Gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Nga tại khu vực châu Phi
TCCS - Với vị trí địa - chiến lược quan trọng, dân số trẻ và trữ lượng tài nguyên phong phú, thời gian qua, châu Phi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá châu Phi sẽ trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển của thế giới trong thời gian tới. Các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược tại khu vực này, đề cao vai trò của châu Phi như một thành tố quan trọng trong cục diện thế giới mới.
“Địa bàn” cạnh tranh chiến lược, mở rộng ảnh hưởng
Thời gian qua, châu Phi trở thành một “địa bàn” cạnh tranh chiến lược quan trọng của Mỹ, Trung Quốc và Nga. Cả ba nước lớn đều coi châu Phi là một khu vực quan trọng trong chính sách đối ngoại, thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng ảnh hưởng, nâng cao vai trò, vị thế, sức mạnh tổng hợp quốc gia trong cạnh tranh địa - chiến lược nước lớn.
Tổng thống Mỹ J. Biden cùng lãnh đạo các nước châu Phi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi tại Thủ đô Washington (Mỹ), năm 2022 _Ảnh: AP
Với Mỹ, kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một số thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại đối với khu vực châu Phi nhằm củng cố và nâng cao hình ảnh, gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Về chính trị - đối ngoại, trong thông điệp gửi Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi năm 2021 ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ J. Biden đã tái khẳng định châu Phi giữ vị trí “trung tâm” trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đưa ra nhận thức “châu Phi là nhân tố địa - chính trị quan trọng trên thế giới” thay vì “một chủ thể địa - chính trị”. Chỉ trong hơn hai năm cầm quyền, chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden đã: 1- Công bố và đẩy mạnh triển khai nhiều chiến lược, sáng kiến (Chiến lược mới đối với khu vực châu Phi cận Sahara, Sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng”), kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại khu vực; gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên (năng lượng tái tạo, kinh tế số, nông nghiệp, công nghệ, an ninh mạng, bảo vệ môi trường); 2- Đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao, khẳng định cam kết và thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác với châu Phi; 3- Tăng cường hợp tác đa phương, tổ chức nhiều hội nghị đa phương quy mô lớn với sự tham gia của lãnh đạo các nước châu Phi. Chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden còn cam kết đề cao vai trò của châu Phi tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế; ủng hộ lục địa này gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20); cùng các đồng minh Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) để châu Phi trở thành thị trường chung lớn nhất thế giới. Về kinh tế - thương mại, hai bên tích cực đẩy mạnh hợp tác, mang lại nhiều kết quả nổi bật. Năm 2021, kim ngạch thương mại và dịch vụ song phương Mỹ - châu Phi đạt 83,6 tỷ USD (1). Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào châu Phi ngày càng gia tăng, với số vốn cam kết trong 3 năm tới đạt khoảng 55 tỷ USD (2). Về xã hội, thông qua các hoạt động đối ngoại, Mỹ cam kết viện trợ hàng trăm tỷ USD cho chương trình bảo đảm an ninh lương thực; chống biến đổi khí hậu; phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách hệ thống quản lý kinh tế - tài chính; nâng cấp hệ thống y tế; cải cách hệ thống giáo dục, tư pháp; thúc đẩy dân chủ, xây dựng xã hội mở theo các tiêu chí của phương Tây ở châu Phi. Năm 2022, Mỹ cung cấp khoảng 70% tổng viện trợ nhân đạo tới châu Phi. Về quốc phòng - an ninh, Mỹ tranh thủ tận dụng các thể chế phòng thủ dân sự và quân sự, mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác chiến lược có chung giá trị và ý chí để thúc đẩy hòa bình, ổn định tại khu vực châu Phi.
