Làn sóng chủ nghĩa dân túy ở một số quốc gia châu Âu và những tác động đến chiến lược phát triển chung
TCCS - Làn sóng chủ nghĩa dân túy đang có xu hướng chiếm ưu thế ở một số quốc gia châu Âu. Điều này thể hiện rõ qua tỷ lệ cử tri ủng hộ lực lượng cực hữu, chủ nghĩa dân tộc trong các cuộc bầu cử ở cả cấp độ khu vực cũng như tại một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong những năm gần đây. Liệu làn sóng chủ nghĩa dân túy cánh hữu có tác động làm thay đổi cục diện chính trị của những nước này và chiến lược phát triển chung của EU hay không?
Một phiên bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu _Ảnh Tư liệu
Xu thế chủ nghĩa dân túy ở một số nước trong Liên minh châu Âu
Chủ nghĩa dân túy ngày nay có xu hướng trỗi dậy và hiện đang trở thành làn sóng trên thế giới, nhất là ở các nước châu Âu và châu Mỹ, làm dấy lên lo ngại chủ nghĩa dân túy có thể đưa đến những hệ lụy gây bất ổn đối với nền chính trị của các nước, các khu vực và thế giới, thậm chí làm thay đổi đường lối, chính sách của các đảng cầm quyền và các chính phủ. Trong các cuộc bầu cử nghị viện của các quốc gia thành viên EU và cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) gần đây càng phản ánh rõ nét sự phức tạp và có chiều hướng gia tăng sự ủng hộ của dân chúng đối với chủ nghĩa dân túy.
Kết quả cuộc bầu cử EP năm 2019 diễn ra tại 28 quốc gia thành viên EU kết thúc ngày 26-5-2019 cho thấy cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa lực lượng ủng hộ một châu Âu hội nhập với lực lượng các đảng cực hữu ủng hộ chủ nghĩa dân túy(1). Tại Pháp, Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen đã giành chiến thắng với 23,3% tổng số phiếu bầu của cử tri Pháp. Đứng thứ hai là liên minh giữa Đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Đảng Liên minh Phong trào Dân chủ (MoDem) với 22,1% số phiếu. Kết quả này không mấy bất ngờ bởi phần lớn các phân tích và thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử nghị viện của nước này đều nhận định Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia sẽ thắng.
Trong khi đó, tại Đức - nước có nhiều số ghế nhất tại EP - cuộc bầu cử châu Âu ghi nhận sự thăng tiến mạnh mẽ của Đảng Xanh. Đảng này tuy chỉ về thứ hai nhưng giành được 20,9% số phiếu, cao gấp đôi kỳ bầu cử năm 2014. Ngược lại, tuy về nhất nhưng liên minh cầm quyền là Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và Đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) chỉ giành 28,6% số phiếu, kém tới 7 điểm so với cách đây 5 năm. Một chính đảng truyền thống lớn khác của Đức là Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cũng đánh mất tới 12% số phiếu so với năm 2014, chỉ về thứ ba với 15,3% phiếu bầu. Đảng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa như Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) có quan điểm chống châu Âu và nhập cư về thứ 4 với 10,8% số phiếu.
Italy, nơi mà liên minh đảng cựu hữu và dân túy đang nắm quyền và hiện được xem là thành trì của phe cực hữu - dân tộc chủ nghĩa tại châu Âu, có kết quả cũng không bất ngờ khi Đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (LN) của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Italy Matteo Salvini giành thắng lợi với gần 30% phiếu bầu. Tuy nhiên, đáng chú ý là Đảng Dân chủ Italy (PD) vượt lên đứng thứ hai với gần 25% số phiếu, trên cả Đảng dân túy Phong trào 5 sao (M5S). Trong số 73 ghế nghị sĩ châu Âu của Italy, 6 ghế thuộc về LN và 11 ghế thuộc về M5S. Theo đường lối cứng rắn và cũng là người đứng đầu Đảng LN, ông Matteo Salvini đã kêu gọi các đảng dân tộc, dân túy khắp châu Âu tập hợp lực lượng và hình thành một liên minh sau bầu cử EP.
Tại Tây Ban Nha, Đảng Công nhân Xã hội (PSOE) của Thủ tướng Pedro Sanchez giành 30,3% số phiếu, vượt xa các đối thủ tiếp theo. Tại Hà Lan, Công đảng (PvdA) chiến thắng với 18,1% số phiếu, còn đảng bài châu Âu và theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa là Diễn đàn Dân chủ cánh hữu của thủ lĩnh dân túy Thierry Baudet về thứ ba. Tại Áo, đảng theo xu hướng bảo thủ như Đảng Nhân dân Áo của Thủ tướng Sebastian Kurz (OVP) cũng giành chiến thắng(2).
