Về quan hệ đối tác
giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 

với các tổ chức khu vực và đóng góp của Việt Nam

Bùi Thế Giang
Nguyên Phó Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009
16:22, ngày 06-10-2019

Năm 2019 ghi dấu ấn ngoại giao khi Việt Nam được tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đây là kết quả tổng hợp của một quá trình trong đó có việc xây dựng nghị trình vận động tranh cử mà một trong những nội dung nổi bật là thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực nhằm góp phần hoàn thành sứ mệnh ngăn ngừa xung đột và duy trì hòa bình, an ninh tại các khu vực và trên thế giới.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam xuất quân làm nhiệm vụ quốc tế _Nguồn: vnexpress.net

Ngày 7-6-2019, tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73, Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với 192/193 phiếu bầu. Đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu vào vị trí này, sau 42 năm là thành viên của Liên hợp quốc và sau 11 năm kể từ lần đầu tiên được bầu vào cơ quan này trong nhiệm kỳ 2008 - 2009.

Việc được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có việc xây dựng và thực hiện hiệu quả nghị trình vận động tranh cử với những nội dung ưu tiên bao gồm ngăn chặn xung đột, tăng cường ngoại giao phòng ngừa, giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, tăng cường chủ nghĩa đa phương, củng cố phát triển bền vững, đối phó với biến đổi khí hậu và cải thiện quyền con người.

Đáng chú ý, với việc sẽ đảm đương vị trí Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020, Việt Nam xác định ưu tiên quan hệ hợp tác - đối tác giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng và Liên hợp quốc nói chung với các tổ chức khu vực. Việc lựa chọn vấn đề này phản ánh nhận thức của chúng ta về tầm quan trọng của mối quan hệ này, đồng thời phù hợp với nhận thức phổ quát và đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng quốc tế, đó là quan hệ giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, cũng như vai trò tích cực và hiệu quả của mối quan hệ này trong việc ngăn ngừa xung đột và duy trì hòa bình - một trong những công cụ thiết yếu để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể thực hiện tốt sứ mệnh của mình.

Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế

Nhận thức về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế có cơ sở là “trách nhiệm hàng đầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” theo quy định tại Khoản 1, Điều 24, Chương V của Hiến chương Liên hợp quốc. Đồng thời, theo Khoản 2, Điều 52, Chương VIII của Hiến chương Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên “cần nỗ lực tối đa nhằm giải quyết một cách hòa bình các cuộc tranh chấp ở sở tại thông qua những dàn xếp ở khu vực hoặc bởi những cơ quan khu vực trước khi chuyển các tranh chấp đó lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Những người sáng lập tổ chức liên chính phủ lớn nhất hành tinh này từ cách đây 3/4 thế kỷ đã cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng khi đưa quy định này vào Hiến chương Liên hợp quốc. Trong lúc trên thế giới hầu như chưa có tổ chức khu vực nào vào thời điểm Liên hợp quốc ra đời, chính nội dung này là xuất phát điểm để trong thực tiễn hình thành và phát triển mối quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng với các tổ chức khu vực. Bảy mươi bốn năm đã trôi qua kể từ khi bản Hiến chương Liên hợp quốc đi vào cuộc sống, thế giới đang sống trong một môi trường an ninh đan xen nhiều thách thức, đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn và sự phối hợp tốt hơn trong việc xử lý hiệu quả những vấn đề toàn cầu. Trong bối cảnh đó, với khoảng cách địa lý gần gũi và hiểu biết rõ ràng hơn, đầy đủ hơn về các vấn đề hòa bình và an ninh trong khu vực, các tổ chức khu vực hiện nay có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, và mối quan hệ đối tác giữa các tổ chức khu vực với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Một minh chứng sinh động, tiêu biểu nhất là mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU), bởi các vấn đề nóng bỏng về hòa bình và an ninh của châu Phi thường xuyên chiếm khoảng 60% các chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và vì thế luôn được sự quan tâm, theo dõi và xử lý của các thành viên. Đây cũng là một thành tố trọng tâm trong quan hệ giữa hai bên.


Là một liên minh gồm 55 quốc gia thành viên, AU xuất thân từ Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) - một tổ chức được thành lập ngày 25-5-1963. Một cột mốc mang tính chất lịch sử đối với châu lục vốn đầy ắp xung đột này là năm 2013, nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày OAU ra đời, các nhà lãnh đạo châu Phi đã tuyên bố quyết tâm không để lại gánh nặng xung đột cho thế hệ mai sau, cam kết sẽ chấm dứt mọi cuộc chiến tranh ở châu Phi muộn nhất vào năm 2020. Để hiện thực hóa tuyên bố và cam kết này, tháng 1-2017, Đại hội đồng những người đứng đầu nhà nước và chính phủ ở châu Phi đã thông qua “Lộ trình tổng thể của Liên minh châu Phi về những bước đi thực tiễn nhằm làm im tiếng súng ở châu Phi chậm nhất vào năm 2020”.

