Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Mỹ: Nhìn từ góc độ kinh tế

TS LÊ THỊ HẰNG NGA - NGUYỄN LÊ THY THƯƠNG
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
16:56, ngày 09-07-2024

TCCS - Dưới thời kỳ Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi, quan hệ kinh tế Ấn Độ - Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc, nổi bật là sự phát triển nhanh chóng của thương mại và đầu tư, hợp tác công nghệ cao và năng lượng. Đây là những kết quả tiếp nối sự phát triển quan hệ Ấn Độ - Mỹ từ “đối tác chiến lược” thành “đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện”. Bước phát triển mới trong hợp tác kinh tế hai nước mở ra những cơ hội mới cho mỗi nước, cũng như sự tăng trưởng chung của khu vực và toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, Washington, DC, ngày 22-6-2023 _Ảnh: AFP/TTXVN

Quan hệ đối ngoại - chìa khóa thúc đẩy hợp tác kinh tế Ấn Độ - Mỹ

Kể từ khi nhậm chức năm 2014 đến nay, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đã thực hiện sáu chuyến thăm Mỹ, góp phần gia tăng mức độ gắn kết giữa Ấn Độ và Mỹ. Đặc biệt, chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đến Mỹ (tháng 6-2023) được coi là bước ngoặt mang lại động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Ấn Độ - Mỹ.

Với sự phát triển của quan hệ ngoại giao song phương Ấn Độ - Mỹ, các khuôn khổ tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư được hình thành, hoạt động hợp tác diễn ra sôi nổi và thường xuyên, thúc đẩy hợp tác kinh tế phát triển mạnh mẽ. Hai nước đã giải quyết các tranh chấp tồn đọng trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Diễn đàn Đối thoại thương mại Ấn Độ - Mỹ được khởi động lại và được hai bên khuyến khích thúc đẩy để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nhân sự, đổi mới và tăng trưởng toàn diện, trước hết là tại các thành phố ở cả hai nước.

Về thương mại, có thể thấy sự phát triển ngày càng sâu sắc của quan hệ Ấn Độ - Mỹ. Khối lượng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Ấn Độ sang Mỹ tăng từ 82 tỷ USD trong năm tài chính 2018 - 2019 lên 111 tỷ USD trong năm tài chính 2022 - 2023, trong khi khối lượng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ vào Ấn Độ tăng từ 58 tỷ USD trong năm tài chính 2018 - 2019 lên 76 tỷ USD trong năm tài chính 2022 - 2023(1). Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 133 tỷ USD và thương mại dịch vụ đạt khoảng 58 tỷ USD. Ấn Độ là thị trường lớn thứ 10 của Mỹ (thị phần chiếm 2,3%) và Mỹ là thị trường lớn nhất của Ấn Độ (thị phần chiếm gần 1/5). Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD của Ấn Độ, thương mại Ấn Độ - Mỹ có thể tăng lên 300 tỷ USD vào các năm 2026 - 2027(2). Trong số ít đối tác thương mại lớn mà Ấn Độ chia sẻ thặng dư thương mại, phần thặng dư với Mỹ là lớn nhất.   

Về đầu tư, trong giai đoạn sau đại dịch COVID-19, Ấn Độ đạt được sự phát triển nhanh chóng nhờ sự gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này, trong đó có đóng góp đáng kể từ Mỹ. Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đã tận dụng những chuyến công du đến Mỹ để quảng bá cho chiến dịch “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ), kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài cũng như người Ấn Độ sinh sống ở nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ, biến Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng cho Ấn Độ. Sau năm 2019, dòng vốn FDI toàn cầu có sự biến động nhất định, song dòng vốn FDI của Ấn Độ lại đi ngược xu hướng và tăng lên 49,3 tỷ USD vào năm 2022. Trong đó, đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ mở rộng nhanh nhất, trở thành nước đầu tư chính của Ấn Độ, chiếm 12% vào năm 2022. Trong năm tài khóa 2020 - 2021, Mỹ là quốc gia đứng thứ hai đưa dòng vốn FDI vào Ấn Độ, với mức đóng góp 17,94% trong tổng dòng vốn FDI. Trong giai đoạn 2022 - 2023, Mỹ có nguồn FDI lớn thứ ba đầu tư vào Ấn Độ với 6,04 tỷ USD, chiếm gần 9% tổng dòng vốn FDI. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang đầu tư vào Mỹ và gia tăng giá trị(3).