Nước Anh là ví dụ rõ nét nhất cho thấy sự lớn mạnh của các đảng phái hoài nghi châu Âu, chống lại thể chế và chính sách nhập cư của khối. Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016, 52% người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rời EU, một kết quả khiến cả khối và toàn thế giới không khỏi sững sờ. Dù sắp rời khỏi EU nhưng cuộc bầu cử EP cũng cho thấy, Đảng Brexit của chính trị gia Nigel Farage đã chiến thắng, còn hai chính đảng lớn nhất là Đảng Bảo thủ (CP) và Công đảng hay còn gọi là Đảng Lao động (LP) thất bại nặng nề, mà nguyên nhân lớn nhất là sự bế tắc toàn diện của tiến trình Brexit trong ba năm qua.
Ngoài những nước trên, chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa, dân túy cánh hữu, bảo thủ và hoài nghi châu Âu cũng đang len lỏi trong nghị trường của các nước châu Âu khác như Hà Lan, Ba Lan, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Romania và Thụy Điển. Lý giải cho sự bùng phát của chủ nghĩa dân túy cánh hữu giai đoạn gần đây, nhà xã hội học Ba Lan Marcin Krol nhận định, các tầng lớp trung lưu bị gạt ra khỏi việc quản lý xã hội, thay vào đó là giới lãnh đạo ngân hàng, giới đầu cơ, tỷ phú, sẽ thúc đẩy tầng lớp này tìm kiếm sự thay đổi. Hiện xu hướng này đã lan sang cả giới nhân viên văn phòng khi đội ngũ này ủng hộ mạnh mẽ bà Marine Le Pen (Chủ tịch Đảng RN tại Pháp) và ông Norbert Hofer (lãnh đạo Đảng Tự do cực hữu - FPO tại Áo). Thêm vào đó, một trong những nguyên nhân làm gia tăng làn sóng chủ nghĩa dân túy là nhiều chính sách của EU thời gian qua quá thiên về kỹ trị, mang tính áp đặt, phần nào làm tổn hại chủ quyền quốc gia, cũng như chưa quan tâm đến những bức xúc trực tiếp của nhiều tầng lớp cử tri châu Âu, đặc biệt là giới lao động và nhóm người dân bản địa lo lắng khi nền văn hóa châu lục bị tác động. Những yếu tố này dẫn tới những biến động mạnh trên chính trường châu Âu là điều khó tránh khỏi.
Bảng so sánh kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2014 - 2019
Căn cứ vào bảng so sánh kết quả bầu cử giữa năm 2014 và năm 2019 ở trên có thể thấy, về tổng thể, cuộc bầu cử EP 2019 ghi nhận thực tế là, mặc dù các đảng truyền thống vẫn chiến thắng trong cuộc bầu cử nhưng sự ủng hộ của cử tri giảm đáng kể, trong khi đó phe cực hữu, bảo thủ lại nhận được số lượng cử tri ủng hộ tăng lên như hai nhóm nghị sĩ chính - Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) - tiếp tục giữ nhiều số ghế nhất, tương ứng 180 và 145 nghị sĩ trong EP, nhưng cả hai đã bị giảm mạnh so với nhiệm kỳ trước (EPP mất 36 ghế còn S&D mất 40 ghế), trong khi nhóm dân chủ - tự do, Đảng Xanh và nhóm dân tộc chủ nghĩa thăng tiến mạnh.
Điều này khẳng định xu hướng chủ nghĩa dân túy đang ngày một phát triển ở châu Âu. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, xu hướng này được đánh giá không phải ngẫu nhiên mà là tín hiệu cho thấy đời sống chính trị - xã hội châu Âu đang dần có những thay đổi mạnh mẽ về chất. Điều này càng rõ nét hơn khi các đảng truyền thống vốn rất lớn mạnh ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italy... suy yếu và ngày càng mất nhiều sự ủng hộ của cử tri. Nói cách khác, cuộc bầu cử châu Âu cho thấy, châu Âu đang ở một thời điểm rất nhạy cảm với nhiều sự chia rẽ, phân hóa mang tính cực đoan và có thể chứng kiến các biến động lớn trong một vài năm tới.
