Hội nhập khu vực và vấn đề chủ quyền quốc gia: Kinh nghiệm tham khảo từ thực tiễn Cộng hòa Liên bang Đức đối với Việt Nam
TCCS - Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng ngày càng gắn kết chặt chẽ và ràng buộc lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc về nhiều mặt, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa - xã hội. Là một trong những thành viên chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU), Đức đã trải qua quá trình hội nhập khu vực trong suốt 60 năm qua với những tác động đáng kể đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế và tư pháp trong nước.
Hội nghị thượng đỉnh Maastricht (năm 1992), sự kiện đặt nền móng cho sự ra đời của EU _Nguồn: politico.eu
Hội nhập quốc tế và chủ quyền quốc gia
Ngày nay, cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các quốc gia không còn là những cá thể riêng biệt mà được gắn bó chặt chẽ thông qua các mối liên kết từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến an ninh - quốc phòng. Quá trình này mang đến những cơ hội giúp các nước phát triển kinh tế, tăng cường vị thế chính trị cũng như hợp tác bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng cũng đặt ra vấn đề không nhỏ về bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc. Do vậy, quan niệm truyền thống về chủ quyền quốc gia cũng gặp những thách thức lớn. Về mặt lý thuyết, chủ quyền quốc gia có thể được hiểu như là quá trình các nước tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn kết với nhau dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực (thẩm quyền định đoạt chính sách) và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế (1). Còn trên thực tế, chủ quyền quốc gia là quyền được hoàn toàn định đoạt công việc xây dựng, thực hiện chính sách quốc gia và quyền không bị can thiệp bởi các nước bên ngoài (2). Quá trình hội nhập quốc tế được thể hiện trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đối ngoại đến tư pháp và ở từng khía cạnh lại có tác động đến chủ quyền của một đất nước theo những chiều cạnh khác nhau.
Về kinh tế, hội nhập quốc tế làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế trong nước với các thị trường và nhân tố bên ngoài. Các quyết định về chính sách kinh tế của chính phủ có thể bị ảnh hưởng khi mà nền kinh tế có sự tham gia của các chủ thể bên ngoài như các tập đoàn đa quốc gia hay các đối tác thương mại. Do vậy, quá trình này có thể mang lại những tác động tiêu cực đối với chủ quyền của một đất nước.
Về chính trị - đối ngoại, hội nhập quốc tế có thể làm giảm khả năng chủ động ra quyết định của một chính phủ. Trong bối cảnh mà các mối liên kết quốc tế đang ngày càng chặt chẽ, chính sách của một quốc gia, đặc biệt là chính sách đối ngoại chịu ảnh hưởng bởi các ràng buộc quốc tế. Do đó, chủ quyền quốc gia cũng có thể bị suy giảm trong quá trình này.
Về tư pháp - nội vụ, hội nhập quốc tế đồng nghĩa với việc các quốc gia sẽ phải tuân thủ các luật chơi chung. Hệ thống pháp luật trong nước cũng cần được sửa đổi để không xung đột với các luật lệ quốc tế. Việc tuân thủ luật pháp quốc tế là cần thiết nhưng đôi khi có thể ảnh hưởng đến lợi ích và công việc nội bộ của một quốc gia.
Quá trình hội nhập Liên minh châu Âu của Đức
Quá trình hội nhập về kinh tế - xã hội
Năm 1951, Tây Đức cùng năm quốc gia Tây Âu khác là Bỉ, Pháp, Italy, Hà Lan và Luxembourg đã thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) với mục đích thúc đẩy sự hợp tác kinh tế, thông qua liên kết kinh tế để ngăn chặn một cuộc chiến tranh khác xảy ra. Những năm sau đó, các quốc gia này tiếp tục mở rộng hợp tác thông qua việc thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) và Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu (EAEC). Năm 1993, sau khi Hiệp ước Maastricht được thành lập, EU chính thức ra đời và tiếp tục phát triển thành liên minh kinh tế - tiền tệ, với hệ thống thuế quan, chính sách thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp và đồng tiền chung (đồng euro, áp dụng với 17 nước thành viên, trong đó có Đức).