Với Trung Quốc, châu Phi tiếp tục giữ vai trò quan trọng, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, góp phần quan trọng mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, xây dựng lực lượng quốc tế ủng hộ, nâng cao vị thế quốc tế. Về chính trị - đối ngoại, quan hệ giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là hợp tác trên kênh đảng, quốc hội (3), củng cố mặt trận chính trị vững chắc, thúc đẩy quan hệ song phương, ủng hộ các lợi ích của Trung Quốc. Thời gian qua, Trung Quốc ưu tiên: 1- Thúc đẩy xây dựng “cộng đồng tương lai chung Trung Quốc - châu Phi trình độ cao”, phấn đấu đưa mô hình hợp tác Trung Quốc - châu Phi trở thành hình mẫu trong hợp tác trên thế giới; 2- Đẩy mạnh hợp tác với các nước khu vực trong khuôn khổ các sáng kiến toàn cầu, như: Sáng kiến “Phát triển toàn cầu”, Sáng kiến “An ninh toàn cầu”, Sáng kiến “Văn minh toàn cầu”; 3- Triển khai nhiều hoạt động trao đổi đoàn và cuộc gặp cấp cao. Về kinh tế - thương mại, Trung Quốc tiếp tục trở thành đối tác thương mại và nhà đầu tư FDI lớn nhất của châu Phi, khẳng định ảnh hưởng rộng lớn tại khu vực. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc - châu Phi đạt 220 tỷ USD. Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại châu Phi với tổng số vốn đầu tư đạt hơn 70 tỷ USD, kế tiếp là Mỹ với 24 tỷ USD (4). Hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) tiếp tục được thúc đẩy với nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng tại nhiều nước trong khu vực. Tính đến tháng 4-2023, đã có 52 quốc gia châu Phi và Liên minh châu Phi (AU) tham gia BRI. Về xã hội, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc là quốc gia cung cấp miễn phí vaccine, vật tư y tế sớm nhất và lớn nhất với trị giá lên đến hàng tỷ USD cho châu Phi; tăng cường viện trợ không hoàn lại, cho vay lãi suất thấp, gia hạn hoặc xóa nợ để các nước châu Phi phục hồi kinh tế sau đại dịch. Về đối ngoại đảng, Trung Quốc: 1- Đẩy mạnh hợp tác với các chính đảng trong khu vực, hỗ trợ tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, mô hình xây dựng và phát triển đất nước; 2- Vận động các chính đảng trong khu vực ủng hộ các sáng kiến của Trung Quốc, tham dự các hoạt động đa phương chính đảng, như các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới. Về quốc phòng - an ninh, Trung Quốc coi trọng hợp tác với các nước châu Phi, nâng cao khả năng phối hợp đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, bảo vệ an ninh, ổn định khu vực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo các nước châu Phi tại Bắc Kinh (Trung Quốc), năm 2018 _Ảnh: THX
Với Nga, trên cơ sở nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp kế thừa từ thời kỳ Liên Xô (trước đây) và quan hệ hữu nghị, thân thiện hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Nga và khu vực châu Phi những năm qua được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Về chính trị - đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác với châu Phi trên tất cả các kênh, nhất là quan hệ kênh đảng, nghị viện, mở rộng ảnh hưởng, vận động sự ủng hộ với các lợi ích của Nga; tăng cường triển khai các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, củng cố quan hệ với các đồng minh, đối tác thân thiết tại khu vực, như: Algeria, Nam Phi, Mali, Angola… (5); thúc đẩy hợp tác đa phương, tổ chức nhiều hội nghị toàn khu vực, như Hội Nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ nhất (năm 2019), Hội nghị Liên nghị viện quốc tế Nga - châu Phi (năm 2019 và năm 2023), Hội nghị Liên chính đảng quốc tế (năm 2021). Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, vai trò của châu Phi trong chính sách đối ngoại của Nga càng được nâng cao, trở thành khu vực ưu tiên trong gia tăng ảnh hưởng chiến lược của Nga. Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Liên nghị viện quốc tế Nga - châu Phi lần thứ hai, diễn ra tại Thủ đô Moscow (Nga) vào tháng 3-2022, Tổng thống Nga Valadimir Putin tiếp tục khẳng định châu Phi là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga. Về kinh tế - thương mại, hợp tác song phương được ưu tiên thúc đẩy, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kim ngạch thương mại Nga - châu Phi duy trì ổn định, đạt khoảng 18 tỷ USD vào năm 2022 ngang với mức 20 tỷ USD năm 2018 (6). Mới đây, Nga đã giành quyền tiếp cận hai cảng biển quan trọng tại Angola và Eritrea góp phần thúc đẩy giao thương với khu vực. Bên cạnh đó, Nga cam kết sẽ cung cấp miễn phí hàng trăm nghìn tấn phân bón giúp các quốc gia châu Phi phát triển nông nghiệp. Về quốc phòng - an ninh, Nga tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các đối tác châu Phi, tham gia nhiều hơn vào giải quyết vấn đề khu vực từ các “điểm nóng” xung đột tới các thách thức an ninh lương thực, năng lượng, duy trì vị thế cường quốc số 1 trong hợp tác quân sự với khu vực. Theo báo cáo năm 2021 của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn năm 2017 - 2021, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Phi, chiếm khoảng 44% nhập khẩu vũ khí của khu vực.
Nguyên nhân gia tăng cạnh tranh chiến lược
Việc Mỹ, Trung Quốc và Nga đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược tại khu vực châu Phi thời gian qua, được cho là bắt nguồn hai nguyên nhân chính sau:
Một là, vai trò của khu vực châu Phi trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Trong những thập niên gần đây, với các chính sách phù hợp trong cải cách kinh tế, châu Phi đã có những thay đổi tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như gia tăng uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Theo nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế khu vực châu Phi (AU - OECD), tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Phi giai đoạn 2000 - 2020 đạt mức trung bình 4,6%/năm, đứng thứ hai trên thế giới, sau châu Á với tốc độ tăng trưởng là 7,4% và cao hơn Mỹ Latinh và Caribe (LAC) là 2,6%; đồng thời, châu lục này có những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, như: Ethiopia, Rwanda, Ghana, Bờ Biển Ngà… Theo Công ty tư vấn quản lý quốc tế McKinsey & Company (Mỹ), châu Phi có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội như vậy chủ yếu do quá trình chuyển dịch cơ cấu của các quốc gia châu Phi. Bên cạnh đó, nhờ lợi thế gia tăng dân số, nhu cầu tiêu dùng nội địa của châu Phi cũng đóng góp 69% trong kết quả tăng trưởng này(7). Liên hợp quốc dự báo, dân số châu Phi sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2050, chiếm 1/4 dân số toàn cầu. Đến năm 2050, chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Phi dự kiến sẽ đạt khoảng 16 nghìn tỷ USD.
Đặc biệt, nhờ tiềm năng phát triển thị trường rộng lớn và nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, châu Phi vẫn là “điểm sáng” trong việc thu hút các nguồn FDI những năm qua, mặc dù xu hướng này có giảm đi ở một số khu vực khác trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) vào tháng 6-2022, FDI gia tăng mạnh mẽ tại khu vực châu Phi, đạt khoảng 83 tỷ USD năm 2021 - mức cao nhất từ trước đến nay(8). Các lĩnh vực nhiều tiềm năng và là ưu tiên trong chính sách của các nước khi đầu tư vào châu Phi, bao gồm kết cấu hạ tầng, viễn thông, năng lượng tái tạo, công nghệ số, bán lẻ và dịch vụ.
Dân số trẻ cũng là một trong những lợi thế giúp châu Phi gia tăng vai trò, vị thế trên thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (WB)… dự báo châu Phi sẽ trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của thế giới trong tương lai. Theo Liên hợp quốc, lực lượng lao động của châu Phi sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2030 và Ấn Độ vào năm 2035. Lực lượng trong độ tuổi lao động từ 25 - 59 tuổi của châu Phi sẽ đạt khoảng 1 tỷ người vào năm 2050. Báo cáo của Đại học Havard (Mỹ, tháng 7-2022) dự báo có tới 5 quốc gia châu Phi nằm trong nhóm 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới đến năm 2030 là Madagasca, Ai Cập, Mozambique, Tanzania và Uganda.
Bên cạnh đó, mức độ ảnh hưởng của châu Phi cũng ngày càng được mở rộng tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, nhờ sở hữu số lượng phiếu ủng hộ lớn (9), cũng như nhận được sự quan tâm của các nước và cộng đồng quốc tế trong việc tranh thủ hợp tác, vận động ủng hộ với các sáng kiến, chương trình nghị sự.
Hai là, Mỹ - Trung Quốc - Nga đẩy mạnh tập hợp lực lượng, tranh thủ cơ hội hợp tác trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng. Với Mỹ, sau thời gian dài suy giảm ảnh hưởng do chính sách thu hẹp can dự tối đa của chính quyền Tổng thống D. Trump, chính quyền Tổng thống J. Biden đã đưa ra một số điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực châu Phi, nhằm củng cố, gia tăng ảnh hưởng, nâng cao vị thế tại khu vực, vận động ủng hộ các lợi ích của Mỹ; kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga; tạo dấu ấn nhiệm kỳ trong bối cảnh đối nội, đối ngoại của Mỹ gặp nhiều khó khăn. Với Trung Quốc, việc đẩy mạnh ảnh hưởng, can dự tại khu vực châu Phi thời gian qua, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, đầu tư khi thị trường trong nước dần bão hòa, giá nhân công tăng; tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của khu vực châu Phi, nhất là khoáng sản và dầu khí; nâng tầm ảnh hưởng, vị thế quốc tế của Trung Quốc, quảng bá mô hình phát triển của Trung Quốc như là mô hình phù hợp cho các nước đang phát triển. Với Nga, việc đẩy mạnh ảnh hưởng, gia tăng can dự tại châu Phi thời gian qua nhằm gia tăng ảnh hưởng, vận động sự ủng hộ với Nga tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, mở rộng thị trường trong bối cảnh bị phương Tây gia tăng bao vây, cấm vận; từng bước khôi phục vị thế cường quốc của Nga trên trường quốc tế.
Tổng thống Nga V. Putin với lãnh đạo các nước châu Phi tại Hội nghị cấp cao Nga - châu Phi lần thứ nhất tại Sochi (Nga), năm 2019 _Ảnh: AFP/TTXVN
Tác động và dự báo chính sách đối với châu Phi thời gian tới
Cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa Mỹ - Trung Quốc - Nga tại khu vực châu Phi thời gian qua tác động lớn tới cục diện khu vực, với hai đặc điểm chính:
Thứ nhất, mang lại cả thuận lợi và thách thức cho các nước khu vực trong quá trình xây dựng và phát triển. Về thuận lợi: 1- Bổ sung nguồn lực (cả về tài chính và kinh nghiệm quản lý) giúp các nước kịp thời ứng phó, vượt qua những thách thức cơ cấu kinh tế, mô hình quản trị, đẩy nhanh quá trình xây dựng, phát triển tại khu vực sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu; 2- Thúc đẩy xu hướng phát triển xanh, bền vững, kinh tế số tại châu Phi, chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Về thách thức: 1- Tạo ra sức ép với các nước khu vực trong ứng xử quan hệ với các nước lớn, nguy cơ bị lệ thuộc, “chọn bên” khi các nước lớn đẩy mạnh hợp tác, vận động sự ủng hộ với các sáng kiến, vấn đề lợi ích; 2- Nguy cơ đối mặt với các khó khăn kinh tế, như mất cân bằng vĩ mô, vỡ nợ, lạm phát cao, cạnh tranh đến từ hàng hóa của các nước lớn; 3- Rủi ro xã hội, như ô nhiễm, hủy hoại môi trường, phai nhạt bản sắc văn hóa, gia tăng phân hóa giàu, nghèo, mâu thuẫn xã hội.
Thứ hai, tiến trình thúc đẩy hòa bình, bảo đảm an ninh, ổn định tại khu vực đối mặt với nhiều khó khăn. Xung đột lợi ích, gia tăng kiềm chế lẫn nhau giữa cả Mỹ, Trung Quốc và Nga đặt ra nhiều thách thức cho các nước châu Phi trong việc: 1- Giải quyết các “điểm nóng” xung đột, bất ổn chính trị, như tại Libya, Sudan, Tây Sahara…; 2- Ngăn chặn sự mở rộng của chủ nghĩa khủng bố, các cuộc tấn công của các nhóm nổi dậy, khủng bố cực đoan, như Boko Haram, Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), Al-Shabab…; 3- Chấm dứt nguy cơ đảo chính khi nguồn viện trợ, nhất là viện trợ về vũ khí, trang thiết bị quân sự bị gián đoạn, suy giảm. Trong một phát biểu vào tháng 10-2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng, sự chia rẽ toàn cầu, nhất là giữa các nước lớn làm giảm đi các phản ứng quốc tế với những cuộc đảo chính, khiến nhiều tổ chức, lực lượng bên ngoài đẩy mạnh can thiệp, tác động các lực lượng bản địa, tiến hành những cuộc binh biến, gây ra bất ổn. Kể từ tháng 8-2020 đến tháng 3-2023, châu Phi xảy ra 12 cuộc đảo chính và các âm mưu đảo chính, trong đó có 6 cuộc đảo chính thành công tại Mali (2 lần), Tchad, Sudan, Guinea và Burkina Faso(10). Riêng năm 2021, châu Phi chứng kiến 4/5 cuộc đảo chính quân sự thành công trên toàn thế giới và ghi nhận số lượng cao nhất các cuộc đảo chính, âm mưu đảo chính trong vòng 40 năm qua.
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, biến động khó lường, tính bất định cao, cạnh tranh chiến lược tại khu vực châu Phi leo thang, thời gian tới, dự báo Mỹ, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục coi trọng củng cố quan hệ với các đối tác, đồng minh thân cận, gia tăng ảnh hưởng, khẳng định vị thế trong cạnh tranh chiến lược tại khu vực châu Phi.
Với Mỹ, chính quyền Tổng thống J. Biden sẽ triển khai chính sách theo hướng: 1- Tiếp tục coi trọng củng cố, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác quan trọng, thân thiết tại khu vực, như Ai Cập, Kenya, Tanzania..; 2- Tích cực triển khai các kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi, bao gồm việc ủng hộ các nước châu Phi trở thành Ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; 3- Tăng cường hợp tác với các quốc gia khu vực trong khuôn khổ sáng kiến B3W của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7, được khởi động vào tháng 6-2021) và đưa sáng kiến trở thành “hình mẫu” trong hợp tác xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng tại châu Phi, khẳng định vị thế “đi đầu” của Mỹ trong các cơ chế hợp tác với khu vực; 4- Tích cực tham gia hợp tác với các tổ chức quốc tế khu vực, như Liên minh châu Phi (AU), các tổ chức tiểu khu vực trong việc giải quyết các vấn đề chung, như khủng bố tại khu vực Sahel, khủng hoảng chính trị tại Libya, Sudan, Mali, Tây Sahara...
Với Trung Quốc, chính sách đối ngoại với khu vực sẽ được đẩy mạnh theo hướng: 1- Tiếp tục coi trọng tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và mô hình phát triển của Trung Quốc tại khu vực; 2- Tích cực thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức các diễn đàn khu vực, hiện thức hóa Tầm nhìn hợp tác Trung Quốc - châu Phi đến năm 2035; 3- Tích cực khẳng định vị thế nước lớn có trách nhiệm trong hợp tác giải quyết các vấn đề khu vực, như tình an ninh tại khu vực Sahel, khu vực Sừng châu Phi,... ưu tiên các lĩnh vực, như ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế số; 4- Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các sáng kiến toàn cầu; 5- Tăng cường quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính tại châu Phi, đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, đào tạo cán bộ, củng cố nền tảng chính trị vững chắc thúc đẩy quan hệ hai bên cũng như ủng hộ các vấn đề cốt lõi của Trung Quốc, nâng cao vị thế, hình ảnh của Đảng Cộng sản và đất nước Trung Quốc.
Với Nga, chính quyền Tổng thống V. Putin sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với châu Phi trên tinh thần quan hệ truyền thống, đối tác ưu tiên: 1- Củng cố quan hệ chính trị, quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại với châu Phi thông qua quan hệ với các đối tác chủ chốt, như Algeria, Nam Phi, Angola, Ai Cập, Mali…; 2- Tích cực phối hợp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai dự kiến vào tháng 7-2023, củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy quan hệ hai bên; 3- Đẩy mạnh quan hệ chính trị kênh đảng, củng cố mặt trận chính trị rộng rãi, chia sẻ, ủng hộ Nga, góp phần phá thế bao vây, cấm vận đối với Nga và thúc đẩy quan hệ song phương; 4- Tăng cường hỗ trợ các quốc gia khu vực trong giải quyết một số vấn đề cấp bách, như an ninh lương thực, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố./.
------------------------------
(1) The White House: “FACT SHEET: U.S.-Africa Partnership in Promoting Two-Way Trade and Investment in Africa” (Tạm dịch: “THÔNG TIN: Quan hệ hợp tác giữa Mỹ - châu Phi trong việc thúc đẩy thương mại hai chiều và đầu tư ở châu Phi”), ngày 14-12-2022, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/12/14/fact-sheet-u-s-africa-partnership-in-promoting-two-way-trade-and-investment-in-africa/
(2) Trevor Hunnicutt - Nandita Bose: “U.S. says to commit $55 billion to Africa ahead of summit” (Tạm dịch: “Trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ cam kết đầu tư 55 tỷ USD vào châu Phi”), Reuters, ngày 13-12-2022, https://www.reuters.com/article/usa-africa-biden-leaders-idAFKBN2SW1VZ
(3) Tính đến năm 2023, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thiết lập quan hệ với 110 đảng chính trị tại 51 quốc gia châu Phi. Quốc hội (Nhân đại) Trung Quốc có quan hệ với 59 cơ quan lập pháp ở 39 nước châu Phi
(4) Stephen Morgan - Jarrad Farris - Michael E. Johnson: “Foreign Direct Investment in Africa: Recent Trends Leading up to the African Continental Free Trade Area (AfCFTA)” (Tạm dịch: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại khu vực châu Phi: Xu hướng thúc đẩy hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi”), U.S. Department of Agriculture, tháng 10-2022, https://www.ers.usda.gov/webdocs/publications/104996/eib-242.pdf?v=3027.7
(5) Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã thực hiện bốn chuyến thăm tới 12 quốc gia châu Phi, củng cố và xây dựng mặt trận ủng hộ rộng rãi với Nga
(6) TASS: “Russia to double trade turnover with African countries through 2030” (Tạm dịch: “ Kim nghạch thương mại Nga - châu Phi tăng gấp hai lần vào năm 2030”), ngày 20-3-2023, https://tass.com/economy/1591445
(7) Lê Kim Sa - Kiều Thanh Nga: “Thế kỷ châu Phi - sự thần kỳ mới của thế giới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 9-4-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/825248/the-ky-chau-phi---su-than-ky-moi-cua-the-gioi.aspx
(8) UNCTAD: “Investment flows to Africa reached a record $83 billion in 2021” (Tạm dịch: “Đầu tư vào châu Phi đạt mức kỷ lục 83 tỷ USD năm 2021”), ngày 9-6-2022, https://unctad.org/news/investment-flows-africa-reached-record-83-billion-2021
(9) Tại Liên hợp quốc, châu Phi là khu vực có tỷ lệ % số phiếu cao nhất với 28% tổng số phiếu. Tiếp theo là châu Á và châu Mỹ lần lượt với 27% và 17%
(10) Các cuộc đảo chính không thành công diễn ra tại Cộng hòa Trung Phi, Niger, Madagascar, Guinea-Bissau, Gambia, Tomé và Príncipe