TCCSĐT - Trong hai ngày 26 và 27-3-2012, Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân đã chính thức diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc và đã ra Tuyên bố chung Seoul. Theo đó, các nước cam kết hạn chế tối đa và dần loại bỏ các nguyên liệu có thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân như urani làm giàu cấp độ cao hay plutoni.

1. Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc

 
 Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc

Trong hai ngày 26 và 27-3-2012, Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân đã chính thức diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc và đã ra Tuyên bố chung Seoul. Theo đó, các nước cam kết hạn chế tối đa và dần loại bỏ các nguyên liệu có thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân như urani làm giàu cấp độ cao hay plutoni. Cam kết cũng bao gồm giải giáp chống phổ biến vũ khí hạt nhân và khuyến khích sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho rằng, nội dung Tuyên bố Seoul đề cập nhiều lĩnh vực như, hệ thống an toàn hạt nhân trên toàn cầu, vai trò của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, vấn đề bảo đảm an toàn hạt nhân, trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế… Tuyên bố đồng thời đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường bảo đảm an ninh hạt nhân. Theo Yonhap, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị cao trong việc tăng cường an ninh hạt nhân, ngăn chặn khủng bố hạt nhân, đồng thời nêu bật sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này. Còn hãng tin Nhật Bản Kyodo có bài bình luận cho rằng, việc các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận các biện pháp nâng cao trình độ quản lý an toàn các cơ sở hạt nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề an toàn hạt nhân, kể từ sau khi xảy ra sự cố hạt nhân tại Nhật Bản hồi năm ngoái.

2. Israel cắt đứt quan hệ với Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Ngày 26-3-2012, Chính phủ Israel tuyên bố nước này quyết định cắt đứt quan hệ với Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCR) sau khi cơ quan này tuần trước khẳng định sẽ điều tra các khu định cư Do Thái tại bờ Tây bị chiếm đóng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel, ông Yigal Palmor cho rằng cuộc điều tra của Hội đồng Nhân quyền thể hiện định kiến đối với Israel. Tuy nhiên, ông Y.Palmor khẳng định Israel vẫn hợp tác đầy đủ với các cơ quan khác của Liên hợp quốc. Trong một phản ứng mới nhất, Chính quyền Palestine cho rằng, việc Israel cắt đứt quan hệ với UNHCR là bằng chứng cho thấy, Israel không tôn trọng luật pháp quốc tế. Người phát ngôn Chính quyền Palestine Ghassan Khatib nhấn mạnh, việc xây dựng các khu định cư ở bờ Tây và Đông Jerusalem sẽ không dừng lại nếu không có thêm những sức ép từ phía cộng đồng quốc tế. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã lên án kế hoạch xây dựng các khu định cư mới dành cho người Do Thái Israel ở khu bờ Tây và Đông Jerusalem, cho rằng hành động này đi ngược lại tiến trình hòa bình và đe dọa giải pháp hai nhà nước tại Trung Đông. Việc Nhà nước Do Thái cắt đứt quan hệ với UNHCR có nghĩa rằng, nhóm tìm hiểu thực tế mà Hội đồng này cử đến khu Bờ Tây sẽ không được tiếp cận khu vực này hay vùng lãnh thổ của Israel. Hiện có khoảng 500.000 người Israel và 2,5 triệu người Palestine sống tại khu bờ Tây và Đông Jerusalem.

3. Syria chấp thuận đề xuất của phái viên Kofi Annan

 
 Chính phủ Syria đã chấp thuận kế hoạch sáu điểm của ông Kofi Annan về việc chấm dứt xung đột tại Syria

Ngày 27-3-2012, phát ngôn viên của phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan cho biết, Chính phủ Syria đã chấp thuận kế hoạch sáu điểm của ông K.Annan về việc chấm dứt xung đột tại Syria. Ông K.Annan kêu gọi đình chiến tại Syria do Liên hợp quốc giám sát, lực lượng Chính phủ Syria rút quân và vũ khí hạng nặng ra khỏi các thành phố diễn ra biểu tình, ngừng giao tranh ít nhất hai giờ mỗi ngày để viện trợ nhân đạo, trả tự do cho những người bị bắt giữ trong cuộc xung đột một năm qua, đối thoại chính trị giữa chính phủ và phe đối lập. Tuy nhiên, đề xuất của ông K.Annan không đặt thời hạn chót để chính quyền Syria thực hiện các yêu cầu đó, cũng như không kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Đây cũng là lý do phe đối lập bác bỏ kế hoạch 6 điểm của ông K.Annan. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Ahmad Fawzi cho hay Chính phủ Syria đã hồi đáp rằng, họ chấp thuận kế hoạch sáu điểm của phái viên Liên hợp quốc-AL Kofi Annan mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua. Cùng ngày, tại Bắc Kinh, trong cuộc gặp với ông Kofi Annan, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bày tỏ tin tưởng rằng, vấn đề Syria sẽ được giải quyết bằng một biện pháp công bằng, hòa bình và thích hợp. Khác với sự ủng hộ của Trung Quốc, các cường quốc phương Tây đã phản ứng một cách đầy nghi ngờ trước chấp thuận của Syria. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, sự chấp thuận kế hoạch hòa bình của Tổng thống Syria Assad nên được đánh giá bằng hành động. Theo bà H.Clinton, ông Assad phải cho phép viện trợ nhân đạo và bắt đầu chuẩn bị chuyển giao dân chủ. Các nhóm đối lập phải đưa ra một quan điểm thống nhất, một tầm nhìn về Syria mà họ muốn xây dựng.