Ngày nay, EU đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế đối ngoại của Đức. Năm 2018, số lượng xuất khẩu sang các nước EU chiếm 59,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức, EU cũng là đối tác nhập khẩu lớn nhất của nước này, chiếm 57,2% kim ngạch nhập khẩu (3). Đức cũng là một trong các thành viên có đóng góp nhiều nhất cho ngân sách chung của EU. Hiện Đức phải gánh tới 20,8% ngân sách châu Âu và khoản đóng góp của quốc gia này dự kiến sẽ còn tăng lên trong ngân sách dài hạn mới trong bối cảnh hậu Brexit. Theo số liệu năm 2018 được Ủy ban châu Âu (EC) công bố, Đức đã đóng góp vào ngân sách châu Âu 25,267 tỷ euro (tương đương 0,73% GDP của Đức), trong khi đó chi tiêu của EU cho Đức đạt khoảng 12,054 tỷ euro (tương đương 0,35% GDP Đức) (4).
Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trong nội khối. Đức là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - các cơ chế được thành lập để cứu trợ các quốc gia chìm sâu trong khủng hoảng và đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Trong EFSF, Đức mở rộng khoản bảo lãnh của mình lên tới 211,045 tỷ euro, chiếm 29,13% trong tổng số khoản bảo lãnh 724,47 tỷ euro. Trong ESM, Đức đóng góp 189,9 tỷ euro trong tổng số vốn huy động 704,79 tỷ euro, chiếm 26,94% (5). Bên cạnh đó, đối với vấn đề người tị nạn và cuộc khủng hoảng nhập cư diễn ra từ năm 2015 cho tới nay, Đức là một trong những nước thành viên EU tích cực nhất trong việc san sẻ gánh nặng với các nước trong khối, nhất là các quốc gia tuyến đầu như Italy và Hy Lạp. Song song với các cam kết tiếp nhận người tị nạn, Chính phủ Đức đã chi khoản ngân sách trị giá 23 tỷ euro (khoảng 25,6 tỷ USD) để tạo điều kiện hội nhập cho hơn 1 triệu người tị nạn tại Đức và giải quyết những nguyên nhân cơ bản của vấn đề di cư. Trong đó, Chính phủ Đức đã chi tổng cộng 7,9 tỷ euro (tăng 16% so với năm 2017) cho các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư vào EU. Gần đây nhất, trong nỗ lực đối phó với đại dịch toàn cầu COVID-19, Đức đã tiếp nhận bệnh nhân từ Pháp và Italy để điều trị, nhằm giảm tải áp lực lên hệ thống y tế của các quốc gia này, góp phần kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, cũng như thể hiện tình đoàn kết giữa các nước thành viên EU.
Quá trình hội nhập về chính trị - đối ngoại
Hội nhập vào EU là nền tảng cho chính sách đối ngoại của Đức. Từ những năm 70 của thế kỷ XX, Đức và EU đã không ngừng tăng cường hợp tác sâu rộng trong việc xây dựng các chính sách đối ngoại, tiêu biểu là Chính sách Đối ngoại và An ninh chung (CFSP) và Hiệp ước Lisbon (có hiệu lực từ năm 2009).
Cùng với việc hội nhập vào EU, chính sách đối ngoại của Đức cũng dần thay đổi theo hướng “châu Âu hóa”, đó là: Sẵn sàng điều phối các sáng kiến quốc gia trong khuôn khổ chính sách đối ngoại chung của EU; nhượng bộ và giảm bớt sức ảnh hưởng từ vị thế quốc gia để tạo thuận lợi cho sự phát triển chính sách chung và nâng cao vị thế của toàn EU; đặt các chương trình nghị sự của EU lên hàng đầu. Các động thái của Đức luôn phù hợp và thể hiện sự ủng hộ với các cơ chế Hợp tác chính trị châu Âu (EPC) và CFSP. Điều này thể hiện rõ trong việc Đức đề cao vai trò và đứng từ vị thế của EU thay vì hành động theo quan điểm quốc gia trong việc giải quyết các xung đột ở Trung Đông. Đức khẳng định không tham gia vào các bên trung gian can thiệp vào tình hình Trung Đông và ủng hộ vai trò của việc hỗ trợ kinh tế và phát triển cho khu vực này. Ngoài ra, Đức cũng đóng vai trò trụ cột trong việc duy trì quan hệ đối tác giữa châu Âu với Mỹ. Gần đây nhất, Đức cũng đã giúp các nước Nam Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, cũng như hỗ trợ EU đàm phán thỏa thuận tị nạn với Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể thấy, Đức luôn là một trong những quốc gia EU chủ chốt trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng và duy trì quan hệ của EU với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Quá trình hội nhập về tư pháp - nội vụ
Là một quốc gia sáng lập EU và nằm ở trung tâm của châu Âu, cách thức mà Chính phủ Đức giải quyết các vấn đề nội bộ vừa ảnh hưởng trực tiếp tới toàn khối, vừa chịu tác động từ bối cảnh chung của khu vực. Đức là quốc gia có sự hội nhập vào châu Âu về mặt pháp lý sâu rộng nhất trong tất cả các nước thành viên EU. Theo thống kê, tỷ lệ “châu Âu hóa” trong hệ thống pháp luật quốc gia của Đức là 39,1%, trong khi con số này chỉ là 14% ở Đan Mạch, 10,6% ở Áo và 27% ở Pháp (6). Trong một số lĩnh vực như nông nghiệp và môi trường, 80% luật pháp của Đức chịu ảnh hưởng từ những quy định của EU (7). Ngoài ra, những vấn đề của EU cũng có ảnh hưởng nhất định đến việc sửa đổi và ban hành các quy định luật pháp của Đức. Ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng người tị nạn diễn ra ở châu Âu đã khiến Đức phải sửa đổi và đưa ra Luật Di trú mới để đối phó với dòng người nhập cư đang tràn vào nước này.
