Sự trở lại của phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh

TS LỘC THỊ THỦY
Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
09:07, ngày 23-11-2023

TCCS - Sau một thời gian rơi vào tình trạng thoái trào bởi sự trỗi dậy của các lực lượng cánh hữu và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh đã từng bước được phục hồi và phát triển thông qua thắng lợi của nhiều chính phủ cánh tả trong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội.

Tình hình chính trị khu vực Mỹ La-tinh đã thay đổi khi các lực lượng cánh tả phục hồi sau một giai đoạn suy yếu. Sự phục hồi này được đánh dấu bằng thắng lợi của ông Lô-pét Ô-bra-đo trong cuộc bầu cử Tổng thống Mê-hi-cô năm 2018. Đây được coi là bước ngoặt đánh dấu sự quay trở lại của các phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh. Tiếp  đó là lãnh đạo các đảng cánh tả ở nhiều quốc gia trong khu vực đã liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử, như Tổng thống Bô-li-vi-a Lu-i A-xơ (năm 2020), Tổng thống Ác-hen-ti-na An-béc-tô Phéc-nan-đê (năm 2019), Tổng thống Pê-ru Pê-đrô Cát-xti-lô (năm 2021), Tổng thống Ôn-đu-rát Xi-ô-ma-ra Cát-xtơ-rô (năm 2021), Tổng thống Chi-lê Ga-bri-en Bô-ríc  (năm 2021) và Tổng thống Cô-xta Ri-ca An-va-ra-đô Quét-xa-đa (năm 2022)... Những thắng lợi này đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong đời sống chính trị khu vực Mỹ La-tinh, chuyển đổi bức tranh chính trị của khu vực từ “hữu” sang “tả” dựa trên phương châm “Con lắc chính trị” tả - hữu quen thuộc ở khu vực này và tạo ra “kỷ nguyên cánh tả 2.0” mới.

Tổng thống Bra-xin Lu-la Đờ Xin-va trở lại chính trường Bra-xin (năm 2022) _Ảnh: AFP/ TTXVN

Tình hình khu vực Mỹ La-tinh từ năm 2018 đến nay

Từ sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Mê-hi-cô năm 2018, tình hình khu vực Mỹ La-tinh tiếp tục diễn biến theo chiều hướng thuận - nghịch đan xen do có sự tác động của các nước lớn bên ngoài và các nhân tố nội tại.

Thứ nhất, sự phục hồi của các lực lượng cánh tả trong khu vực thông qua các cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội.

Thắng lợi của các cuộc bầu cử Tổng thống ở khu vực Mỹ La-tinh chứng tỏ một thực tế là người dân ở khu vực này đã nhận thấy những dấu ấn chính trị mà các nhà lãnh đạo cánh tả triển khai thành công tại khu vực giai đoạn 1999 - 2012. Đồng thời, thắng lợi này cũng chứng minh một thực tế là hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa cánh tả tiếp tục chi phối đời sống chính trị, xã hội ở nhiều quốc gia Mỹ La-tinh.

Các nước theo đường lối cánh tả, thiên tả, như Vê-nê-xu-ê-la, Ni-ca-ra-goa, Cu-ba mặc dù phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế - xã hội do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và Nhóm LIMA cánh hữu(1), nhưng vẫn tổ chức thành công nhiều diễn đàn xã hội cánh tả quốc tế trong giai đoạn 2019 - 2021, như Hội nghị Phong trào Không liên kết lần thứ tư, Diễn đàn Cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (CELAC) lần thứ năm, Diễn đàn Sao Paolo lần thứ 26... và đạt nhiều thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống. Việc cựu Tổng thống Bra-xin Lu-la Đờ Xin-va trở lại chính trường Bra-xin (năm 2022) cho thấy phong trào cánh tả Mỹ La-tinh có sự chuyển biến rõ rệt về chất và lượng, mở ra bước phát triển mới đối với phong trào cánh tả mới ở khu vực thay thế các chính thể cánh hữu.

Thứ hai, sự suy yếu của các lực lượng cánh hữu thân Mỹ.

