Quan hệ giữa các nước phương Tây với Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay

PGS, TS. Nguyễn Anh Tuấn
Học viện Ngoại giao
14:30, ngày 25-06-2021

TCCS - Đại dịch COVID-19 được xem là một trong những nhân tố khiến cục diện thế giới biến chuyển theo hướng phức tạp hơn, với nhiều yếu tố bất định hơn. Cấu trúc “nhất siêu, đa cường” chuyển dịch nhanh hơn theo hướng “đa trung tâm, đa tầng nấc”. Bức tranh kinh tế và chính trị toàn cầu cũng chứng kiến những thay đổi khi các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang ngày càng tìm phương thức “giãn cách” với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình _Ảnh: Tư liệu

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc

Dưới thời kỳ của chính quyền của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Trung Quốc được Mỹ định vị là “đối tác hợp tác chiến lược”; trong thời kỳ của Tổng thống Mỹ George W. Bush, Trung Quốc được coi là “bên liên quan có trách nhiệm”; còn trong thời kỳ của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, Trung Quốc và Mỹ ra tuyên bố chung “cùng nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi”. Đến tháng 12-2017, “Báo cáo Chiến lược an ninh quốc gia” của Mỹ do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành lại coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh số một”, cho rằng Mỹ “đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng về chính trị, kinh tế và quân sự trên phạm vi thế giới. Trung Quốc và Nga là những thách thức đối với sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ”(1).

Đầu tháng 3-2021, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời (INSG) nhằm truyền tải tầm nhìn của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về cách thức nước Mỹ sẽ can dự với thế giới, đồng thời đưa ra hướng dẫn cho các bộ, ngành, cơ quan của Mỹ nhằm thống nhất về hành động trong bối cảnh Mỹ đang xây dựng chính sách đối ngoại mới(2). Trên cơ sở INSG, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có bài phát biểu nhấn mạnh 8 ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới(3), trong đó có việc ưu tiên xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Theo đó, không chỉ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mà nhiều thành viên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều coi Trung Quốc là mối đe dọa đang ngày càng gia tăng đối với lợi ích và giá trị của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” số 1, là quốc gia có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ, điều này tạo ra những thách thức nghiêm trọng đến hệ thống quốc tế mở và ổn định - hệ thống được coi là đang phục vụ lợi ích và giá trị của Mỹ. Chính quyền của Tổng thống J. Biden khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện những bước đi quan trọng mà chính quyền tiền nhiệm đã triển khai đối với Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống J. Biden là người có thái độ “ôn hòa” với Trung Quốc nhưng sẽ tiến hành cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và trở thành đối thủ khi bắt buộc. Trong vấn đề Biển Đông, cách tiếp cận của ông J. Biden còn có phần quyết đoán hơn. Sau khi tàu khu trục USS John S. McCain tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, Hạm đội 7 của Mỹ đồn trú tại Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố lên án yêu sách chủ quyền phi lý về “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đưa ra. Theo tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản), Mỹ còn tính đến khả năng triển khai “vành đai” tên lửa để đối phó với Trung Quốc. Như vậy, Mỹ đang phát đi những tín hiệu khẳng định, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ không mềm mỏng với Trung Quốc. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống J. Biden bắt nguồn từ ba nguyên nhân chính: Một là, cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu của hai siêu cường ngày càng gay gắt; hai là, Tổng thống J. Biden muốn thể hiện rằng mình không phải là người “mềm mỏng” với Trung Quốc; ba là, do các nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều không muốn Mỹ giảm áp lực đối với Trung Quốc.

Nhằm khôi phục “vị thế lãnh đạo” của mình, gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc, tái cấu trúc trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đã tái khởi động cơ chế “Bộ tứ” (QUAD) bằng việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của nhóm “Bộ tứ” vào ngày 12-3-2021 do Tổng thống J. Biden chủ trì, đánh dấu QUAD bước vào giai đoạn phát triển mới. Hội nghị đã thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực và đưa ra các giải pháp nhằm kiềm chế Trung Quốc. Hội nghị đã ra Tuyên bố chung với tên gọi “Tinh thần của nhóm “Bộ tứ””.

Trước chính sách của Mỹ như vậy, Trung Quốc mong muốn có một cuộc đối thoại cấp cao để tìm ra giải pháp thúc đẩy quan hệ hai nước. Bởi vậy, theo đề xuất của Mỹ, ngày 18-3-2021, các quan chức cấp cao về an ninh và đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc đã khởi động cuộc gặp cấp cao đầu tiên(4) kể từ khi Tổng thống J. Biden cầm quyền. Cuộc gặp kéo dài hai ngày tại Alaska (Mỹ) để thảo luận về các vấn đề trong quan hệ song phương và quốc tế. Tuy nhiên, do thái độ của hai bên không nhượng bộ, nên cuộc gặp đã không tháo gỡ được những khó khăn trong quan hệ giữa hai nước. Các chuyên gia phân tích nhận định, trong thời gian tới, Mỹ sẽ cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm hiện nay, gồm cả chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và đưa các đồng minh của Mỹ vào cuộc.

Các quan chức cấp cao về an ninh và đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc đã khởi động cuộc gặp kéo dài 2 ngày tại Alaska (Mỹ) để thảo luận về một loạt vấn đề trong quan hệ song phương cũng như quốc tế, sau 4 năm quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất _Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một số nhà phân tích của Trung Quốc, Mỹ dường như kiên định với tư duy coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và điều này đã được “thử nghiệm” qua nhiều lần thay đổi quyền lực giữa các đảng phái trong nước Mỹ, đồng thời tư duy này có lẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới. Không gian để hai nước hòa hoãn với nhau ngày càng thu hẹp, bởi Trung Quốc khó có thể điều chỉnh đường lối, chính sách đang vận hành hiệu quả, đem lại sự phát triển mạnh mẽ, bảo vệ tối đa “lợi ích cốt lõi” của đất nước, cho dù Trung Quốc từng nhiều lần khẳng định theo đuổi đường lối phát triển hòa bình, không thách thức vị trí siêu cường của Mỹ trong quá trình thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, không phá vỡ trật tự quốc tế hiện hành.

Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, sau khi Tổng thống J. Biden nhậm chức, tiền đề để Trung Quốc và Mỹ đạt được mối quan hệ bền vững là hai nước nên coi nhau là “đối thủ cạnh tranh”, chứ không phải là “kẻ thù”. Hai bên có thể tìm thấy sự đồng thuận hợp tác và lợi ích chung trên ba phương diện:

Thứ nhất, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang được xem là “kẻ thù chung” của các nước trên thế giới. Sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 không phân biệt ranh giới quốc gia, quốc tịch và chủng tộc, nhất là không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc, cũng như không quốc gia nào có thể đơn phương “chiến thắng” trong “cuộc chiến” này. Theo đó, dưới sự chủ trì của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc hợp tác trong khuôn khổ WHO, việc hai nước cùng nhau nỗ lực xây dựng một kế hoạch toàn diện nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 đóng vai trò hết sức quan trọng. Đối mặt với dịch bệnh COVID-19, lợi ích chung của cả Trung Quốc và Mỹ đã vượt lên trên sự khác biệt, có thể trở thành một trong những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên.

Thứ hai, bình thường hóa quan hệ thương mại Trung Quốc - Mỹ, dỡ bỏ thuế quan bổ sung của hai bên trong thời gian nhất định. Rõ ràng, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, vấn đề nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ Mỹ trong năm 2020 đã không đạt được mục tiêu của thỏa thuận hợp tác thương mại giữa hai bên. Vì vậy, việc hai bên có thể căn cứ vào điều khoản bất khả kháng mở lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành việc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, hay giảm giá trị mua hàng… cũng được xem là một trong những phương thức hóa giải hữu hiệu.

Thứ ba, Trung Quốc và Mỹ không chỉ phải cùng nhau đối mặt với những thách thức của dịch bệnh COVID-19 mà còn phải cùng nhau đối phó với những thách thức khác, như suy thoái kinh tế toàn cầu, rủi ro tài chính, biến đổi khí hậu… Như vậy, có thể nói, hai bên sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức chung hơn trong tương lai. Do đó, việc Mỹ và Trung Quốc có thể cùng nhau hợp tác thay vì đối đầu trên một số lĩnh vực không chỉ phù hợp với lợi ích riêng của của mỗi nước mà còn phù hợp với lợi ích chung của hai bên.

Như vậy, theo các học giả Trung Quốc, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những thách thức mới cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, Mỹ và Trung Quốc càng cần thể hiện vai trò, trách nhiệm của nước lớn trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Vì vậy, con đường tốt nhất để hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc tránh “bẫy Thucydides(5)”, tức là nước lớn trỗi dậy và nước lớn tại vị không tranh giành bá quyền trong trạng thái thù địch, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển(6), là cùng nhau chung tay hợp tác.

Quan hệ Trung Quốc và các nước đồng minh châu Âu của Mỹ

Tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) tháng 2-2021, Tổng thống J. Biden nhận định, Mỹ và các đồng minh đang phải đối mặt với “sự cạnh tranh chiến lược dài hạn” với Trung Quốc và phải “chống lại” những “hành vi làm suy giảm các nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, ngày 12-3-2021, tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã chỉ ra một sứ mệnh mới của NATO: “NATO sẽ phải ngày càng đối phó nhiều hơn với các thách thức đến từ Trung Quốc; NATO cần phải điều chỉnh cách tiếp cận chiến lược của mình và triển khai mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác Nhật Bản, Australia, Ấn Độ”(7). Đồng thời, trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO (diễn ra theo hình thức trực tuyến) vào ngày 17-2-2021, các nước thành viên đã thảo luận vấn đề liên quan tới việc sửa đổi Khái niệm chiến lược của NATO đến năm 2030, bởi lẽ Khái niệm chiến lược năm 2010 đã không còn đáp ứng được những thách thức hiện nay, do không bao hàm sự thay đổi cán cân quyền lực và chưa tính đến sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như vấn đề biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, các nước đồng minh châu Âu của Mỹ đã có những động thái mới trong quan hệ với Trung Quốc.

Một số quốc gia châu Âu đang bắt đầu có những động thái nhằm hạn chế sự can dự của Trung Quốc vào nền kinh tế của họ trong bối cảnh các nước châu Âu quan ngại về ảnh hưởng địa - chính trị ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Chính phủ các nước châu Âu gần đây đã hủy bỏ các cuộc đấu thầu công khai mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã giành được và dần tiến tới việc không cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư hoặc ký hợp đồng tại nước họ. Các nhà lãnh đạo một số nước châu Âu cho biết, sự thay đổi trên là do những lo ngại về an ninh quốc gia và sự hạn chế trong hiệu suất của các nhà thầu Trung Quốc. Sự thay đổi chủ yếu diễn ra ở các nước châu Âu nhỏ, làm gia tăng căng thẳng trong khối Liên minh châu Âu (EU), nơi một số nước khác vẫn ủng hộ duy trì liên kết thương mại với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp trực tuyến hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc với các quan chức Liên minh châu Âu (EU), ngày 30-12-2020 _Ảnh: THX/TTXVN

