Mười năm Sáng kiến “Vành đai, Con đường”: Thực trạng và triển vọng

TS HOÀNG HUỆ ANH
Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
10:06, ngày 26-01-2024

TCCS - Sau mười năm triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), Trung Quốc đang trong quá trình điều chỉnh phương hướng và cách thức triển khai BRI nhằm hướng tới tiêu chuẩn “chất lượng cao” và phát triển bền vững trong tương lai. Là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc, việc nắm bắt những thay đổi này sẽ giúp Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội, giảm thiểu rủi ro trong quá trình tham gia BRI.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đón và hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, ngày 13-12-2023 _Ảnh: TTXVN

Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) do Trung Quốc khởi xướng đã trải qua lộ trình 10 năm (2013 - 2023) và đạt được nhiều kết quả khá to lớn, tạo nền móng quan trọng để triển khai những hướng đi hiệu quả hơn trong giai đoạn tới. BRI đã khẳng định rõ khả năng kết nối các quốc gia, châu lục thông qua những nội dung hợp tác tương đối phù hợp với nhu cầu phát triển của từng nước trong quá trình tham gia BRI. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, BRI cũng vấp phải không ít khó khăn, trở ngại khiến Trung Quốc nhận thấy cần điều chỉnh một số nội dung, cách thức hợp tác linh hoạt hơn với kỳ vọng xây dựng Vành đai, Con đường “chất lượng cao”. Đến nay, hầu hết quốc gia “dọc tuyến đường” đều xác định hướng hợp tác theo phương châm “cùng thắng”, “cùng hưởng lợi”. Với vị trí địa - chiến lược độc đáo trong khu vực Đông Nam Á, xuất phát từ nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam sẽ khai thác tối đa cơ hội mà BRI mang lại trên cơ sở kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ và phương châm “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”(1).

Nhìn lại mười năm Sáng kiến “Vành đai, Con đường”

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của BRI là sự mở rộng nhanh chóng phạm vi hợp tác kể từ khi ra đời cho đến nay. Tính đến tháng 10-2023, Trung Quốc đã ký kết hơn 200 văn bản hợp tác xây dựng “Vành đai, Con đường” với 32 tổ chức quốc tế và 152 quốc gia (40 quốc gia thuộc châu Á, 27 quốc gia thuộc châu Âu, 11 quốc gia thuộc châu Đại Dương, 22 quốc gia thuộc châu Mỹ)(2), với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 41.000 tỷ USD và tổng giá trị các dự án đầu tư, xây dựng tại các nước thuộc BRI lên tới 1.000 tỷ USD(3).

Với khoản đầu tư khổng lồ như vậy, BRI trở thành động lực then chốt trong nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng ở các nền kinh tế mới nổi. Bên cạnh việc tạo ra những chuyển đổi trong kết cấu hạ tầng, BRI còn tạo điều kiện để các nước đang phát triển tránh được những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, cùng những khác biệt trong thể chế chính trị. Hiện nay, Trung Quốc đầu tư khoảng 85 tỷ USD/năm cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở nước ngoài - cao hơn mức đầu tư của Mỹ và các cường quốc khác(4).

Phần lớn dự án kết cấu hạ tầng giao thông của BRI, như cảng biển, đường sắt và đường cao tốc đã góp phần mở rộng các mối quan hệ thương mại song phương của Trung Quốc. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước thuộc BRI lên tới 2.800 tỷ USD(5). Song song với đó, BRI còn đóng vai trò cung cấp nguồn lực tài chính mới bổ sung cho các nước thuộc Nam bán cầu. Các nước đang phát triển coi Trung Quốc như một nguồn vốn bổ sung bên cạnh các tổ chức cho vay truyền thống như Ngân hàng Thế giới (WB). Nhận định về những đóng góp kinh tế hết sức rõ ràng của BRI, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế của Trường Đại học King’s College (Luân Đôn, Anh) Ha-xơ V. Pan (Harsh V. Pant) cho rằng, BRI là một ý tưởng đổi mới nhằm tiếp thêm sinh lực cho giai đoạn tiếp theo của quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Đối với phần lớn các nước bị “bỏ rơi” trong trật tự kinh tế toàn cầu hiện tại, BRI là một sáng kiến kịp thời, giúp tạo ra các cơ hội kinh tế mới(6).