Dự báo xu hướng tác động của chủ nghĩa dân túy tới quá trình phát triển của EU
Cuộc bầu cử EP vừa qua cho thấy, trào lưu ủng hộ châu Âu vẫn thắng thế, nhưng phải thấy rõ một thực tế rằng, phe chủ nghĩa dân túy đang dần lớn mạnh và đặt nhiều chân hơn vào bộ máy lãnh đạo cả ở cấp quốc gia và khu vực, dẫn đến tương quan lực lượng trên chính trường châu Âu có những thay đổi sâu sắc. Liệu những thay đổi này có tác động gì đến sự phát triển của EU trong tương lai? Hai kịch bản giả thuyết được đưa ra dựa trên những phản ứng của những nhà lãnh đạo EU:
Một là, nếu EU không hành động quyết liệt để lấy lại lòng tin của dân chúng thì nguy cơ EU bị chống phá từ bên trong là điều có thể xảy ra, ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của EU trong tương lai.
Sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy chưa hẳn là một cơn sóng thần nhưng ít ra cũng là một cơn địa chấn nhỏ. Cuộc bầu cử EP 2019 cho thấy đã qua rồi thời kỳ hai xu hướng chính trị - tả và hữu truyền thống - thống lĩnh nghị trường. Phe ủng hộ châu Âu vẫn chiếm đa số, nhưng phe dân túy, chủ nghĩa dân tộc tiếp tục đà tiến làm cho diện mạo, “màu sắc” chính trị ở EP có nhiều thay đổi cơ bản. Theo đó, xu hướng vốn chủ đạo là Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) liên kết với nhau lãnh đạo nghị trường châu Âu trong nhiều năm qua, tuy vẫn chiếm số đông nhưng không có được đa số tuyệt đối cần thiết 376 nghị sĩ để có thể áp đặt thông qua các dự luật(3). Trong khi đó, nếu các đảng phái cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa trong EP hợp sức thành liên minh mới, điều này có thể sẽ tác động trực tiếp tới định hướng lập pháp và hoạt động chung của cả khối, do đó, nguy cơ EU bị chống phá ngay từ bên trong sẽ là một vấn đề lớn. Cụ thể, nguy cơ xung đột lớn hơn trong Hội đồng châu Âu nếu những đảng phái theo chủ nghĩa dân túy liên minh với nhau và vận động được sự tham gia của một số đảng nhỏ khác sẽ tác động không nhỏ đến tiến trình thông qua chính sách tại châu Âu, bởi các đảng này khi đó có đủ lá phiếu để phủ quyết bất kỳ chính sách nào đi ngược với mục tiêu của họ và sẽ thúc đẩy các chủ đề mà các đảng dân tộc chủ nghĩa và cực hữu quan tâm như nhập cư, chống Hồi giáo hóa hay hạn chế quyền lực của Ủy ban châu Âu (EC)... Tỷ lệ ủng hộ đối với xu hướng hội nhập sâu hơn trong nội bộ EU giảm xuống, tác động tiêu cực đến khả năng của EU trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và an ninh nội khối, nhất là trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với nhiều bất ổn khó lường hiện nay.
Hai là, nếu các nhà lãnh đạo EU hành động quyết liệt kêu gọi vì một tương lai chung của châu Âu thì điều đó có nghĩa tương lai EU vẫn là một khối thống nhất, thịnh vượng và phát triển.
Liên minh châu Âu đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong xã hội, xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của người dân trong nhiều năm tới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố để kỳ vọng duy trì một EU hòa bình, thịnh vượng như mục tiêu ban đầu thành lập, đó là:
Thứ nhất, sự đoàn kết. “Châu Âu đoàn kết” là cụm từ được các nhà lãnh đạo liên minh kinh tế - chính trị này nhắc đến nhiều nhất hiện nay kể từ năm 1957 - năm khai sinh tổ chức này. Trong năm 2019, nhận thấy các mối lo ngại từ chủ nghĩa dân túy, các nhà lãnh đạo EU ký Tuyên bố chung kêu gọi người dân tích cực tham gia cuộc bầu cử EP để thể hiện sự ủng hộ tiến trình tiếp tục hội nhập nhằm xây dựng một EU cường thịnh. Tuyên bố chung nhấn mạnh, hội nhập châu Âu đã từng hiện thực hóa giấc mơ hòa bình hàng thế kỷ ở châu lục này sau khi chủ nghĩa dân tộc và các hệ tư tưởng cực đoan khác đã từng dẫn tới sự tàn phá và chết chóc trong hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nhận định, EU hiện đang đứng trước những thách thức chưa từng có mà mức độ nghiêm trọng ngày càng lớn hơn. Để châu Âu phát triển mạnh, các quốc gia thành viên của EU phải cùng nhau hành động. Trong bối cảnh đó chỉ có sự thống nhất mới có thể giúp EU tìm thấy sức mạnh cần thiết để bảo tồn, củng cố và phát huy ảnh hưởng trên toàn cầu. Ở góc độ quốc gia, ba ngày trước cuộc bầu cử EP, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của một EU mạnh mẽ và thống nhất. Ông kêu gọi người dân Đức tham gia cuộc bầu cử EP nhằm tăng cường và củng cố sức mạnh cho các lực lượng dân chủ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì khẳng định quyết tâm vận động bầu cử để bảo vệ sự tồn tại và tiến trình cải tổ EU. Tại Hà Lan, hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo châu Âu, hai nghiệp đoàn giới chủ hàng đầu của nước này là VNO-NCW và MKB Nederland phát động chiến dịch thuyết phục cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử EP với thông điệp người dân Hà Lan cần suy nghĩ và hành động nhằm hướng về một châu Âu hội nhập sâu hơn(4).
Không phải đến lúc này EU mới đề cao mục tiêu đoàn kết, song trong bối cảnh liên minh này rối bời trong nhiều vấn đề bất đồng, thì đoàn kết là nhu cầu cấp bách nhất hiện nay, khi mà chia rẽ và xu hướng ly tâm vẫn là yếu tố đe dọa nghiêm trọng đối với liên minh. Chỉ khi các nhà lãnh đạo EU đoàn kết hành động quyết liệt, nhận thức được những giá trị mà một liên minh hội nhập mang lại cho người dân, tương lai châu Âu mới tiếp tục là một khối đoàn kết, thống nhất không bị chia rẽ.
Thứ hai, dù giành được số ghế đáng kể trong EP nhưng làn sóng dân túy đã không diễn ra như hy vọng của một bộ phận chính trị gia theo tư tưởng bài châu Âu. Sự mở rộng của làn sóng này không mang tính chất đột phá, chủ yếu dựa vào tâm lý muốn phá vỡ hệ thống, chứ không phải trên nền tảng một dự án chính trị cụ thể. Tính chung, khối dân tộc chủ nghĩa và hoài nghi châu Âu giành được hơn 170 ghế trong EP mới nhưng chiếm chưa tới một phần tư số nghị sĩ châu Âu, do đó nếu không vận động thêm được sự ủng hộ, họ không đủ sức phong tỏa tiến trình lập pháp cũng như bầu chọn các vị trí lãnh đạo của khối. Đó là chưa kể các đảng phái này rất khác biệt và chia rẽ, khó làm việc chung với nhau. Hiện nay, trong EP có tới ba nhóm nghị sĩ dân túy cánh hữu.
Thứ ba, cho đến thời điểm hiện tại, các đảng cánh hữu mặc dù có phát triển mạnh hơn trước nhưng vẫn chưa có cơ hội chiến thắng trong bất kỳ hệ thống chính trị nào trên lục địa châu Âu, chưa nói đến việc làm dấy lên phong trào “chia tay” EU ồ ạt. Trong các hệ thống chính trị ở các quốc gia, chính phủ là do các liên minh nắm giữ và việc trưng cầu ý dân rất hiếm khi xảy ra. Tại Hà Lan, các đảng Euroskeptic (hoài nghi về châu Âu) đã bị loại khỏi chính phủ. Tại Pháp, đảng của bà Marine Le Pen đã thất bại trong vòng hai mang tính quyết định của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017. Thậm chí, các nhà lãnh đạo nước Anh cương quyết cho rằng sẽ theo đuổi chủ trương một “Brexit cứng”, tuy nhiên, nội dung đàm phán công khai giữa Thủ tướng Anh Theresa May với EU vẫn đề xuất giữ lại hầu như tất cả các loại hình hợp tác hiện tại giữa Anh và EU, ngoại trừ sự di chuyển tự do của người dân trong khối Schengen trong tương lai, vì vậy có ít lý do để lo sợ các đảng cánh hữu sẽ cản trở tiến trình phát triển của EU.
Thứ tư, những thách thức an ninh mới mà các quốc gia riêng lẻ không thể tự giải quyết, chẳng hạn như: khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những thách thức của biến đổi khí hậu, sự dịch chuyển về phía Đông trong phân phối sản xuất, các mối đe dọa khủng bố, tội ác có tổ chức và sự phổ biến của vũ khí hủy diệt hàng loạt, thiên tai, dịch bệnh… đang đe dọa các nước và không thể nước nào có thể tự giải quyết; xu thế hợp tác cùng phát triển vẫn là xu thế được đa số các quốc gia ưu tiên lựa chọn.
