào dịp những ngày truyền thống, người ta nhắc đến. Do đó, người làm lãnh đạo cần thực sự xứng đáng là bậc công bộc; hết lòng, hết sức “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Nếu tạo được nhiều thành tích, “tích sự” thì “sự tích”, dù về điều gì, thường đều được nhìn nhận theo hướng thiện cảm, trân quý. Còn nếu ngược lại… thì hẳn có những vết nhơ khó gột, nhiều năm còn “trơ trơ”./.