Về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản: Một vài phân tích và nhận xét

PGS, TS. HÀ Mỹ HƯƠNG - ĐOÀN ANH TUấN*
* Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại thương
15:39, ngày 03-07-2022

TCCS - Nhật Bản giữ vị thế là một cường quốc có tầm ảnh hưởng khá lớn trong khu vực và thế giới, do vậy sự thay đổi trên chính trường, cùng với đó là việc Thủ tướng Nhật Bản Phư-mi-ô Ki-si-đa hoạch định và thực thi một chính sách đối ngoại như thế nào trong bối cảnh thế giới nhiều diễn biến phức tạp hiện nay là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm theo dõi.

Những nhân tố chủ yếu tác động tới chính sách đối ngoại của Nhật Bản

Trước hết là đường hướng đối ngoại của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Đây là chính đảng lớn nhất trên chính trường Nhật Bản, cầm quyền gần như liên tục kể từ khi thành lập năm 1955 đến nay. Do LDP thường chiếm đa số tại Quốc hội (từ năm 1999 đến nay, LDP còn liên minh với Đảng Công Minh (Komeito) để tạo nên một đa số tuyệt đối tại Quốc hội Nhật Bản) nên Chủ tịch LDP cũng luôn được bầu là Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản. Chính vì vậy, Thủ tướng có trọng trách duy trì vị thế, quyền lãnh đạo của Đảng, nâng cao uy tín, vai trò của Đảng cũng như lòng tin của người dân đối với sự điều hành của Chính phủ, và trên hết là phục vụ cho lợi ích quốc gia - dân tộc Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa với việc các thủ tướng Nhật Bản/Chủ tịch LDP phải luôn hoạch định và thực thi các chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước theo những văn bản thể hiện tôn chỉ, mục đích, đường hướng của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh chính trị. Về đối ngoại, đường hướng chủ đạo của LDP trong mấy thập niên qua là “ngoại giao hòa bình tích cực”, đấu tranh thực hiện giải trừ quân bị, bao gồm cả giải trừ vũ khí hạt nhân; định hướng cơ bản là hợp tác chặt chẽ với các nước dân chủ tự do, ưu tiên quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ; mục tiêu mang tính toàn cầu(1) là Nhật Bản đóng góp lớn hơn cho cộng đồng quốc tế, cùng hành động để giữ gìn hòa bình và tiến bộ xã hội, giành lấy vị thế xứng đáng hơn trên trường quốc tế(2). Đường hướng đối ngoại này đóng vai trò chi phối quá trình hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa. Tuy nhiên, do nội bộ LDP tồn tại những quan điểm, đường hướng đối nội và đối ngoại khác nhau, nên nội bộ Đảng thường không có sự thống nhất cao. Quá trình bầu Chủ tịch LDP vào tháng 9-2021 là một ví dụ điển hình về sự chia rẽ trong LDP. Thực trạng này gây nhiều khó khăn cho Chủ tịch Đảng/Thủ tướng Nhật Bản trong hoạch định và thực thi cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Trên thực tế, trong quá trình điều hành chính phủ, Thủ tướng Nhật Bản luôn phải tìm cách dung hòa các quan điểm khác nhau, nỗ lực khắc phục sự chia rẽ trong Đảng.

Tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản Fumio Kishida (giữa) được Quốc hội bầu làm Thủ tướng, tại Tokyo, ngày 4-10-2021 _Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ hai, di sản đối ngoại của các thủ tướng tiền nhiệm. Có thể khẳng định, đây luôn là nhân tố tác động tới chính sách đối ngoại của Thủ tướng đương nhiệm dù ở những mức độ khác nhau. Đối với Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa, di sản đối ngoại của hai cựu Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê và  Su-ga Y-ô-si-hi-đe được đánh giá là có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Cựu Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê là người nắm giữ cương vị thủ tướng lâu nhất trên chính trường nước này, đã đạt được nhiều thành công trong điều hành chính phủ cả trên lĩnh vực đối nội lẫn đối ngoại. Về đối ngoại, với chính sách ngoại giao toàn cầu mang tên “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê đã khôn khéo xử lý những vấn đề phức tạp và nhạy cảm trong quan hệ của Nhật Bản với Mỹ và Trung Quốc; cải thiện, nâng cấp hoặc mở rộng các mối quan hệ quốc tế cả song phương lẫn đa phương, qua đó làm gia tăng vị thế của Nhật Bản trong chính sách của các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Dưới thời kỳ Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê, Nhật Bản tích cực thương thảo và gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đáng chú ý, cơ cấu Đối thoại an ninh bốn bên (còn được gọi là “Bộ Tứ kim cương” (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ) đã ra đời từ đề xuất của Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê năm 2007. Theo đó, Nhật Bản đóng vai trò đáng kể trong việc đưa QUAD trở thành cơ chế tham vấn đáng chú ý trong xử lý các thách thức nổi lên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đối với cựu Thủ tướng Nhật Bản S. Y-ô-si-hi-đe, người từng nắm giữ chức Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản lâu nhất, thì cho dù thời gian cầm quyền chỉ một năm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành và sự gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, song chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản S. Y-ô-si-hi-đe cũng có những bước tiến đáng kể trên lĩnh vực đối ngoại. Đại dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn cho hoạt động đối ngoại của chính quyền mới, nhưng Thủ tướng Nhật Bản S. Y-ô-si-hi-đe trong một năm cầm quyền cũng đã có các chuyến công du nước ngoài (tham dự các hội nghị quốc tế, thăm và làm việc với các nhà lãnh đạo của một số nước), và điều quan trọng là qua đó đã củng cố, nâng cấp các mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng như Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một số nước ASEAN chủ chốt. Dưới thời kỳ Thủ tướng Nhật Bản S. Y-ô-si-hi-đe, Nhật Bản đã quyết định tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Về tổng thể, di sản đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản S. Y-ô-si-hi-đe được đánh giá: 1- Thúc đẩy khá thành công chiến lược đối ngoại của cựu Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê (các chính sách coi trọng quan hệ Nhật Bản - Mỹ; thúc đẩy “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”; duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc và các nước trong khu vực); 2- Nỗ lực cùng thế giới đối phó với đại dịch COVID-19 thông qua “ngoại giao vắc-xin”, qua đó nâng cao vai trò của Nhật Bản trong đời sống quốc tế; 3- Góp phần củng cố các diễn đàn khu vực, đáng chú ý nhất là QUAD và gia tăng vai trò, vị thế tại ASEAN.  

Thứ ba, hiện trạng đất nước, bối cảnh khu vực và thế giới. Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa lên cầm quyền trong bối cảnh Nhật Bản cũng như khu vực và thế giới đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Về hiện trạng đất nước, đó là sự đình trệ về kinh tế do bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, là sự chia rẽ trong một xã hội có dân số đã và đang già hóa,... Trên lĩnh vực đối ngoại, Nhật Bản đang đứng trước những thách thức lớn trong quan hệ quốc tế cũng như từ môi trường an ninh khu vực và thế giới luôn tiềm ẩn những nguy cơ leo thang căng thẳng; mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc và hai nước trên bán đảo Triều Tiên từ quá khứ đến hiện tại luôn tồn tại những nguy cơ xung đột; quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan (Trung Quốc) nóng dần lên; tình hình bán đảo Triều Tiên không những không có dấu hiệu được cải thiện mà ngược lại đang làm gia tăng những lo ngại về an ninh trong cộng đồng quốc tế... Trong khi đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây ngày càng gay gắt. Trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều tổn thất và hệ lụy, tình trạng biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng,... đang làm nảy sinh nhiều vấn đề toàn cầu nan giải, cả trên lĩnh vực chính trị - an ninh lẫn kinh tế - xã hội. Bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay đang đặt ra những thách thức lớn đối với hòa bình, an ninh và phát triển cũng như vị thế quốc tế của Nhật Bản.

Triển khai chính sách đối ngoại và những vấn đề đặt ra  

Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa từng nắm giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao lâu nhất (dưới thời kỳ Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê), là người đứng đầu Hội đồng nghiên cứu chính sách của LDP trong thời kỳ Thủ tướng Nhật Bản S. Y-ô-si-hi-đe, và được coi là chính khách có quan điểm ôn hòa. Chính vì vậy, dư luận trong nước hy vọng chính quyền mới sẽ hoạch định và thực thi một chính sách đối ngoại hữu hiệu.  