Ở chiều ngược lại, Đức cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với hệ thống luật pháp của EU. Cùng với Pháp, Đức là một trong hai quốc gia có tác động lớn đối với các quy định được ban hành của EU thông qua luật pháp quốc gia. Một ví dụ là quy định liên quan đến bảo vệ thông tin của người sử dụng mạng ở Đức. Cơ quan Quản lý cạnh tranh của Đức đã lên án Facebook và Google vì hai công ty này được cho là thống trị nguồn dữ liệu cá nhân của người dùng mạng của Đức. Điều này đã thôi thúc EU ban hành một quy định chống lại Google, trong đó cho phép người dùng được “lãng quên” bằng cách yêu cầu Google xóa bỏ các đường dẫn chứa thông tin cá nhân đã cũ hoặc không liên quan.
Nước Đức đóng vai trò là một trong những trụ cột trong EU nói chung và khu vực đồng tiền chung châu Âu nói riêng _Ảnh: Tư liệu
Ảnh hưởng của quá trình hội nhập châu Âu đến chủ quyền quốc gia của Đức
Ảnh hưởng về mặt kinh tế
Với nền kinh tế lớn mạnh, Đức đóng vai trò là một trong những trụ cột trong EU nói chung và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng. Tuy nhiên, điều này cũng gây nên gánh nặng cho Đức khi mà trình độ phát triển kinh tế của nước này vượt xa nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, trong cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu năm 2009, Đức phải chi hàng trăm tỷ euro để cứu trợ cho các nước có nguy cơ vỡ nợ để bảo vệ đồng euro và ngăn chặn sự sụp đổ của Eurozone.
Ngoài ra, việc tuân theo các chính sách kinh tế - thương mại chung của EU cũng gây ảnh hưởng lên quan hệ giữa Đức với các nước đối tác và có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này. Lấy ví dụ về cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, việc EU áp đặt các lệnh cấm vận đối với Nga đã đẩy Đức vào thế khó. Mặc dù Nga là một đối tác thương mại quan trọng của Đức, nhưng là một thành viên của EU, nước này không thể nới lỏng các lệnh cấm vận đối với Nga trong bối cảnh thỏa thuận giữa EU và Nga về vấn đề Ukraine và tình hình an ninh châu Âu vẫn chưa đạt được.
Ngoài ra, là một liên minh kinh tế, EU áp dụng một mức thuế quan và chính sách thương mại chung với các nước ngoài khu vực và điều này có thể hạn chế quan hệ thương mại của Đức với các nước bên ngoài châu Âu. Mục tiêu của liên minh kinh tế là tăng cường trao đổi hàng hóa dịch vụ nội khối, nhưng hiện nay, các nước thành viên EU đã không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Việc hội nhập vào EU phần nào làm giảm sự chủ động và quyền tự quyết của Đức trong các vấn đề kinh tế. Tham gia EU nói chung và khu vực Eurozone nói riêng cũng dẫn đến sự ràng buộc về kinh tế giữa Đức với các nước thành viên của khối và gây ra gánh nặng tài chính cho ngân sách nước này thông qua các khoản trợ cấp cho các quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế. Về cơ bản, quyền tự chủ về kinh tế của Đức vẫn được bảo đảm, dù đã trải qua một quá trình hội nhập lâu dài và sâu rộng vào EU.
