Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thu hút đầu tư
TCCS - Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,5 tỷ USD, vượt 25% kế hoạch và thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt trên 51.000 tỷ đồng, vượt 18,6% kế hoạch. Qua hơn nửa chặng đường nỗ lực thực hiện, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Những tháng còn lại của năm 2023, tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để có thể thực hiện thành công mục tiêu thu hút đầu tư đã đề ra.
Những con số “biết nói”
Tính đến hết tháng 8-2023, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt 853 triệu USD, bằng 85,5% kế hoạch năm 2023. Các cơ quan đăng ký đầu tư của tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án FDI, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2022, với tổng vốn đăng ký đạt 727,24 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án với số vốn tăng thêm là 26,41 triệu USD; cấp 2 thông báo về việc nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp với giá trị vốn góp đạt gần 1 triệu USD. Qua đó, đưa Quảng Ninh đứng thứ 9 trong cả nước, đứng thứ 4 trong Vùng đồng bằng sông Hồng về tổng vốn thu hút đầu tư từ đầu năm đến nay. Trong các dự án thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn, số dự án thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo, có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao chiếm đa số, đúng theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Đáng chú ý, có 3 dự án quy mô lớn với vốn đầu tư trên 100 triệu USD, gồm: Dự án Công ty TNHH Autoliv Việt Nam (Thụy Điển) tại Khu Công nghiệp Sông Khoai có vốn đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu; dự án sản xuất sản phẩm khóa chốt và dập định hình BolTun Việt Nam (Đài Loan (Trung Quốc)) có vốn đầu tư 165 triệu USD; dự án Nhà máy FECV và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh có tổng vốn đầu tư hơn 246 triệu USD. Với kết quả này, tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh hiện đã đạt hơn 11,5 tỷ USD, gồm 164 dự án FDI đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó có 104 dự án thực hiện tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 5,34 tỷ USD; 60 dự án thực hiện ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,23 tỷ USD. Quảng Ninh đứng thứ 11 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bên cạnh đó, dấu ấn đậm nét của Quảng Ninh trong năm 2023 phải kể đến việc về đích mục tiêu thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách sớm gần nửa năm. Đến hết tháng 8, tổng số vốn thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đã đạt hơn 45.304 tỷ đồng, bằng 105,4% so với mục tiêu đặt ra, trong đó có 13 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 40.484 tỷ đồng; 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng trên 4.820 tỷ đồng, tỷ lệ gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm 2022.
Chủ động xây dựng các giải pháp thu hút đầu tư
Để đạt được những con số ấn tượng trên, ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đã tích cực, chủ động xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, hoạch định chiến lược trong công tác thu hút đầu tư. Bám sát chỉ đạo của Trung ương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay từ đầu năm, các sở, ngành chức năng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các kế hoạch, kịch bản, nhiệm vụ và giải pháp trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư năm 2023, phân công rõ nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và địa phương trong việc hoàn thành chỉ tiêu được giao. Định kỳ hằng tháng, Ủy ban nhân dân tỉnh đều tổ chức họp kiểm điểm tiến độ thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nghe báo cáo nhanh của các sở, ngành, địa phương liên quan; kịp thời nhìn nhận những vấn đề khó khăn, vướng mắc để tìm phương án giải quyết, tháo gỡ.
Cùng với đó, Quảng Ninh xác định quy hoạch tốt mới có dự án tốt, nhà đầu tư tốt, trên cơ sở kế thừa các quy hoạch chiến lược được xây dựng qua nhiều giai đoạn, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được lập trên toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh và được Chính phủ phê duyệt. Đây được coi là quy hoạch “gốc”, làm khung định hướng nền tảng phát triển tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới. Toàn bộ các nội dung về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, tầm nhìn, khâu đột phá của tỉnh, cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, giải pháp của các ngành, lĩnh vực từ kinh tế - xã hội đến hạ tầng, tổ chức không gian, bảo vệ môi trường, sử dụng đất... đã được xây dựng và làm rõ sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý phát triển, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn, tạo điều kiện huy động đa dạng nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia, nhằm tạo động lực cho việc xây dựng và phát triển.
Từ các quy hoạch, kế hoạch được xây dựng bài bản, với chiến lược, tầm nhìn mang tính kế thừa dài hạn, môi trường đầu tư của Quảng Ninh đã ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư quan tâm, triển khai đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những dự án lớn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Trên cơ sở các quy hoạch chiến lược của tỉnh và kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác thu hút đầu tư, từ đầu năm đến nay Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tích cực đón tiếp, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư tại Quảng Ninh; thường xuyên trao đổi, nắm bắt, kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đặc biệt, xác định phải thực hiện tốt các quy hoạch chiến lược, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất... Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu nhiều giải pháp để tạo lập môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, hấp dẫn cho tỉnh, như: Chấp thuận hướng tuyến đường dây 110kV cấp điện cho Trạm biến áp 110kV Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (thị xã Quảng Yên); phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên); đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (quốc lộ 18C) từ Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2)...
Mở rộng khai thác đối tác tiềm năng
Song song với việc kiến thiết môi trường đầu tư hấp dẫn, an toàn, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như các sở, ban, ngành và địa phương đều tích cực, chủ động, đa dạng hóa hoạt động xúc tiến đầu tư, triển khai các giải pháp thu hút doanh nghiệp. Trong đó trọng tâm là việc thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc doanh nghiệp; kịp thời lắng nghe, tìm biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, đặc biệt là chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, các nhà đầu tư chiến lược đã và đang đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh.
Hiện tỉnh đang gấp rút hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Với bộ tiêu chí, tỉnh sẽ thể hiện rõ quan điểm trong việc ưu tiên, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có uy tín, tiềm lực và kinh nghiệm; thu hút trọng tâm vào các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách... nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm đúng định hướng và đạt chỉ tiêu. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đón tiếp và làm việc với hơn 80 lượt đoàn, trong đó có hơn 60 lượt đoàn đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, gấp đôi so với cùng kỳ. Qua đó, thể hiện sự chủ động trong tìm kiếm, gặp gỡ và tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, bên cạnh việc tiếp đón đoàn, tổ chức các hội nghị, hội thảo tầm cỡ để xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh còn tích cực tham gia vào các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư trong nước.
Nhờ sự chủ động, tích cực trong xúc tiến đầu tư, bên cạnh việc tiếp tục thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống, lần đầu tiên Quảng Ninh đã đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh. Trong 8 tháng năm 2023, đã có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai đầu tư các dự án tại Quảng Ninh. Đến thời điểm hiện tại, đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh./.
Hoạt động đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện  (24/10/2023)
Xây dựng mô hình du lịch văn hóa tại các làng nghề tỉnh Quảng Ninh  (24/10/2023)
Hà Nội nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh  (24/10/2023)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Kỳ họp thứ 49 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên
- An ninh con người trong bối cảnh thế giới thay đổi và thực tiễn chính sách ứng phó của Việt Nam và Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên