TCCS - Các cuộc cách mạng công nghiệp với những phát minh, sáng chế mới đã tác động rất lớn tới các yếu tố cấu thành sức mạnh tổng hợp quốc gia như kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa... Thực tiễn lịch sử cho thấy, nước nào nắm bắt được xu thế phát triển của công nghệ và có năng lực sáng tạo, áp dụng công nghệ thì sẽ có quyền lực lớn trong nền chính trị thế giới. Vì vậy, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang tạo ra những trung tâm quyền lực mới, cũng như những thay đổi căn bản trong quan hệ quốc tế.
Tương quan sức mạnh thay đổi giữa các chủ thể quan hệ quốc tế
Trong lịch sử, ba cuộc cách mạng công nghiệp với những sáng tạo và phát minh đã làm đảo lộn trạng thái cân bằng quyền lực. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (Cách mạng công nghiệp 1.0) diễn ra ở châu Âu và Mỹ trong thế kỷ XVIII - XIX, đánh dấu sự vươn lên của nước Anh và được coi là thời kỳ mà những nước dẫn dắt bắt đầu mở rộng các ngành sản xuất. Những nước này coi các quốc gia khác là thị trường để tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp. Cuộc Cách mạng công nghiệp 1.0 đã xác định trật tự thế giới đầu tiên của thời hiện đại, khi một quốc gia thống trị và các cường quốc hùng mạnh khác có ảnh hưởng vượt trội trên thế giới. Điều này đã được nhà sử học người Anh Paul Kennedy mô tả thông qua sự thay đổi tỷ trọng tổng sản lượng thế giới. Tổng sản lượng sản xuất của châu Âu và Mỹ vào năm 1750 đã tăng vọt từ 23,1% lên 85,6% vào những năm 1900. Mặc khác, tỷ trọng tổng sản lượng của các nước thuộc “thế giới thứ ba” đã giảm tương ứng, từ 73% xuống còn 11%(1). Các nước tư bản châu Âu đã sử dụng công nghệ để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, xâm chiếm các vùng lãnh thổ trên thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (giai đoạn 1871 - 1914) đã đặt nền móng cho sự vươn lên của Mỹ và Đức, trong khi các nước châu Âu bị tụt lại phía sau. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (manh nha từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phát triển mạnh từ năm 1969) giúp Mỹ củng cố vị thế siêu cường của mình.
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những trung tâm quyền lực mới, cũng như những thay đổi căn bản trong quan hệ quốc tế (Trong ảnh: Các quan chức cấp cao về an ninh và đối ngoại Mỹ và Trung Quốc đã khởi động cuộc gặp kéo dài 2 ngày tại Alaska (Mỹ) để thảo luận về một loạt vấn đề trong quan hệ song phương cũng như quốc tế sau 4 năm quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất) _Ảnh: AFP/TTXVN
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tương quan quyền lực giữa các chủ thể ít nhiều có sự biến động. Có thể thấy, trong tương quan sức mạnh giữa các quốc gia trên cả ba lĩnh vực chính: công nghệ, kinh tế và quân sự, sẽ tiếp tục có những thay đổi theo hướng sau:
Một là, tương quan giữa các cường quốc chính. Mỹ cùng với một số nền công nghiệp tiên tiến và có tiềm lực kinh tế mạnh như Trung Quốc, Đức, Anh và Nhật Bản sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Trong sản xuất công nghiệp, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong việc triển khai các robot công nghiệp, tiếp sau đó là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Đức. Năm 2018, số lượng robot công nghiệp được lắp đặt tại Trung Quốc vào khoảng 154.000, gấp gần ba lần so với Nhật Bản - quốc gia xếp thứ hai với gần 55.000 robot(2). Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào khoa học - công nghệ và đạt được những thành tựu đáng kể về công nghệ không gian, đường sắt tốc độ cao, năng lượng mới, siêu máy tính… Các tập đoàn, doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất thông minh như: Bosch, Haier, Johnson & Johnson, Procter & Gamble, Schneider Electric, Siemens… đều có trụ sở ở Đức và Mỹ(3). Tại Mỹ, lĩnh vực tự động hóa đã trở thành một nội dung chính thức trong chiến lược an ninh quốc gia của Bộ Quốc phòng Mỹ kể từ năm 2012(4). Đối với nước Nga, để đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0, Nga đã ban hành Sáng kiến Công nghệ quốc gia (năm 2014)(5) nhằm hướng tới mục tiêu đưa Nga trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự(6).
Hai là, tương quan giữa các cường quốc và các quốc gia tầm trung. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cơ hội nâng cao vị thế của một số quốc gia tầm trung, những nền công nghệ mới nổi như Hàn Quốc, Singapore,... trong cán cân quyền lực thế giới. Điều này đã làm khoảng cách giữa các cường quốc và các quốc gia tầm trung có xu hướng dần thu hẹp. Hàn Quốc, Đức và Singapore là ba quốc gia dẫn đầu thế giới về tự động hóa công nghiệp nhờ cách tiếp cận của các quốc gia này đối với trí tuệ nhân tạo và robot. Nhật Bản và Canada cũng nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu, Anh xếp thứ 8, Mỹ xếp thứ 9 và Trung Quốc xếp thứ 12(7).
Ba là, tương quan giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển. Với trình độ phát triển cùng nền tảng khoa học - công nghệ, các quốc gia đang phát triển sẽ càng phụ thuộc hơn vào các nước phát triển khi Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Ngoài ra, với đặc thù là tính tự động cao, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra thách thức lớn đối với lực lượng lao động, theo đó, các quốc gia phát triển với nguồn lao động hạn chế có thể tận dụng cuộc cách mạng này để khắc phục những khó khăn do thiếu hụt nhân công, trong khi các quốc gia đang phát triển lại không thể tận dụng những lợi thế từ nguồn lao động dồi dào như trước. Như vậy, sự phân tầng về trình độ phát triển công nghệ giữa các quốc gia là tương đối rõ.
Quan hệ quốc tế trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các chủ thể phi quốc gia. Thực tế cho thấy, các chủ thể phi quốc gia có quyền lực ngày càng lớn mạnh cả về kinh tế lẫn công nghệ. Điều này khác với những thời kỳ trước. Địa - chính trị trong thế kỷ XX và giai đoạn trước đó gần như gắn liền với nhà nước. Có thể kể đến như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), vốn được coi là một biểu tượng thành công cho quyền lực Mỹ nhờ khả năng giám sát và tập hợp thông tin. Công nghệ kỹ thuật số ngày nay đã làm suy giảm khả năng độc quyền của nhà nước đối với những vấn đề liên quan đến công dân và xã hội. Địa - chính trị trong thời kỳ kỹ thuật số sẽ còn tiếp tục được định hình bởi nhiều dạng thức chủ thể, từ nền tảng công nghệ, các chủ thể phi quốc gia đến các cộng đồng kỹ thuật số và các cá nhân.
Đặc biệt, những “gã khổng lồ công nghệ” sẽ có sức mạnh quản trị, ở một mức độ nào đó, giống các chủ thể quốc gia. Nếu giám đốc điều hành công nghệ muốn có sự thay đổi, họ không cần phải chờ đợi sự cho phép của chính phủ. Là nhà quản lý các lĩnh vực và không gian dịch vụ, họ có thể chủ động sắp xếp các điều khoản sử dụng với quyền con người, các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền. Việc triển khai các mô hình quản trị sẽ đưa ra các điều khoản sử dụng mà người dùng buộc phải chấp nhận, tuân thủ. Trong nhiều năm qua, các công ty công nghệ lớn đã sử dụng công nghệ để tác động đến các cuộc bầu cử.
Thực tế cho thấy, các công ty truyền thông xã hội và công nghệ đã trở thành những chủ thể toàn cầu có quyền lực mạnh mẽ. Các quyết định của họ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi và sự tự do của hàng tỷ người đã và đang sử dụng công nghệ. Các công ty công nghệ hiện nay đang dần tiến bước xa hơn bằng cách định vị mình như một quyền lực thống trị. Microsoft tuyên bố sẽ mở một văn phòng đại diện tại Liên hợp quốc, đồng thời chỉ định người đứng đầu bộ phận các vấn đề của châu Âu(8). Trong khi đó, Facebook đã cho ra mắt một “tòa án tối cao”(9) để xem xét các quyết định kiểm duyệt nội dung gây tranh cãi khi bị chỉ trích.
Nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành mạng xã hội lớn Facebook Mark Zuckerberg tham dự phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc lộ dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng toàn cầu _Ảnh: The New York Times
Các chuyên gia phân tích cho rằng, chính các công ty công nghệ, các mạng xã hội mới là chủ thể có quyền quyết định luật chơi trong thế giới ảo. Người dùng muốn tham gia mạng xã hội phải đăng ký thông tin, phải chấp nhận những quy định mà các nhà cung cấp đưa ra, không phân biệt trình độ, tuổi tác, giới tính, dân tộc. Những quy định đó mang tính phổ quát toàn cầu, không có ngoại lệ. Những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Twitter và Youtube đang phát triển các nghiên cứu, phương pháp cải tiến để quản lý hàng triệu nội dung được đăng trên nền tảng của họ hằng ngày.
Các phân tích cho thấy, lợi nhuận của các công ty công nghệ lớn hơn nhiều ngân sách của một số quốc gia. Tập đoàn Apple với khoảng 240 tỷ USD dự trữ, về lý thuyết có thể khởi động một chương trình đầu tư lớn gấp đôi Kế hoạch Marshall (tính theo USD)(10). Nếu nguồn thu của tập đoàn này so với ngân sách quốc gia của một nước, thì sẽ đứng thứ 23 trong danh sách những chủ thể có nguồn thu lớn nhất toàn cầu(11), trên cả Bỉ, Nga, Ấn Độ và Mexico. Theo Ngân hàng thế giới (WB), nếu lập danh sách 100 nền kinh tế lớn nhất thế giới thì sẽ gồm có 69 tập đoàn và 31 quốc gia(12). Có thể thấy rằng, hơn một phần ba thương mại toàn cầu đơn thuần là sự trao đổi giữa các đơn vị khác nhau trong cùng một tập đoàn chứ không phải giữa các quốc gia.
Những ứng dụng công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cán cân quân sự giữa các quốc gia và các chủ thể phi quốc gia theo hướng nghiêng về các chủ thể phi quốc gia. Công nghệ - kỹ thuật mới đã và đang mang lại nhiều sự lựa chọn vũ khí tấn công cho các lực lượng vũ trang phi chính thức. Sự xuất hiện của máy bay không người lái thương mại đồng nghĩa với việc quân nổi dậy có thể tiến hành các cuộc tấn công từ bên ngoài phạm vi giám sát của chính phủ. Bên cạnh đó, khi công nghệ in 3D đối với máy bay không người lái trở nên phổ biến hơn, số lượng máy bay không người lái được sử dụng sẽ gia tăng đáng kể. Các loại máy bay không người lái tầm xa, như Flexrotor, Volans-I và DX-3 sẽ ngày càng được phổ biến rộng rãi trên thế giới.
Tiêu chuẩn công nghệ tạo nên sự cạnh tranh
Cạnh tranh về công nghệ là đặc điểm nổi bật trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc hiện nay. Lựa chọn cạnh tranh về lĩnh vực thương mại và công nghệ với Trung Quốc là cách tốt nhất để Mỹ đạt được mục tiêu ngăn ngừa các mối đe dọa từ Trung Quốc, bởi phát động một cuộc chiến tranh quân sự để cạnh tranh với Trung Quốc gần như là điều không thể. Bản chất sâu xa của chiến tranh thương mại là cuộc xung đột về an ninh. Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nước nào nắm được công nghệ cao hơn thì nước đó sẽ phát triển nhanh và mạnh hơn. Do đó, Mỹ áp đặt thuế thương mại đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không hẳn vì thâm hụt thương mại mà còn nhằm bảo vệ ngành công nghệ cao của mình, bởi Mỹ cho rằng Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ cao. Mặc dù bề ngoài là một cuộc chiến thương mại, nhưng về lâu dài, đây là một phần trong chiến lược an ninh dài hạn của Mỹ. Mỹ sẽ đối phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy đổi mới các ngành sáng tạo và ngăn chặn hoạt động đánh cắp công nghệ từ phía đối thủ. Trong các cuộc chạy đua về công nghệ giữa hai quốc gia này, căng thẳng nhất là cuộc chạy đua mạng 5G. Trung Quốc hiện đang giữ vị thế là một trong những quốc gia tiên phong về mạng 5G, điều này có thể trở thành lợi thế về địa - chính trị khi Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Phi, Mỹ La-tinh và Trung Đông, những nơi mà Trung Quốc tăng cường đầu tư về tài chính, thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), từ đó cho phép Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế số trên toàn cầu. Mỹ đang nỗ lực ngăn các nước châu Âu sử dụng các phần cứng trong mạng lưới 5G của Trung Quốc với lý do liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.
Tiêu chuẩn công nghệ đang trở thành ranh giới, làm phân mảnh nền chính trị thế giới. Chẳng hạn, các đề xuất về quản trị kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ khác rất nhiều so với các đề xuất của Mỹ. Chính phủ Mỹ đưa Tập đoàn Huawei vào “danh sách đen” những doanh nghiệp cần bị loại khỏi chuỗi cung ứng, áp dụng quy định chung về bảo vệ dữ liệu để đẩy nhanh những quy tắc không gian mạng của riêng mình. Các nước châu Âu và Mỹ đang thận trọng đánh giá tính an toàn và bảo mật trong kết nối 5G của các doanh nghiệp Trung Quốc. Những quốc gia khác như Nga, Ấn Độ đang tận dụng lợi ích riêng của họ do mạng 5G mang lại. Tuy nhiên, hệ quả của những tiến trình này là sự phân mảnh ngày càng lớn trên không gian mạng. Sự phân tách đang diễn ra giữa hai hệ thống công nghệ của Mỹ và Trung Quốc, nhưng đây cũng chỉ là một tiền đề cho những gì có thể xảy ra.
Cạnh tranh về công nghệ là đặc điểm nổi bật trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc hiện nay (Trong ảnh: Khách tham quan gian hàng của ZTE (hãng sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc) tại Hội nghị di động thế giới tại San Francisco, Mỹ) _Ảnh: AFP/TTXVN
Trước sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, đến nay, chưa có một cơ chế toàn cầu nào có thể giải quyết được những mâu thuẫn và khác biệt giữa các quốc gia về công nghệ hay làm cơ chế trung gian cho quan hệ giữa các chủ thể quốc gia và phi quốc gia, dù đã có những nỗ lực hợp tác công - tư. Những công nghệ nổi lên từ Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đi trước các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế. Cộng đồng quốc tế và các quốc gia rất khó có khả năng đàm phán với nhau về một mối quan hệ mới trong phạm vi giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, nếu có thể tạo ra và quản lý tốt các cơ chế toàn cầu trong một thế giới mới, đòi hỏi các quốc gia phải chấp nhận những tác động của cơ chế này đối với thể chế và tiến trình phát triển trong nước, duy trì sự tương thuộc về kinh tế và những thách thức đối với an ninh quốc gia, cũng như phát triển các quy tắc và thể chế quốc tế. Khi thế giới ngày càng phân mảnh, sẽ không có một cơ chế quản trị nào mang lại hiệu quả. Do vậy, khả năng điều tiết quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống, cũng như việc đưa ra các quy tắc, luật chơi được các bên cùng chấp nhận là rất thấp. Trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh giờ càng trở nên khó lường và bất định hơn bởi sự tác động từ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các nhà phân tích cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tạo ra những cơ chế để thúc đẩy “khả năng tương tác”. Nếu sự phân mảnh trong hệ thống công nghệ toàn cầu vẫn tiếp diễn thì cạnh tranh hay thậm chí đối đầu và bất ổn là điều không thể tránh khỏi. Nếu có được một cơ chế cho phép hệ thống công nghệ của các quốc gia đối thoại, giao tiếp với nhau, cho dù có những khác biệt về trình độ công nghệ, chính trị hoặc xã hội, thì đây vẫn sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết. Do Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trong bối cảnh thế giới trở nên đa cực hơn, sẽ hiếm có quốc gia đơn lẻ nào đủ mạnh để thực thi lợi ích của mình, trong khi các doanh nghiệp công nghệ ngày càng trở nên mạnh hơn. Nếu nhóm các nền kinh tế lớn (G-20) được thành lập để thảo luận, định hướng cho sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu trong một thế giới đa cực, thì thế giới hiện nay sẽ cần một thể chế trong nền tảng kỹ thuật số, có thể gọi tắt là D-20 (Digital 20), bao gồm những nền kinh tế số lớn nhất cùng các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu. D-20 sẽ có chức năng như một cơ chế chỉ đạo, quản lý các tác động của công nghệ số cũng như định hướng cho sự phát triển kỹ thuật số.
