Một thời đại mới đang dần hình thành?

VŨ KHOAN
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
15:20, ngày 20-11-2022

TCCS - “Tính chất thời đại” (1) là khái niệm vô cùng rộng lớn và hết sức phức tạp đòi hỏi cần có sự nghiên cứu công phu, bàn thảo thấu đáo không chỉ ở tầm quốc gia, mà còn cả trên phạm vi toàn cầu. Bài viết phản ảnh đôi điều suy ngẫm về những chuyển biến mạnh mẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân loại cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1- Liên quan tới thế giới tự nhiên, trong những năm gần đây, loài người phải gồng mình ứng phó với hai thảm họa mang tầm thế kỷ xảy ra cùng một lúc, đó là: các đợt dịch bệnh và thiên tai diễn ra với tần suất cao, phạm vi rộng, gây tác hại lớn, điển hình là đại dịch COVID-19, cũng như nhiều loại thiên tai mà đến hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm mới xuất hiện, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, gây ra những tổn thất hết sức to lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do con người đã ra sức “cải tạo”, “khai thác” thiên nhiên vì lợi ích phát triển và tiêu dùng đi đôi với tình trạng quần cư trong các đại đô thị ngột ngạt với dân số hàng chục triệu người. Tuy nhiên, dường như con người đã dần nhận ra và đang tìm cách cùng nhau ứng phó. Nhiều ngành kinh tế mới, như năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... lần lượt ra đời và sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong những thập niên tới.

Liên quan tới lĩnh vực sản xuất vật chất và những tiến bộ khoa học - công nghệ, chúng ta chứng kiến không ít diễn biến mới. Quá trình “chuyển đổi số” lan tỏa nhanh chóng hầu khắp trên thế giới tạo nên nền “kinh tế số” vừa được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ cũng như nhiều lĩnh vực khác, vừa trở thành một ngành kinh tế chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Cùng với sự thay đổi to lớn này, cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo. Trong bối cảnh vấn nạn già hóa dân số gia tăng không chỉ ở các nước phát triển, mà còn ở cả nhiều nền kinh tế mới nổi, công nghệ người máy (rô-bốt), trí tuệ nhân tạo (AI),... đang dần thay thế không những đối với lao động cơ bắp, mà còn cả trí tuệ con người.

Về năng lượng, dưới sức ép của tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, các nguyên liệu hóa thạch đang được thay thế bằng các dạng năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt... Cũng theo xu hướng này, ngành sản xuất ô-tô điện và phương tiện tự hành lan rộng nhanh chóng đi đôi với những nỗ lực thử nghiệm đối với cả lĩnh vực sản xuất máy bay, tàu thủy. Không ít dự báo cho rằng, các dạng phương tiện hoàn toàn mới này sẽ trở thành phổ biến trong tương lai không xa.

Các phương tiện thông tin, liên lạc, như điện báo, điện tín, thư tay, điện thoại bàn,... cũng dần lỗi thời, thay vào đó là hệ thống internet, điện thoại thông minh tràn ngập thế giới.

Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và sự xuất hiện rầm rộ của tiền điện tử (e-money) cũng như các dịch vụ tài chính hoàn toàn mới, như ví điện tử, công nghệ tài chính (FinTech), tài chính phi tập trung (DeFi), tiền kỹ thuật số,... cũng ngày càng lan rộng thay thế cho các phương thức thanh toán truyền thống từng tồn tại hàng nghìn năm nay.

Trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán, thương mại điện tử lan truyền rộng rãi không chỉ trong phạm vi mỗi nước, mà còn cả trên phạm vi toàn cầu, tạo ra các chuỗi sản xuất và phân phối rộng khắp.

2- Cùng với sự biến đổi lớn lao về sản xuất vật chất, thế giới đang chứng kiến nhiều biến động rất sâu sắc về mặt xã hội. Nhờ những tiến bộ của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số, nhiều hoạt động của con người, như làm việc, giao dịch, quản lý xã hội, quan hệ quốc tế, hội họp, học tập, chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa,... chuyển dần sang hình thức trực tuyến (online) không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà cả trên phạm vi toàn cầu. Phương cách tiến hành chiến tranh cũng có những thay đổi mới lạ chưa từng thấy. Việc Mỹ tiêu diệt các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố quốc tế An Kê-đa từ khoảng cách rất xa, như Ô-sa-ma Bin La-đen (năm 2011) và A-man An Da-goa-hin (Agman Al-Zawahin, tháng 7-2022), được xem là một trong những ví dụ điển hình.