Trong thời gian tới, Mỹ và Ấn Độ thúc đẩy việc thiết lập một nền tảng đầu tư nhằm giảm chi phí tài chính và đẩy nhanh việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, lưu trữ pin và công nghệ xanh mới nổi ở Ấn Độ. Để đạt được mục tiêu này, Quỹ đầu tư và hạ tầng quốc gia của Ấn Độ và Tập đoàn tài chính phát triển Mỹ đã trao đổi nghị định thư và mỗi bên sẽ đầu tư 500 triệu USD làm cơ sở cho Quỹ đầu tư hạ tầng năng lượng tái tạo(4).

Dây chuyền sản xuất máy tính Dell của Mỹ ở Ấn Độ _Nguồn: fortuneindia.com

Về chuỗi cung ứng, đối với Mỹ, Ấn Độ là quốc gia chủ chốt trong việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 11-2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Gian-nét L. Y-e-lân (Janet L. Yellen) khẳng định, Mỹ đang theo đuổi một lộ trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng và để đạt được mục tiêu này, Mỹ tích cực tăng cường hội nhập kinh tế sâu sắc hơn với các đối tác đáng tin cậy như Ấn Độ(5).

Trong nhiều khía cạnh khác nhau của chuỗi cung ứng, công nghệ là lĩnh vực hợp tác tiềm năng hàng đầu của Ấn Độ và Mỹ. Những năm gần đây đã chứng kiến sự tăng tốc hợp tác giữa hai nước về lĩnh vực công nghệ với sáng kiến chung: Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về Công nghệ quan trọng và mới nổi (iCET). Sáng kiến iCET được chính thức ra mắt vào tháng 1-2023, với mục đích nâng cao và mở rộng quan hệ đối tác công nghệ chiến lược song phương và hợp tác công nghệ quốc phòng giữa hai chính phủ cùng với các doanh nghiệp và tổ chức học thuật của Ấn Độ và Mỹ. Sáng kiến giúp thúc đẩy cam kết hợp tác song phương trong các lĩnh vực công nghệ kép, như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử và chất bán dẫn, tăng cường công nghệ chuỗi cung ứng, hệ sinh thái đổi mới, hợp tác quốc phòng và truyền thông thế hệ tương lai. iCET cũng giúp tăng cường hợp tác không gian, bao gồm các phương pháp tiếp cận đổi mới trong lĩnh vực thương mại của hai nước nhằm phối hợp và khởi xướng các trao đổi tài năng STEM (S - Khoa học, T - Công nghệ, E -  Kỹ thuật, M - Toán học), bao gồm khoa học vũ trụ, khoa học Trái đất và chuyến bay vào không gian của con người. 

Ngày 10-3-2023, Ấn Độ và Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và phát triển hệ sinh thái chip, giảm phụ thuộc vào một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Theo đó, hai bên đồng ý thành lập một tiểu ban bán dẫn, đứng đầu là Bộ Thương mại Mỹ, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin (MeitY) và Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ(6). Việc ký kết MoU giữa Liên minh Bharat 6G và Liên minh Next G (do Liên minh Giải pháp công nghiệp viễn thông điều hành) là bước đầu tiên hướng tới tăng cường hợp tác công - tư giữa các nhà cung cấp và nhà khai thác. Hai bên khẳng định việc thành lập hai nhóm công tác chung, tập trung hợp tác trong mạng truy cập vô tuyến mở (Open Radio Access Network, hay còn gọi là Open - RAN) và nghiên cứu phát triển công nghệ 5G/6G. Một nhà sản xuất Open - RAN của Mỹ sẽ tiến hành thí điểm Open - RAN 5G với một nhà khai thác viễn thông hàng đầu Ấn Độ trước khi triển khai. Các nhóm làm việc chung đã được thành lập trong lĩnh vực viễn thông tiên tiến, nơi nghiên cứu công - tư được thực hiện để giảm chi phí, tăng cường an ninh và cải thiện khả năng phục hồi mạng. 

Mỹ nhấn mạnh cam kết hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực lượng tử, chào đón sự tham gia của Trung tâm quốc gia S.N. Bose cho các nghiên cứu khoa học cơ bản. Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) Bombay đã tham gia và trở thành đối tác quốc tế của Trung tâm lượng tử Chicago.

