Tăng cường quan hệ láng giềng Việt Nam - Lào - Campuchia trong bối cảnh hiện nay

PGS, TS. NGUYễN THị THÚY HÀ - Hồ THị QUỳNH PHƯƠNG
Khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị khu vực I - Vụ Lào - Campuchia, Ban Đối ngoại Trung ương
21:36, ngày 08-01-2023

TCCS - Một trong những kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại của Việt Nam qua hơn 35 năm đổi mới là duy trì, củng cố và phát triển quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng. Trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy và tăng cường các mối quan hệ truyền thống nói chung và với hai nước láng giềng Lào, Cam-pu-chia nói riêng có vai trò quan trọng, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen tại cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Lào - Campuchia, tháng 9-2021 _Ảnh: TTXVN

Củng cố và phát triển quan hệ láng giềng với các nước Lào và Cam-pu-chia

Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia là ba nước láng giềng gần gũi, cùng trên bán đảo Đông Dương, khu vực hạ lưu sông Mê Công, có chung đường biên giới trên bộ và trên biển. Quan hệ đặc biệt giữa ba nước Việt Nam – Lào - Cam-pu-chia bắt nguồn từ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, được vun đắp và phát triển qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng. Đó là tình đoàn kết thủy chung, là niềm tin về lòng chân thành, trong sáng mà ba dân tộc dành cho nhau, là sự giúp đỡ hết lòng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ba dân tộc.

Thực tiễn đời sống quan hệ quốc tế cho thấy, các quốc gia đều dành sự quan tâm thỏa đáng trong việc xử lý mối quan hệ với các nước láng giềng có chung đường biên giới. Bởi đây là mối quan hệ tác động trực tiếp đến vấn đề bảo đảm ổn định an ninh, chính trị và sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.

Quan hệ giữa các nước láng giềng, khu vực luôn là một trong những mối quan hệ quan trọng, nhưng cũng mang tính phức tạp và nhạy cảm. Mặc dù có những nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và sự chia sẻ những giá trị chung trong cùng môi trường sinh thái, vị trí địa - chiến lược... song trên thực tế, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, mối quan hệ giữa các nước láng giềng cũng phát sinh một số vấn đề, nên xử lý thiếu khôn khéo có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường, tác động không nhỏ đến sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia. Chính vì thế, để có một môi trường hòa bình và ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước, vấn đề đặt ra đối với các quốc gia trước hết là phải xây dựng được mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, hòa bình với các nước láng giềng khu vực.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, trong quá trình đổi mới tư duy đối ngoại theo hướng rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, đồng thời xác định rõ, đây là vấn đề chiến lược, tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia - dân tộc; tác động đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới tư duy, cách tiếp cận để xem xét các vấn đề thời đại, giải quyết tổng thể các vấn đề trong nước để có thể linh hoạt xử lý trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới, vì một mục tiêu chung là bảo đảm ổn định, phát triển. Theo đó, Đại hội VI của Đảng xác định nhiệm vụ “phát triển và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương,... hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật sống còn và phát triển của cả ba dân tộc anh em... Việt Nam trung thành với nghĩa vụ quốc tế của mình đối với cách mạng Lào và cách mạng Cam-pu-chia(1). Đặc biệt, sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, trật tự thế giới thay đổi đã tác động mạnh đến môi trường khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh đó, quan hệ với các nước láng giềng tiếp tục được Đảng ta quan tâm và coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tại Đại hội VII (năm 1991), Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh “Không ngừng củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết và hữu nghị đặc biệt giữa Đảng và nhân dân ta với Đảng và nhân dân Lào, Đảng và nhân dân Cam-pu-chia anh em. Đổi mới phương thức hợp tác, chú trọng hiệu quả theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau(2). Trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng tiếp theo, quan hệ với các nước láng giềng tiếp tục được khẳng định  là một trong những ưu tiên hàng đầu. Từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn”, “là bạn, là đối tác tin cậy”, “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, đến từng bước chuyển sang định hướng đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”(3); “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(4), đặc biệt Đảng ta nhấn mạnh: “Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng”(6). Định hướng ưu tiên mà Đảng đề ra trong quan hệ với các đối tác là các nước láng giềng, các đối tác lớn, đối tác quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cần phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống; thúc đẩy quan hệ với các đối tác phát triển, có tiềm lực lớn, phục vụ thiết thực cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ khi bước vào công cuộc đổi mới, Việt Nam đặc biệt coi trọng vấn đề cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, trong đó xác định giải quyết vấn đề Cam-pu-chia là một điểm “đột phá” vừa góp phần tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định ở khu vực, vừa tạo điều kiện thuận lợi phát triển đất nước. Vì vậy, Việt Nam tích cực phối hợp với Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các bên hữu quan, nhanh chóng tìm kiếm một giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được. Ngày 23-10-1991, Hiệp định hòa bình Pa-ri được ký kết đưa đến giải pháp chính trị cho vấn đề Cam-pu-chia. Đây là một thắng lợi của Đảng ta trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại với các nước láng giềng, tạo điều kiện thuận lợi góp phần đưa Việt Nam thoát  khỏi sự bao vây, cô lập, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Việc tạo lập được mối quan hệ hợp tác với các nước láng giềng dựa trên cơ sở tùy thuộc lẫn nhau về an ninh và phát triển là một bảo đảm hết sức quan trọng nhằm xác lập được vị thế có lợi, giảm thiểu được những bất lợi trong quan hệ của Việt Nam với các nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong sự nghiệp đổi mới và nâng cao vị thế của đất nước. Trên cơ sở đó, Việt Nam từng bước chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, tạo dựng thế và lực mới cho đất nước phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Những thành tựu nổi bật trong quan hệ với hai nước láng giềng Lào và Cam-pu-chia

Củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Lào và Cam-pu-chia luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sánh đối ngoại của Việt Nam đối với các nước láng giềng. Trải qua hơn 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong quan hệ với hai nước láng giềng truyền thống.

Đối với Lào, có thể nói, thành tựu lớn nhất chính là sự xuyên suốt và nhất quán trong nhận thức, quan điểm và chủ trương về việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào. Hai bên luôn trân trọng, gìn giữ và khắc ghi giai đoạn cách mạng mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh bên nhau, cùng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đây là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc. Trong hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, hai nước luôn xác định tập trung vào những lĩnh vực có thể phát huy được thế mạnh và điều kiện thuận lợi căn bản của mỗi bên, kết hợp thỏa đáng tập quán và thông lệ quốc tế với tính chất đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam - Lào.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến chuyển phức tạp, đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga - U-crai-na đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các nước, Việt Nam và Lào vẫn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Quan hệ chính trị tiếp tục được tăng cường, đi vào chiều sâu và giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể trong hợp tác chung giữa hai nước. Hợp tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại được coi là một trong những trụ cột trong quan hệ Việt Nam - Lào, góp phần giữ vững an ninh, ổn định chính trị ở mỗi nước. Về hợp tác kinh tế - thương mại, Việt Nam tiếp tục là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Lào. Nhiều dự án đầu tư mang lại hiệu quả tốt, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao đời sống của người dân Lào. Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào đạt hơn 690 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Các cơ chế ưu đãi về thuế xuất, nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước đều được hai bên tiếp tục triển khai và danh mục ưu đãi ngày càng được mở rộng. Để hỗ trợ Lào phát triển lâu dài, Việt Nam cũng tạo điều kiện để Lào sử dụng cầu cảng Vũng Áng 1,2,3, giúp nước bạn thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa thông qua đường biển. Hai nước đang thúc đẩy tìm kiếm nguồn đầu tư để triển khai các dự án kết nối giao thông giữa hai bên, như đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng... Đây là những dự án thể hiện rõ tình cảm đặc biệt, tin cậy, chí tình, chí nghĩa giữa những người đồng chí, anh em, là dự án “có một không hai” trong hợp tác giữa hai quốc gia(6). Trong hợp tác giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực luôn là lĩnh vực ưu tiên. Để hỗ trợ Lào gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam đã giúp Lào đào tạo hàng chục nghìn công chức, nhà nghiên cứu, nhân viên y tế, quân nhân, kỹ sư... Hiện nay, có 16.000 lưu học sinh Lào đang theo học tại Việt Nam. Hai nước cũng thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế(7). Năm 2022, nhân dịp Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, hai nước cùng triển khai, tổ chức hàng loạt chuỗi sự kiện thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Đây là những sự kiện cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước, là dịp để tuyên truyền cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai bên hiểu rõ về truyền thống quan hệ tốt đẹp, thủy chung, trong sáng của hai dân tộc.