Bên cạnh thế giới thực, “thế giới ảo” lan rộng nhanh chóng. Trong thời gian tới, khi các công nghệ vũ trụ ảo (metaverse), không gian thông minh (smart space)... phát triển, nhiều khả năng không gian ảo sẽ càng mở rộng hơn nữa.

Những biến đổi sâu sắc trong thế giới tự nhiên cũng như trong sản xuất vật chất và sự cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa các nước lớn khiến thế giới càng trở nên mong manh hơn. Bên cạnh các mối đe dọa an ninh vốn có đang nổi lên nhiều thách thức mới, như an ninh mạng, an ninh kinh tế - thương mại, tài chính - tiền tệ, năng lượng, lương thực..., có thể nói, ranh giới giữa các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống đang dần bị xóa mờ.

Một nghịch lý của thế giới đương đại là kinh tế càng phát triển thì sự phân hóa giàu - nghèo, kể cả sự “phân hóa số”, ở từng nước cũng như trên phạm vi toàn cầu ngày càng gay gắt. Do những xáo động về chính trị - chiến lược cũng như nạn đói - nghèo, thiên tai, dịch bệnh,... ngày nay thế giới phải đối mặt với các làn sóng di cư ồ ạt và các thảm họa nhân đạo nghiêm trọng; những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo càng trở nên gay gắt hơn, đe dọa sự ổn định chính trị - xã hội ở nhiều quốc gia.

Những biến đổi hiện nay liên quan tới các chế độ chính trị - xã hội trên thế giới cũng cho thấy các nước tư bản phát triển đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, mâu thuẫn gay gắt về thể chế, sắc tộc, kinh tế, quan hệ quốc tế,... thậm chí cựu Thủ tướng Anh Tô-ni Ble từng phải đưa ra ý tưởng về “con đường thứ ba” và hiện nay, Thủ tướng Nhật Bản Ki-si-đa Phư-mi-ô nêu học thuyết về “chủ nghĩa tư bản mới”. Vậy, thực trạng và tương lai của chế độ tư bản chủ nghĩa cũng như chủ nghĩa đế quốc với năm đặc trưng mà V. Lê-nin nêu ra sẽ ra sao? Đó là những vấn đề lớn đòi hỏi cần có sự nghiên cứu thấu đáo và bàn thảo kỹ lưỡng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, ngày 14-11-2022 _Ảnh: CNN

3- Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn không phải là hiện tượng mới, mà đã nảy sinh và diễn biến suốt chiều dài lịch sử. Nói cách khác, đây là chiều hướng mang tính quy luật, phản ánh sự thịnh - suy của các quốc gia. Để minh chứng cho quy luật này, người ta thường viện dẫn quan điểm của nhà sử học cổ đại Hy Lạp Thu-xi-đơ-di (Thucydides) (460 - 400 trước Công nguyên) khi ông cho rằng, sự trỗi dậy của A-ten và nỗi sợ hãi mà nó gây ra đối với Xpác-ta khiến cho chiến tranh trở thành tất yếu. Sau này, người ta gọi điều tiên đoán của ông là “cái bẫy Thucydides”(2).

Thực chất quy luật cạnh tranh giữa các nước lớn là việc các cường quốc không ngừng nuôi tham vọng gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình. Để đạt mục tiêu đó, các nước lớn thường phung phí nguồn lực nên dần bị kiệt quệ và rơi vào khủng hoảng; trong khi đó, các cường quốc mới nổi ra sức tranh thủ tối đa cơ hội để tìm cách soán ngôi. Hiện tượng này có thể thấy rõ qua sự thịnh - suy của A-lếch-xan (Alexandros) đại đế, các đế quốc La Mã, Nguyên Mông, Mughal (ở tiểu lục địa Ấn Độ), Trung Hoa, Hà Lan, Anh, Ốt-tô-man, Áo - Hung, Đức - I-ta-li-a - Nhật Bản...

Riêng cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay đã trải qua bốn thời kỳ. Ở đây, cần xem xét đặc điểm của mỗi thời kỳ theo ba chiều: 1- Các nước tham gia và sức mạnh, tính toán và hành vi của họ; 2- Nội hàm và mức độ cạnh tranh; 3- Phương cách, khu vực cạnh tranh.

Thời kỳ đầu tiên (từ năm 1946 - 1991) được gọi là “Chiến tranh lạnh”. Về đối tượng, nổi lên sự cạnh tranh giữa Mỹ và phương Tây chống  Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác với các chiến lược “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản” của Tổng thống Mỹ Ha-ry X. Tru-man, “trả đũa ồ ạt” của Tổng thống Mỹ D. Ai-xen-hao, “phản ứng linh hoạt” của Tổng thống Mỹ Giôn Ph. Ken-nơ-đi. Trong thời kỳ này, mỗi bên đều hình thành các tổ chức chính trị, quân sự và kinh tế - tài chính riêng, ra sức kiềm chế đối phương và gia tăng ảnh hưởng trên thế giới, nhất là trong thế giới thứ ba.

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn lúc này chủ yếu về chính trị - an ninh, nhất là sức mạnh quân sự, vũ khí hạt nhân - tên lửa, thậm chí nhiều khi đẩy thế giới vào trạng thái “bên miệng hố chiến tranh”, như cuộc khủng hoảng ở Béc-lin (năm 1948), khủng hoảng tên lửa tại Cu-ba (năm 1961), các cuộc chiến tranh Triều Tiên, Đông Dương... Tuy nhiên, cả hai bên đều tránh rơi vào xung đột quân sự trực tiếp, thậm chí có thời điểm, có nơi còn hòa hoãn với nhau.

Trong khi đó, ở mỗi phe đều xuất hiện một số quốc gia lựa chọn con đường riêng. Về phía các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc thường xuyên điều chỉnh chiến lược, khoảng 10 năm/lần(3). Ngoài Trung Quốc còn có Nam Tư chủ trương chọn đường lối khác biệt với Liên Xô. Về phía phương Tây, nước Pháp dưới thời kỳ Tổng thống Pháp Sác Đờ Gôn đã rút khỏi cơ chế quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cổ động cho chính sách trung lập ở Đông Dương, cải thiện quan hệ với cả Liên Xô và Trung Quốc.

Trong thời kỳ này, cạnh tranh diễn ra gay gắt ở khu vực châu Âu và trong thế giới thứ ba; riêng Pháp và Mỹ sa vào chiến tranh Việt Nam, còn Liên Xô tích cực ủng hộ các nước dân tộc độc lập, hỗ trợ một số nước tuyên bố theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, như Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích, Nam Y-ê-men, Ê-ti-ô-pi-a, Áp-ga-ni-xtan...

Thời kỳ thứ hai bắt đầu sau khi chế độ chính trị - xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô tan rã vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Trong thời kỳ này, Mỹ ra sức khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới, hình thành cục diện “đơn cực”, triển khai chiến lược “vượt trên ngăn chặn”, nhằm thực hiện học thuyết “can dự và mở rộng”, tiến hành các cuộc “cách mạng màu” ở Bắc Phi, Trung Đông với ý đồ thao túng khu vực trọng yếu này. Trung Quốc đã đẩy mạnh công cuộc cải cách, mở cửa vào năm 1978, đạt tốc độ phát triển nhanh chóng. Nước Nga trải qua gần một thập niên khủng hoảng trầm trọng, đến cuối những năm 90 đầu thế kỷ XX mới dần khôi phục vị thế và gia tăng hội nhập quốc tế.

Những chuyển biến trên đã thúc đẩy mạnh mẽ xu thế toàn cầu hóa với sự dịch chuyển tự do hàng hóa, vốn đầu tư, tiền tệ, thông tin, giao thông - vận tải, sự giao lưu giữa con người với con người... chủ yếu theo những luật lệ do các nước công nghiệp phát triển định hình từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, như Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), Hệ thống Brét-tơn Út về tiền tệ gắn liền với sự ra đời của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Thời kỳ thứ ba bắt đầu khi thế giới bước vào thế kỷ XXI với ba sự kiện mang tính cột mốc, đó là: vụ tấn công khủng bố Trung tâm Thương mại thế giới ở Niu Oóc (Mỹ) vào ngày 11-9-2001, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu bùng phát năm 2008 và Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2002, tiếp đến là 10 năm sau đó, Nga gia nhập WTO.

Cũng trong thời kỳ này, Mỹ sa đà vào cuộc chiến hao người tốn của kéo dài 20 năm ở khu vực Trung Đông dưới chiêu bài “chống khủng bố”, làm cho nước Mỹ suy yếu và chia rẽ, trong khi Trung Quốc đã tận dụng được cơ hội vươn lên trở thành cường quốc công nghiệp và xuất khẩu, nỗ lực hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa” nhằm mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI vươn lên vị trí hàng đầu thế giới với tư cách là cường quốc toàn cầu và ảnh hưởng quốc tế” như Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra. Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc đã triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), hành xử mạnh mẽ hơn trong quan hệ quốc tế, kể cả trên Biển Đông; còn Nga, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nga V. Pu-tin, đã khôi phục phần nào vị trí cường quốc thông qua việc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, tập hợp một số nước vốn thuộc Liên bang Xô viết trước đây vào các tổ chức do Nga đóng vai trò chủ đạo, như Liên minh Kinh tế  Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO)...

Quan hệ Nga - Trung Quốc không những được cải thiện, mà còn trở nên “tốt đẹp hơn bao giờ hết”. Hai nước cùng thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Ngân hàng Kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB). Nga tham gia BRI cũng như các thể chế tài chính do Trung Quốc đề xướng và cùng Trung Quốc thúc đẩy sự hình thành Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS)...

Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma chuyển từ chủ trương “can dự” sang kiềm chế Trung Quốc thông qua chiến lược “xoay trục sang châu Á”; tiếp đến, cả chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn đều ra sức củng cố “vai trò lãnh đạo” của Mỹ theo cách riêng, đồng thời coi Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh chủ yếu, đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tuy nhiên, có một điều khác là, chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm rút khỏi một số thể chế đa phương, kể cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gây mâu thuẫn với Tây Âu; trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn chú trọng hơn tới việc củng cố quan hệ với châu Âu và quay trở lại tham gia một số thể chế đa phương.

Với việc Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở U-crai-na từ ngày 24-2-2022, cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn bước vào thời kỳ thứ tư với một số đặc điểm chính:

Mâu thuẫn giữa Mỹ, phương Tây và Nga ngày càng trở nên căng thẳng, trong khi Trung Quốc vẫn là đối tượng cạnh tranh quan trọng hàng đầu của Mỹ, do sức mạnh tổng hợp quốc gia và tầm ảnh hưởng ngày một gia tăng. Về kinh tế, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi chiếm 17,4% giá trị GDP toàn cầu và là “chủ nợ” lớn nhất thế giới với khoảng 3.812 tỷ USD, cũng như đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, chinh phục vũ trụ và khí tài quân sự. Trên cơ sở những thành tựu mới, Trung Quốc ngày càng phát huy ảnh hưởng trên thế giới, hình thành và nỗ lực mở rộng các tổ chức SCO, BRICS, Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI)...; nhất là trong thời gian gần đây, Trung Quốc đưa ra các sáng kiến về an ninh và phát triển toàn cầu.

Nga vừa kiên quyết chống lại sức ép của Mỹ và phương Tây mở rộng NATO về phía Đông, vừa tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong không gian của Nga và Liên Xô trước đây. Ý định của Nga thể hiện rõ trong việc Nga hỗ trợ hai nước Cộng hòa tự xưng Áp-kha-di-a và Ô-xê-ti-a tách khỏi Gru-di-a vào năm 2008; tiếp đến là sự kiện sáp nhập bán đảo Crưm năm 2014 và hỗ trợ hình thành hai nước Cộng hòa tự xưng Đô-nhét và Lu-han ở phía Đông U-crai-na vào tháng 2-2022, đồng thời mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở U-crai-na. Cả ba sự kiện này đều diễn ra ngay sau các Thế vận hội mùa Hè năm 2008 ở Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Thế vận hội mùa Đông năm 2014 tại thành phố Xô-chi (Nga) và Thế vận hội mùa Hè năm 2022 ở Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Phải chăng sự trùng hợp này phản ánh ý muốn của Nga từng bước khôi phục “không gian hậu Xô-viết cũ trải dài từ vùng Ban-tích tới vùng Trung Á như là khu vực có tầm ảnh hưởng hợp pháp của Nga”, đúng như những gì đã được khẳng định trong bản “Học thuyết ngoại giao của Nga” do Tổng thống Nga V. Pu-tin ký ban hành vào ngày 5-9-2022, với chủ đề “Một thế giới Nga”?.