Việc ký kết thỏa thuận giữa Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) và Bộ Công nghệ sinh học Ấn Độ nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học và đổi mới sản xuất sinh học sẽ thúc đẩy hợp tác học thuật và hợp tác công nghiệp ở hai nước về nghiên cứu chất bán dẫn, hệ thống truyền thông thế hệ tiếp theo, an ninh mạng, công nghệ xanh và phát triển bền vững, hệ thống giao thông vận tải thông minh(7). Ấn Độ đã ký kết với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Hiệp định Artemis nhằm thúc đẩy tầm nhìn chung về hợp tác hòa bình, bền vững và minh bạch trong lĩnh vực khám phá không gian vì lợi ích của con người.

Các thỏa thuận về quốc phòng và công nghệ quan trọng được ký kết giữa Ấn Độ và Mỹ, cũng như sự chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn, là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang được coi là trung tâm mới của chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, Ấn Độ đang sẵn sàng tận dụng lợi thế này. Đây là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với lực lượng lao động chi phí thấp, tầng lớp trung lưu với khoảng 250 triệu người tiêu dùng và triển vọng ngày càng tăng đối với thương mại và đầu tư. Các lĩnh vực sản xuất ở Ấn Độ, như ô tô, dược phẩm và lắp ráp điện tử đã có sự phát triển lớn mạnh hơn, góp phần thúc đẩy Ấn Độ trở thành một công xưởng mới của thế giới.

Bên cạnh hợp tác thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng, hai nước tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác. Ấn Độ và Mỹ đã phát triển khuôn khổ Đối thoại Doanh nghiệp Ấn Độ - Mỹ, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm, các cơ quan đầu tư doanh nghiệp và quan chức chính phủ ở hai nước nhằm xây dựng kết nối giữa hệ sinh thái đổi mới của hai nước. Khuôn khổ này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới nổi, cũng như cơ hội nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Ngoài ra, trong Tuyên bố chung Mỹ - Ấn Độ vào tháng 9-2023, hai nước cam kết bảo vệ lợi ích của người lao động xuyên biên giới và tiếp tục tìm hiểu điều kiện cần thiết cho việc ký kết thỏa thuận về an sinh xã hội. Đồng thời, tăng cường hợp tác, giao lưu nhân dân, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình cấp thị thực. Mỹ chủ trương mở hai lãnh sự quán mới ở Bengaluru và Ahmedabad (Ấn Độ), giúp giảm bớt tình trạng tồn đọng và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng giữa hai nước.

Ấn Độ và Mỹ không chỉ hợp tác chặt chẽ ở cấp độ song phương, mà còn có lợi ích chung trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế toàn cầu, thể hiện qua sự hợp tác mạnh mẽ trong các tổ chức và khuôn khổ, như Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20), Nhóm “Bộ Tứ” (QUAD), Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi (Ấn Độ), ngày 9-9-2023 _Nguồn: AFP/TTXVN

Tác động đến kinh tế Ấn Độ

Sự phát triển của hợp tác kinh tế Ấn Độ - Mỹ tác động tích cực đến nền kinh tế Ấn Độ. Trong lĩnh vực công nghệ, hợp tác công nghệ Ấn Độ - Mỹ mang lại cho Ấn Độ kỹ năng, công nghệ, thị trường. Ban đầu, từ việc các doanh nghiệp Ấn Độ chỉ sao chép phần mềm từ các thị trường khác thông qua gia công công nghệ thông tin, đến nay đang dẫn đầu với những cải tiến phần mềm mới. Đơn cử như Aadhaar (hệ thống nhận dạng sinh trắc học lớn nhất và phức tạp nhất thế giới của Ấn Độ) cho phép thanh toán hiệu quả và an toàn chỉ bằng ID (so với tiêu chuẩn số an sinh xã hội của Mỹ áp dụng từ gần một thế kỷ qua). Hay năm 2016, Công ty viễn thông Jio Ấn Độ đã có sự đột phá trong ngành công nghiệp với dịch vụ dữ liệu tốc độ cao, chi phí thấp. Jio đã mở rộng các dịch vụ kỹ thuật số ở Ấn Độ, mang lại quyền truy cập 5G đến từng bang ở Ấn Độ, cho phép người dân thực sự tham gia thế giới điện thoại thông minh với mức giá phải chăng nhất trên thế giới.

