Những giá trị không thể xuyên tạc, phủ nhận của lý luận hình thái kinh tế - xã hội và học thuyết giá trị thặng dư

TS HOÀNG THỊ KIM OANH – PGS, TS VŨ THỊ THANH XUÂN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

13:58, ngày 15-04-2024

TCCS - Với mưu đồ chính trị xấu, thái độ thù địch, nhãn quan phiến diện, phản khoa học, các thế lực phản động và những phần tử cơ hội không ngừng xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận các giá trị đích thực của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Hầu hết luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đều bị chúng tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo, hòng phủ nhận tính khoa học, cách mạng, nhân văn, nhân đạo; trong đó, những nội dung bị tập trung công kích, xuyên tạc nhiều nhất là lý luận hình thái kinh tế - xã hội và học thuyết giá trị thặng dư.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là hệ thống lý luận khoa học và cách mạng triệt để; cung cấp thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho quá trình nhận thức của con người về tự nhiên, xã hội một cách đúng đắn, giúp con người nắm bắt được các quy luật và tiến trình vận động, biến đổi, phát triển tất yếu khách quan của lịch sử. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam soi đường, chỉ lối, hướng dẫn các dân tộc bị áp bức và toàn thể nhân dân lao động cách thức để giải phóng khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Những khẳng định của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về tính tất yếu của sự ra đời chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ưu việt, hay về bản chất thực sự không tốt đẹp của chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN),... đều dựa trên căn cứ khoa học và được phân tích, lập luận lô-gíc chứ không phải là những suy luận ảo tưởng, viển vông, chủ quan, cảm tính, như các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội thường rêu rao.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin luận giải khách quan, khoa học về sự ra đời tất yếu và bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa

Các thế lực phản động và phần tử cơ hội thường rêu rao rằng: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là thứ lý luận ảo tưởng viển vông khi tự tưởng tượng, vẽ ra một chế độ xã hội tương lai tốt đẹp không có thực, rồi tin rằng đó là mục tiêu lý tưởng, đích hướng tới của nhân loại(!?). Những quốc gia nào tin theo lý luận ảo tưởng đó, xây dựng chế độ XHCN, thì hoặc là bị vỡ mộng, sụp đổ nhanh chóng, như Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây, hoặc là luôn chìm trong khủng hoảng, suy thoái, đời sống nhân dân nghèo đói, thiếu thốn, xã hội không có dân chủ, văn minh, như Việt Nam, Cu-ba,... (!?).

Quan niệm duy vật về lịch sử - phát hiện vĩ đại mang tính vượt thời đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin - đã luận giải một cách khoa học về sự ra đời của chế độ XHCN như một tất yếu lịch sử - tự nhiên. Lý luận hình thái kinh tế - xã hội (HTKTXH) của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã phân tích, chỉ rõ, toàn bộ tiến trình vận động, biến đổi, phát triển của lịch sử nhân loại là một quá trình lịch sử - tự nhiên tuân theo những quy luật khách quan, tất yếu, bắt nguồn từ chính sự thay đổi về trình độ của lực lượng sản xuất (LLSX), trước hết là của công cụ lao động, dẫn đến sự thay đổi về quan hệ giữa người với người trong quá trình lao động, sản xuất; từ đó hình thành các HTKTXH tiếp nối, thay thế nhau trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại; HTKTXH sau bao giờ cũng ra đời trên cơ sở kế thừa những giá trị của HTKTXH trước đó và có sự phát triển cao hơn, tiến bộ, văn minh hơn.