Trong khi đó, Mỹ phải đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn, thách thức không những về kinh tế - xã hội, mà còn cả về thể chế chính trị. Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2019 và cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ (ngày 6-1-2021) là những minh chứng rõ nét cho điều này. Trên trường quốc tế nói chung và trong hàng ngũ đồng minh nói riêng, theo nhận định của nhiều chuyên gia, vai trò và ảnh hưởng của Mỹ có phần suy giảm. Về kinh tế, nếu như trong những năm 50 của thế kỷ XX, Mỹ chiếm khoảng gần 50% GDP thế giới thì tỷ lệ đó hiện nay chỉ còn khoảng 24,7%; nợ công của Mỹ lên tới 30.000 tỷ USD so với 20.953 tỷ GDP. Trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất vi mạch, năm 1990, Mỹ từng chiếm 37% sản lượng, đến năm 2021 chỉ còn chiếm khoảng 12%. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì được không ít lợi thế về sức mạnh vũ khí, khoa học - công nghệ, giá trị văn hóa - giáo dục, nhất là tài chính, nhờ nắm giữ quyền phát hành và kiểm soát đồng đô-la Mỹ.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn buộc phải rút quân  khỏi Áp-ga-ni-xtan, nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, gia tăng mạnh mẽ vai trò “lãnh đạo thế giới”. Lợi dụng việc Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở U-crai-na, Mỹ đã tập hợp đồng minh và dư luận quốc tế nhằm cô lập và trừng phạt Nga; ủng hộ chính trị cũng như cung cấp vũ khí cho U-crai-na, nhưng tránh tham chiến trực tiếp.

Những diễn biến đầy kịch tính trên đã tác động đáng kể tới cấu trúc an ninh khu vực châu Âu. Một mặt, Liên minh châu Âu (EU) đồng lòng cùng Mỹ trừng phạt Nga; Phần Lan, Thụy Điển tiến tới gia nhập NATO; Đức chuyển từ chính sách “Thay đổi thông qua thương mại” (Wandel durch Handel) sang gia tăng chi tiêu quốc phòng, cung cấp vũ khí cho U-crai-na...; mặt khác, EU vẫn theo đuổi lập trường tự chủ về quốc phòng, thương mại, năng lượng. Hiện nay, EU đang đối mặt với nhiều khó khăn và mâu thuẫn dưới tác động của đại dịch COVID-19, thiên tai nghiêm trọng cũng như những tác động ngược do các đòn trừng phạt qua lại với Nga.

Đều chịu sức ép của Mỹ, Nga - Trung Quốc thắt chặt quan hệ song phương, nhưng không hình thành liên minh chính thức. Trung Quốc vừa công khai bày tỏ quan điểm không tán thành việc sử dụng vũ lực xâm phạm chủ quyền nước khác, vừa chỉ trích phương Tây không tính đến mối quan tâm an ninh của Nga. Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc, Trung Quốc kêu gọi chấm dứt xung đột, giải quyết các vấn đề nhân đạo. Nhân dịp này, Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động nhằm phát huy ảnh hưởng trên thế giới dưới lá cờ “cộng đồng chung vận mệnh”, đồng thời đưa ra các sáng kiến “hợp tác phát triển” và “an ninh toàn cầu”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm trực tiếp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 22 tại thành phố Samarkand (Uzbekistan), ngày 15-9-2022 _Ảnh: THX/TTXVN

Nội dung cạnh tranh giữa các nước lớn hiện nay toàn diện hơn thời kỳ Chiến tranh lạnh, diễn ra không chỉ trên lĩnh vực chính trị - an ninh, mà còn trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, tài chính - tiền tệ, cho đến khoa học - công nghệ, thông tin...; ở cả khu vực châu Âu và châu Á; trên cả đại dương lẫn không gian vũ trụ và hai cực trái đất. Riêng hệ thống thương mại, tài chính - tiền tệ có nguy cơ bị phân mảnh thành các hệ thống khác nhau.

Như vậy, có thể thấy mức độ cạnh tranh hiện nay giữa các nước lớn không kém phần gay gắt, thậm chí về nhiều mặt còn gay gắt hơn cả thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trước mắt, hai bên vẫn tiếp tục tránh rơi vào xung đột quân sự trực tiếp với nhau, dù Mỹ là nước viện trợ vũ khí lớn nhất cho U-crai-na hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc thông qua bản “Đề cương về hành động quân sự không có chiến tranh” vào ngày 27-6-2022.