Ngày 8-10-2021, Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa đã có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội về định hướng chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản. Về đối ngoại, Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa nhấn mạnh mục tiêu tạo dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân; xác định rõ ba trụ cột đối ngoại: Một là, bảo vệ các giá trị phổ quát (dân chủ, nhân quyền, tự do, pháp quyền,...); hai là, nâng cao năng lực phòng thủ của Nhật Bản để tăng cường an ninh quốc gia, bảo vệ hòa bình và ổn định của Nhật Bản; ba là, nỗ lực ứng phó hiệu quả với các vấn đề toàn cầu, trước mắt là đẩy lùi đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa cũng bày tỏ quan điểm khá rõ ràng về những định hướng đối ngoại và an ninh; các hướng tiếp cận, thứ tự ưu tiên trong chính sách đối ngoại Nhật Bản; các thách thức đang tác động tới an ninh quốc gia để có những điều chỉnh trong việc gia tăng sức mạnh quốc gia cũng như tăng cường mạng lưới đối tác và đồng minh.

Trong hoạt động thực tiễn, do phải tập trung ứng phó với đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa đã phải hủy kế hoạch thăm Mỹ và Ô-xtrây-li-a (dự kiến vào tháng 1-2022, trước phiên họp thường kỳ của Quốc hội Nhật Bản). Thay vào đó, ngày 21-1-2022, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản - Mỹ đã thực hiện cuộc gặp trực tuyến để bàn thảo về những vấn đề quan hệ song phương và những vấn đề quốc tế, trước hết ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nội dung cuộc điện đàm sau khi nhậm chức của Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa với Tổng thống Mỹ G. Bai-đân cũng như cuộc họp trực tuyến này cho thấy, cả hai nước Nhật Bản và Mỹ đều rất coi trọng quan hệ đồng minh. Đặc biệt là hai nước khẳng định lại Điều 5 trong Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật Bản về nghĩa vụ quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản; nhất trí tăng cường hợp tác thực hiện “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Tiếp đó, trong tháng 2-2022, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Ha-ia-si Y-ô-si-ma-sa thực hiện chuyến công du châu Âu, tham dự Hội nghị An ninh Mu-ních và có các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị. Đầu tháng 3-2022, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản H. Y-ô-si-ma-sa tham dự cuộc họp trực tuyến bất thường với những người đồng cấp trong QUAD, liên quan đến việc Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở U-crai-na. Mới đây nhất, ngày 9-4-2022, các Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao của Nhật Bản và Phi-líp-pin đã nhóm họp tại Thủ đô Tô-ky-ô (Nhật Bản) - cuộc họp đầu tiên theo thể thức 2+2 giữa các đồng minh quan trọng của Mỹ, nhằm xem xét mở rộng hơn nữa hợp tác quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực gia tăng do những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và xung đột Nga - U-crai-na.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm "Bộ Tứ" ở Thủ đô Tokyo, tháng 5-2022 _Nguồn: kantei.go.jp

Đặc biệt, trong tháng 3-2022, Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa đã thực hiện một số chuyến công du nước ngoài. Trước tiên là chuyến thăm chính thức Ấn Độ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh song phương thường niên lần thứ 14, qua đó rà soát, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực song phương và đa phương. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1952 - 2022), được kỳ vọng là bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và hiện thực hóa chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ cũng như chiến lược “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản, nhằm đạt mục tiêu chung là hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Trong khuôn khổ cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Nhật Bản - Ấn Độ, hai bên còn bàn thảo các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là xung đột giữa Nga và U-crai-na. Tiếp đó, trong hai ngày 20 và 21-3-2022, Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa thực hiện chuyến thăm chính thức Cam-pu-chia - nước Chủ tịch ASEAN 2022 - với nỗ lực tăng cường hợp tác nhiều mặt với ASEAN. Mặc dù vẫn còn một số vấn đề chưa đạt được như kỳ vọng, song kết quả của hai chuyến thăm này của Thủ tướng Nhật Bản được đánh giá là thành công tốt đẹp.