Quá trình tiếp nối, thay thế nhau giữa các HTKTXH làm nên tiến trình vận động, phát triển của lịch sử nhân loại tuân theo những quy luật khách quan vốn có của bản thân mỗi chế độ xã hội, cũng như là kết quả của quá trình giải quyết những mâu thuẫn nội tại hiện thực của các xã hội ở những giai đoạn khác nhau (mâu thuẫn giữa LLSX và quan hệ sản xuất (QHSX); giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; mâu thuẫn giữa các giai cấp đối kháng nhau về lợi ích trong xã hội) chứ không phải là sự sắp đặt, chi phối bởi bất kỳ một ý chí chủ quan nào hay do sự mong muốn của bất kỳ ai. Lịch sử đã chứng minh, các HTKTXH đã và đang tồn tại trong lịch sử nhân loại đều ra đời, xuất hiện “tự nhiên” theo cách ấy, cùng với sự phát triển không ngừng của LLSX. Xã hội chiếm hữu nô lệ là sự tiếp nối, thay thế xã hội cộng sản nguyên thủy và có sự phát triển tiến bộ, văn minh hơn. Tương tự, xã hội phong kiến, rồi đến xã hội TBCN cũng là sự tiếp nối, thay thế, tiến bộ, văn minh hơn xã hội trước nó.

Theo quy luật khách quan ấy, xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà giai đoạn đầu là xã hội XHCN, sẽ tất yếu ra đời, thay thế xã hội TBCN, và lẽ tất nhiên, nó sẽ là HTKTXH phát triển cao hơn, tiến bộ, dân chủ, văn minh hơn HTKTXH TBCN và mọi chế độ xã hội trước đó. Điều đó cũng có nghĩa là, theo quy luật khách quan tất yếu như là “một quá trình lịch sử - tự nhiên”, mọi quốc gia đều sẽ tiến đến CNXH.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin luận giải khách quan, khoa học về sự ra đời tất yếu và bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa _Nguồn: Tư liệu

Như vậy, quan niệm duy vật về lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định rõ, chính sự phát triển của LLSX đã dẫn tới sự thay đổi của những QHSX và tiếp đó là sự thay đổi toàn bộ kiến trúc thượng tầng xã hội, từ đó hình thành nên các HTKTXH phát triển nối tiếp nhau của lịch sử nhân loại. Vì thế, cũng giống như sự phát triển của LLSX trong xã hội phong kiến là tiền đề cho sự ra đời chế độ TBCN tốt đẹp hơn nó, thì sự phát triển LLSX trong xã hội TBCN cũng chính là cơ sở, tiền đề thúc đẩy sự ra đời chế độ XHCN tốt đẹp hơn chế độ TBCN. 

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng khẳng định, với việc thiết lập QHSX dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất phù hợp với trình độ phát triển xã hội hóa cao của LLSX, chế độ XHCN sẽ thủ tiêu được căn nguyên của mọi tình trạng áp bức, bóc lột, bất công, bất bình đẳng... của chế độ tư hữu trong các chế độ xã hội trước, xây dựng một xã hội tốt đẹp tiến bộ, văn minh, không còn áp bức, bóc lột, bất công. Nhân dân lao động được sở hữu mọi tư liệu sản xuất cơ bản, được làm chủ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, được lao động, cống hiến và hưởng thụ thành quả tương xứng với đóng góp của mình cho xã hội, được bảo đảm quyền công dân, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện, cơ hội phát triển toàn diện bản thân,... Thực tế, một số quốc gia đã nhận thức, vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thực hiện xây dựng chế độ XHCN và từng bước đã đạt những thành tựu phát triển tốt đẹp đáng ghi nhận.

Việt Nam, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu tổn thất nặng nề bởi chiến tranh và thường xuyên phải chống đỡ sự cản phá mạnh mẽ của các thế lực thù địch trên mọi phương diện, đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển tương đối cao, với mức tăng trưởng GDP trung bình khoảng 6% mỗi năm. Quy mô nền kinh tế tăng từ 6,3 tỷ USD (năm 1989) lên 409 tỷ USD (năm 2022), đứng thứ 37 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ năm trong ASEAN và trong nhóm 14 nước hàng đầu châu Á. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể với thu nhập bình quân đầu người tăng từ khoảng 250 USD/năm (trong những năm 1990) lên 4.110 USD/năm (năm 2022), đứng thứ năm trong ASEAN(1). Tỷ lệ hộ nghèo trung bình đến năm 2020 chỉ còn dưới 3%; được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam cũng được xếp hạng khá cao trên thế giới...(2). Trong mọi thời kỳ, dù khó khăn đến đâu, Việt Nam vẫn luôn kiên định và nỗ lực hết sức để thực hiện mục tiêu xây dựng chế độ XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; chú trọng bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân được đóng góp công sức và được hưởng thụ thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không để ai bị bỏ rơi trong tiến trình phát triển ấy. Mọi thành tựu phát triển kinh tế, bảo đảm dân chủ, công bằng, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà Việt Nam đã đạt được trong hiện thực là minh chứng sống động phản bác, đập tan những luận điệu xuyên tạc của những quan điểm thù địch, phản động phủ nhận bản chất tốt đẹp và những giá trị hiện thực của chế độ XHCN. Những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trên cơ sở sự định hướng, soi đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã giúp Việt Nam gặt hái những thành tựu phát triển to lớn, đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(3).