Vấn đề quan ngại hiện nay là cả Nga và phương Tây đều đưa ra những tuyên bố về nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân trong bối cảnh cuộc đụng độ quân sự giữa Nga và U-crai-na xảy ra ở khu vực Nhà máy điện hạt nhân Zaparozie (phía Nam U-crai-na) lớn nhất châu Âu. Điều này đang gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ một thảm họa hạt nhân mới khủng khiếp hơn cả thảm họa Chéc-nô-bưn xảy ra tại U-crai-na vào năm 1986.

Khu vực cạnh tranh giữa các nước lớn không chỉ ở châu Âu, mà còn lan tỏa ra toàn cầu, nhất là tại các khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, châu Đại Dương và Trung Cận Đông. Một chiều hướng mới nữa, đó là vai trò của các nước châu Á ngày càng lên cao. Nếu như vào đầu thế kỷ XXI, sáu nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đều là Mỹ và các nước Tây Âu, như Đức, Pháp, Anh, I-ta-li-a, chỉ có Nhật Bản thuộc châu Á, thì hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên xếp vị trí thứ hai thế giới. Ấn Độ đã vượt Anh, chưa kể Hàn Quốc cùng một số nền kinh tế mới nổi khác phát triển nhanh chóng, đóng vai trò ngày càng lớn trên thương trường toàn cầu. Đi đôi với sự chuyển dịch sức mạnh như vậy, giá trị hàng hóa trao đổi và vốn đầu tư giữa châu Âu và Trung Quốc cũng đã vượt mức giao lưu giữa Mỹ với Trung Quốc về chỉ số này.

Cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn hiện nay đã làm thay đổi đáng kể các thể chế đa phương, kể cả Liên hợp quốc; nhiều tổ chức quốc tế vốn có sẽ mất dần sức sống hoặc được tái cấu trúc; đồng thời, xuất hiện những tập hợp lực lượng mới, nhiều luật lệ sẽ bị điều chỉnh.

Thế giới đang trải qua sự phân hóa sâu sắc, thậm chí trong từng nước, ở mỗi liên minh và tại các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu, kể cả Liên hợp quốc. Đáng chú ý, khi diễn ra cuộc bỏ phiếu ở Liên hợp quốc vào ngày 2-3-2022 về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở U-crai-na, chỉ có Bê-la-rút ủng hộ Nga, còn tất cả thành viên các tổ chức đa phương do Nga đóng vai trò chủ đạo đều bỏ phiếu trắng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, các nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây vừa duy trì quan hệ với Nga, vừa tập hợp với nhau và tiếp cận các thể chế đa phương bên ngoài. Trong nội bộ EU cũng nảy sinh không ít mâu thuẫn giữa các nước thành viên.

Chưa  thể dự đoán được cuộc xung đột ở U-crai-na bao giờ kết thúc và kết thúc như thế nào. Tuy nhiên, cục diện cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình mọi mặt của thế giới trong thời gian dài với những thăng trầm nhất định.

Một hệ quả nữa cần tính đến là tương lai của các thể chế đa phương. Có thể thấy, các thể chế đa phương, kể cả Liên hợp quốc, đang phải đối mặt với sự phân hóa sâu rộng; bên cạnh những thể chế đa phương mới xuất hiện, không ít thể chế đa phương khu vực sẽ thay đổi, thậm chí tàn lụi. Phương Tây tiếp tục tập hợp lực lượng trong các thể chế riêng, như NATO, EU, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7)...; đồng thời, hình thành một số thể chế mới không có cả Nga và Trung Quốc. Về phía Trung Quốc và Nga, hai nước tuy chưa hình thành liên minh chính thức, song đều ra sức củng cố, mở rộng, thậm chí thành lập những thể chế mới của riêng mình. Như vậy, thế “lưỡng cực” hoặc “tam giác” Mỹ - Trung Quốc - Nga khó có thể xuất hiện trở lại như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, mà xu thế đa cực, đa trung tâm đan xen nhau sẽ có khả năng diễn ra nhanh hơn.

