Đại diện Công đoàn tham gia Hội đồng quản trị: Quy định đúng, nhưng triển khai vẫn... giậm chân tại chỗ
TCCS - Vai trò còn mờ nhạt trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động đang tồn tại ở không ít tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp. Góp phần khắc phục nhược điểm trên, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho Công đoàn tại các doanh nghiệp nhà nước đang cổ phần hóa được mua khoảng 5% cổ phần ưu đãi để có đại diện tham gia Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, để quy định trên đi vào cuộc sống, còn nhiều khó khăn phải tháo gỡ.
Phóng viên Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở trao đổi với Tiến sĩ Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện một số tổ chức công đoàn cơ sở về vấn đề trên.
1. Ông Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Phóng viên (PV): Sự cần thiết công đoàn phải tham gia Hội đồng quản trị ở các loại hình doanh nghiệp, như: các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, công ty cổ phần... được thể hiện ra sao, thưa ông?
Ông Đặng Quang Điều: Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật, tập trung là Luật Công đoàn. Một trong những chức năng rất quan trọng của Công đoàn là chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích của cán bộ, công nhân viên và người lao động; quản lý nhà nước và xã hội, đồng thời thực hiện nhiệm vụ giám sát các hoạt động của Nhà nước, tổ chức kinh tế. Để thực hiện tốt chức năng đó, Công đoàn đã chủ động tham gia vào hầu hết các hoạt động theo luật định.
Ở phạm vi cơ sở, cụ thể là ở các loại hình doanh nghiệp, như: tổng công ty, tập đoàn kinh tế, các công ty cổ phần - nơi nắm giữ những “mạch máu” của nền kinh tế và có hàng triệu lao động cần được chăm lo - thì để tham gia quản lý có hiệu quả, kiểm tra, giám sát và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, tổ chức công đoàn cần và rất cần là thành viên Hội đồng quản trị. Vì, Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý cao nhất của doanh nghiệp, có quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong sản xuất, kinh doanh và chế độ chính sách, phúc lợi đối với người lao động. Đây là một quy định “nhắm trúng” vào điểm yếu hiện nay của không ít các doanh nghiệp, khi mà vai trò, vị thế tổ chức công đoàn còn chưa được phát huy, hiệu quả hoạt động hạn chế, dẫn tới tiếng nói, quyền lợi của người lao động không phải lúc nào và ở nơi nào cũng được lắng nghe và bảo vệ.
Nhận thức rõ vấn đề này, ngay từ khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 và Luật Doanh nghiệp năm 2005, Tổng Liên đoàn đã đề nghị với Ban Soạn thảo hai luật trên cần có quy định, đại diện của Công đoàn phải là thành viên đương nhiên trong Hội đồng quản trị của các tổng công ty nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác mà Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối.
Tuy nhiên, đề xuất này của Tổng Liên đoàn đã chưa được cơ quan soạn thảo lắng nghe và tiếp thu.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn cũng đã đề nghị với Chính phủ cho Công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa được mua cổ phần ưu đãi với mức 5% vốn điều lệ để trở thành cổ đông lớn, có đủ điều kiện tham gia vào Hội đồng quản trị. Đề nghị này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và giao cho cơ quan soạn thảo thể chế hóa trong Nghị định số 109/2007/NĐ-CP về chuyển công ty 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
PV: Vậy từ khi có quy định bán cổ phần cho tổ chức công đoàn, quy định này đã được thực hiện trong thực tiễn ra sao, thưa ông?
Ông Đặng Quang Điều: Có thể nói, dù Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc, song việc mua cổ phần của công đoàn cơ sở để tham gia Hội đồng quản trị là rất khó khăn, bởi một số quy định dưới luật lại không phù hợp với thực tiễn và pháp luật hiện hành, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn nhau.
Đơn cử như Nghị định số 109/2007/NĐ-CP, của Chính phủ, về chuyển công ty 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần như trên đã đề cập. Cụ thể, Điều 35, quy định: “Tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa được sử dụng nguồn quỹ hợp pháp (của Công đoàn) tại doanh nghiệp cổ phần hóa (không huy động, vay vốn) để mua cổ phần, nhưng không quá 3% vốn điều lệ. Số cổ phần này do tổ chức Công đoàn nắm giữ nhưng không được chuyển nhượng”.
Vì quy định như vậy, trong suốt 3 năm thực hiện Nghị định trên, trong cả nước, chỉ có 12 công đoàn cơ sở mua được cổ phần trên tổng số 240 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do, quy định Công đoàn cơ sở chỉ được dùng quỹ công đoàn tại doanh nghiệp để mua cổ phần, mà thực tế, hầu hết quỹ công đoàn tại cơ sở đã được sử dụng để chăm lo cho người lao động và hoạt động công đoàn, nên không còn kết dư. Ngay cả ở nơi công đoàn cơ sở có quỹ, cũng không dám mua cổ phần, vì sợ mua rồi không được bán, thì khi cần kinh phí cho hoạt động không biết xoay sở ở đâu.
Quy định của Nghị định trên là bán cho Công đoàn cơ sở 3% vốn điều lệ để Công đoàn đủ điều kiện tham gia Hội đồng quản trị, nhưng trong thực tế, sở hữu 3% vốn điều lệ không thể tham gia Hội đồng quản trị. Vì, tại Điều 110, Luật Doanh nghiệp quy định điều kiện tham gia trên là phải nắm giữ ít nhất 5% vốn điều lệ. Trong thực tế, điều lệ của nhiều công ty cổ phần còn đưa ra điều kiện cao hơn, do đó, công việc trên càng trở nên khó khăn hơn.