Do các giới hạn mới của châu Âu đối với dòng chảy tài chính, nên quy định mới của các nước thành viên EU về việc sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các khoản đầu tư đến từ Trung Quốc, đã có hiệu lực kể từ tháng 10-2020 và được nhiều nước EU thông qua, dẫn đến đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào EU đã giảm mạnh kể từ mức đỉnh điểm vào năm 2016. Sự thận trọng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc đã gia tăng phần lớn ở các nước thuộc khu vực Đông Âu và Nam Âu. Ngay cả hai nền kinh tế lớn là Đức và Pháp hiện cũng rất thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Còn các nước thuộc Nhóm hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu (CEEC), hay còn gọi là Cơ chế hợp tác 17+1, là mục tiêu chính của các nhà thầu Trung Quốc với mong muốn thu lợi từ nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng rộng lớn của khu vực, thường đặt mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá của các đối thủ châu Âu. Nhiều nước EU đã bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân một số dự án “Vành đai, Con đường” (BRI) không được hoàn thành và cho rằng, các nhà thầu Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chuẩn hoặc không có năng lực để hoàn thành dự án.

Ngày 24-2-2021, tại phiên họp trực tuyến của Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu (EP), Hiệp định Đầu tư toàn diện Trung Quốc - EU (CAI) tiếp tục vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nghị sĩ châu Âu. Các nghị sĩ cho rằng, Hiệp định này không coi trọng chính quyền mới của Tổng thống Mỹ J. Biden. Ngày 23-3-2021, EP quyết định hủy phiên họp xem xét Hiệp định CAI. Bên cạnh đó, ngày 23-3-2021, một số nước châu Âu đã phản đối các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với EU khi Trung Quốc cho rằng, EU mượn cớ “vấn đề nhân quyền Tân Cương” để đơn phương đưa ra quyết định trừng phạt đối với Trung Quốc. EU cho rằng, khối này cần tỏ ra quyết đoán hơn đối với Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định, qua đó mới có thể duy trì được lợi thế và lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ trong các tuyên bố cứng rắn mà lần đầu tiên EU đưa ra, liên quan đến các vấn đề nhân quyền hay tự do hàng hải ở Biển Đông trong thời gian gần đây.

Đối với Anh, hiện các nhà bình luận quốc tế cho rằng, dường như đã xảy ra một cuộc “chiến tranh lạnh” quy mô nhỏ giữa Anh và Trung Quốc. Anh đã thay đổi quyết định về việc cho phép Công ty Huawei (Trung Quốc) tham gia xây dựng mạng lưới 5G tại Anh và cử hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông nhằm bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là đợt triển khai hải quân và không quân lớn nhất của Anh kể từ năm 1982 và được xem như tín hiệu chứng minh sự hiện diện ngày càng tăng của Anh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các chuyên gia phân tích nhận định, động thái của Anh đối với Trung Quốc trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Anh sẽ ngày càng có những chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Cửa hàng Huawei tại Paris, Pháp _Ảnh: AFP/ TTXVN

Với Australia, nước này cũng đã có những hành động đáp trả đối với Trung Quốc như không cho phép Công ty Huawei tham gia phát triển mạng di động 5G tại Australia; cùng với Mỹ, Nhật Bản phản đối việc Trung Quốc đơn phương cải tạo các thực thể tại các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông… Trước những động thái này, Trung Quốc đã có những đáp trả mạnh tay hơn đối với Australia, như: tăng mạnh thuế lên các mặt hàng than đá, thép và rượu vang của Australia, thậm chí cấm nhập khẩu các mặt hàng than, rượu, thịt bò, lúa mạch và nhiều mặt hàng khác của Australia nhằm gia tăng áp lực buộc Australia phải thay đổi và có lập trường phù hợp hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng, các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, “can thiệp thô bạo” công việc nội bộ của Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc buộc phải đáp trả để bảo vệ chủ quyền quốc gia và danh dự. Phương Tây cần từ bỏ ý định tìm cách thay đổi chính sách cũng như lập trường cơ bản của Trung Quốc.