Trái ngược với sự phục hồi, trở lại chính trường của lực lượng cánh tả, các lực lượng cánh hữu cấp tiến đang từng bước suy yếu. Chính quyền ở các nước, như Mê-hi-cô, Cô-lôm-bi-a, Chi-lê, Bra-xin đều không thể giải quyết được những khó khăn kinh tế mà những nước này đang phải đối mặt, nhất là từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19. Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê của Liên hợp quốc (CEPAL) (tháng 4-2022), trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Mỹ La-tinh là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới bởi đại dịch COVID-19 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm 7% (năm 2020) và 3% (năm 2021); có 201 triệu người (chiếm 32,1% tổng dân số của khu vực) sống trong cảnh nghèo đói và 82 triệu người (chiếm 13,1% tổng dân số của khu vực) sống ở mức nghèo đói cùng cực(2).

Có thể thấy, sự suy yếu của các lực lượng cánh hữu ở khu vực Mỹ La-tinh là điều không thể tránh khỏi, bởi Mỹ La-tinh trong giai đoạn này muốn xây dựng một trật tự thế giới mới đa cực, chứ không phải là một cực hay phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ như trước.

Thứ ba, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nền chính trị khu vực Mỹ La-tinh.

Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp, nhưng trên thực tế, đại dịch COVID-19 chính là một trong những nhân tố làm cho phong trào cánh tả khu vực Mỹ La-tinh được phục hồi. Bởi đại dịch COVID-19 đã làm biến đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế, chính trị, xã hội Mỹ La-tinh theo hướng có lợi cho tầng lớp lao động, thu nhập thấp. Theo Báo cáo của CEPAL (tháng 4-2023), trong số 280 triệu người chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 ở Mỹ La-tinh thì tỷ lệ người nghèo đói chiếm 90%, 10% còn lại thuộc giới trung lưu, thượng lưu bị phá sản. Đây chính là cơ hội để các lực lượng cánh tả quay trở lại giành chính quyền thông qua chính sách, cương lĩnh tranh cử đa dạng. Tổng thống Chi-lê G. Bô-ríc đề ra cương lĩnh tăng cường quan hệ với các nước cánh tả, đẩy mạnh đầu tư phúc lợi xã hội và chú trọng mục tiêu phát triển kinh tế xanh, sạch; Tổng thống Pê-ru P. Cát-xti-lô chú trọng thúc đẩy chính sách bình quyền giữa người da trắng với người da đỏ, tăng cường phối hợp chính sách với giới chủ trong việc thúc đẩy lực lượng này đầu tư phát triển kinh tế quốc gia.

Thứ tư, chính sách của Mỹ vô hình trung tạo cơ sở cho sự phục hồi của phong trào cánh tả.

Giai đoạn 2018 - 2020, dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, Mỹ đã thi hành các chính sách ngoại giao đơn phương đối với các nước Mỹ La-tinh thông qua việc phối hợp với Bra-xin, Cô-lôm-bi-a can thiệp quân sự trực tiếp vào tình hình nội bộ của nhiều nước cánh tả trong khu vực, nhất là Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la, Ni-ca-ra-goa, đồng thời lập Nhóm LIMA cánh hữu để đối phó với các nước có khả năng đe dọa đến lợi ích và hệ giá trị của Mỹ ở khu vực thông qua liên minh Mỹ - Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) - LIMA. Chính sách này của chính quyền Tổng thống Mỹ Đ. Trăm vô hình trung đã tạo cơ sở cho việc chính quyền cánh tả giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống.

Dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn, Mỹ đã điều chỉnh chính sách và không đặt khu vực Mỹ La-tinh nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại của mình, nhưng vẫn tiếp tục duy trì Học thuyết Môn-rô(3) đối với khu vực thông qua chính sách thúc đẩy dân chủ, nhân quyền. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn lập Quỹ di sản Mỹ La-tinh(4) để thúc đẩy dân chủ tại khu vực thông qua các chính quyền cánh hữu ở Bra-xin, Goa-tê-ma-la và coi Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA) là những quốc gia không có tự do, dân chủ; bên cạnh đó, Mỹ thay đổi nhân sự tại Bộ Chỉ huy phương Nam để phối hợp chính sách với khu vực Mỹ La-tinh nhằm chuyển từ đối đầu sang vừa hợp tác, vừa răn đe.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn còn phải đối mặt không ít khó khăn trong việc thực thi các chính sách này. Chẳng hạn như, Bộ Quốc phòng Mỹ muốn sử dụng nguồn tài chính để đối phó với Vê-nê-xu-ê-la và các lực lượng cánh tả cấp tiến ở khu vực; tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ lại muốn sử dụng nguồn vốn để ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy từ Cô-lôm-bi-a tới Mỹ và thúc đẩy dân chủ ở khu vực; còn Bộ Chỉ huy phương Nam muốn tập trung nguồn vốn để cô lập Cu-ba và bao vây các nước ALBA...

Thứ năm, Trung Quốc tiếp tục thi hành chính sách mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Mỹ La-tinh.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng sụt giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế cùng những tác động của đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực Mỹ La-tinh, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và y tế. Tháng 3-2020, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên viện trợ thiết bị y tế đến các quốc gia Mỹ La-tinh, như  Bô-li-vi-a, Vê-nê-xu-ê-la, Ác-hen-ti-na để giúp các nước này đối phó với đại dịch COVID-19. Đến tháng 12-2020, tổng viện trợ của Trung Quốc cho khu vực này là 665 triệu USD, chiếm 80% tổng viện trợ mà thế giới dành cho khu vực(5).

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn là đối tác hàng đầu của khu vực. Theo Báo cáo của CEPAL (tháng 2-2022), trong giai đoạn 2004 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực Mỹ La-tinh sang Trung Quốc tăng từ 12 tỷ USD lên 131 tỷ USD. Còn kim ngạch nhập khẩu tăng từ 22 tỷ USD lên 200 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 15% kim ngạch xuất khẩu và 22% kim ngạch nhập khẩu của khu vực này với thế giới; trong đó, các đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc là Bra-xin, Mê-hi-cô và Vê-nê-xu-ê-la(6). Các mặt hàng mà Trung Quốc xuất khẩu chủ yếu là điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng; nhập khẩu chủ yếu nguyên liệu thô, dầu khí và các mặt hàng nông sản.

Về đầu tư, trong giai đoạn 2005 - 2022, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Mỹ La-tinh đạt 180 tỷ USD. Trung Quốc có mặt ở hầu hết dự án hải cảng lớn ở khu vực, như cảng Veracruz (Mê-hi-cô), cảng Buenaventura (Cô-lôm-bi-a), cảng Kingston (Gia-mai-ca) cùng nhiều tuyến giao thông quan trọng, như dự án đường cao tốc, đường bộ xuyên Nam Mỹ, dự án kênh đào Ni-ca-ra-goa...

Cơ hội và thách thức đối với các quốc gia trong khu vực Mỹ La-tinh

Sự phục hồi của phong trào cánh tả khu vực Mỹ La-tinh mang đến cơ hội và thách thức đan xen cho các quốc gia trong khu vực.

Về cơ hội

Một là, sự phục hồi của phong trào cánh tả đã dẫn tới việc hình thành một mô hình chính trị mới (trào lưu chính trị mới mang tính không liên kết dựa trên phiên bản của Hiến chương Liên hợp quốc về 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình) ở khu vực. Tháng 2-2022, các nhà lãnh đạo cánh tả Mỹ La-tinh, đứng đầu là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bra-xin Xeo-sô A-mo-rim và Bộ trưởng Quốc phòng Ác-hen-ti-na Gióoc-dơ Tai-a-na đã đưa ra Học thuyết chính trị “Chủ động không liên kết” và “Mỹ La-tinh: học thuyết cho thế kỷ mới” nhằm xây dựng một khu vực Mỹ La-tinh cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc(7).

Hai là, cơ hội thành lập cơ chế hợp tác mới giữa các nước cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh với các tổ chức quốc tế để hình thành một cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh với các khu vực khác. Đây chính là nền tảng để Mỹ La-tinh thực hiện chính sách tự chủ về chính trị, kinh tế, không để tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới.