Tương tự, công cuộc xây dựng CNXH ở Trung Quốc thời gian qua cũng thu nhận những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. Hay như Cu-ba, dù phải đương đầu bao khó khăn vất vả từ hậu quả chiến tranh và chính sách bao vây, cấm vận khắc nghiệt, vẫn đạt những thành tựu phát triển đáng ngưỡng mộ trong quá trình xây dựng CNXH, nhất là trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục... Hoặc như Lào, dù xuất phát điểm thấp, song nhờ kiên định theo định hướng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và nỗ lực của cả dân tộc, đến nay đã đạt những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, diện mạo đất nước thay đổi từng ngày trên con đường tiến lên CNXH, kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,8%; trong đại dịch COVID-19, tăng trưởng của Lào vẫn đạt dương, thu nhập bình quân năm 2020 đạt khoảng 2.664 USD(4).

Về những thất bại, sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực tại Liên Xô hay Đông Âu, bất cứ ai quan tâm tìm hiểu sẽ thấy nguyên nhân chủ yếu là do sự vận dụng sai lầm, giáo điều lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cộng thêm sự chống phá mạnh mẽ của các thế lực thù địch phản động trong và ngoài nước,... Ngày nay, khi nhắc đến những thành tựu tươi đẹp, ưu việt của chế độ XHCN ở Liên Xô trước đây, rất nhiều người dân vẫn tỏ rõ sự tiếc nuối, luyến tiếc.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin chỉ rõ bản chất bóc lột, bất công thực sự của chế độ tư bản chủ nghĩa

Các thế lực thù địch và phần tử cơ hội xuyên tạc rằng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mang nặng tính chủ quan, cảm tính, phản khoa học khi luôn gán cho chế độ TBCN bản chất xấu xa không có thực, như bóc lột, áp bức, bất công,...; rằng chế độ TBCN mới thực sự là chế độ xã hội tốt đẹp, tiến bộ, văn minh(!?).

Trong tiến trình phát triển mang tính lịch sử - tự nhiên của nhân loại, chế độ TBCN tất yếu tốt đẹp, tiến bộ, văn minh hơn chế độ phong kiến và các chế độ xã hội trước đó, song nó đương nhiên không tiến bộ, văn minh bằng chế độ XHCN tiếp sau đó, càng không phải là chế độ xã hội tốt đẹp nhất, ưu việt nhất.

Học thuyết giá trị thặng dư - một phát hiện vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã phân tích, chỉ rõ bản chất bóc lột của nền kinh tế TBCN. CNTB luôn phơi bày bản chất bóc lột, bất công thực sự của chế độ TBCN - một chế độ xã hội luôn bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho sự bóc lột ngày càng gia tăng của giai cấp tư sản đối với người lao động, làm gia tăng tình trạng bất công, bất bình đẳng trong việc cống hiến và hưởng thụ giữa những ông chủ tư bản và những người công nhân,...

Tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc ở các nước tư bản chủ nghĩa _Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, các nhà tư tưởng tư sản, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội luôn cố tình ra sức phủ nhận, xuyên tạc rằng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là chủ quan cảm tính, phản khoa học, trước đây đã không đúng, nay càng lỗi thời, không có giá trị. Bởi lẽ, hiện nay CNTB đã thay đổi, không còn mang bản chất bóc lột nữa; người lao động hiện nay cũng được sở hữu cổ phần, tham gia quản lý sản xuất, được lao động, cống hiến, hưởng thụ theo sự đóng góp của mình, được chăm lo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tốt, được hưởng đầy đủ các quyền dân chủ, quyền con người... chứ không hề bị bóc lột, áp bức, bị đối xử bất công(!?); rằng CNTB đã và đang chứng minh nó thực sự là chế độ dân chủ, tiến bộ, văn minh, ấm no, hạnh phúc mà ai cũng mong muốn, kể cả những người mác-xít, những người cộng sản(!?)...

Nhưng bất luận các nhà tư tưởng tư sản, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội có ra sức phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, biện bạch cho CNTB, thì bản chất bóc lột, bất công của chế độ TBCN ngay từ khi ra đời và đến nay vẫn không thay đổi. Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù CNTB đã thực hiện điều chỉnh và thực tế không thể phủ nhận là có nhiều quốc gia TBCN đã “tươi đẹp” hơn, tiến bộ hơn, văn minh hơn, dân chủ hơn so với trước, song như đã phân tích, đó chính là những chỉ dấu về một chế độ xã hội tốt đẹp hơn đang dần hiện hữu trong lòng chế độ TBCN, và đó cũng là minh chứng cho quá trình lịch sử - tự nhiên tất yếu sẽ xảy ra đúng như chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã dự báo. Mặt khác, “hiện thực tươi đẹp” đó của CNTB thực chất cũng là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ bao năm qua của những người lao động trên con đường đòi tự do, dân chủ, công bằng mà các nhà tư bản buộc phải thỏa hiệp, thực hiện nếu không muốn bị sụp đổ, bị thay thế nhanh hơn. Hơn nữa, cũng không phải mọi quốc gia TBCN đều có sự “tươi đẹp” hơn như vậy, thay vào đó, người ta lại thấy ngày càng nhiều hơn, rõ hơn sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng, khủng hoảng, biểu tình, bạo động, chiến tranh, xung đột phe phái, tranh giành lợi ích giữa các tập đoàn, quốc gia tư bản trong hệ thống các nước TBCN...

Thực tế, xét trên phạm vi rộng của chế độ TBCN, bản chất bóc lột, bất công, bất bình đẳng không hề thay đổi, có chăng chỉ là có thay đổi diện mạo, hình thức với cách thức bóc lột khôn khéo hơn, tinh vi hơn, che đậy kỹ hơn mà thôi. Những con số thực tế được chính các tổ chức quốc tế ở các quốc gia TBCN công bố những năm qua chỉ rõ mức độ bóc lột trong nền kinh tế TBCN không hề giảm đi mà còn gia tăng đáng sợ.

Con số lợi nhuận 300%, mà thời Mác thấy rất lớn, thì từ năm 2010 đã bị nhiều tập đoàn tư bản bỏ xa. Nền kinh tế TBCN ngày nay vẫn đang tìm mọi cách để vắt kiệt sức lực của người lao động để thu về những khoản lợi nhuận kếch sù cho các nhà tư bản. Theo báo cáo của Tổ chức Oxfarm, 82% của cải được tạo ra trong năm 2017 thuộc về 1% những người giàu có nhất. Năm 2019, khoảng hơn 2.000 tỷ phú của thế giới sở hữu khối tài sản nhiều hơn 4,6 tỷ người. 1% người giàu nhất sở hữu lượng tài sản gấp hơn hai lần 6,9 tỷ người còn lại. Trên toàn thế giới, nền kinh tế phục vụ 1% dân số giàu nhất được xây dựng trên những tấm lưng còng và mồ hôi của những người công nhân bị trả lương thấp và bị khước từ ngay cả các quyền cơ bản của con người(5).