Như vậy, những động thái đối ngoại thời gian qua của chính quyền Nhật Bản cho thấy, đường hướng chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa về cơ bản tuân thủ quan điểm, đường hướng đối ngoại của LDP. Đây là sự kế thừa chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm vốn đã được định hình trong Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2021, nhưng có những điều chỉnh nhất định theo hướng tích cực hơn trong việc xúc tiến các mục tiêu đối ngoại toàn cầu. Cụ thể là: Thứ nhất, cũng như nhiều thập niên qua, quan hệ đồng minh chiến lược Nhật Bản - Mỹ tiếp tục được coi là “hòn đá tảng” trong chính sách an ninh - đối ngoại của Nhật Bản; thứ hai, đề cao vai trò của QUAD trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như gia tăng quan hệ hợp tác, liên kết với các nước thành viên QUAD; thứ ba, tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ ổn định với Trung Quốc trong khi vẫn chú trọng đối phó, hóa giải các thách thức từ quốc gia này; thứ tư, tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với ASEAN nói chung, các nước thành viên của ASEAN nói riêng; thứ năm, đề cao các giá trị của tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, trên cơ sở đó gia tăng việc sử dụng các phương sách thực hiện mục tiêu đối ngoại mang tính toàn cầu. 

Tuy nhiên, có không ít vấn đề đối ngoại đang đặt ra đối với chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa:

Một là, nếu chủ trương tìm kiếm sự ổn định trong quan hệ với Trung Quốc và sự cân bằng trong quan hệ của Nhật Bản với Mỹ và Trung Quốc là phù hợp với lợi ích quốc gia của Nhật Bản, thì việc chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa tiếp tục coi quan hệ đồng minh với Mỹ là “trụ cột”, “hòn đá tảng” trong chính sách an ninh - đối ngoại của mình (cũng phù hợp với lợi ích quốc gia của Nhật Bản) rõ ràng đã gây trở ngại cho việc tạo dựng sự cân bằng trong mối quan hệ tay ba này. Thêm vào đó, việc Nhật Bản gia tăng liên kết với Mỹ, Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ trong QUAD cũng là rào cản đối với quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc, bởi Trung Quốc luôn cho rằng mục đích thực sự của QUAD là kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, khách quan mà nói, toàn cầu hóa đang thúc đẩy sự đan cài lợi ích giữa các nước, và để đạt được sự cân bằng, nhiều nước không thể chọn cách đứng hẳn về một bên. Vì vậy, tìm kiếm sự ổn định trong quan hệ với Trung Quốc và tạo lập sự cân bằng trong quan hệ Mỹ - Nhật Bản - Trung Quốc đã, đang và vẫn sẽ là bài toán nan giải đối với Nhật Bản.

Hai là, cho dù Nhật Bản mong muốn các nước thành viên QUAD gia tăng hợp tác, liên kết chặt chẽ, đồng tâm nhất trí trong quan điểm và hành động, nâng cao vai trò của QUAD khi xử lý những vấn đề an ninh khu vực và thế giới, nhưng chỉ riêng mục tiêu Bộ Tứ trở thành một cơ chế quốc tế thật sự quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng khó đạt được trong tương lai gần, bởi lợi ích quốc gia của các thành viên QUAD không phải lúc nào cũng trùng khớp. Hành động của Ấn Độ khác với các nước Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a (cũng như nhiều nước phương Tây khác) liên quan đến cuộc xung đột Nga - U-crai-na là một minh chứng.

Ba là, quan hệ Nhật Bản - Nga trở nên căng thẳng khi Nhật Bản thực hiện các lệnh trừng phạt Nga liên quan tới cuộc xung đột Nga - U-crai-na. Không chỉ vậy, ngày 21-3-2022, Nga tuyên bố dừng các cuộc đàm phán hòa bình (vốn đã được hai nước thực hiện nhiều năm qua nhằm giải quyết ổn thỏa những tranh chấp về quần đảo Cu-rin/lãnh thổ phương Bắc, để từ đó tiến tới ký kết Hiệp ước hòa bình) và đóng băng các dự án kinh tế chung Nga - Nhật Bản trên quần đảo này. Nhật Bản dĩ nhiên không mong muốn tình trạng này.

Bốn là, việc Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên trong những năm qua, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay, liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đang làm gia tăng những thách thức an ninh đối với Nhật Bản.