Đối với Cam-pu-chia, với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm qua, mối quan hệ láng giềng, hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia không ngừng được củng cố và phát triển. Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và quyết tâm củng cố quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia, thời gian qua hợp tác trên lĩnh vực chính trị tiếp tục được duy trì, giữ vai trò nòng cốt, định hướng quan hệ giữa hai nước. Hợp tác quốc phòng - an ninh và đối ngoại tiếp tục được thúc đẩy ngày càng chặt chẽ và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực luôn diễn biến phức tạp, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia vẫn tiếp tục giữ được đà phát triển tích cực. Về hợp tác đầu tư, hiện Việt Nam có 188 dự án đầu tư sang Cam-pu-chia còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 2.846 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài. Hoạt động đầu tư của Việt Nam đã có mặt 18/25 tỉnh, thành phố của Cam-pu-chia và hầu hết là các lĩnh vực quan trọng, như nông nghiệp (chiếm gần 70% tổng số vốn đăng ký), tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông; các dự án còn lại thuộc các lĩnh vực hàng không, khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, y tế, xây dựng, du lịch - khách sạn, bất động sản và các dịch vụ khác(8). Bất chấp những tác động to lớn của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, hợp tác thương mại, đầu tư tiếp tục là “điểm sáng” trong lĩnh vực kinh tế của hai nước với sự tăng trưởng đột phá. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều năm 2020 đạt 5,32 tỷ USD, năm 2021 đạt 9,53 tỷ USD, tăng gần 80% so với năm 2020. Trong quý I-2022, con số này đạt gần 3,4 tỷ USD, dự kiến trong năm 2022 có thể đạt trên 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được hai bên đặc biệt quan tâm, được xem là vấn đề trọng yếu có tầm chiến lược, bởi quá trình hình thành đội ngũ cán bộ hiểu biết lẫn nhau giữa các ngành, nghề, lĩnh vực của hai nước chính là góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, lâu dài giữa nhân dân hai nước. Hằng năm, Việt Nam dành cho Cam-pu-chia hàng trăm suất học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Cam-pu-chia cũng dành cho Việt Nam 35 suất học bổng, bao gồm 15 suất học bổng đại học và sau đại học, 20 suất học bổng đào tạo ngôn ngữ, văn hóa Khơ-me trong vòng hai năm. Hiện nay có khoảng 200 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Cam-pu-chia. Ngoài ra, hai bên còn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề thông qua việc tổ chức các hoạt động phát triển nguồn nhân lực nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước(9).

Thời gian qua, Việt Nam và Cam-pu-chia đã đạt được những thành quả quan trọng trong vấn đề phân định phân giới, cắm mốc biên giới. Tháng 10-2019, hai bên đã ký kết Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư ghi nhận thành quả phân giới, cắm mốc 84% biên giới trên bộ và tổ chức trao nhận bản đồ địa hình biên giới. Việc ký kết hai văn kiện pháp lý này có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm nền tảng để hai bên tiếp tục duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới. Năm 2022 là năm Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, cả hai nước đều tổ chức nhiều sự kiện có ý nghĩa và thiết thực kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cam-pu-chia, thể hiện sự coi trọng và luôn dành ưu tiên cho nhau trong mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước.

Những thành tựu đạt được trong quan hệ với Lào và Cam-pu-chia đã góp phần tích cực vào quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với khu vực và thế giới. Và quan trọng hơn là góp phần tạo lập, giữ vững môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ biết trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Lào và Campuchia (Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự Chương trình giao lưu văn hóa thiếu nhi 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia) _Ảnh: chinhphu.vn

Tiếp tục thúc đẩy quan hệ láng giềng Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh chóng, khó lường, với những hình thái tập hợp lực lượng đa dạng và sự cạnh tranh quyền lực phức tạp, nhất là giữa các nước lớn ở khu vực, thì việc củng cố quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và khu vực nhằm tạo lập môi trường hòa bình, ổn định lại càng có giá trị to lớn và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong vấn đề bảo đảm an ninh và phát triển của Việt Nam. Quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay rất cần một tầm nhìn chiến lược đối với các vấn đề địa - chính trị ở cả khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Tầm nhìn này thể hiện ở sự gắn kết chặt chẽ an ninh, phát triển của đất nước với khu vực, từ đó làm cơ sở nền tảng cho thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.

Một là, cần xác định nhiệm vụ to lớn và quan trọng của công tác đối ngoại trong tình hình mới như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”(10). Cần xây dựng một chiến lược đối ngoại toàn diện, trong đó bao gồm những định hướng chính sách phát triển quan hệ với các nước láng giềng và khu vực. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục và hạn chế những vấn đề còn tồn đọng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với Lào, Cam-pu-chia, cũng như quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn. Để có một chiến lược đối ngoại như vậy thì việc nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện và thấu đáo thực tiễn phát triển quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng và động thái phát triển của mối quan hệ đó trong bối cảnh khu vực và thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Hai là, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia góp phần giữ vững môi trường quốc tế hòa bình, đặc biệt là môi trường khu vực của các nước láng giềng, tạo thuận lợi để phát triển đất nước về mọi mặt, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nắm vững quan điểm biện chứng về hợp tác và đấu tranh, về đối tác và đối tượng để không bị động, rơi vào thế bị cô lập, “chọn bên” và lệ thuộc. Trong một môi trường địa - chính trị đầy cạnh tranh, khó dự báo như hiện nay, cần dành sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để phát triển quan hệ với các nước láng giềng có chung đường biên giới, tạo bước đột phá mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quan hệ hợp tác với Lào và Cam-pu-chia nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.