Chế độ TBCN vẫn đã, đang bảo vệ cho lợi ích của 1% các nhà tư bản và “miệt mài” tạo điều kiện, cơ hội cho các nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư, làm giàu, hưởng lợi trên mồ hôi, công sức của những người lao động. Lợi nhuận của các tập đoàn tư bản và lương của các chủ tư bản trong hơn một thế kỷ qua liên tục tăng không ngừng cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của LLSX, của khoa học - công nghệ trong khi thu nhập thực tế của người lao động chỉ tăng không đáng kể. Khoảng cách thu nhập giữa các CEO tư bản và người lao động vẫn tiếp tục giãn rộng cùng với sự gia tăng không ngừng mức độ bóc lột giá trị thặng dư của các ông chủ tư bản. Nếu ở thời của Mác, sự chênh lệch đó chỉ khoảng 20 lần thì đến năm 2020, chênh lệch lương của lãnh đạo và nhân viên ở các tập đoàn lớn thuộc các doanh nghiệp S&P 500, như Nike, Coca Cola, Microsoft, Gap,... khoảng 300 lần; lương của CEO tập đoàn Amazon cao gấp 741 lần nhân viên; thu nhập của CEO tập đoàn công nghệ Aptiv cao gấp 5.000 lần một người lao động(6); lương của CEO công ty Google năm 2022 là 226 triệu USD, trong khi thu nhập bình quân của nhân viên chỉ là 279.802 USD/người(7). Tất nhiên, con số chênh lệch đó sẽ không dừng lại mà sẽ tiếp tục gia tăng không ngừng.

Lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế, các tập đoàn tư bản còn gia tăng mở rộng đầu tư ra các nước chưa phát triển, kém phát triển để thực hiện bóc lột kép nhiều tầng nấc đối với người lao động trên phạm vi toàn cầu, không chỉ là bóc lột siêu giá trị thặng dư, mà còn bóc lột cả nhân công giá rẻ, khai thác kiệt quệ tài nguyên của các nước nghèo, trả về cho họ là sự ô nhiễm môi trường, là những bãi rác thải công nghiệp và nhiều vấn nạn xã hội tiêu cực... Đó là chưa kể, vì lợi nhuận, nhiều quốc gia TBCN sẵn sàng tạo cớ, tìm cách can thiệp thô bạo, kích động mâu thuẫn, xung đột, gây nên nhiều cuộc chiến giữa các quốc gia nhằm để bán được nhiều vũ khí, thu về những khoản lợi nhuận lớn cho các tập đoàn tư bản, phớt lờ những mất mát, đau thương của hàng triệu người dân vô tội,... Chứng kiến hiện thực đó, nhiều học giả ở chính các quốc gia TBCN đã phải thốt lên rằng chế độ tư bản không phải là của dân, do dân và vì dân như họ vẫn quảng bá, tuyên truyền, mà thực chất chỉ là của 1%, do 1% và vì 1% những chủ tư bản, những người giàu có(8). Xem ra, những nhận định của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về bản chất bóc lột, bất công của chế độ TBCN ở thế kỷ trước, hay nhận định gần đây của học giả nổi tiếng người Anh, GS Terry Eagleton (Trường Đại học Tổng hợp Lancaste): “Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm”(9), đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.

Cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh tính đúng đắn, khách quan, khoa học trong những phân tích, dự báo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về bản chất bóc lột và xu thế tất yếu bị thay thế của chế độ TBCN chứ không hề áp đặt ý chí chủ quan thù địch hay có thái độ hằn học, ghen ghét, cố tình bôi xấu chế độ TBCN. Ngược lại, một số người đã sử dụng nhãn quan và lối suy luận chủ quan cảm tính, thù địch để đánh giá sai, xuyên tạc, phủ nhận tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phủ nhận chân giá trị đích thực của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phủ nhận những dự báo khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin về sự ra đời tất yếu và bản chất ưu việt, tốt đẹp, dân chủ, tiến bộ, văn minh của chế độ XHCN.