Đối với Ấn Độ, lợi ích trong hợp tác thương mại với Mỹ là rõ ràng. Ấn Độ là bên xuất siêu trong quan hệ thương mại với Mỹ. Vì vậy, hợp tác thương mại với Mỹ mang lại cho Ấn Độ cơ hội ổn định nền kinh tế trong nước, thúc đẩy sự phát triển cân bằng của hoạt động ngoại thương. Hơn nữa, với sự thúc đẩy của sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ngành sản xuất của Ấn Độ đang tăng tốc thì xuất khẩu của nước này cũng tăng lên; quan trọng hơn, được thúc đẩy bởi các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ, các sản phẩm xuất khẩu của Ấn Độ đã dần chuyển sang các sản phẩm thâm dụng công nghệ cao cấp. 

Với sự hợp tác với Mỹ, kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ có những bước phát triển thần tốc trong thời gian tới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kỳ vọng Ấn Độ sẽ tăng đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá nhanh. Ấn Độ có thể sẽ chiếm 18% tăng trưởng kinh tế thế giới vào năm 2028, tăng từ mức 16% hiện nay(8). Báo cáo mới nhất do Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI) công bố cho biết, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2029. Báo cáo dự đoán GDP của Ấn Độ sẽ vượt Đức vào năm 2027 và có khả năng vượt Nhật Bản vào năm 2029, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.

Về triển vọng hợp tác kinh tế Ấn Độ - Mỹ, như Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi tuyên bố trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, “khi quan hệ đối tác của chúng ta tiến triển, khả năng phục hồi kinh tế tăng lên, sự đổi mới phát triển, khoa học phát triển, tiến bộ vì lợi ích nhân loại… thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn”(9). Cụ thể là:

Tăng cường thương mại và đầu tư. Mối quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Mỹ đã thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia. Sự gia tăng trong việc mua bán hàng hóa và dịch vụ cũng như các dự án đầu tư chéo, đã tạo ra một lực lượng kinh tế lớn và đa dạng.

Phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Với sự phát triển bùng nổ của quan hệ hợp tác kinh tế Ấn Độ - Mỹ và sự hậu thuẫn của Mỹ, Ấn Độ giờ đây đã có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm sản xuất châu Á khi sở hữu các yếu tố thuận lợi về địa - chính trị và kinh tế. Khi Mỹ chuyển giao cho Ấn Độ công nghệ then chốt trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, vai trò của nước này tăng lên như một nhân tố quan trọng trong quỹ đạo của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ vào tháng 6-2023, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi nhấn mạnh, Ấn Độ và Mỹ hợp tác với nhau về chất bán dẫn và các khoáng sản quan trọng sẽ giúp thế giới tạo ra chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt và đáng tin cậy hơn(10).

Trong hợp tác công nghệ, các chuyên gia dự báo tương lai quan hệ hợp tác công nghệ Ấn Độ - Mỹ sẽ quyết định tương lai của công nghệ và đổi mới. Với việc Ấn Độ giữ chức Chủ tịch G20 vào năm 2023, mối quan hệ đối tác Ấn Độ - Mỹ đã được tăng cường theo nhiều cách khác nhau. Hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ giữa hai nước đã tạo ra những đóng góp lớn cho sự đổi mới và phát triển. Hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ Ấn Độ và Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ mới trên thị trường toàn cầu.  

Về hợp tác năng lượng và môi trường, thông qua hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, hai nước đóng góp vào nỗ lực toàn cầu để giảm lượng khí thải nhà kính và chuyển đổi sang nguồn năng lượng bền vững. Mỹ và Ấn Độ chia sẻ tầm nhìn chung và đầy tham vọng nhằm nhanh chóng triển khai năng lượng sạch trên quy mô lớn, xây dựng sự thịnh vượng kinh tế và giúp đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Hai nước khởi xướng Kế hoạch hành động về công nghệ năng lượng tái tạo mới và mới nổi, thúc đẩy hợp tác phát triển hydro xanh, khai thác năng lượng gió ngoài khơi và trên bờ, cũng như các công nghệ mới nổi khác.

Tạo việc làm và phát triển kinh tế. Sự hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của cả hai quốc gia. Các doanh nghiệp và ngành công nghiệp tạo ra các dự án và sản phẩm mới, tăng cường sức mạnh lao động và sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Đối với hợp tác quốc tế, cùng với sự phát triển trong quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Mỹ, Mỹ đang khuyến khích Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở khu vực, quốc tế cũng như trong các thể chế đa phương do Mỹ dẫn dắt. Đặc biệt, Mỹ luôn nhấn mạnh vai trò dẫn dắt khu vực Nam Á của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là cầu nối quan trọng với các quốc gia Nam Bán cầu. Sự tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ có thể mở ra cơ hội hợp tác giữa các quốc gia Nam Bán cầu với Mỹ, theo đó gián tiếp trở thành động lực phát triển của các nước này.

Nhìn tổng thể, mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Mỹ dưới thời kỳ Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, năng lượng và phục hồi chuỗi cung ứng cho cả hai quốc gia nói riêng cũng như kinh tế toàn cầu nói chung. Đối với Ấn Độ, mối quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện với Mỹ tạo động lực cho sự phát triển, thịnh vượng của quốc gia này. Lợi ích của Ấn Độ nằm ở việc vươn lên trở thành một cường quốc theo đúng nghĩa và trong quá trình đó, Mỹ là đối tác quan trọng. Những giao thoa về lợi ích giữa Ấn Độ và Mỹ hiện nay được cho là sẽ mang lại cơ hội hợp tác hiệu quả cho hai bên trong những năm tới. Thông qua hợp tác với Mỹ, Ấn Độ đang khẳng định vị thế và tầm quan trọng trong bàn cờ chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là đối tác không thể bỏ qua của các quốc gia trên thế giới./.

-------------------------

* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 506.01-2021.06

(1) “India - USA Bilateral Trade Likely to Touch USD 300 Billion in 2026 - 27: PHD Chamber” (Tạm dịch: Kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ - Mỹ có khả năng chạm mốc 300 tỷ USD vào các năm 2026##- 2027), PHD Chamber,  2023, https://www.phdcci.in/2023/08/09/india-usa-bilateral-trade-likely-to-touch-usd-300-billion-in-2026-27-phd-chamber/
(2) “India - US Trade” (Tạm dịch: Trao đổi thương mại Ấn Độ - Mỹ), IBEF, tháng 3-2024, https://www.ibef.org/indian-exports/india-us-trade
(3) “India - US Bilateral Relations - Ministry of External Affairs” (Tạm dịch: Quan hệ song phương Ấn Độ - Mỹ - Bộ Ngoại giao), India - US Bilateral Relations, 2023,  https://www.mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/ Bilateral_Brief_as_on_09.10.2023.pdf
(4) “Joint Statement from India and the United States” (Tạm dịch: Tuyên bố chung Ấn Độ - Mỹ), The White House, ngày 8-9-2023, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/09/08/joint-statement-from-india-and-the-united-states/
(5) Aljazeera: “US Treasury Secretary Yellen looks to India for ‘friend-shoring’” (Tạm dịch: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Gian-nét L. Y-e-lân thực hiện chuyến thăm thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ ”), Aljazeera, ngày 11-11-2023, https://www.aljazeera.com/economy/2022/11/11/us-treasury-secretary-yellen-looks-to-india-for-friend-shoring
(6), (7) “Joint Statement from India and the United States” (Tạm dịch: Tuyên bố chung Ấn Độ - Mỹ), Tlđd
(8) A. Roy: “India Will Boost Contribution to Global Growth by 2028, Says IMF” (Tạm dịch: Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết Ấn Độ sẽ đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu vào năm 2028), Bloomberg, ngày 20-10-2023, https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-10-20/india-will-boost-contribution-to-global-growth-by-2028-says-imf?
(9) “Indo - US Bilateral Relations: New Orbit of Growth” (Tạm dịch: Quan hệ song phương Ấn Độ - Mỹ: Quỹ đạo tăng trưởng mới), Confederation of India Industry, ngày 21-7-2023, https://www.ciiblog.in/indo-us-bilateral-relations-new-orbit-of-growth/
(10) “Indo - US Bilateral Relations: New Orbit of Growth” (Tạm dịch: Quan hệ song phương Ấn Độ - Mỹ: Quỹ đạo tăng trưởng mới), Confederation of India Industry, ngày 21-7-2023, https://www.ciiblog.in/indo-us-bilateral-relations-new-orbit-of-growth/