Xu thế “toàn cầu hóa” cũng chứng kiến những sự điều chỉnh đáng kể. Nhiều khả năng sẽ hình thành “cục diện hỗn hợp” trong một số lĩnh vực, các bên vừa hình thành những thể chế riêng biệt, vừa tiếp tục hiện diện trong một số thể chế chung. Các chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như dòng vốn đầu tư, hệ thống tài chính - tiền tệ(4) sẽ bị phân mảnh và được cơ cấu lại một cách sâu rộng. Quá trình này được cho là không đơn giản khi năm 2021, đồng USD vẫn còn chiếm 62%, đồng ơ-rô chiếm 20%, đồng yên Nhật và đồng bảng Anh chiếm lần lượt 5%/loại trong dự trữ tiền tệ thế giới, trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm 2%, đồng rúp của Nga chỉ chiếm khoảng 1% và đều chưa phải là những đồng tiền chuyển đổi(5).

Tuy nhiên, có thể hy vọng, thế giới sẽ không rơi vào “cái bẫy Thucydides” về một cuộc chiến tranh không tránh khỏi, mà sẽ diễn ra các kịch bản như Đại hội VIII của Đảng ta (năm 1996) từng nêu: “nguy cơ chiến tranh thế giới hủy diệt sẽ bị đẩy lùi”, hay Đại hội IX của Đảng ta (năm 2001) nhấn mạnh khi thế giới bước vào thế kỷ XXI: “Trong vài thập kỷ tới ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới”.

Một vài suy ngẫm về hàm ý chính sách

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ đón chính thức Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam tham gia Liên hợp quốc _Ảnh: TTXVN

Về những cơ hội và thách thức đối với nước ta, cũng như đường hướng phát triển đất nước trong 5 năm trước mắt và 25 năm tới, những nhận định và chủ trương do Đại hội XIII của Đảng nêu ra vẫn còn nguyên giá trị. Ở đây, bài viết tập trung bàn tới đôi điều trăn trở trước những biến động mới diễn ra dồn dập trên thế giới.

Một là, những biến động hiện nay và trong những năm tới báo hiệu về một thời kỳ hết sức bất an, bất định, ảnh hưởng trực tiếp tới công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Để bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh yêu cầu giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định chính trị - xã hội, Việt Nam còn phải ứng phó với nhiều thách thức “truyền thống” và “phi truyền thống” đan xen nhau, như thiên tai, địch họa nghiêm trọng liên tiếp diễn ra cùng những bất ổn về kinh tế - thương mại, tài chính - tiền tệ, giao thông - vận tải, nguồn cung nhiều sản phẩm cốt yếu, như năng lượng, lương thực... cũng như các mối đe dọa liên quan tới sự căng thẳng, đối đầu gay gắt về chính trị, an ninh trên thế giới và ngay trong khu vực.

Có thể thấy, ranh giới giữa những mối đe dọa “truyền thống” và “phi truyền thống” hiện nay không còn rõ rệt, mà chúng đan xen nhau, tác động qua lại lẫn nhau chặt chẽ. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ bảo đảm “an ninh” mang tính bao trùm; yêu cầu phòng ngừa “từ sớm, từ xa” không chỉ liên quan tới các lực lượng vũ trang, mà còn là đòi hỏi đối với mọi cấp, mọi ngành.

Hai là, một trong những “bảo bối” trong sự nghiệp bảo vệ an ninh của đất nước là “phải trông ở thực lực” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhiều lần căn dặn. Trên thực tế, sức mạnh và tiềm lực của nước ta đã gia tăng đáng kể. Ngay trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế những năm gần đây, nước ta đã đạt được không ít thành công, được dư luận thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, để xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong một thế giới biến động không ngừng như ngày nay thì phía trước còn rất nhiều việc phải làm.

Ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Đảng ta đã đặt cao nhiệm vụ công nghiệp hóa đất nước, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. Trong thời kỳ đổi mới, đã hai lần Đảng ta xác định mốc thời gian cụ thể đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhưng vì nhiều lý do, chủ trương này chưa thực hiện được.

Ngày nay, nước ta đang phấn đấu thực hiện những mục tiêu được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức trung bình thấp; đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao(6). Để đạt tới những mục tiêu, cần kiên trì tuân thủ theo phương châm “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”. Do đó, nhiều nghị quyết của Đảng trên các lĩnh vực đã được ban hành, trong đó có Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20-8-2019, của Bộ Chính trị, “Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.