Ba là, gia tăng sự liên kết kinh tế, thương mại giữa các nước cánh tả Mỹ La-tinh để chống sự bá quyền trong quan hệ kinh tế quốc tế. Ngày 18-9-2021, tại Hội nghị CELAC được tổ chức tại Mê-hi-cô, 34 quốc gia đã nhất trí sẽ tăng cường hội nhập khu vực, chống sự can thiệp từ bên ngoài, hợp tác chống biến đổi khí hậu. Các nước CELAC đã lên án chính sách cường quyền và bành trướng kinh tế của các nước lớn.

Bốn là, đưa ra khẩu hiệu liên kết chính trị mới mang tính xã hội và hướng tới người dân, như chính sách công bằng và công lý, phúc lợi quốc gia, hướng kinh tế với môi trường xanh, sạch... Đây chính là cơ sở để các nhà lãnh đạo cánh tả giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Chi-lê, Pê-ru... và phục hồi một số liên minh cánh tả đã bị suy yếu trước đó, như Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), CELAC.

Năm là, vị thế của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI và hệ tư tưởng cánh tả tiếp tục được duy trì. Điều này tạo cơ sở để chính quyền các nước ALBA, Cu-ba duy trì vị thế độc lập với Mỹ.

Sáu là, khẳng định những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lê-nin và các hệ tư tưởng cánh tả vẫn tiếp tục được duy trì và tồn tại ở Mỹ La-tinh, bất chấp sự can dự của Mỹ và các thế lực quốc tế khác. Điều này cũng phù hợp với phát biểu của cố Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô khi đến Pê-ru (năm 1971) rằng: Mỹ La-tinh luôn là cái nôi, ngọn núi lửa của các phong trào cách mạng chống đế quốc trên thế giới. Bởi khu vực này là nơi ra đời sớm nhất của nhiều đảng cách mạng, nhiều trào lưu tiến bộ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tinh thần quốc tế I, II, III trong thế kỷ XIX và XX.

Bảy là, tạo cơ hội cho mô hình hợp tác Nam - Nam mới phát triển trong khuôn khổ cơ chế khu vực, liên khu vực, như CELAC - Trung Quốc, CELAC - Liên minh châu Âu (EU), góp phần nâng cao vị thế của khu vực. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bra-xin Xên-xô A-mô-rin từng phát biểu, đã tới lúc phải chấm dứt việc vị thế của khu vực Mỹ La-tinh đang ngày càng suy yếu trên trường quốc tế(8).

Về thách thức

Thứ nhất, các nước Mỹ La-tinh nói chung và phong trào cánh tả Mỹ La-tinh nói riêng hiện nay vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, đầu tư, nhất là trong bối cảnh từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động trao đổi thương mại và gia tăng đầu tư ở khu vực.

Thứ hai, mặc dù vị thế của chính quyền cánh hữu đã suy yếu, nhưng Mỹ vẫn duy trì ảnh hưởng tại khu vực Mỹ La-tinh và với các nước cánh tả. Mỹ vẫn có sự kiểm soát đối với các giai cấp tư sản, tầng lớp thượng lưu và các chính trị gia có tư tưởng tự do ở khu vực. Do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Mỹ lôi kéo những lực lượng này thông qua các tổ chức, thể chế tài chính thân Mỹ ở khu vực, như Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngân hàng phát triển liên Mỹ (IADB), Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thứ ba, hiện nay, nội bộ phong trào cánh tả khu vực Mỹ La-tinh vẫn còn tình trạng bị phân hóa về đường lối phát triển. Một số quốc gia vẫn trung thành với đường lối thiên tả, như Nhóm ALBA và Cu-ba; một số theo đường lối trung tả, như Chi-lê, Ác-hen-ti-na muốn cân bằng quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, chú trọng thúc đẩy hội nhập khu vực; một số quốc gia theo đường lối trung lập, như Ôn-đu-rát, Bô-li-vi-a...

Thứ tư, hệ tư tưởng mà các nước cánh tả theo đuổi cũng chưa thực sự rõ ràng. Trong khi Cu-ba duy trì đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin thì các nước ALBA vẫn duy trì sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Bô-li-va và tinh thần nhân văn Thiên chúa giáo. Các nước trung tả và trung lập lại có sự kết hợp của nhiều hệ tư tưởng, mô hình phát triển khác nhau...