Bên cạnh đó, BRI còn thành công trong việc tạo ra những cơ hội kinh doanh quan trọng ở nước ngoài cho doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời tăng cường quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển. Việc thúc đẩy xây dựng mô hình mới về hợp tác Nam - Nam và nâng cao vai trò của các quốc gia đang phát triển bằng cách thiết lập các thể chế mới do các nước Nam bán cầu dẫn dắt đã giúp nâng cao vai trò của các quốc gia này trong nền quản trị kinh tế toàn cầu. BRI cũng được coi là một thành tựu lớn về quảng bá hình ảnh của Trung Quốc. Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ BRI, qua đó thu hút sự chú ý của chính phủ, giới học giả, doanh nhân và người dân các nước, khẳng định về mức độ hiện diện của Trung Quốc trên toàn cầu. Không chỉ là thành tựu về gia tăng quan hệ song phương, mà những thành công này đã giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của mình trong các tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc và tạo cơ sở để Trung Quốc có thể thúc đẩy tầm nhìn toàn cầu, đưa ra các giải pháp đối với những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt.

Mặc dù đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật, song BRI cũng phải đối mặt với một số thách thức.

Thứ nhất, tính trọng điểm của BRI chưa tập trung. Phạm vi hợp tác BRI từ hơn 60 nước ban đầu hiện nay đã nhanh chóng phát triển thành hơn 100 quốc gia, xuyên suốt các châu lục, khiến việc xác định ranh giới của những khu vực trọng điểm trở nên mờ nhạt. Trong quá trình triển khai BRI, Trung Quốc đã mở rộng các lĩnh vực hợp tác từ kinh tế sang nhiều khía cạnh khác, như tài chính, năng lượng, thông tin, khoa học - kỹ thuật, văn hóa..., khiến tính định hướng và cốt lõi thiếu sự rõ ràng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, BRI chủ yếu mới chỉ hiện diện dưới dạng các cơ chế đối thoại song phương và đa phương, thiếu hệ thống điều phối mang tính thể chế, cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp thực chất. Sự khác biệt về vị trí địa lý, điều kiện tài nguyên, văn hóa, xã hội, môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật... của các quốc gia “dọc tuyến đường” cũng là trở ngại trong quá trình xây dựng một hệ thống quy tắc hợp tác và “liên kết mềm” chất lượng, thống nhất.

Thứ hai, khó khăn về tài chính cũng là một thách thức đối với BRI. Những năm gần đây, suy thoái kinh tế xuất hiện ở nhiều quốc gia thuộc BRI. Theo thống kê, 26,8% các quốc gia “dọc tuyến đường” có sự gia tăng rủi ro về tín dụng(7) khiến Trung Quốc buộc phải bỏ ra một số tiền khổng lồ để giải cứu. Khi các dự án BRI gặp rắc rối, Trung Quốc nhận thấy cần có trách nhiệm can thiệp để ngăn các nước liên quan rơi vào khủng hoảng nợ. Hiện nay, có khoảng gần 60% các khoản vay nước ngoài của Trung Quốc là do các quốc gia gặp khó khăn về tài chính nắm giữ, trong khi con số này chỉ là 5% vào năm 2010(8). Trong những năm đầu triển khai BRI, các ngân hàng Trung Quốc đã thực hiện những khoản cho vay khổng lồ mà không tiến hành thẩm định đầy đủ nên hiện nay vẫn đang phải giải quyết các vấn đề tồn đọng từ giai đoạn trước. Thêm vào đó, Trung Quốc ngày càng chú trọng đến chất lượng của nền kinh tế khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm, trao đổi thương mại giảm, do vậy nguồn lực của nhiều kênh tài chính cấp vốn cho BRI giảm sút.

Thứ ba, sự thay đổi trong bối cảnh địa - chính trị và sự ra đời của các sáng kiến mới nhằm “thay thế” BRI của các nước phương Tây đặt ra thách thức đối với Trung Quốc khi thúc đẩy BRI. Sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu bấp bênh và môi trường an ninh thế giới bất ổn đều là thách thức đối với BRI.

Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng trong khu vực khiến Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các dự án kết nối và kết cấu hạ tầng mới do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ... khởi xướng. Sáng kiến Mạng lưới điểm xanh (do Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a công bố), Quỹ Đối tác kết cấu hạ tầng toàn cầu (nhóm G-7), Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu (EU), Chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng chất lượng (Nhật Bản), Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (Mỹ) hiện nay đang tạo ra những lựa chọn mới để thay thế BRI. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia phân tích, các sáng kiến này hiện nay đều chưa đủ khả năng cạnh tranh với BRI, bởi chưa có sáng kiến nào có thỏa thuận khung với các nước nhận đầu tư, cũng như chưa có khả năng kết hợp tài trợ với triển khai dự án mang lại hiệu quả như Trung Quốc.

Xu hướng điều chỉnh trong tương lai

Một số hạn chế trong thời gian qua đã khiến Trung Quốc nhận thấy cần tiếp thêm nguồn sinh khí mới cho các chương trình và dự án liên quan tới sáng kiến này. Tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) lần thứ ba được tổ chức vào tháng 10-2023, Trung Quốc nhấn mạnh tới một BRI mới “chất lượng cao”, tương lai của BRI là các dự án “nhỏ hơn”, “xanh hơn” và chú trọng nhiều hơn tới lĩnh vực kinh tế số(9).

Một là, đầu tư quy mô nhỏ mang lại hiệu quả cao.

Trong tương lai, BRI sẽ bao gồm nhiều dự án phù hợp hơn với xu hướng “nhỏ nhưng đẹp”. BRI sẽ triển khai các dự án có quy mô nhỏ hơn, chất lượng cao hơn, nhằm khắc phục tình trạng phân tán, thiếu trọng điểm của các dự án BRI trong thời gian qua. Ưu điểm của những dự án nhỏ hơn là thời gian thực hiện nhanh hơn và rủi ro thấp hơn. Trên thực tế, các siêu dự án trước đây của BRI đang “nhường chỗ” cho những thỏa thuận có quy mô nhỏ hơn và mục tiêu rõ ràng hơn. Hơn nữa, việc Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát đầu tư ra nước ngoài cũng có nghĩa là BRI sẽ không quay trở lại quy mô trước đây. Việc tăng cường kiểm soát đầu tư ra nước ngoài là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm giữ vốn ở lại để hỗ trợ các chương trình phát triển trong nước, bởi phát triển trong nước đã trở thành ưu tiên trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 nhằm thực hiện Chiến lược “Tuần hoàn kép” của Trung Quốc. Ngoài ra, do các khoản nợ xấu liên quan tới đầu tư ra nước ngoài tăng nhanh khiến Trung Quốc phải thận trọng hơn, đồng thời tăng cường đánh giá các rủi ro kinh tế và rủi ro chính trị liên quan đến các dự án có quy mô lớn ở nước ngoài.

Hai là, phát triển xanh.

Một thay đổi quan trọng nữa đang diễn ra đối với các dự án “Vành đai, Con đường” là nỗ lực tăng cường tập trung vào các dự án “xanh”. Kể từ BRF lần thứ hai (năm 2019), Trung Quốc ngày càng chú trọng vào các vấn đề môi trường, mong muốn xây dựng một “BRI xanh”. Sự thay đổi này là bởi những lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của các nhà máy nhiệt điện than do Trung Quốc triển khai tại các quốc gia “dọc tuyến đường”. Tháng 9-2021, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài và cam kết tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển năng lượng xanh và ít các-bon. Tại BRF lần thứ ba, Trung Quốc đã gửi đi thông điệp Trung Quốc sẵn sàng thực hiện những thay đổi để chuyển sang định hướng phát triển “chất lượng cao”, trong đó tập trung chủ yếu vào “phát triển xanh”, bền vững, cũng như mục tiêu thúc đẩy hợp tác bền vững, lấy con người làm trung tâm và tiêu chuẩn cao. Trên thực tế, phát triển xanh là một xu hướng phát triển kinh tế mới và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ nỗ lực “xanh hóa” BRI, với mức đầu tư kỷ lục vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hiện nay, Trung Quốc đang ngày càng tập trung nhiều hơn vào các dự án năng lượng xanh để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm pin mặt trời và tua-bin điện gió(10).