Chính sách của Nhật Bản đối với Việt Nam và triển vọng

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Hà Nội, tháng 5-2022 _Ảnh: TTXVN

Trong mấy thập niên qua, Đông Nam Á luôn là đối tác quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của Nhật Bản, trong đó Việt Nam chiếm vị trí ngày càng nổi trội. Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam cả trong chính sách lẫn hoạt động thực tiễn. Đơn cử như, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức (năm 1995), thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng (năm 2016),... Trong những thập niên qua, thường xuyên diễn ra các chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội hai nước, thành viên Hoàng gia Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê từng chọn Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức (năm 2013). Thủ tướng Nhật Bản S. Y-ô-si-hi-đe sau khi nhậm chức cũng chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đến thăm (năm 2020), thể hiện chính sách ngày càng coi trọng khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng của Nhật Bản. Đặc biệt, trong thời gian thăm Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản S. Y-ô-si-hi-đe có bài phát biểu quan trọng, trình bày những nội dung chính trong chính sách khu vực của Nhật Bản, khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng trong triển khai “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản; vai trò ngày càng lớn của Việt Nam trong hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế. Đáng chú ý, trong Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2021, quan hệ với Việt Nam cũng như vị trí, vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản được nêu khá đậm nét.

Nhìn lại nửa thế kỷ qua, đặc biệt là từ đầu thế kỷ XXI đến nay, có thể thấy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã tiến triển vượt bậc, quan hệ ngoại giao không ngừng được củng cố, nâng cấp: Từ việc thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) đến quan hệ “Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2009), nâng lên thành quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (năm 2014). Nhờ xác lập được những khuôn khổ quan hệ ngày càng nâng cấp đó, quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích to lớn về nhiều mặt cho cả hai bên. Đơn cử như trên lĩnh vực kinh tế, nhiều năm qua, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam: Nước hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam (Năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản đạt 39,6 tỷ USD; năm 2021 đạt hơn 42,7 tỷ USD(3)). Không chỉ trong quan hệ song phương, hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong các cơ chế đa phương, có thể kể đến sự hợp tác trong thúc đẩy đi tới ký kết CPTPP.

Trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023), có thể thấy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay, được kỳ vọng phát triển vượt bậc trong thời kỳ Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa, bởi ông từng nhiều lần đến thăm Việt Nam, có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ông từng giữ vị trí Tổng Thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, Tổng Thư ký Hội đồng thúc đẩy giao lưu kinh tế Nhật Bản - Việt Nam. Năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã trao tặng ông Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp tích cực cho phát triển quan hệ hai nước.

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản (tháng 11-2021). Đây là chuyến thăm của nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Nhật Bản sau khi Nhật Bản thành lập chính quyền mới. Điều này thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam của Chính phủ Nhật Bản cũng như sự tin cậy chính trị cao và tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang cản trở sự phát triển kinh tế và giao lưu giữa hai nước, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đạt được những kết quả có ý nghĩa chiến lược, toàn diện, với những dấu ấn quan trọng, hứa hẹn những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới(4). Về phía Nhật Bản, tháng 4-2022, Thủ tướng Nhật Bản Ph. Ki-si-đa đã thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm này được coi là tạo xung lực mới đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đi vào chiều sâu, tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trên cơ sở sự “chân thành, tin cậy”, thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước. Đây tiếp tục là cơ sở để Việt Nam và Nhật Bản tin tưởng quan hệ giữa hai nước sẽ vươn lên tầm cao mới, trở nên sâu sắc hơn, toàn diện hơn, đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh, phát triển của khu vực và thế giới./.

-----------------

(1) Mục tiêu toàn cầu này được viết thành một mục riêng trong Cương lĩnh chính trị năm 1985 của LDP với tiêu đề “Sứ mệnh cao cả của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế”.
(2) Hòa Văn: “Về Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 19-12-2008, https://tapchicongsan.org.vn/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/3330/ve-dang-dan-chu-tu-do-cam-quyen-o-nhat-ban.aspx
(3) Thế Hoàng: “Thương mại Việt Nam-Nhật Bản năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD, nhập siêu 2,52 tỷ USD”, Báo Đầu tư điện tử, ngày 19-1-2022, http://baodautu.vn/print/thuong-mai-viet-nam-nhat-ban-nam-2021-dat-427-ty-usd-nhap-sieu-252-ty-usd-d159562.html
(4) Xem: Báo Điện tử Chính phủ: “Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới”, ngày 26-11-2021, https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-ket-thuc-tot-dep-chuyen-tham-chinh-thuc-nhat-ban-dua-quan-he-hai-nuoc-len-tam-cao-moi-102304514.htm