Hướng tới mục tiêu trên, AU và các cơ chế khu vực đã có nhiều nỗ lực tăng cường năng lực xử lý xung đột và các tình huống khủng hoảng tại đây. Một “Kiến trúc hòa bình và an ninh châu Phi toàn diện” và một “Kiến trúc quản trị châu Phi” đã được hình thành, giúp AU và cộng đồng quốc tế tăng cường quan hệ phối hợp và đối tác, nhờ đó hiện nay việc tham vấn và phối hợp giữa AU với các cộng đồng kinh tế khu vực, các cơ chế khu vực, Liên hợp quốc và các đối tác khác nhằm hài hòa hóa các chiến lược và hoạt động can thiệp được diễn ra thường xuyên. Cũng theo hướng đó, sự phối hợp và hợp tác mang tính chiến lược giữa AU và Liên hợp quốc đã có những bước tiến vượt bậc, nhất là sau khi Liên hợp quốc và AU ký kết “Khuôn khổ chung vì một quan hệ đối tác tăng cường về hòa bình và an ninh” vào tháng 4-2017. Tiếp đó, tháng 1-2018, Liên hợp quốc đã triển khai một loạt sáng kiến mới, trong đó có dự án kéo dài hai năm nhằm hậu thuẫn đối thoại chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho việc ngăn ngừa xung đột và trung gian hòa giải ở châu Phi. Liên hợp quốc, trực tiếp là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với AU và các đối tác khác nhằm bảo đảm các cuộc bầu cử được tiến hành một cách hòa bình tại châu lục này. Ngoài ra, tháng 6-2018, Liên hợp quốc và AU đã ký kết một Bản ghi nhớ (MOU) về việc Liên hợp quốc tăng cường ủng hộ những nỗ lực chống khủng bố và ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở châu Phi, thông qua việc tăng cường hợp tác và xây dựng năng lực cho AU, cũng như các tổ chức tiểu khu vực và các quốc gia thành viên. Tính tới đặc thù của những quốc gia, nơi đã diễn ra các cuộc xung đột trong nhiều năm, một nội dung quan trọng nữa được đưa vào mối quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc và AU là xây dựng và vận hành hiệu quả những thiết chế đáp ứng nhu cầu của công dân, một hệ thống quản trị tốt và một nền chính trị có sự tham gia rộng rãi của các thành phần trong xã hội.

Mối quan hệ tích cực giữa Liên hợp quốc và AU đã đem lại những kết quả khả quan. Tháng 3-2019, tiến trình hiệp thương, tham vấn giữa Chính phủ Cộng hòa Trung Phi với 14 nhóm vũ trang do AU và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Trung Phi tổ chức, đã đạt được sự đồng thuận. Các bên tham gia đã ký kết “Thỏa thuận Hòa bình tổng thể”, giúp hình thành một chính phủ bao gồm mọi thành phần trong xã hội. Ngoài ra, mặc dù còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa nhằm chấm dứt vĩnh viễn tiếng súng và tình trạng lạm dụng, kể cả bạo lực tình dục và giới, nhưng với việc ký kết bản thỏa thuận hòa bình mới đây tại Nam Xu-đăng, cùng sự tạo điều kiện của Cơ quan liên chính phủ về phát triển và sự hậu thuẫn của AU và Liên hợp quốc đã làm sáng lên những hy vọng mới cho quốc gia này. Trong bối cảnh xung đột triền miên, đất nước bị tàn phá nặng nề thì chỉ có tinh thần quyết tâm, sự kiên trì bền bỉ và những nỗ lực chung của các cơ quan, tổ chức trong nước, khu vực cũng như của Liên hợp quốc mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đóng vai trò đòn bẩy mới có thể đem lại những kết quả tích cực ở hai quốc gia châu Phi này.