Ba là, chuyển trọng tâm từ kết cấu hạ tầng cứng sang hạ tầng mềm.

BRI cũng đã chuyển trọng tâm từ các dự án kết cấu hạ tầng cứng sang các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật số. Theo đó, Trung Quốc đang tăng cường tập trung vào “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (DSR) - thành tố của BRI, với trọng tâm là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại điện tử.

“Sáng kiến quản trị toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI)” là một trong những điểm đáng chú ý nhất tại BRF lần thứ ba. Trung Quốc kỳ vọng sẽ định hình các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu đối với sản phẩm công nghệ tiên tiến này. Thành phần cốt lõi của sáng kiến này bao gồm việc tăng cường hệ thống kiểm tra và đánh giá mức độ rủi ro liên quan tới AI; các khuôn khổ, quy chuẩn và tiêu chuẩn quản trị AI dựa trên sự đồng thuận rộng rãi và sáng kiến thành lập một tổ chức quốc tế mới để quản lý AI.

Bốn là, tăng cường tính liêm khiết.

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại diễn đàn BRF lần này là việc Trung Quốc đưa ra cam kết tăng cường tính “liêm khiết” trong các dự án BRI. Đây được coi là nỗ lực nhằm loại bỏ hiện tượng tham nhũng, khắc phục tình trạng thiếu minh bạch, gia tăng tính hiệu quả và bền vững cho các dự án BRI. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro đối với các hạng mục hợp tác thuộc BRI.

Năm là, thay đổi phạm vi và trọng tâm địa lý.

Phạm vi địa lý của BRI đã thay đổi kể từ khi sáng kiến này ra đời. Ban đầu, BRI tập trung vào các khu vực lân cận với Trung Quốc như Trung Á và Đông Nam Á, sau đó dần được mở rộng về phía Tây, thông qua các dự án kết nối với châu Phi và Nam Á và cuối cùng là kết nối Trung Quốc với các thị trường ở châu Âu. Kể từ năm 2018, BRI đã kết nối một cách sâu sắc hơn các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia thuộc Mỹ La-tinh và Nam Thái Bình Dương. Hiện tại, trọng tâm của những dự án BRI nằm ở các khu vực, như Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á - tiêu điểm chủ chốt trong hợp tác BRI.

Sáu là, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò lớn hơn.

Trong giai đoạn đầu, hợp tác của Trung Quốc với các nước tham gia BRI chủ yếu được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp nhà nước, như Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc, Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc (CTG), Tập đoàn Xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC)... Tuy nhiên, xu hướng hợp tác đã thay đổi đáng kể trong thời gian qua, khi các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ vai trò thực tế hơn trong các hạng mục liên kết của BRI. Năm 2020, tất cả đối tác hàng đầu tham gia BRI đều là doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến năm 2022, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã đi đầu trong việc đầu tư vào BRI, như Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Amperex đương đại (CATL), Tập đoàn Alibaba... Hai lý do cơ bản giúp doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong BRI là: 1- So với năm 2013, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, với một số doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến phương tiện sử dụng năng lượng mới; 2- Rủi ro về rào cản thương mại giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác đã thúc đẩy các nhà sản xuất Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài để giảm bớt rủi ro gây ra bởi các biện pháp hạn chế hoặc thuế quan. Trong những năm tới, xu hướng này có thể sẽ tăng tốc bởi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế xanh.

Bảy là, cải thiện sự bền vững của vốn vay trong BRI.  