Thứ năm, mặc dù giành được ưu thế, nhưng đó chỉ là tạm thời chứ không phải là ưu thế tuyệt đối. Thực tế cho thấy, các lực lượng cánh hữu vẫn đang nắm quyền tại nhiều nước lớn trong khu vực, nhất là Bra-xin, Mê-hi-cô, Cô-lôm-bi-a.

Thứ sáu, các nước trong khu vực đều muốn Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, điều này cũng sẽ tạo ra thách thức cho chính quyền cánh tả khu vực.

Triển vọng thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước cánh tả Mỹ La-tinh

Về chính trị, những thay đổi lớn về chính trị ở khu vực Mỹ La-tinh đã góp phần củng cố mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam với các nước cánh tả Mỹ La-tinh, nhất là với Cu-ba và các nước ALBA. Đối với Cu-ba, trải qua những thời khắc khó khăn nhất, tình đoàn kết, gắn bó giữa hai nước Việt Nam - Cu-ba là tài sản vô giá của hai dân tộc, là nguồn cổ vũ lớn lao cho sự nghiệp cách mạng mỗi nước, nhân tố quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở hai quốc gia. Sự kiện kỷ niệm 50 năm chuyến thăm tới Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam đầu tiên của Lãnh tụ Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô  (tháng 9-1973 - tháng 9-2023) đã được tổ chức trang trọng tại tỉnh Quảng Trị, Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Việt Nam và Cu-ba.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến lãnh tụ cách mạng Cuba, Đại tướng Raúl Castro Ruz và Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, ngày 21-4-2023 _Nguồn: TTXVN

Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường mối quan hệ với các nước Mỹ La-tinh, coi các nước khu vực là những đối tác hợp tác đầy tiềm năng trong công cuộc phát triển, hiện đại hóa. Cùng với đó, các nước Mỹ La-tinh cũng ngày càng coi trọng phát triển quan hệ với khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để cùng phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân, trao đổi chính sách với các nước Mỹ La-tinh thông qua các tổ chức, phong trào xã hội tiến bộ, như Phong trào Không liên kết (NAM), Nhóm các nước đang phát triển (G77), Diễn đàn Xao Pao-lô trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Điều này không chỉ giúp quan hệ của Việt Nam với các phong trào xã hội tiến bộ ở khu vực phát triển, mà còn thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước cánh tả Mỹ La-tinh có những bước tiến mới trong thời gian tới.

Dự báo giai đoạn 2023 - 2045, phong trào Không liên kết và G77 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở khu vực, được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào xã hội tiến bộ phát triển mạnh mẽ trong hơn 60 năm qua.

Về tiềm năng hợp tác, quan hệ tốt đẹp giữa hai bên sẽ tạo cơ hội để Việt Nam đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia cánh tả trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR). Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước đối tác Mỹ La-tinh cũng đang triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận để tạo đòn bẩy cho quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam cùng với Mê-hi-cô, Chi-lê, Pê-ru là thành viên; Hiệp định Thương mại tự do với Chi-lê (VCFTA) hay Hiệp định thương mại với Cu-ba; tạo cơ sở để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tại các nước cánh tả Mỹ La-tinh trên những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, như hàng dệt may, điện lực, dầu khí, điện tử, điện lạnh. Bên cạnh đó, Mỹ La-tinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam. Ngoài ra, các nước Mỹ La-tinh còn giúp Việt Nam hình thành ba loại hình hợp tác với khu vực, như Đối tác hợp tác hữu nghị đặc biệt (Cu-ba), Đối tác thương mại tiềm năng (Bra-xin), các nước có quan hệ hữu nghị về chính trị (Mê-hi-cô, Ni-ca-ra-goa, Vê-nê-xu-ê-la). Các loại hình này giúp Việt Nam bước đầu định hình chính sách đối ngoại hiệu quả với các nước Mỹ La-tinh, tạo nền tảng cho các hoạt động đối ngoại nhân dân và ngoại giao đa phương của Việt Nam với khu vực phát triển theo mô hình hợp tác Nam - Nam mang tính thực chất. Đồng thời, điều này cũng giúp các nước Mỹ La-tinh có thể thâm nhập vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dựa vào ASEAN để thúc đẩy phát triển mối quan hệ với các tổ chức khác ở châu Mỹ, như ASEAN - CELAC, ASEAN - MECOSUR.