Tăng cường khả năng phối hợp đối phó với những mối đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực

Mối quan hệ đối tác giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, từ tham gia cung cấp thông tin định kỳ, các cơ chế đối thoại chia sẻ thông tin và chiến lược, tới việc sẵn sàng cùng nhau xây dựng những cách tiếp cận chung đối với các vấn đề hiện hữu hoặc có tiềm năng phát sinh nhằm tăng cường khả năng phối hợp đối phó với những mối đe dọa hòa bình và an ninh. Chính điều này sẽ có tác động tích cực trở lại, giúp gia tăng khả năng bổ trợ lẫn nhau giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, đồng thời khai thác tối đa lợi thế so sánh của mỗi bên, đồng thời giảm thiểu khả năng sở hở khi xử lý những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Ở đây, với tư cách là một trong những nhiệm vụ phức tạp nhất do cộng đồng quốc tế triển khai thực hiện, cũng là một trong những hình thức đối tác điển hình giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên và các tổ chức khu vực với nhau, gìn giữ hòa bình đóng vai trò then chốt không chỉ trong việc ngăn ngừa xung đột tái bùng phát mà còn duy trì hòa bình và triển khai các hoạt động hậu xung đột, từ tái thiết cơ sở xã hội, phát triển thể chế đến lập pháp, hỗ trợ bầu cử, giám sát bảo vệ nhân quyền...

Để thực hiện những nhiệm vụ vừa khó khăn, vừa nhạy cảm này, điều hết sức cần thiết là bảo đảm phẩm chất và năng lực toàn diện của lực lượng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, trong đó đặc biệt chú ý nâng cao kỹ năng thực thi nhiệm vụ, tiêu chuẩn đạo đức và kỷ luật của từng cá nhân, nâng cao chất lượng các hoạt động gìn giữ hòa bình. Đây là điều không chỉ cần thiết mà còn cấp bách hơn bao giờ hết khi những cuộc tấn công vào các lực lượng gìn giữ hòa bình ngày càng táo tợn, trực diện hơn và trên quy mô lớn hơn, đòi hỏi phải đề cao công tác bảo đảm an toàn cho chính lực lượng gìn giữ hòa bình tại thực địa. Cần lưu ý rằng, chỉ trong 14 tháng, từ tháng 1-2018 đến tháng 3-2019, đã có 115 người thuộc 43 quốc gia tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình bị sát hại, chưa kể 19 nhân viên dân sự của các cơ quan, quỹ và chương trình dân sự của Liên hợp quốc. Trong 6 năm qua kể từ khi thành lập năm 2013, chỉ riêng Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Ma-li (MINUSMA) đã có tới 119 người bị sát hại và 397 người bị thương. Trong khi đó, nguồn tài chính cho Liên hợp quốc nói chung và cho hoạt động gìn giữ hòa bình nói riêng đang suy giảm. Tính đến tháng 3-2019, khoản tiền mà Liên hợp quốc nợ Ấn Độ - quốc gia có tham gia đóng góp quân đội và cảnh sát cho các phái bộ gìn giữ hòa bình, đã lên tới 38 triệu USD. Ngày 4-6-2019, phát biểu tại Ủy ban 5 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Gu-tơ-rết (A. Guterres) cho rằng tình hình tài chính hiện nay của tổ chức này là “cuộc khủng hoảng”. Ông đánh giá cuộc khủng hoảng đó “đang phá hoại việc chúng ta thực hiện sứ mệnh”, “thực hiện nỗ lực cải cách”, “ngăn cản Liên hợp quốc thanh toán cho các quốc gia đóng góp quân đội và cảnh sát”... và “cản trở khả năng cung cấp sự hỗ trợ cứu sinh cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của chúng ta”. Trong khi đó, một số vụ bê bối lạm dụng tình dục đã bị phát giác liên quan tới quan chức và nhân viên lực lượng gìn giữ hòa bình gây bức xúc ở một số quốc gia có phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hoạt động, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín và hiệu quả của công tác gìn giữ hòa bình. Tìm ra giải pháp cho những vấn đề này chính là trọng tâm của Hội nghị cấp bộ trưởng về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc họp tại Niu Oóc ngày 29-3-2019, thu hút sự tham gia đông đảo nhất từ trước tới nay của hơn 130 đoàn đại biểu quốc gia, trong đó có 60 đoàn do cấp bộ dẫn đầu. Đây cũng là những nội dung cốt lõi trong “Sáng kiến Hành động gìn giữ hòa bình” (A4P) do Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Gu-tơ-rết đưa ra hồi tháng 3-2018 nhằm điều chỉnh theo hướng đề ra những mục tiêu thực tế hơn và huy động sự ủng hộ nhiều hơn cho những giải pháp chính trị. Các tổ chức khu vực và mối quan hệ đối tác giữa các tổ chức đó với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giữ vai trò nòng cốt trong việc đạt được mục tiêu này.