Thứ năm, những chính sách mà EU đã và đang đưa ra để giải quyết các vấn đề như khủng bố, di cư, chủ nghĩa cực đoan cánh hữu, Brexit, tăng trưởng chậm trong khu vực đồng euro, kiểm soát đại dịch COVID-19… chưa đạt được hiệu quả một phần nào đó tác động đến tâm lý của người dân, làm chậm quá trình phát triển của EU trong thời gian qua. Tuy nhiên, những mối đe dọa này đối với sự phát triển của châu Âu ít nghiêm trọng hơn so với những giá trị mà EU đang có (5). Bên cạnh đó, một số vấn đề khủng hoảng trên đang dần được EU khắc phục, cụ thể như khủng hoảng di cư đang giảm xuống 1/3 mức đỉnh điểm của năm 2015, đồng euro đang dần ổn định và tăng trưởng trở lại.
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu Michel Barnier phát biểu về việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc tranh luận về Brexit tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), ngày 18-9-2019 _Nguồn: REUTERS
Thứ sáu, hầu hết các thể chế chính thức và then chốt của EU bao gồm quy định về thị trường chung, chính sách thương mại chung, viện trợ nước ngoài và kiểm soát biên giới chung và các quy định công khác về cơ bản không bị ảnh hưởng cho dù chủ nghĩa dân túy có lớn mạnh tới đâu. Các thể chế này không phải là các mục tiêu chỉ trích của các phong trào euroskeptic. Những chính sách này sẽ tồn tại bất kể các chính phủ châu Âu có hay không cải cách các nền kinh tế, tăng cường tập trung hay phân cấp việc xây dựng chính sách, tăng chi tiêu phòng vệ hoặc thông qua bất kỳ một dự thảo chính sách nào đang có tại châu Âu.
Tóm lại, EU đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, như việc nước Anh chính thức rời khỏi EU, làn sóng di cư đã giảm nhưng vẫn còn nhiều bất đồng trong giải quyết của các nước, chủ nghĩa khủng bố vẫn đang rình rập... trong đó, đáng chú ý là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Thậm chí có thể khẳng định, chưa bao giờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy lại đang đặt ra những thách thức lớn đối với sự gắn kết nội khối ở châu Âu như thời điểm hiện nay. Các thành phần dân tộc chủ nghĩa, dân túy cánh hữu, bảo thủ và hoài nghi châu Âu đang mong muốn phá vỡ sự đoàn kết của châu Âu. Vì vậy, mặc dù vẫn là những khối cử tri lớn nhất, song các nhóm trung hữu và trung tả thống trị chính trường châu Âu những năm gần đây dường như đang mất đi vị thế của mình. Trong khi đó, nếu các đảng phái cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa trong EP hợp sức thành liên minh mới, sẽ tác động tới định hướng lập pháp và hoạt động chung, nguy cơ đối đầu ngay từ bên trong EU(6). Tuy nhiên, 60 năm trước, khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau để ký kết Hiệp ước Rome thì một trong những mục tiêu chung của họ là nhằm tăng cường vị thế toàn cầu của EU. Họ đã, đang thành công. Những giá trị mà EU đem lại cho công dân của mình là không thể phủ nhận và những khó khăn trên chỉ là những phép thử để các nhà lãnh đạo EU hoàn thiện hơn nữa về thể chế và cùng nhìn về tương lai phát triển./.
-----------------------
(1), (2) Bầu cử Nghị viện châu Âu tác động ra sao đến chính sách của EU?, https://haiquanonline.com.vn/bau-cu-nghi-vien-chau-au-tac-dong-ra-sao-den-chinh-sach-cua-eu-105479.html
(3) Diện mạo Nghị viện châu Âu thay đổi sau cuộc bầu cử 2019, http://www.rfi.fr/vi/quoc-te/20190527-dien-mao-nghi-vien-chau-au-thay-doi-sau-cuoc-bau-cu-2019
(4) Hồng Vân: “Bầu cử nghị viện châu Âu: những thách thức hiện hữu”, https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/bau-cu-nghi-vien-chau-au-nhung-thach-thuc-hien-huu-751137.vov
(5) Andrew Moravcsik: “Châu Âu vẫn là một siêu cường và sẽ vẫn là như vậy trong nhiều thập kỷ nữa”,
Tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy), https://eeas.europa.eu/delegations/vietnam_bs/30091/Ch%C3%A2u%20%C3%82u%20v%E1%BA%ABn%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20si%C3%AAu%20c%C6%B0%E1%BB%9Dng
(6) Lê Minh Quân: “Về chủ nghĩa dân túy và đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện của nó ở Việt Nam hiện nay”, http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/ve-chu-nghia-dan-tuy-va-dau-tranh-ngan-ngua-nhung-bieu-hien-cua-no-o-viet-nam-hien-nay-122295