Có thể thấy, triển vọng quan hệ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, nhất là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian tới được dự báo sẽ căng thẳng hơn. Tuy nhiên, khác với thời kỳ của tổng thống tiền nhiệm, thay vì đối đầu trực diện với Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống J. Biden chọn cách tiếp cận là “cạnh tranh là quy luật, hợp tác khi có thể và là địch thủ khi cần thiết” nhằm triển khai đường lối đối ngoại, bảo đảm được các lợi ích kinh tế trong nước. Điều này có nghĩa là cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ sẽ không rơi vào “Bẫy Thusydides”. Trung Quốc vẫn sẽ được hưởng lợi từ trật tự cũ và không cần thiết phải đối đầu với các nước khác mà vẫn có thể trỗi dậy. Trong khi phần lớn các nước đồng minh của Mỹ trên thế giới hiện nay có quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ cũng nhận thức rằng, họ không nhất thiết phải cắt đứt quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc.

Dự báo, chính quyền của Tổng thống J. Biden có thể sẽ thiết lập các liên minh và các thể chế đa phương nhằm đối phó với Trung Quốc trên các vấn đề liên quan, với phương châm Mỹ và các nước đồng minh sẽ cùng chung mục tiêu xử lý các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Đây có thể sẽ là liên minh do Mỹ dẫn dắt với các đồng minh thân cận ở cả hai khu vực châu Á và châu Âu. Các giá trị “dân chủ”, “nhân quyền” và “tự do” sẽ được đẩy mạnh dưới thời Tổng thống J. Biden. Chính quyền của Tổng thống J. Biden cũng sẽ lưu tâm hơn tới các vấn đề kinh tế cũng như lợi ích của các nước đồng minh của Mỹ .

Có thể thấy, chính sách đối ngoại của chính quyền của Tổng thống J. Biden đối với Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ và Trung Quốc, mà còn đối với cả châu Âu và châu Á, khi hai khu vực này cũng muốn đưa ra tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác đồng minh xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu vẫn còn những “điểm vênh” khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chưa thể tìm thấy điểm chung. Vì vậy, việc chú trọng thiết lập các định dạng đồng minh với các nền dân chủ cùng chung hệ tư tưởng sẽ là điều mà chính quyền của Tổng thống J. Biden hướng tới.

Các nhà phân tích cho rằng, dưới thời chính quyền J. Biden, quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ tiếp tục cạnh tranh trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, công nghệ…, đồng thời sẽ có những mặt hợp tác trong các lĩnh vực giao thoa lợi ích, như biến đổi khí hậu. Và trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc chưa có điểm dừng này, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh của mình để gây sức ép đối với Trung Quốc, cũng như để bảo đảm duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại các khu vực chiến lược trên thế giới./.

---------------------------------------

(1), (6) Dư Vĩnh Định (Ủy viên Học viện Khoa học Trung Quốc): “Liệu Trung Quốc và Mỹ có thể tránh được “Bẫy Thucydides?”, Mạng Tiêu điểm Trung - Mỹ, ngày 21-4-2021
(2) The US Administartion: “Interim National Strategic Guidance”, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/03/03/interim-national-security-strategic-guidance/, ngày 3-3-2021
(3)  Tám ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ: (i) Tập trung xử lý tốt đại dịch COVID-19 và tăng cường an ninh y tế toàn cầu; (ii) giải quyết khủng hoảng kinh tế, xây dựng một nền kinh tế toàn cầu ổn định và bao trùm hơn; (iii) đổi mới nền dân chủ; (iv) xây dựng hệ thống nhập cư có trật tự, hệ thống, nhân đạo và hiệu quả; (v) khôi phục quan hệ với các nước đồng minh ở châu Âu, châu Á và với các đối tác cũ, mới ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ La tinh; (vi) tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy một cuộc cách mạng năng lượng xanh; (vii) tập trung nguồn lực để duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ; (viii) giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc
(4) Về phía Mỹ có Ngoại trưởng Anthony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan. Phía Trung Quốc có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị
(5) “Bẫy Thucydides” là một khái niệm mang hàm nghĩa chiến tranh là xu hướng tự nhiên khi một trung tâm quyền lực mới nổi lên đe dọa thay thế trung tâm quyền lực cũ
(7) Báo Repubblica Italia ngày 13-3-2021