Trong chặng đường 20 năm qua, Đảng bộ thị xã Tam Điệp luôn thực hiện nhất quán quan điểm chỉ đạo của Trung ương: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. 
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ đã đoàn kết, thống nhất và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, đồng thời đề ra nhiều chủ trương, giải pháp sát đúng, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Từ đó đã tạo nên sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thị xã.

Tập trung phát triển kinh tế

Nắm bắt các yếu tố thuận lợi, trong các nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Tam Điệp luôn xác định công nghiệp là khâu đột phá nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Với điều kiện địa hình chiếm 70% là đồi núi, có tiềm năng về nguồn nguyên liệu đá vôi, đất sét, vì vậy sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến rau quả xuất khẩu là ngành công nghiệp chủ lực của thị xã. 

Thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng thị xã Tam Điệp trở thành thị xã công nghiệp, trong những năm qua, thị xã phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch khu công nghiệp. 

Khu công nghiệp Tam Điệp được mở rộng quy hoạch thêm 360 ha. Với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thuận lợi, thị xã Tam Điệp đã thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, hiện đại, phát huy nguồn lực đất đai, tài nguyên khoáng sản, nguồn lực lao động dồi dào của địa phương. Ngoài các sản phẩm chủ lực, sản xuất công nghiệp của thị xã đã có thêm các sản phẩm: xi măng, clinker, giày da, may mặc... Một số dự án công nghệ cao đã được thị xã cấp phép đầu tư. Hiện nay, trên 200 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho trên 3.200 lao động, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước.

Sản xuất công nghiệp phát triển đã “kéo theo” sự phát triển khá đa dạng, phong phú của các hoạt động dịch vụ, thương mại trên địa bàn. Trong quy hoạch chung của tỉnh, thị xã nằm trong hệ thống phát triển du lịch của tỉnh, điểm đến của du khách trong và ngoài nước với các dự án: Khu liên hợp sân golf 54 lỗ, khu du lịch Đồi Dù, Khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng... 

Thị xã Tam Điệp đã và đang khẳng định được thế mạnh của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước được chuyển đổi. Thị xã chú trọng phát triển các cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương. Kinh tế trang trại nhiều năm qua có nhiều đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã. Hiện thị xã có trên 220 trang trại với các sản phẩm chính cây trồng, vật nuôi như: bò, dê, dứa, nhãn, vải, đào phai, cây cảnh... Năm 2011, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 62 triệu đồng, tăng 40 triệu đồng so với năm 2005. 

Có thể khẳng định, từ những định hướng, chủ trương và chính sách phù hợp của Ban chấp hành Đảng bộ thị xã, 20 năm qua, thị xã Tam Điệp có bước phát triển vượt bậc. Kinh tế luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, nhất là trong 5 năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 20%/năm. Tổng giá trị sản xuất tăng mạnh qua các năm, năm 2011 đạt 5.484 tỷ đồng, tăng gấp 73,1 lần so với năm 1992. Cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 70,51%; dịch vụ 26,4%; nông nghiệp 3,45%. Thị xã ngày càng khẳng định là một trong 3 vùng phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các vùng phụ cận. 

Đẩy mạnh phát triển văn hóa - giáo dục

Song song với phát triển kinh tế, Đảng bộ thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa - xã hội gắn với thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thị xã phát triển toàn diện và vững chắc. Quy mô trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn ở các cấp học, ngành học được duy trì. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Phòng học kiên cố của các bậc học đạt 85,7%, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Đến nay, thị xã có 5/9 trường mầm non, 7/7 trường tiểu học, 7/7 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia; Trường THPT Nguyễn Huệ là đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên theo hướng đạt chuẩn, trên chuẩn đối với từng ngành học, cấp học. Công tác xã hội hóa giáo dục được thực hiện có hiệu quả nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Hệ thống đào tạo nghề trên địa bàn được nâng cấp đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương và cả nước.

Tam Điệp là nơi hội tụ và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền. Đó là đặc điểm xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp về yếu tố con người trong quá trình dựng xây thị xã. Dưới dự lãnh đạo của Đảng, truyền thống yêu nước nồng nàn, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động, xây dựng cuộc sống mới của quân và dân Tam Điệp càng được phát huy cao độ. Thị xã Tam Điệp còn là nơi chứa đựng bề dày lịch sử văn hóa với hệ thống phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và 6 di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Do đó, thị xã đã chú trọng công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của quê hương. Coi xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thị xã đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - thông tin, tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển mạnh đã góp phần động viên các tầng lớp nhân dân thị xã tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, xây dựng nếp sống văn minh đô thị... Hàng năm, thị xã có 85% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trên 60% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến.

Kinh tế - xã hội phát triển, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm thực hiện tốt đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Điều này được minh chứng qua con số: Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 25 triệu đồng, gấp hơn 4 lần so với năm 2005; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,25% (theo tiêu chí mới).

Tăng cường công tác xây dựng Đảng

Đảng bộ thị xã luôn chăm lo công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ trong các nhiệm kỳ qua là tăng cường củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1993, Đảng bộ thị xã có 57 tổ chức cơ sở đảng với 3.229 đảng viên, đến nay, Đảng bộ có 64 tổ chức cơ sở đảng với 4.365 đảng viên. Qua đánh giá xếp loại hàng năm, số tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh luôn đạt từ 85 - 90%; các đoàn thể vững mạnh đạt từ 85 - 90%; hàng năm kết nạp từ 145 - 150 quần chúng ưu tú vào Đảng.

Ban Thường vụ Thị ủy đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng như việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Triển khai đồng bộ các khâu công tác cán bộ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đến việc bố trí, sử dụng cán bộ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật do Điều lệ Đảng quy định. Những năm qua, Đảng bộ luôn vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình thực hiễn của địa phương; tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, ban hành các chỉ thị, nghị quyết sát đúng với yêu cầu thực tiễn đặt ra. 

Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên từ thị xã đến cơ sở đã có sự chuyển biến rõ nét. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp luôn nêu cao tính tiền phong gương mẫu, nói đi đôi với làm, đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động; tích cực hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... 

Nhìn lại 20 năm qua, người dân thị xã Tam Điệp luôn tự hào về sự đổi thay diệu kỳ của quê hương mình. Thị xã hiện nay đã mang dáng vóc của một đô thị công nghiệp. Hệ thống hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư khang trang, hiện đại với kết cấu hạ tầng đồng bộ, không gian đô thị được mở rộng; công tác quy hoạch và quản lý đô thị được quan tâm...

Thực hiện Nghị quyết của Thị ủy, Ban Thường vụ Thị ủy Tam Điệp về xây dựng và phát triển thị xã Tam Điệp trở thành đô thị loại III vào năm 2012 và trở thành thành phố vào năm 2020, thị xã đã xây dựng lộ trình và bước đi cụ thể. Đảng bộ và nhân dân thị xã đang nỗ lực, phấn đấu để thị xã được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh vào cuối năm 2012 nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, tạo bước phát triển đột phá của thị xã trong tương lai./.