Để giảm thiểu rủi ro nợ công cho các nhà đầu tư Trung Quốc và rủi ro khủng hoảng nợ công cho các quốc gia tiếp nhận đầu tư BRI, Trung Quốc đã ban hành khuôn khổ bền vững về nợ đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài vào năm 2019. Trong tương lai, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cường giám sát mức độ bền vững của vốn vay tại các nước tham gia BRI và hạn chế tài trợ cho các dự án không có dòng tiền ổn định, như hạn chế tài trợ cho các dự án kết cấu hạ tầng công cộng, và gia tăng hỗ trợ cho các dự án đường ống dẫn khí đốt mang lại dòng tiền ổn định.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các nhà lãnh đạo dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ 3 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 18-10-2023 _Ảnh: AFP/TTXVN

Việt Nam và Sáng kiến “Vành đai, Con đường”

Với vị thế địa - chiến lược, Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng trong kết nối vành đai và con đường giữa Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á. Ngược lại, BRI cũng đem lại cơ hội cho mục tiêu phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Trong bối cảnh Trung Quốc cam kết thực hiện “tám hành động”(11) xây dựng Vành đai và Con đường “chất lượng cao”, việc nắm rõ những nội dung cốt lõi sẽ là cơ sở để Việt Nam có những bước đi vừa đạt hiệu quả cao, vừa tránh được rủi ro trong quá trình tham gia BRI.

Trong các chương trình, hạng mục hợp tác BRI, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác đề cao tính “liêm khiết” do Trung Quốc đề xướng nhằm đạt được kết quả hợp tác tối ưu trên mọi lĩnh vực. Trong các chương trình kết nối hạ tầng “cứng”, Việt Nam cần chọn lựa tiếp nhận những hạng mục “xanh”, dù trong hay ngoài phạm vi BRI; nỗ lực loại bỏ những hạng mục hợp tác trái với cam kết “hợp tác xanh” trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, giao thông. Bên cạnh đó, cần cân nhắc hợp lý, tham gia một cách hiệu quả, an toàn các hạng mục hợp tác trong DSR. Bởi thúc đẩy DSR là trọng tâm lớn của Trung Quốc khi triển khai BRI giai đoạn tới, hợp tác kỹ thuật số là hướng đi tất yếu của các quốc gia trên thế giới, nhu cầu sử dụng dịch vụ thương mại kỹ thuật số tại các khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ là vấn đề ngày càng cấp thiết. Tham dự BRF lần này, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng khẳng định, không gian phát triển mới của Việt Nam là nền kinh tế số và đề xuất ba trụ cột hợp tác kinh tế số, gồm thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số(12). Đây cũng chính là bước đi chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa đất nước.

Việc Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện các cơ chế cải thiện nguồn vốn vay để tránh tình trạng đội vốn, nợ vốn kéo dài cho các nước tham gia BRI là nhân tố thuận lợi để Việt Nam tháo gỡ những hạn chế, tồn đọng từ các dự án hợp tác trước đây. Doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc, tính toán để đưa ra được những phương thức vay vốn hợp lý với tiến độ triển khai các hạng mục xây dựng hạ tầng cứng và mềm liên quan đến các dự án của BRI. Hơn nữa, Việt Nam cần tận dụng tối đa các hạng mục hợp tác đầu tư nhỏ mang lại hiệu quả cao như định hướng tương lai của BRI. Đây là bước đi phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội cũng như năng lực đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, giúp Việt Nam tham gia BRI một cách hiệu quả hơn.

Có thể khẳng định, với cam kết chung tay xây dựng Vành đai và Con đường “chất lượng cao” của Trung Quốc tại BRF lần thứ ba, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ BRI sẽ bước sang giai đoạn mới, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong thời gian tới, Việt Nam cần có những bước đi chuẩn xác, thiết thực, hiệu quả hơn để thúc đẩy mối liên kết BRI, cũng như các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng, theo dõi sát sao lộ trình, thực tiễn triển khai BRI, nhất là những điểm mới công bố của Trung Quốc tại BRF lần thứ ba.

