Đại hội toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cu-ba: Củng cố mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội phồn vinh và bền vững

VŨ TRUNG MỸ
Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi - Mỹ La-tinh, Ban Đối ngoại Trung ương
15:07, ngày 26-07-2021

TCCS - Trong bối cảnh làn sóng thứ ba của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng Cộng sản Cu-ba (PCC) đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII với chủ đề “Đại hội của sự tiếp nối lịch sử cách mạng”, từ ngày 16 đến 19-4-2021, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước: Tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của cách mạng Cu-ba (ngày 16-4) và Chiến thắng Hi-rôn (ngày 19-4). Đồng chí Mi-ghen Đi-át Ca-nên Bê-mu-đết, Chủ tịch nước Cộng hòa Cu-ba được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII Đảng Cộng sản Cu-ba.

Bối cảnh diễn ra Đại hội

Tình hình khu vực Mỹ La-tinh tiếp tục diễn biến phức tạp. Về đối nội, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn; uy tín của nhiều chính phủ (cả cánh hữu và cánh tả) đều sụt giảm, đối đầu ý thức hệ diễn ra gay gắt. Kinh tế - xã hội các quốc gia gặp nhiều khó khăn do phải đương đầu với dịch bệnh COVID-19, số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng cao; tình trạng phong tỏa kéo dài, sản xuất đình trệ khiến kinh tế suy thoái, gia tăng bất bình đẳng xã hội và nghèo đói... Về đối ngoại, các tổ chức quốc tế và khu vực thường xuyên kêu gọi chính phủ các nước cần có chiến lược chung để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, song đến nay chưa một đề xuất nào được đưa ra; các cơ chế hợp tác, liên kết và hội nhập rơi vào bế tắc. Sau khi lên cầm quyền, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn chưa thực sự có những điều chỉnh chính sách rõ ràng; Trung Quốc, Nga đẩy mạnh “ngoại giao y tế”, tăng cường sự hiện diện, cạnh tranh chiến lược ở khu vực.

Trong khi đó, Cu-ba trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX trở lại đây, kinh tế suy thoái do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, trong hơn bốn năm cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm siết chặt bao vây, cấm vận với những biện pháp chưa từng có nhằm bóp nghẹt Cu-ba. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 đã có những ảnh hưởng, tác động nặng nề và nhất là việc Vê-nê-xu-ê-la - đồng minh chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng của Cu-ba - rơi vào khủng hoảng. Về chủ quan, nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp của Cu-ba tuy đã có điều chỉnh nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, chưa giải phóng, khuyến khích được các thành phần kinh tế phát triển, khiến đời sống nhân dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cu-ba, tình hình an ninh, chính trị, xã hội, quốc phòng của Cu-ba được giữ vững; các lĩnh vực giáo dục, y tế , công nghệ sinh học... đạt nhiều kết quả tích cực, hỗ trợ nhiều quốc gia trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trên lĩnh vực đối ngoại, sau khi Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn lên cầm quyền, chính sách của Mỹ đối với Cu-ba đến nay cơ bản vẫn giống như thời kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Đ. Trăm; quan hệ của Cu-ba với Liên minh châu Âu (EU) tiến triển tích cực; EU lên án các biện pháp cấm vận của Mỹ đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới những lợi ích thương mại hợp pháp của các nước thành viên EU đối với Cu-ba.

Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Đại tướng Raul Castro trình bày Báo cáo chính trị tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba ở La Habana, ngày 16-4-2021 _Ảnh: THX/TTXVN

Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ ba tại Cu-ba vào những tháng đầu năm 2021 với tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh, nhiều dự báo cho rằng khả năng tổ chức Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Cu-ba có thể bị trì hoãn. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa VII Đảng Cộng sản Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Cu-ba sẽ tổ chức Đại hội VIII đúng thời gian đã đề ra là tháng 4-2021”, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Đại hội vào ngày 16-4-2021, thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao của Đảng Cộng sản Cu-ba. Là sự kiện chính trị trọng đại, có tính bước ngoặt, hoàn tất quá trình chuyển giao lãnh đạo ở cấp cao nhất từ “thế hệ lịch sử” sang thế hệ lãnh đạo hầu hết sinh ra sau ngày Cách mạng Cu-ba thành công (năm 1959), Đại hội VIII Đảng Cộng sản Cu-ba có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tái khẳng định kiên định sự nghiệp cách mạng do lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô khởi xướng, được đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô phát triển với mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa phồn vinh và bền vững.