Cũng dễ hiểu vì sao họ phải tìm mọi cách để tiêu diệt, xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin đến vậy, bởi lẽ, chủ nghĩa Mác - Lê-nin không chỉ là hệ thống lý luận mang tính khoa học đã phân tích, vạch trần bản chất bóc lột, bất công của chế độ TBCN, mà hơn thế còn trang bị cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới phương pháp, cách thức để xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng chế độ XHCN tốt đẹp, đòi lại tự do, công bằng, bình đẳng, dân chủ thực sự cho con người, đưa nhân loại từng bước tiến đến kỷ nguyên mới tiến bộ, văn minh, ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, lẽ tất nhiên, họ không bao giờ dễ dàng từ bỏ công cuộc chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ nhằm hạ bệ, xóa sổ chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Các quan điểm sai trái, thù địch, với nhiều giọng điệu, nhiều chiêu bài, cách thức khác nhau, ra sức công kích, xuyên tạc rằng: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là hệ thống lý luận khoa học, cách mạng, càng không mang tính nhân văn, nhân đạo, và vì thế nó không đáng được coi trọng, càng không thể xứng với vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam dẫn dắt nhân loại đến kỷ nguyên tươi đẹp ấm no, hạnh phúc; nếu cứ mù quáng tin theo, làm theo thứ lý luận lạc hậu, phản khoa học ấy thì chỉ chuốc lấy thất bại, sẽ kéo lùi tiến trình phát triển tiến bộ, văn minh của nhân loại, đẩy nhân loại đi vào ngõ cụt đói nghèo, tăm tối, không có tương lai (!?). Không khó để nhận ra mục đích chính của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội cực đoan là muốn hạ bệ, xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, gây hoang mang, dao động về tư tưởng trong nhân dân, quấy nhiễu, chống phá các đảng mác-xít và đích cuối cùng là ngăn cản, thủ tiêu chế độ XHCN, cổ xúy, bảo vệ đến cùng chế độ TBCN. Điều nguy hại là, trước sự tấn công, bôi nhọ, xuyên tạc mạnh mẽ của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội cực đoan, đã có một số người hoang mang, dao động, hoài nghi tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nghe theo các luận điệu sai trái, thù địch.

Những người cộng sản chân chính và các dân tộc đi theo con đường XHCN, trong đó có Việt Nam cần tăng cường chủ động, tích cực, nâng cao cảnh giác và quyết tâm ngăn chặn hiệu quả mọi sự chống phá, bảo vệ chân giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cũng là bảo vệ công cuộc xây dựng chế độ XHCN trong hiện thực vì tương lai tốt đẹp, tiến bộ, văn minh của dân tộc mình và của cả nhân loại./.

--------------------

(1) Xem: Nguyễn Ngọc Hồi: “Vạch trần sự sai trái của luận điểm “Chủ nghĩa Mác đã cáo chung””, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 18-5-2023, http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/vach-tran-su-sai-trai-cua-luan-diem-chu-nghia-mac-da-cao-chung/20280.html
(2) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 31 - 33
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25
(4) “Thông tin cơ bản về CHDCND Lào”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 17-7-2022, https://special.nhandan.vn/thongtincoban_lao/index.html
(5) Đãi ngộ người lao động, không phải nhóm siêu giàuOxfarm, tháng 1-2018, https://www-cdn.oxfam.org/s3fs-public/bp-reward-work-not-wealth-220118-vi.pdf; “Virut bất bình đẳng”, Oxfarm, ngày 25-1-2021, https://vietnam.oxfam.org/latest/press-release/virus-bat-binh-dang
(6) “CEO các tập đoàn lớn thu nhập gấp 300 lần người lao động trung bình”, Thời báo VTV, ngày 17-7-2021, https://vtv.vn/kinh-te/ceo-cac-tap-doan-lon-thu-nhap-gap-300-lan-nguoi-lao-dong-trung-binh-20210717055909251.htm
(7) Theo: https://vietnambiz.vn/ips-khoang-cach-luong-giua-cac-ceo-va-nhan-vien-my-ngay-cang-tang-2022672288984.htm https://vtv.vn/kinh-te/ceo-google-thu-nhap-bao-nhieu-trong-nam-2022-20230424100529844.html
(8) Nguyễn Mạnh Hưởng: “Phải chăng ngày nay giai cấp công nhân không còn sứ mệnh lịch sử”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 21-5-2012,  http://tapchiqptd.vn/vi/binh-luan-phe-phan/phai-chang-ngay-nay-giai-cap-cong-nhan-khong-con-su-menh-lich-su/1205.html
(9) Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng?, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012, tr. 40