Lộ trình mười năm khởi xướng và triển khai BRI của Trung Quốc đã ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng, như phạm vi kết nối mở rộng, lĩnh vực hợp tác đa dạng, mục tiêu hợp tác phù hợp với nhu cầu phát triển và hội nhập của các quốc gia “dọc tuyến đường”. Nhờ vậy, mười năm qua, hợp tác thương mại, đầu tư, tài chính giữa Trung Quốc với các nước thuộc BRI gia tăng đáng kể. Cho đến nay, BRI đã hoàn thành nhiều hạng mục hạ tầng cứng giúp kết nối Trung Quốc với các châu lục, đây cũng là cơ sở cho việc xây dựng hạ tầng mềm trong thời gian tới. Những kết quả đó không chỉ góp phần nâng cao vị thế kinh tế và sức cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc, mà còn thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia liên quan đến BRI. Các nước tham gia BRI, trong đó có Việt Nam, đang kỳ vọng vào những cam kết được Trung Quốc công bố tại BRF lần thứ ba, để hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực hơn, chất lượng cao hơn./.

-------------------------

(1) Vy Vy: “Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam điện tử, ngày 14-9-2023, https://vneconomy.vn/viet-nam-tham-gia-hoi-nghi-thuong-dinh-vanh-dai-va-con-duong.htm
(2)  刘国斌: “共建“一带一路”十周年:重大成就与未来推进路径” (Tạm dịch: Lễ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến ​​Vành đai, Con đường: Những thành tựu chính và con đường tương lai),东北亚论坛,2023, 第5期
(3) ChinaPower: “How Is the Belt and Road Initiative Advancing China’s Interests?” (Tạm dịch: Sáng kiến Vành đai, Con đường thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc như thế nào?), https://chinapower.csis.org/china-belt-and-road-initiative/
(4) Zachary Fillingham: “Belt and Road at 10: A Paradigm Shift in Development Finance?” (Tạm dịch: Vành đai, Con đường ở tuổi thứ 10: Sự thay đổi mô hình trong phát triển tài chính), ngày 1-11-2023, https://www.geopoliticalmonitor.com/belt-and-road-at-10-a-paradigm-shift-in-development-finance/
(5) ChinaPower: “How Is the Belt and Road Initiative Advancing China’s Interests?” (Tạm dịch: Sáng kiến Vành đai, Con đường thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc như thế nào?), Tlđd
(6) Pant Harsh: “China Envisions A New World Order Via BRI” (Tạm dịch: Trung Quốc hình dung một trật tự thế giới mới thông qua BRI), ngày 21-10-2023, https://policycommons.net/artifacts/6935878/china-envisions-a-new-world-order-via-bri/7844305/
(7)  2022年度“一带一路”国家基础设施发展指数报告 (Tạm dịch: Báo cáo chỉ số phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia “Vành đai, Con đường” năm 2022), http://events.chinca.org/public/uploadfile/2022/0927/1664278525773281.pdf
(8) Maria Siow: “China’s big belt and road plans for Southeast Asia hit a 10-year speed bump as ‘political side effects’ mount” (Tạm dịch: Các kế hoạch lớn thuộc Vành đai, Con đường của Trung Quốc tại Đông Nam Á sau 10 năm đạt tốc độ nhanh chóng bởi sự gia tăng của các yếu tố ‘tác dụng phụ chính trị’), ngày 24-9-2023,   https://www.scmp.com/week-asia/economics/article/3235495/chinas-big-belt-and-road-plans-southeast-asia-hit-10-year-speed-bump-political-side-effects-mount
(9) 习近平在第三届“一带一路”国际合作高峰论坛开幕式上的主旨演讲(全文)(Tạm dịch: Bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 (toàn văn)), ngày 18-10-2023,  http://politics.people.com.cn/n1/2023/1018/c1024-40098098.html
(10) Jacob Gunter: “Don’t Count on China’s Belt and Road Initiative to Disappear” (Tạm dịch: Đừng hy vọng Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ biến mất), https://thediplomat.com/2023/10/dont-count-on-chinas-belt-and-road-initiative-to-disappear/
(11)  习近平在第三届“一带一路”国际合作高峰论坛开幕式上的主旨演讲(全文)(Tạm dịch: Bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 (toàn văn)), Tlđd
(12) Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Diễn đàn Vành đai và Con đường, Báo Thanh niên điện tử, ngày 18-10-2023, https://thanhnien.vn/chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-phat-bieu-tai-dien-dan-vanh-dai-va-con-duong-185231018195001901.htm