Mặt khác, quy định công đoàn không được bán cổ phần như Nghị định số 109/2007/NĐ-CP là không phù hợp với thực tiễn và trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tôi xin nhấn mạnh là, Luật Doanh nghiệp không có bất cứ một quy định nào cấm cổ đông không được bán cổ phần, kể cả cổ phần ưu đãi.
Với những bất cập nêu trên, Tổng Liên đoàn đang tiếp tục đề nghị sửa Nghị định số 109/2007/NĐ-CP quy định về việc bán cổ phần cho tổ chức Công đoàn theo hướng: Nếu quỹ Công đoàn tại cơ sở không mua hết 3% vốn điều lệ, thì công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ của công đoàn cấp trên và được huy động vốn góp của đoàn viên công đoàn để mua cổ phần; Công đoàn cơ sở được bán cổ phần sau 3 năm kể từ ngày có quyết định chuyển thành công ty cổ phần, hoặc khi có sự đồng ý của Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
PV: Thưa ông, nhưng nếu Công đoàn có mua hết đủ 3% vốn điều lệ, thì cũng không đủ điều kiện tham gia Hội đồng quản trị vì Luật Doanh nghiệp quy định điệu kiện tối thiểu phải sở hữu hoặc đại diện sở hữu 5% vốn điều lệ trở lên?
Ông Đặng Quang Điều: Đúng là như vậy, để tham gia Hội đồng quản trị, thì việc nắm giữ 3% vốn điều lệ là chưa đủ.
Chính vì vậy, Công đoàn cơ sở cần tuyên truyền vận động người lao động ủy quyền cho Công đoàn cơ sở đại diện cho số cổ phần của mình để có đại diện tham gia Hội đồng quản trị, tham gia họp Đại hội cổ đông. Ngoài ra, thông qua Đại hội công nhân viên chức, Công đoàn đề nghị trích một phần quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của doanh nghiệp để mua cổ phần và Công đoàn cơ sở là đại diện của số cổ phần này, để tham gia Hội đồng quản trị.
Tổng Liên đoàn cũng đề nghị với cơ quan soạn thảo chính sách về cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cần thể chế hóa đối với chủ trương về vốn tự có của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX), về đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Vốn tự có này là công sức chung của đại đa số người lao động đóng góp, do đó nên cho phép đưa một phần vốn tự có để tính cổ phần cho người lao động. Người lao động được hưởng lãi nhưng không được rút cổ phần này khỏi doanh nghiệp.
Nếu chủ trương này được thể chế, thì Công đoàn với tư cách đại diện phần vốn tự có được chuyển thành cổ phần trên, sẽ có đủ điều kiện tham gia Hội đồng quản trị, đồng nghĩa với việc vai trò, tiếng nói được nâng cao, nhiêm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cổ đông nhỏ trong công ty, của người lao động đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
2. Ông Kiều Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
“Dùng quỹ của Công đoàn mua cổ phần để có đại diện tham gia Hội đồng quản trị là không khả thi. Bởi quỹ của Công đoàn cơ sở rất hạn hẹp, bao gồm 2% quỹ tiền lương của doanh nghiệp, nhưng 1% phải nộp cho công đoàn cấp trên, chỉ còn lại 1%. Nguồn quỹ quá ít ỏi này dành cho các hoạt động cơ bản đã thiếu, thì lấy đâu để mua cổ phần, nhất là mua đủ 5% số cổ phần theo luật định. Theo tôi, cách thức dễ dàng và khả thi nhất là, Công đoàn thuyết phục, vận động người lao động liên kết, bầu chọn, cử đại diện cho số cổ phần gộp lại của mình là Công đoàn tham gia Hội đồng quản trị. Điều quan trọng và khó ở đây là, Công đoàn phải vận động người lao động không bán đi số cổ phiếu mình đang nắm giữ, vừa để hưởng quyền lợi của người làm chủ doanh nghiệp, vừa bảo đảm việc liên kết và cử đại diện trên hợp pháp. Mặt khác, ở những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn hàng nghìn tỉ đồng, hoạt động trên nhiều địa bàn, việc vận động người lao động để có đủ 5% số cổ phần lại hết sức khó khăn, nếu đạt được cũng là cả một quá trình tích lũy tương đối lâu dài”.
3. Ông Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, Công ty Cổ phần Cơ khí Hòn Gai - TKV, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh
“Việc tham gia Hội đồng quản trị của đại diện Công đoàn là rất cần thiết, để phần nào tiếng nói của người lao động tại doanh nghiệp được phản ánh kịp thời. Tuy nhiên hiện nay, cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động công đoàn không nhiều; lương, thưởng lại do chủ doanh nghiệp trả. Theo tôi, cán bộ công đoàn đồng thời lại là người lao động của công ty, lệ thuộc vào chủ doanh nghiệp về lương, công việc thì việc đấu tranh với “ông chủ của mình” để bảo vệ quyền lợi người lao động không tránh khỏi hình thức. Công đoàn hoạt động tốt hay không, đôi khi do chính sự tâm huyết, ủng hộ của chủ doanh nghiệp quyết định, chứ không phải do cán bộ công đoàn. Bởi vậy, nên nghiên cứu mô hình cán bộ công đoàn không chuyên trách hưởng lương từ chính quỹ đóng góp của người lao động, độc lập tương đối với công ty, để đại diện cho người lao động theo đúng nghĩa. Cùng với đó là việc sửa đổi, hoàn chỉnh Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, mà hiện nay nhiều quy định đã tỏ ra không còn phù hợp”. /.
“Các giá trị Mỹ” bị tiến công (07/12/2010)
- Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay
- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị chính sách
- Lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng: Những dấu ấn, bài học kinh nghiệm ở vùng Đông Nam Bộ
- Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới: Mục tiêu và chiến lược cấp bách
- Định vị thương hiệu quốc gia Việt Nam qua ngoại giao văn hóa
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Gìn giữ, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam