Việt Nam - ASEAN: Hai mươi lăm năm một chặng đường

Nguyễn Quốc Dũng
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
15:02, ngày 14-08-2020

TCCS - Năm 2020 Việt Nam đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng là tròn 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Trong bối cảnh thế giới và khu vực thời gian gần đây chịu nhiều tác động từ những biến động địa - chính trị và dịch bệnh COVID-19, những đóng góp của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là nước Chủ tịch có trách nhiệm và đầy đủ năng lực để “chèo lái con thuyền” ASEAN vững bước đi lên. Sự tự tin, vững vàng mà chúng ta có được ngày hôm nay bắt nguồn từ nền tảng đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng suốt của Đảng và thành tựu của quá trình 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội, ngày 26-6-2020 _Ảnh: AP

ASEAN trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

Gia nhập ASEAN là một quyết định mang tính lịch sử, một quyết sách đúng đắn và kịp thời, là đột phá khẩu đầu tiên để Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới. Chính sách của Việt Nam đối với ASEAN gắn liền với quá trình phát triển và đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử khi Nhà nước Việt Nam độc lập ra đời vào 75 năm trước, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng đã là chủ trương được ưu tiên hàng đầu. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tuyên bố: “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, với ngũ cường là thái độ bạn bè”. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử khách quan, trong suốt 30 năm (1945 - 1975), nhân dân Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cũng trong lòng cuộc Chiến tranh lạnh, ASEAN ra đời vào ngày 8-8-1967 với năm nước thành viên sáng lập(2) - một vài nước trong số đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Vì thế, trong suốt mấy chục năm, Đông Nam Á đã là một khu vực bị chia rẽ sâu sắc bởi sự ngờ vực và nghi kỵ. Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã đem lại độc lập hoàn toàn, thống nhất trọn vẹn cho dân tộc ta và dẫn đến những thay đổi căn bản trong tình hình Đông Nam Á. Cuộc Chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1991 ghi một dấu mốc quan trọng, làm thay đổi cục diện khu vực, đặt ra cho ASEAN yêu cầu tìm hướng đi mới. Mở rộng ASEAN vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và từng thành viên, trở thành mục tiêu mới của Hiệp hội.

Với Việt Nam, tình trạng bị cô lập chính trị và bao vây kinh tế kết hợp với cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 80 của thế kỷ XX đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới và điều chỉnh tư duy đối ngoại. Gia nhập ASEAN trở thành ưu tiên để Việt Nam phá thế bao vây, cô lập, hội nhập khu vực và thế giới.

Sự thay đổi về tư duy đối ngoại của Đảng đối với ASEAN xuất hiện rõ nét nhất kể từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986). Cùng với việc khởi xướng đường lối đổi mới, Đảng xác định cần “phát triển và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương”, “mong muốn và sẵn sàng cùng các nước trong khu vực Đông Nam Á thiết lập quan hệ cùng tồn tại hòa bình, xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác”. Tháng 5-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13/NQ-TW, về “nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”, nhấn mạnh chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, ra sức tranh thủ các nước anh em, bè bạn và dư luận rộng rãi trên thế giới, chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác cùng tồn tại hòa bình.

Đến Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng định hướng: “Phấn đấu góp phần sớm đạt được một giải pháp chính trị toàn bộ về vấn đề Cam-pu-chia...(2)”; “Phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ở Đông - Nam Á..., phấn đấu cho một Đông - Nam Á hòa bình, hữu nghị và hợp tác”(3). So với Đại hội VI, Đại hội VII đã ghi nhận sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức về hòa bình, an ninh ở khu vực và mối liên hệ giữa an ninh quốc gia với an ninh khu vực và sự phụ thuộc lẫn nhau. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã có bước điều chỉnh quan trọng theo hướng dành mối quan tâm hàng đầu cho sự hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung, chuyển từ “đối đầu sang đối thoại”, đồng thời coi trọng quan hệ với các nước lớn trên thế giới và chủ trương hội nhập quốc tế(4).

Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã có nhiều bước cải thiện quan hệ với các nước ASEAN và tổ chức ASEAN. Năm 1992, Việt Nam tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN. Tháng 10-1993, Việt Nam đưa ra chính sách bốn điểm mới, trong đó khẳng định “chủ trương tăng cường hợp tác nhiều mặt với từng nước láng giềng cũng như với ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực, sẵn sàng gia nhập ASEAN vào thời điểm thích hợp”. Tháng 7-1994, Việt Nam được mời tham dự và trở thành thành viên sáng lập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Việt Nam là thành viên chính thức thứ bảy của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngày 28-7-1995 _Ảnh: TTXVN

Như vậy, để hiện thực hóa sự kiện gia nhập ASEAN vào ngày 28-7-1995, Việt Nam đã trải qua những bước phát triển mạnh mẽ trong tư duy đối ngoại, nhờ đó có sự chuyển hướng chiến lược sáng suốt, kịp thời, nhấn mạnh lợi ích cao nhất của đất nước lúc này là tranh thủ điều kiện hòa bình để phát triển. Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ mới, và được chỉ đạo rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng. Việt Nam tiếp tục “tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN”...(5), “tham gia tích cực các hoạt động thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)(6) và “thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN”(7).

Đại hội XI của Đảng (tháng 1-2011) đã khẳng định chủ trương Việt Nam sẽ “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”(8), đồng thời xác định nhiệm vụ “Phấn đấu cùng các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh”(9).

Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) đã xác định phương hướng đối với hợp tác trong ASEAN là “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”(10), “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”(11). Với định hướng này, việc tham gia ASEAN trở thành một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, một trọng tâm chiến lược của ngoại giao đa phương trong ASEAN của Việt Nam. Vì vậy, cần “phải nhận thức rõ tầm quan trọng của ASEAN trong tổng thể các hoạt động đối ngoại, coi ASEAN là vành đai an ninh trực tiếp của đất nước, là ngôi nhà chung của mình”(12).

Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” một lần nữa nhấn mạnh cần “tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả vai trò thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, “phát huy vị thế của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng cao vị thế, sự hiện diện của Cộng đồng trên trường quốc tế”.

Như vậy, trong suốt 25 năm qua và kể cả trước đó, chính sách của Việt Nam với ASEAN phản ánh sự phát triển căn bản trong tư duy đối ngoại và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của đất nước.

 

Kết quả 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN: Đóng góp và thành tựu

Trong suốt hành trình 25 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho một ASEAN thống nhất, đoàn kết, hòa bình, ổn định và phát triển, có tiếng nói ở khu vực và được các nước lớn công nhận.

Một là, ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Lào, Mi-an-ma (năm 1997) và Cam-pu-chia (năm 1999), mặc dù phải đối mặt với không ít lực cản. Việt Nam đã trở thành cầu nối giữa khu vực Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo để đến năm 1999, giấc mơ về một đại gia đình ASEAN gồm toàn bộ 10 quốc gia Đông Nam Á chính thức trở thành hiện thực. Với sự tham gia của cả 10 nước trong khu vực, nghi kỵ giữa các dân tộc dần được xóa bỏ, khoảng cách phát triển giữa các quốc gia từng bước được thu hẹp, tinh thần tự chủ của khu vực cũng được nâng cao đáng kể.

Hai là, Việt Nam đã đóng vai trò nòng cốt trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn trong ASEAN, như Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) (năm 1995); Tầm nhìn ASEAN 2020 (năm 1997) và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, như Chương trình hành động Hà Nội, Kế hoạch hành động Viêng Chăn; Tuyên bố hòa hợp ASEAN II (năm 2003); Hiến chương ASEAN (năm 2007); Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015); Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột và nhiều thỏa thuận quan trọng khác, như Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển...

Ba là, không chỉ tham gia xây dựng quyết sách, trong từng giai đoạn phát triển của ASEAN, Việt Nam luôn tích cực và nghiêm túc cùng ASEAN đưa các quyết sách vào triển khai, như hiện thực hóa các tài liệu Tầm nhìn, đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống. Hiện nay, Việt Nam đã và đang cùng các thành viên ASEAN tích cực triển khai xây dựng Cộng đồng, thực hiện nghiêm túc các cam kết và đề xuất sáng kiến trong nhiều lĩnh vực. Triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột của Cộng đồng, Việt Nam tiếp tục tham gia hợp tác ASEAN trên mọi lĩnh vực với mức độ và phạm vi ngày càng sâu rộng. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (sau Xin-ga-po).

Bốn là, trong bối cảnh thế giới và khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của những biến động nhanh chóng và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, Việt Nam đã đóng góp vào quá trình xây dựng nguyên tắc, “luật chơi”, cùng ASEAN ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Cùng với ASEAN, Việt Nam thúc đẩy đưa TAC trở thành bộ quy tắc chỉ đạo mối quan hệ không chỉ giữa các nước ASEAN mà cả giữa ASEAN với các nước ngoài khu vực... Với sự đóng góp của Việt Nam, ASEAN đã bày tỏ lập trường trên các vấn đề quan trọng, như Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương (AOIP, tháng 11-2019). Liên quan đến Biển Đông, Việt Nam đã đóng góp tích cực để ASEAN có những bước tiến đáng kể, như việc ra Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC, năm 2002), Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông và hiện đang cùng ASEAN tiếp tục thúc đẩy triển khai đàm phán với Trung Quốc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Năm là, Việt Nam cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Đáng chú ý, năm 2010 khi là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia. Việt Nam cũng đảm nhận thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN với Trung Quốc (2009 - 2012), với Liên minh châu Âu (EU, 2012 - 2015), với Ấn Độ (2015 - 2018) và hiện đang điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản (2018 - 2021). Những con số, như: 10 đối tác đối thoại của ASEAN, trong đó bao gồm tất cả các nước lớn, 5 đối tác phát triển và đối thoại theo lĩnh vực, gần 40 quốc gia trên thế giới tham gia TAC, hơn 90 nước thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN, cho thấy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có đóng góp của Việt Nam.

Sáu là, đóng góp của Việt Nam đối với Hiệp hội còn thể hiện ở việc đảm nhận, đăng cai thành công các hoạt động và hội nghị quan trọng của ASEAN, như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Thủ đô Hà Nội (tháng 12-1998), vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 (tháng 7-2000 đến 7-2001), vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và hiện đang nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020. Qua đó, Việt Nam góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, nâng cao uy tín của Hiệp hội và ghi dấu ấn nước Chủ tịch bằng nhiều sáng kiến.

Là thành viên tích cực, song song với những đóng góp cho sự nghiệp chung của ASEAN, Việt Nam cũng thu được những lợi ích hết sức quan trọng và căn bản.

Thứ nhất, một ASEAN quy tụ toàn bộ 10 nước Đông Nam Á đã góp phần tạo dựng một môi trường hòa bình, an ninh và ổn định chung cho khu vực cũng như từng quốc gia thành viên. Với Việt Nam, ASEAN là dấu mốc Việt Nam hội nhập, mở cửa ra thế giới. Cũng không phải ngẫu nhiên khi năm 1995 Việt Nam vừa gia nhập ASEAN, vừa bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; đang tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng với vị thế, uy tín ngày càng cao tại khu vực thông qua ASEAN và quốc tế với cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 mà Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối.

Thực tế là, Cộng đồng Chính trị - An ninh đã tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các nước thành viên ASEAN trên cơ sở cam kết chính trị, chuẩn mực ứng xử đã được thiết lập, qua đó thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Các nguyên tắc về đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ, pháp quyền, quản trị,... đã trở thành một bộ phận trong đời sống chính trị của ASEAN. Nền tảng đó tạo điều kiện cho Việt Nam cùng ASEAN góp phần củng cố cấu trúc dựa trên luật lệ, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương ASEAN.

Thứ hai, quá trình tham gia ASEAN trong 25 năm qua đã góp phần giúp Việt Nam xác định các mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển trên mọi mặt, nhất là về kinh tế - xã hội thông qua việc theo đuổi các mục tiêu chung của ASEAN, từng bước tiến hành cải cách, điều chỉnh các quy tắc, luật lệ, cắt giảm những rào cản để phát triển đất nước phồn vinh, đem lại những lợi ích cụ thể cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Hội nhập và tham gia các hoạt động hợp tác trong ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã giúp Việt Nam tranh thủ được những lợi ích thiết thực về kinh tế  - thương mại, hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế đất nước. Trong 25 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự đổi thay vượt bậc về mọi mặt, trong đó có đóng góp không nhỏ của hợp tác ASEAN. Từ chỗ là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình và được đánh giá có triển vọng duy trì tăng trưởng trong tương lai. Nếu như năm 1995, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 289 USD, thì đến năm 2019, con số này đã là 2.800 USD, tăng gần 10 lần. Quy mô nền kinh tế tăng trưởng mạnh, với mức tăng gần mười ba lần, từ 20,8 tỷ USD năm 1995 lên 266 tỷ USD vào năm 2019. Năm 2019, kinh tế Việt Nam được xếp trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019(13) với tốc độ tăng trưởng GDP là 6,5% bất chấp tình hình thế giới có nhiều biến động.

Tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN là bước đi quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, qua đó trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu. Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân, Ấn Độ và Hồng Công (Trung Quốc). Hiện nay, Việt Nam cùng các nước ASEAN đang thúc đẩy để sớm kết thúc quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020.

Nhờ sự hội nhập khu vực và khởi đầu là ASEAN, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh qua các năm, từ 10 tỷ USD (năm 1995) lên 38 tỷ USD (năm 2019). Năm 2019, Việt Nam xếp thứ hai mươi mốt về thu hút vốn FDI toàn thế giới, đứng thứ ba ở khu vực, chỉ sau Xin-ga-po và In-đô-nê-xi-a(14). Hai mươi lăm năm qua cũng chứng kiến kim ngạch xuất  - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc với ASEAN là đối tác lớn, quan trọng hàng đầu. Tiêu biểu như năm 2019, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN đạt 57 tỷ USD, tăng gấp 17 lần so với năm 1995, trong đó xuất khẩu đạt 24,96 tỷ USD, nhập khẩu đạt 32,09 tỷ USD(15). ASEAN là đối tác xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam (sau Mỹ, EU, Trung Quốc) là thị trường cung cấp hàng hóa nhập khẩu lớn thứ ba vào Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Biểu diễn văn nghệ trong Lễ khai mạc Liên hoan Âm nhạc ASEAN năm 2019 tại Hải Phòng, ngày 25-5-2019 _Ảnh: TTXVN

Thứ ba, trên khía cạnh văn hóa - xã hội, thông qua Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN - một cộng đồng bao trùm nhiều lĩnh vực, đa dạng xuyên suốt nhiều nội dung hợp tác về giáo dục, môi trường, y tế, phúc lợi xã hội, lao động và việc làm, văn hóa, thể thao..., chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam được quan tâm và bảo đảm. Hơn thế nữa, người dân Việt Nam cùng chia sẻ với người dân các nước ASEAN sự đoàn kết và thống nhất, tạo thuận lợi để xây dựng một bản sắc chung của một khu vực chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở. Với chính sách miễn thị thực du lịch ngắn hạn giữa các nước ASEAN và hạ tầng du lịch ngày càng thuận lợi, ngành du lịch ở các nước ASEAN đã cất cánh mạnh mẽ trong 25 năm qua và thu hút được nguồn khách quốc tế lớn, tạo nên nguồn thu quan trọng cho nền kinh tế. Trong các nước ASEAN, Việt Nam luôn được xem là điểm đến được ưa chuộng. Đồng thời, lao động Việt Nam đã lan tỏa ra tất cả các nước trong ASEAN, tận dụng những cơ hội việc làm đa dạng, từ những công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ cao, như tại Xin-ga-po, tới những công việc đòi hỏi kỹ năng vừa phải hơn tại các nước, như Ma-lai-xi-a, Thái Lan. Bên cạnh đó, thông qua Cộng đồng Văn hóa  - Xã hội ASEAN, người dân Việt Nam cũng được hưởng lợi từ những hợp tác như hỗ trợ người lao động, thúc đẩy quyền của người lao động di cư, lồng ghép giới và bảo vệ quyền của người phụ nữ cũng như trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, như nạn buôn bán ma túy, thiên tai, dịch bệnh..., phù hợp với mục tiêu chung của Việt Nam là đặt người dân ở vị trí trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư, gia nhập ASEAN cũng đặt ra cho Việt Nam yêu cầu cấp bách về đào tạo cán bộ làm công tác đa phương, ban đầu là phục vụ cho hợp tác ASEAN và sau này đóng góp thiết thực cho quá trình hội nhập toàn diện của đất nước. Thông qua hợp tác ASEAN và nhân lên qua các đối tác, nhiều lớp cán bộ đối ngoại của Việt Nam từ các bộ, ngành và địa phương đã được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng tiếng Anh, đàm phán, dự thảo văn kiện, trình bày, điều hành hội nghị... Đến nay, năng lực của cán bộ đa phương Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc, một phần không nhỏ là bởi nhu cầu cấp bách đặt ra khi tham gia hợp tác ASEAN và nhờ đòn bẩy của hợp tác ASEAN.

Hướng tới tương lai

ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức do dịch chuyển địa - chiến lược toàn cầu, cạnh tranh nước lớn và những biến động khó lường, tiêu biểu như dịch bệnh COVID-19. Năm 2019, ASEAN đã là “mái nhà” của khoảng 650 triệu người dân, có nền kinh tế năng động với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 3.000 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.800 tỷ USD. Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mặc dù kinh tế toàn cầu trong năm 2020 dự kiến suy giảm nghiêm trọng ở mức âm 5,2%, GDP của các nước ASEAN dự kiến vẫn tăng trưởng dương, dù thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trước dịch bệnh(16). Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với ASEAN không những trong chống dịch bệnh và phục hồi mà còn trong bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, và các nhiệm vụ xây dựng Cộng đồng trên cả ba trụ cột. Trước mắt, các mục tiêu đã đặt ra trong xây dựng Cộng đồng, như thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy thương mại nội khối,... sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Với Việt Nam, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển vẫn là một mục tiêu căn bản. Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trên bình diện kinh tế với mức độ liên kết kinh tế sâu rộng hơn thông qua các FTA được ký kết và đang hoàn tất, trong ngắn hạn, Việt Nam cần khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục phát triển vươn lên.

Hướng tới tương lai, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát huy tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Đối ngoại sẽ kiên trì đặt lợi ích quốc gia - dân tộc ở vị trí tối cao và đặt người dân, doanh nghiệp ở trung tâm. Để có tiếng nói được lắng nghe ở khu vực và quốc tế, các nước thành viên ASEAN cần thấm nhuần “Tư duy Cộng đồng, Hành động Cộng đồng”, nghĩa là gắn lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích Cộng đồng và hành động dựa trên nhận thức đó. Những quan điểm đối ngoại và tư duy đó đã tạo nên sự vững vàng của Việt Nam trong vai trò Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Hai mươi lăm năm qua đã minh chứng ASEAN luôn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong giai đoạn sắp tới, với định hướng chỉ đạo là “Đề án về Phương hướng và biện pháp Việt Nam tham gia ASEAN đến năm 2025 và Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, kết hợp nhuần nhuyễn với “Tư duy Cộng đồng, Hành động Cộng đồng”, Việt Nam sẽ chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rộng lớn./.

------------------------------
(1) Bao gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan
(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 89, 90
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 51, tr. 128 - 148
(5) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-viii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-viii-cua-dang-1549
(6) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ix/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-viii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-ix-cua-dang-1545
(7) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-x/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-ix-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-x-cua-dang-1537
(8), (9) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 237, 84
(10), (11) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang-1600
(12) Những điểm mới và những nội dung cốt lõi của đường lối đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XII của  Đảng,  https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/29421802-nhung-diem-moi-va-nhung-noi-dung-cot-loi-cua-duong-loi-doi-ngoai-trong-van-kien-dai-hoi-xii-cua-dang.html
(13) Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)
(14) Báo cáo Đầu tư quốc tế (World Investment Report) năm 2019
(15) Thái Bình: “Xuất nhập khẩu Việt Nam - ASEAN: Từ  3 tỷ đến hàng chục tỷ USD”, Báo Hải quan điện tử, https://haiquanonline.com.vn/xuat-nhap-khau-viet-nam-asean-tu-3-ty-den-hang-chuc-ty-usd-130741.html
(16) Báo cáo Ngân hàng Thế giới, ngày 8-6-2020