Yêu cầu này càng trở nên cấp bách trong hoàn cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới đang và sẽ chứng kiến nhiều biến động khó lường. Hơn nữa, trong nền kinh tế của nước ta, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chiếm tỷ trọng ngày càng cao; năm 2019, lĩnh vực này chiếm 20,35% GDP, 1/4 giá trị vốn đầu tư toàn xã hội, khoảng 50% sản lượng công nghiệp, 71,7% xuất khẩu và 64,35% nhập khẩu, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài góp phần quyết định trong tỷ lệ xuất siêu...; về trình độ công nghệ, công nghệ tiên tiến của Mỹ và Tây Âu chỉ chiếm 6%, công nghệ Trung Quốc chiếm tới 45%; kỳ vọng về việc các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ hầu như chưa trở thành hiện thực...

Bên cạnh đó, nền công nghiệp của nước ta chủ yếu là công nghiệp gia công; các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, như luyện kim, cơ khí, hóa chất, phần cứng cho công nghệ số, thiết bị điện gió và điện mặt trời... đều chưa đáp ứng yêu cầu “độc lập, tự chủ”, thậm chí các ngành liên quan tới những lĩnh vực nước ta có thế mạnh là nông nghiệp, như cơ khí nông nghiệp, sản xuất phân bón, thức ăn gia súc, chế biến nông sản... cũng chưa đáp ứng được yêu cầu và phải nhập khẩu với khối lượng đáng kể... Nếu xảy ra những xáo động lớn, nền kinh tế nước ta sẽ rơi vào tình thế hết sức khó khăn. Trong tình hình phức tạp hiện nay và trong những năm sắp tới, nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu và thích ứng được với những biến động trên thế giới trực tiếp hay gián tiếp tác động tới nước ta trở thành một yêu cầu hết sức hệ trọng.

Ba là, thành quả trên mặt trận ngoại giao của nước ta trong 77 năm qua là rất lớn, góp phần hết sức quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Có được những thành tựu đó là nhờ đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta vận dụng nhuần nhuyễn những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời kỳ đổi mới, nước ta luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, kiên định về nguyên tắc, cơ động và linh hoạt về sách lược.

Trong bối cảnh hết sức phức tạp hiện nay và những năm tới, để tránh rơi vào tình thế “khó xử” trong quan hệ quốc tế, những đối sách trên càng cần được vận dụng một cách hết sức cơ động, linh hoạt, tinh tế, trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc./.

------------------------

(1) Khái niệm “thời đại” được đề cập ở đây không chỉ liên quan tới các chế độ chính trị - xã hội (nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản và chủ nghĩa xã hội), mà còn bao hàm cả những nét đặc trưng trong thế giới tự nhiên (thời đại đồ đá, đồ đồng...), công cụ và phương thức sản xuất, lối sống và sự phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội... Nói một cách khác, thời đại bao hàm một thời kỳ dài với những xu thế đặc trưng riêng có của thế giới tự nhiên cũng như sự phát triển của sản xuất vật chất, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, chế độ chính trị...
(2) Liên quan tới quy luật này có thể tham khảo các cuốn sách nổi tiếng, như “The rise and fall of the powers” (Tạm dịch: Sự thịnh suy của các cường quốc) của học giả Pôn Ken-nơ-đi (Paul Kennedy), “The clash of civilizations” (Tạm dịch: Sự va chạm các nền văn minh) của học giả Xa-mu-en Hăn-tinh-tơn (Samuel Huntington), “Collapse (Tạm dịch: Sự sụp đổ) của học giả Gi. Đai-mân (Jared Diamond) hay “The chaging world order” (Tạm dịch: Sự thay đổi trật tự thế giới) của học giả Rây-mon Đa-li-ô (Raymond Dalio)...
(3) Từ “nhất biên đảo” (giai đoạn 1949 - 1959) đến “phản đế phản tư”; từ năm 1969, Trung Quốc coi Liên Xô là đối thủ chủ yếu; năm 1979, Trung Quốc thực thi chính sách tranh thủ quan hệ với Mỹ và phương Tây để thực hiện “bốn hiện đại”; năm 1989, Trung Quốc đã hòa giải với Liên Xô để đối phó với phương Tây
(4) Phương Tây đã loại Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), một số nước xóa bỏ chế độ tối huệ quốc với Nga; về phần mình, Nga ra sức gia tăng giá trị đồng rúp và hệ thống thanh toán ngân hàng liên biên giới (CIPS), đồng thời cùng Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động của NDB và AIIB, cũng như các thể chế SCO, BRICS...
(5) Xem: Richard Haass: Thế giới đương đại, Nxb. Dân trí (dịch và xuất bản), Hà Nội, 2022, tr. 277
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 112