Các nhà phân tích cho rằng, trong thời gian ngắn hạn, cần tiến hành song song hai nhiệm vụ: Một là, hướng tới tiêu chuẩn hóa công nghệ trong các hoạt động kinh tế và an ninh cốt lõi; hai là, các quốc gia cần linh hoạt trong việc xử lý những hệ quả chính trị - xã hội do tác động của công nghệ mới nổi mang lại. Đây có thể chưa phải là một sự sắp xếp tối ưu, nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hơn cả.
Lịch sử cho thấy, các cuộc cách mạng công nghiệp đều có những tác động cơ bản đến trật tự thế giới. Mặc dù nhân loại mới bước vào giai đoạn đầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng các chủ thể quốc gia lẫn phi quốc gia đã sớm bước vào một cuộc chiến công nghệ mới. Cuộc cạnh tranh này thậm chí còn được cho là khốc liệt hơn và đã nhen nhóm từ lâu. Việc các cường quốc sử dụng công nghệ để tranh giành ảnh hưởng toàn cầu không còn quá mới mẻ, nhưng cuộc chiến tranh giành vị trí “bá chủ kỹ thuật số” hứa hẹn sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới của trật tự thế giới. Trong những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến quan hệ quốc tế, có những tác động trực quan và thấy rõ, có những tác động mang tính dự báo và còn chờ tương lai kiểm chứng. Các quốc gia, dù là mạnh nhất hay đang phát triển, đều có những cách thức riêng để nâng cao năng lực, sức mạnh quốc gia, bảo đảm an ninh và phát triển trong một thế giới có nguy cơ bị chia rẽ dưới tác động của công nghệ./.
-------------------------------------
* Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
** Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
(1) Kennedy Paul: The Rise and Fall of Great Powers, Random House, New York, 1987, p. 149
(2) Steve Crowe: “Top 5 countries using industrial robots in 2018”, https://www.therobotreport.com/top-5-countries-using-industrial-robots-2018, ngày 19-9-2019
(3) James Blackman: “Revealed: The world’s smartest factories and manufacturers”, https://enterpriseiotinsights.com/20180913/channels/fundamentals/worlds-smartest-factories, ngày 13-9-2018
(4) Department of Defense: “United States of America Department of Defense”, https://www.esd.whs.mil/portals/54/documents/dd/issuances/dodd/300009p.pdf
(5) Artificial Intelligence: “A Strategy for Russian Start-ups”, Global Manufacturing & Industrialisation Summit, 11 June 2019
(6) Delcker, J: “Germany’s falling behind on tech, and Merkel knows it”, https://www.politico.eu/article/germany-falling-behind-china-on-tech-innovation-artificial-intelligence-angela-merkel-knows-it/, ngày 23-7-2018
(7) Waterfield Phee: “South Korea and Germany lead automation index, https://enterpriseiotinsights.com/20180425/channels/news/south-korea-germany-lead-automation-index, ngày 25-4-2018
(8) Microsoft Corporate Blog: “Microsoft appoints senior government affairs leaders in Brussels and New York, establishes New York office to work with the United Nations”, https://blogs.microsoft.com/eupolicy/2020/01/17/senior-gov-affairs-leaders-appointed-brussels-new-york/, ngày 17-1-2020
(9) Ingram David: “Facebook names 20 people to its 'Supreme Court' for content moderation”, https://www.nbcnews.com/tech/tech-news/facebook-names-20-people-its-supreme-court-content-moderation-n1201181, ngày 7-5-2020
(10) Kế hoạch trọng yếu của Mỹ nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai
(11) Babic Milan et al.: “Who is more powerful – states or corporations?”, http://theconversation.com/who-is-more-powerful-states-or-corporations-99616, ngày 11-7-2018
(12) Anderson, Sarah & John Cavanagh: “Top 200: The Rise of Global Corporate Power, Global Policy Forum”, https://www.iatp.org/sites/default/files/Top_200_The_Rise_of_Corporate_Global_Power.pdf