Đối với ASEAN, quan hệ hợp tác đối tác chặt chẽ giữa tổ chức khu vực này với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng đã được hình thành từ sớm và không ngừng được củng cố, tăng cường. Cho tới nay, ASEAN đã đóng góp khoảng 4.500 người tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trong số hơn 150 nước và 4 tổ chức quốc tế và khu vực tới thời điểm này cam kết ủng hộ “Sáng kiến Hành động gìn giữ hòa bình” của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, có đầy đủ 10 quốc gia thành viên của ASEAN. Liên hợp quốc cũng rất quan tâm tới việc hỗ trợ, tạo điều kiện để ASEAN và các quốc gia thành viên tham gia có hiệu quả hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình. Trước mắt, trong năm 2020, Liên hợp quốc sẽ tiến hành huấn luyện về công binh cho Việt Nam và In-đô-nê-xi-a.

Thúc đẩy hợp tác dựa trên luật pháp quốc tế

Trong bối cảnh các vấn đề an ninh đang diễn biến rất phức tạp và tính chất các cuộc xung đột đang thay đổi mạnh mẽ, một đòi hỏi vừa trước mắt, vừa lâu dài là mối quan hệ giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực cần phải dựa trên cơ sở pháp luật, trước hết cần nghiêm túc tuân thủ những nguyên tắc được đề ra trong Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Đúng như Khoản 7, Điều 2, Chương I của Hiến chương Liên hợp quốc đã ghi: “Không điều gì trong bản Hiến chương này cho phép Liên hợp quốc can thiệp vào những vấn đề cốt yếu nằm trong khuôn khổ quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào hoặc đòi hỏi các quốc gia thành viên phải đệ trình những vấn đề như vậy lên để được giải quyết theo Hiến chương này”.

Yêu cầu mang tính nguyên tắc trên còn đặc biệt quan trọng khi những khác biệt về lợi ích giữa các quốc gia, nhất là giữa các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có chiều hướng ngày càng tăng, đang tác động nhiều chiều tới quan điểm, lập trường, cách tiếp cận và lá phiếu của các thành viên. Chỉ riêng trong năm 2018, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không ít lần bị những khác biệt cũng như quan hệ căng thẳng giữa các thành viên thường trực làm cho tê liệt. Cho dù đã đạt được kết quả hết sức tích cực là tiến hành được tổng số 275 cuộc họp công khai, thông qua 54 nghị quyết và đưa ra 21 tuyên bố của Chủ tịch, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn không thể thông qua được 7 dự thảo nghị quyết, trong đó 3 dự thảo do một thành viên thường trực dùng quyền phủ quyết và 4 dự thảo không có đủ số phiếu thuận. Ngoài ra, tỷ lệ các nghị quyết được các thành viên Hội đồng Bảo an hoàn toàn nhất trí thông qua cũng thấp hơn năm 2017. Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm Niu Di-lân, khi trả lời phỏng vấn của Hãng Truyền hình quốc gia Niu Di-lân TVNZ1 ngày 13-5-2019 vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Gu-tơ-rết đã nói: “Trong thực tế, những lá phiếu phủ quyết đã làm tê liệt nhiều quyết định khả dĩ mà Hội đồng Bảo an có thể đưa ra trong những cuộc khủng hoảng rất kịch tính mà chúng ta đang thấy trên khắp thế giới”.

Khu vực Đông Nam Á hiện đang chứng kiến sự can dự và tranh đua ngày càng mạnh mẽ của các nước lớn trên thế giới, trong đó có 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Do vậy, với tư cách là một tổ chức đại diện cho 10 trong tổng số 11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, ASEAN có vai trò quan trọng không chỉ đối với các quốc gia thành viên và các đối tác bên ngoài nói chung, mà còn đặc biệt quan trọng đối với mối quan hệ đối tác giữa ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Xuất phát từ tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng với các tổ chức khu vực như đã đề cập, Việt Nam đã coi quan hệ giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực là một trong những ưu tiên trong chương trình tranh cử của mình vào cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đối với Việt Nam, vinh dự và trách nhiệm trong thời gian tới sẽ tăng lên khi Việt Nam đảm đương vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc hiểu rõ mối quan hệ giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam thực hiện tốt không chỉ cương vị thành viên không thường trực Hội đồng Bảo Liên hợp quốc, xứng đáng với sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế, mà còn hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong bối cảnh tổ chức khu vực này đang đứng trước không ít vấn đề nội bộ của nhiều quốc gia thành viên, cũng như nhiều sức ép xuất phát từ cuộc tranh đua khốc liệt giữa các nước tại khu vực. Đây cũng sẽ là đóng góp thiết thực, cụ thể vào việc thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. /.