Ba là, cần quán triệt sâu sắc tinh thần Đại hội XIII của Đảng về tư tưởng chỉ đạo định hướng mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng và khu vực là giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, lấy đó làm tiêu chí hàng đầu để xác định hay điều chỉnh biện pháp, chính sách một cách kịp thời, linh hoạt, khôn khéo, kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược. Độc lập, tự chủ là lợi ích cao nhất của đất nước và cũng là nguyên tắc bất di, bất dịch của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược, ý nghĩa sống còn của mối quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta trong tình hình mới. Các mối quan hệ đó phải được coi trọng đúng tầm trong tổng thể hoạt động đối ngoại, theo tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn cho thấy, vấn đề bảo đảm an ninh và phát triển của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia có liên quan mật thiết với nhau, không thể tách rời, bất ổn ở nước này sẽ tác động trực tiếp đến nước kia và ngược lại. Vì vậy, việc giữ gìn, củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Cam-pu-chia có tầm quan trọng đặc biệt. Do vậy, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần chủ động triển khai hợp tác cụ thể, thực chất với Lào và Cam-pu-chia, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, thiết thực và hiệu quả trong quan hệ hợp tác giữa các bên.

Bốn là, trong quá trình phát triển quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, cần tiếp tục coi trọng phương châm “phát triển kinh tế là trung tâm” và “phát triển kinh tế - thương mại gắn kết với quốc phòng - an ninh với hoạt động đối ngoại”; mọi chủ trương, chính sách đối với các nước láng giềng đều tập trung vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, trong quan hệ với Lào và Cam-pu-chia cần xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển và an ninh, theo hướng coi phát triển kinh tế là nhân tố quyết định bảo đảm an ninh, phát triển và ngược lại, bảo đảm an ninh nhằm phục vụ phát triển kinh tế.

Năm là, cần phát huy cao nhất tính chủ động và linh hoạt, nâng cao tính thiết thực, thực tế trong quan hệ đối ngoại giữa ba nước, không để các thế lực bên ngoài kích động chia rẽ, chống phá quan hệ của nước ta với các nước láng giềng. Chúng ta cần thúc đẩy hợp tác, đồng thời chủ động, kiên quyết, khôn khéo đấu tranh để bảo vệ, duy trì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân cả ba nước nhận thức rõ ràng, thực chất về tầm quan trọng của mối quan hệ láng giềng, đồng thời cảnh giác với mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Trước những thông tin trái chiều, sai sự thật và những vấn đề nhạy cảm liên quan đến mối quan hệ láng giềng, liên quan đến xử lý quan hệ với các nước lớn, cần chủ động tuyên truyền kịp thời, chính xác để nhân dân hiểu đúng sự việc và định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ biết trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng tăng lên, tất cả các quốc gia đều phải chịu những ràng buộc bởi luật chơi chung, mỗi quốc gia không còn là một cá thể riêng biệt mà phải chấp nhận hoặc gắn bó với nhau trong các mối quan hệ. Củng cố và phát triển quan hệ với các nước láng giềng có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong đường lối, chính sách và hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Giải quyết hiệu quả mối quan hệ này sẽ là cơ sở để Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn./.

--------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội,1987, tr. 100 - 101
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 89
(3), (4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 161, 162, 163
(6) Phạm Kiên: “Quan hệ Việt Nam - Lào: Dấu ấn 60 năm cùng sánh bước bên nhau”, Báo Thống tấn xã Việt Nam điện tử, ngày 18-7-2022, https://www.vietnamplus.vn/quan-he-viet-namlao-dau-an-60-nam-cung-sanh-buoc-ben-nhau/806215.vnp
(7) Khoa Thư: “Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không suy chuyển bởi đổi thay thời cuộc”, Báo Tuổi trẻ online, ngày 2-12-2020, https://tuoitre.vn/quan-he-dac-biet-viet-lao-khong-suy-chuyen-boi-doi-thay-thoi-cuoc-20201202115843049.htm

(8) Nguyễn Minh Tâm - Hồ Quỳnh Phương: “Quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia giai đoạn 2011-2021: Thành tựu và triển vọng”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 18-9-2021,  https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/quan-he-viet-nam-cam-pu-chia-giai-doan-2011-2021-thanh-tuu-va-trien-vong
(9) Thu Hòa: “55 năm Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia”, Tạp chí Con số và sự kiện điện tử, ngày 15-7-2022, https://consosukien.vn/55-nam-quan-he-ho-p-ta-c-hu-u-nghi-vie-t-nam-Cam-pu-chia.htm

(10) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 162