Như vậy, có thể thấy rằng, những diễn biến chính trị ở khu vực Mỹ La-tinh trong thời gian qua chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những biến động từ tình hình chính trị quốc tế, khu vực. Xu hướng “tả”, “hữu” tiếp tục sẽ là chủ đề chính chi phối toàn bộ bức tranh chính trị khu vực này không chỉ ở hiện tại, mà còn trong tương lai. Đây được coi là một đặc điểm “riêng có” của khu vực Mỹ La-tinh so với các khu vực, châu lục khác trên thế giới. Đây cũng chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để đưa ra dự báo, đánh giá khách quan về bức tranh chính trị khu vực trong thời gian tới, qua đó các nước có thể tận dụng tốt cơ hội và hóa giải thành công thách thức, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển kinh tế và chủ động mở rộng quan hệ quốc tế với một khu vực mà cạnh tranh giữa các nước lớn vẫn luôn hiện diện và gia tăng mạnh mẽ./.

----------------------------

(1) Congressional Research Service: “Latin America and the Caribbean: U.S. Policy and Key Issues in the 117th Congress” (Tạm dịch: châu Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê: Chính sách của Mỹ và các vấn đề then chốt tại Đại hội lần thứ 117), https://crsreports.congress.gov/product/pdf/R/R46781
(2) CEPAL: “Poverty Rates in Latin America Remain Above Pre-Pandemic Levels in 2022” (Tạm dịch: Tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ La-tinh vẫn cao hơn mức trước đại dịch vào năm 2022), ngày 24-11-2022, https://www.cepal.org/en/pressreleases/poverty-rates-latin-america-remain-above-pre-pandemic-levels-2022-eclac-warns
(3) Học thuyết được cố Tổng thống Mỹ Giêm Môn-rô thông qua năm 1823, tuyên bố rằng bất kỳ nỗ lực nào của các nước phương Tây nhằm thực dân hóa vùng đất Bắc hoặc Nam Mỹ đều bị xem là các hành động gây hấn và có thể khiến Mỹ can thiệp.
(4) Whitehouse: “The Biden-Harris Administration Advances Equity and Opportunity for Latino Communities Across the Country” (Tạm dịch: Chính quyền Bai-đơn - Ha-rít nâng cao sự công bằng và cơ hội cho các cộng đồng người Latinh trên khắp đất nước), ngày 19-10-2022, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/10/19/fact-sheet-the-biden-harris-administration-advances-equity-and-opportunity-for-latino-communities-across-the-country-2/

(5) Europarl: “Trade aspects of China’s presence in Latin America and the Caribbean” (Tạm dịch: Các khía cạnh thương mại trong sự hiện diện của Trung Quốc ở Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê),  https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2022/702572/EXPO_BRI(2022)702572_EN.pdf
(6) Congressional Research Service report: “China’s Engagement with Latin America and the Caribbean” (Tạm dịch: Sự tham gia của Trung Quốc với Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê), https://sgp.fas.org/crs/row/IF10982.pdf
(7) Jorge Heine: “Active Non-Alignment and Latin America: A Doctrine for the New Century” (Tạm dịch: Không liên kết tích cực và châu Mỹ La-tinh: Học thuyết cho thế kỷ mới), ngày 16-11-2021, https://www.bu.edu/pardeeschool/2021/11/16/heine-publishes-el-no-alieamiento-activo-y-aerica-latina/

(8) U.S. Department of State: “Remarks With Brazilian Foreign Minister Celso Amorim” (Tạm dịch: Phát biểu với Ngoại trưởng Brazil Xên-xô A-mô-rin), ngày 26-4-2005, https://2001 2009.state.gov/secretary/rm/2005/45180.htm