4. Hội nghị người đứng đầu tình báo ASEAN

Sáng 27-3-2012, Hội nghị không chính thức tình báo quốc phòng ASEAN lần thứ 9 (AMIIM-9) đã khai mạc tại Phnom Penh với sự tham dự của những người đứng đầu ngành tình báo của 10 nước thành viên, do phía Campuchia, với tư cách Chủ tịch ASEAN, chủ trì. Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Chea Tara, Phó Tổng Tư lệnh quân đội Hoàng gia (RCAF), Cục trưởng Cục Nghiên cứu và tình báo RCAF, nói rằng các thành viên ASEAN nhất trí sự hợp tác về lĩnh vực tình báo có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường và củng cố các mối quan hệ giữa các nước thành viên. Mặt khác, ông Chea Tara nhấn mạnh, việc đối phó với những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực vẫn là mối quan tâm chung của ASEAN cũng như của mỗi thành viên; và mỗi nước đều có chương trình trung hạn và ngắn hạn để đối phó; nhưng có chỉ có thông qua hợp tác vững chắc mới có thể chiến thắng những vấn đề rất phức tạp này. Tại Hội nghị, các trưởng đoàn đã thảo luận và thống nhất chủ đề “Thúc đẩy khả năng tác chiến phối hợp hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2015”, “Dự thảo tuyên bố chung của ACDFIM-9” và “Thỏa thuận về hoạt động sắp tới của ACDFIM-9”.

5. Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững


Ngày 28-3-2012, Liên hợp quốc cho biết các nước đã kết thúc vòng thương lượng cuối cùng về các văn bản của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20), với các kiến nghị mới kêu gọi mở rộng cả về chiều rộng và chiều sâu các vấn đề trong chương trình nghị sự của hội nghị nhằm định hình các hành động toàn cầu vì tương lai bền vững. Các kiến nghị này sẽ là nền tảng để thảo luận sâu hơn tại các phiên họp ở New York (Mỹ) và Rio de Janeiro (Brazil) sắp tới nhằm hoàn tất các văn bản này trước khi Hội nghị Rio+20 khai mạc ngày 20-6-2012. Các nước thành viên Liên hợp quốc đã cam kết với kỳ vọng rất cao vào Hội nghị Rio+20, đặc biệt là đổi mới cam kết chính trị và hành động để đạt được phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh nhu cầu khẩn cấp phải thay đổi tiến trình nhằm loại bỏ nhanh chóng các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững, xây dựng tương lai bền vững mà mọi người đều mong muốn, đặc biệt cho trẻ em. Các ý tưởng mới tập trung phát hiện cân bằng giữa ba trụ cột của phát triển bền vững là thịnh vượng kinh tế, xã hội lành mạnh và bảo vệ môi trường. Sự cân bằng này được coi là nhân tố then chốt trong văn bản cuối cùng của Rio+20. Từ nhân tố này có thể đề xuất các hành động để vượt qua nhiều thách thức có liên quan như thiếu tiếp cận năng lượng và nguồn nước, thất nghiệp, bất bình đẳng lan rộng, khoảng cách công nghệ, đô thị hóa nhanh, mất an ninh lương thực, đánh bắt quá mức các nguồn hải sản và các đại dương bị ô nhiễm, thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ và tài chính, trách nhiệm các công ty và các thị trường kinh tế….

6. Hội nghị Tư lệnh quốc phòng khu vực ASEAN lần 9

Ngày 29-3-2012, Hội nghị không chính thức Tư lệnh Quốc phòng ASEAN lần thứ 9 (ACDFIM-9) do Campuchia chủ trì với sự tham dự của 10 nước thành viên đã được tổ chức tại Phnom Penh. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Đại tướng Pon Saroeun, Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF), Chủ tịch ACDFIM-9, trình bày những đánh giá về việc thúc đẩy khả năng tác chiến phối hợp hướng tới cộng đồng ASEAN năm 2015, thảo luận và thống nhất các họat động trong thời gian tới, kế hoạch hành động hai năm, ký Tuyên bố chung của ACDFIM-9 và các văn bản liên quan. Tuyên bố chung của Hội nghị ACDFIM nhấn mạnh quyết tâm tăng cường sự hợp tác giữa các lực lượng quân sự ASEAN, trở thành vai trò trụ cột trong việc đối phó có hiệu quả đối với những thách thức an ninh trong khu vực, đối phó có hiệu quả với nhận thức toàn diện về an ninh, với các hình thức đe dọa, tội phạm vượt phạm vi quốc gia và các thách thức xuyên biên giới. Tuyên bố nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện các thỏa thuận và cam kết của các trưởng đoàn trong diễn đàn ACDFIM-9 cũng như các diễn đàn AMIIM-2 và AMOIM-9, thực hiện kế hoạch hành động 2013-2014, tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN, các hành động hợp tác cụ thể để đối phó với các thách thức an ninh xuyên biên giới, kể cả đối phó với thiên tai… Kết thúc một ngày Hội nghị, Tư lệnh quân đội Myanmar đã tiếp nhận tư cách nước chủ nhà của ACDFIM-10.

7. Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ tư

 
Nguyên thủ của 5 nước thành viên đã có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ tư ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ 

Ngày 29-3-2012, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ tư đã được tổ chức tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) để thảo luận việc thiết lập một ngân hàng phát triển chung, tạo quỹ đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển. Hội nghị đã chia thành hai nhóm vấn đề để thảo luận. Một là, tình hình kinh tế thế giới và quá trình thực thi Hiệp định khung về sự phát triển bền vững và cân bằng, cải cách các định chế điều khiển toàn cầu, hòa bình và an ninh ở mức toàn cầu. Hai là, Liên minh BRICS và sự phát triển bền vững, trong đó bao gồm các vấn đề về thành lập Ngân hàng Phát triển Nam - Nam dưới sự lãnh đạo của Liên minh BRICS theo mô hình của Ngân hàng Thế giới (WB), việc chuẩn bị nội dung cho các hội nghị của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và sinh học sẽ diễn ra muộn hơn trong năm nay ở Brazil và Ấn Độ, cũng như quá trình thực thi các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, tương lai của vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ của WTO, tình hình an ninh trong lĩnh vực an ninh năng lượng toàn cầu... Theo đánh giá của các thành viên trong nhóm BRICS, tới năm 2030 nhu cầu về nguồn năng lượng trên thế giới sẽ tăng hơn 1,5 lần, trong khi nguồn trữ lượng lại đang bị hạn chế. Theo nhóm BRICS, các nước cần tính toán lại nhu cầu đầu tư quy mô vào tất cả các khâu của chuỗi năng lượng tránh để tình trạng 80% nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân sẽ được thỏa mãn nhờ nhiên liệu khoáng sản mà trữ lượng của nó bị hạn chế.

8. Cuba ký thỏa thuận hợp tác y tế với WHO

Ngày 30-3-2012, Bộ trưởng Y tế Cuba Roberto Morales và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc sản xuất dược phẩm và chuyển giao công nghệ tại thủ đô Havana trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của phái đoàn WHO tới nước này. Phát biểu sau lễ ký kết, bà M.Chan nêu bật những thành tựu của Cuba trong lĩnh vực y tế, đồng thời nhấn mạnh quốc đảo này có một mô hình y tế toàn diện, trong đó đặc biệt là y tế dự phòng cũng như những phương pháp điều trị khoa học mà rất nhiều nước trên thế giới cần phải học tập. Quan chức WHO cũng đánh giá cao sự hợp tác và giúp đỡ về y tế của Cuba đối với các nước trên thế giới và cho rằng WHO có trách nhiệm phải hỗ trợ Cuba để hệ thống y tế nước này tiếp tục phát triển một cách hiệu quả và bền vững. Cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO đã được Chủ tịch Cuba Raul Castro tiếp thân mật, trong đó hai bên đã nêu bật mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Cuba và WHO cũng như thảo luận phương hướng mở rộng các dự án hợp tác song phương trong thời gian tới. Phái đoàn quan chức cao cấp của WHO do bà Margaret Chan dẫn đầu tới Cuba từ ngày 26-3-2012 để tham dự hội nghị Nhóm Nghiên cứu các chính sách toàn cầu của tổ chức này, lần đầu tiên được tổ chức tại quốc đảo vùng Caribe.

9. Hội nghị thường kỳ lần thứ nhất cấp thủ tướng giữa Trung Quốc và Kazakhstan


Ngày 31-3-2012, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Kazakhstan Karim Masimov đã tham dự Hội nghị thường kỳ lần thứ nhất cấp thủ tướng diễn ra tại Bắc Kinh. Đây là cuộc gặp đầu tiên trong khuôn khổ cơ chế Hội nghị thường kỳ được triển khai nhân dịp Trung Quốc và Kazakhstan kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đây là bước quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện cũng như tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước, với mục tiêu giải quyết các vấn đề lớn và tạo ra sự hợp tác mới. Cũng tại Hội nghị thường kỳ, ông Ôn Gia Bảo đề xuất hai bên tăng cường khuôn khổ pháp lý, bắt đầu các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt nhằm tiến tới ký các thỏa thuận về kiểm soát quá cảnh hàng hóa và các dịch vụ lao động ngắn hạn. Về phần mình, Thủ tướng Kazakhstan Karim Masimov cho rằng cơ chế Hội nghị thường kỳ giữa hai nước là sự thực thi đầy đủ kế hoạch được Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhất trí về sự hợp tác cùng có lợi cho cả người dân và chính phủ hai nước. Ông Karim Masimov cũng đề nghị hai nước mở rộng hợp tác trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cam kết ủng hộ Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức vào cuối năm nay tại Bắc Kinh./.