Ảnh hưởng về chính trị - đối ngoại
Trong lĩnh vực chính trị - đối ngoại, Đức luôn tôn trọng EU và các quy định của tổ chức, nhất là cơ chế hợp tác chính trị châu Âu và CFSP. Tuy nhiên, các chính sách của châu Âu khá tương đồng với quan điểm chính trị của Đức và nước này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua quyết định của EU, vì thế ảnh hưởng tiêu cực hay kiềm chế của EU đối với chính sách đối ngoại của Đức là không đáng kể. Điều này có thể thấy rõ qua vai trò chủ chốt của Đức trong việc thúc đẩy quan hệ của EU với các đối tác thân cận của nước này tại Trung Đông như Israel hay Palestine. Hay việc Đức vẫn tham gia đàm phán nhóm P5+1 với Iran, duy trì quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ cho dù không phải tất cả các nước EU đều liên quan đến những vấn đề này. Mặc dù vậy, Đức vẫn luôn thể hiện trách nhiệm trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng và vấn đề nội bộ của EU. Gần đây nhất, Đức đã tiếp nhận 1 triệu người nhập cư trong bối cảnh dòng người tị nạn đổ xô vào châu Âu. Điều này có thể gây thêm gánh nặng phúc lợi đối với nước này, đồng thời mang đến nguy cơ mất ổn định xã hội, đe dọa đến an ninh và thậm chí là nguy cơ khủng bố. Như vậy, mặc dù không bị ràng buộc quá chặt chẽ bởi những chính sách của EU, nhưng Đức vẫn phải là một quốc gia có trách nhiệm trong các vấn đề nội khối, đặc biệt khi nước này là nhân tố luôn thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên.
Ảnh hưởng về tư pháp - nội vụ
Đức và các nước châu Âu có sự tương đồng về thể chế chính trị và đều áp dụng hệ thống luật pháp châu Âu lục địa, do đó quá trình hội nhập không làm mất quyền tự chủ hay làm xói mòn truyền thống về lập pháp của nước này. Mặc dù pháp luật Đức chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các luật lệ chung của EU, nhưng điều này không ảnh hưởng tiêu cực đối với nước này, khi mà các quy định chung hoàn toàn phù hợp với bối cảnh nước Đức. Hơn nữa, trên thực tế không có sự ràng buộc chặt chẽ về mặt luật pháp đối với các nước thành viên EU, vì thế việc áp dụng luật lệ chung của EU trong hệ thống tư pháp quốc gia là hoàn toàn tự nguyện. Do đó, về khía cạnh luật pháp, Đức ít có nguy cơ bị mất quyền tự quyết khi hội nhập sâu rộng hơn vào EU.
Sự phồn vinh của toàn châu Âu sẽ tạo điều kiện ổn định và phát triển đối với Đức, nhưng các cuộc khủng hoảng dù về kinh tế hay chính trị cũng sẽ đi kèm những ràng buộc trách nhiệm với nước này. Thực tế cho thấy, nước Đức luôn sẵn sàng san sẻ gánh nặng về kinh tế - xã hội để giúp đỡ và cứu trợ các quốc gia khác đang lâm vào khủng hoảng, dù là ở vấn đề người nhập cư hay nợ công ở châu Âu. Ngoài ra, là một nhân tố chủ chốt, Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tham vấn chính sách và ra quyết định của EU. Điều này buộc Đức phải cân nhắc giữa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của toàn khối để đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình quốc tế nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi quốc gia.
Tham khảo đối với Việt Nam trong hội nhập khu vực
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có xuất phát điểm khá giống EU khi đều được thành lập với mục tiêu duy trì an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, các nước EU có sự tương đồng về văn hóa, chính trị, tôn giáo, nên đã đạt đến một cấp độ liên kết cao - một liên minh kinh tế.
Do ASEAN được xây dựng trên nguyên tắc đồng thuận nên mọi quyết định đưa ra trong khối đều cần sự nhất trí của toàn bộ các nước thành viên. Điều này giúp các nước ASEAN bảo đảm lợi ích quốc gia nhưng cũng làm cho Hiệp hội khó có thể đưa ra tiếng nói chung trong một số vấn đề. Sự hợp tác của ASEAN cho đến nay vẫn lấy kinh tế làm trụ cột. Nhưng với mức độ phát triển kinh tế đa dạng, ASEAN vẫn chưa thể đạt được một chính sách thương mại chung hay tự do lưu chuyển lao động, mà chỉ dừng ở mức xóa bỏ hàng rào thuế quan nội khối. Mặc dù Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) đã được thành lập, nhưng vẫn khó để các cơ chế này phát huy tác dụng hữu hiệu.
Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN từ năm 1995. Cho đến nay, hợp tác Việt Nam - ASEAN chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, trên cơ sở bảo đảm lợi ích của các bên. Nguyên tắc hoạt động quan trọng của ASEAN là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, do vậy, lợi ích của các nước thành viên ASEAN luôn được bảo đảm. Một ASEAN mạnh lên không chỉ tăng cường vị thế của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết các xung đột và bảo đảm an ninh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19, ngày 14-4-2020 _Ảnh: TTXVN
Hội nhập quốc tế mang đến những cơ hội to lớn cho Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội song cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đứng trước thách thức cần thúc đẩy hơn nữa quá trình liên kết khu vực để hội nhập sâu rộng vào ASEAN; đồng thời, tăng cường vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề trong khu vực. Việc tổ chức thành công hai Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 bằng hình thức trực tuyến vào ngày 14-4-2020 vừa qua cho thấy quyết tâm và sự linh hoạt của Việt Nam trong việc huy động sức mạnh tổng thể ASEAN nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Trong khuôn khổ hai hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề, như cam kết sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, hỗ trợ cung cấp vật tư y tế, đồng thời tiếp tục có những bước đi chung để giảm thiểu, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang chủ động đưa ra các sáng kiến mang tính thích ứng và kịp thời theo đúng tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” mà Việt Nam đã đề ra trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục chứng tỏ là một trong những quốc gia đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh bằng cách triển khai thực hiện các đề xuất mang tính khu vực như thành lập Quỹ Hợp tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của ASEAN, Kho Dự trữ vật tư y tế của khu vực về trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm; xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống của dịch bệnh; tổ chức diễn tập trực tuyến của Trung tâm Quân y ASEAN về ứng phó dịch bệnh;... Thông qua hai hội nghị với các nước trong khu vực và đối tác của ASEAN mà Việt Nam tổ chức cho thấy, hợp tác với ASEAN đang là ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đây là bước đi đúng đắn và phù hợp của Việt Nam, góp phần tăng cường khả năng phòng, chống dịch bệnh ở thời điểm hiện tại; đồng thời, tăng tính tự cường cho khu vực nhằm ứng phó tốt, kịp thời với các thách thức tương tự trong tương lai. Ngoài các vấn đề liên quan đến tình hình đại dịch, Việt Nam cũng cần chia sẻ quan điểm với các nước có cùng lập trường trong các tranh chấp khu vực và tránh xung đột lợi ích với các nước thành viên có quan điểm trái chiều để bảo đảm sự hợp tác nội khối. Điều này không chỉ giúp ASEAN ngày càng gắn bó mà còn giúp Việt Nam có thể đạt được sự ủng hộ lớn hơn và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong một ASEAN đang ngày càng phát triển./.
-----------------
(1) Phạm Quốc Trụ: “Hội nhập quốc tế: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, http://www.nghiencuubiendong.vn/toan-cau-hoa-hoi-nhap-kinh-te/2014-hoi-nhap-quoc-te-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien
(2) Đỗ Sơn Hải: “Nhận thức về chủ quyền quốc gia và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay”, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2012/16666/Nhan-thuc-ve-chu-quyen-quoc-gia-va-hoi-nhap-quoc-te.aspx
(3) Federal Ministry for Economic Affairs and Energy: “Facts about German foreign trade”, https://www.bmwi.de/Redaktion/EN/Publikationen/facts-about-german-foreign-trade.pdf?__blob=publicationFile&v=9
(4) Statista: “EU contributions by countries”, https://www.statista.com/statistics/316691/european-union-eu-budget-share-of-contributions/
(5) European Stability Mechanism: “Investor Presentation April 2020”,
https://www.esm.europa.eu/sites/default/files/efsfesmnewinvestorpresentationapril2020.pdf
(6) Annette Elisabeth Toeller: “Claims that 80 per cent of laws adopted in the EU Member States originate in Brussels actually tell us very little about the impact of EU policy-making”,
http://blogs.lse.ac.uk/europpblog/2012/06/13/europeanization-of-public-policy/
(7) Tanja Börzel & Thomas Risse: “When Europe Hits Home: Europeanization and Domestic Change”, European Integration online Papers, http://eiop.or.at/eiop/pdf/2000-015.pdf; 31.03.2008