Một số kết quả trong thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng Cộng sản Cu-ba

Về kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Đại hội VIII Đảng Cộng sản Cu-ba nhấn mạnh, trước những tác động nặng nề của cấm vận, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, đường lối cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội do Đại hội VI (tháng 4-2011) đề ra, được Đại hội VII (tháng 4-2016) tái khẳng định, tiếp tục được triển khai sâu rộng, có tiến triển tích cực, thể hiện qua việc các đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Cu-ba được thể chế hóa trong Hiến pháp mới năm 2019, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới, tập trung triển khai nhiệm vụ “bình ổn tiền tệ” - một trong những nội dung quan trọng nhất của đường lối cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội. Hiến pháp mới của Cu-ba được ban hành vào tháng 4-2019, khẳng định vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Cu-ba và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội; điều chỉnh cơ cấu bộ máy nhà nước, định ra các chức danh lãnh đạo mới (Chủ tịch nước, Thủ tướng và Thống đốc các tỉnh), cùng các quy định về nhiệm kỳ và giới hạn tuổi bổ nhiệm; trao thêm quyền tự chủ cho các đơn vị hành chính địa phương, nhất là cấp quận, huyện; mở rộng và hiến định thêm nhiều quyền của công dân, công nhận các thành phần kinh tế mới nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động của các thành phần này. Từ tháng 7-2019 đến nay, Cu-ba đã ban hành 11 luật, 33 pháp lệnh và nhiều văn bản dưới luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới được thông qua vào tháng 7-2020 nhằm phát huy tối đa nội lực, kết hợp thu hút nguồn lực từ bên ngoài để khôi phục kinh tế; ban hành các biện pháp có tính chuyển đổi sâu rộng nhất từ ngày cách mạng Cu-ba thành công (tháng 1-1959), trong đó tập trung ưu tiên triển khai biện pháp thống nhất tiền tệ từ ngày 1-1-2021; áp dụng một loạt biện pháp, như cải cách tiền lương, xóa bỏ bao cấp đối với nhiều dịch vụ, sản phẩm không thiết yếu; đẩy mạnh sản xuất trong nước, đề ra các biện pháp nhằm gỡ bỏ những rào cản, tạo thuận lợi cho các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Cu-ba.

Công tác chính trị - tư tưởng tiếp tục là một trong những nhiệm vụ ưu tiên và cũng là nhiệm vụ “trọng điểm” của Đảng Cộng sản Cu-ba, tập trung vào thế hệ trẻ, đội ngũ kế cận của cách mạng Cu-ba. Một trong những điểm mới trong công tác này là việc thay đổi tư duy, nhận thức, thay vì hạn chế, cấm đoán. Đảng Cộng sản Cu-ba cho rằng cần trang bị cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ những “kháng thể” để có thể “miễn dịch” với những thông tin độc hại, sự chống phá về tư tưởng trên in-tơ-nét và mạng xã hội mà các thế lực thù địch thường xuyên tiến hành nhằm vào Cu-ba. Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến, đổi mới, đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn kết nạp đảng viên diễn ra trước đây, số lượng đảng viên mới kết nạp tăng lên, trung bình gần 40.000 đảng viên/năm; tính chiến đấu, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên được nâng cao. Công tác cán bộ đã đạt một số kết quả quan trọng, nhất là trong đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người da đen và da màu...

Tập trung ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Cu-ba đã kịp thời đề ra các biện pháp phù hợp, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh vốn có, Cu-ba đã tập trung nghiên cứu và sản xuất năm loại vắc-xin ngừa dịch bệnh COVID-19, dự kiến sẽ triển khai tiêm đại trà cho toàn dân trong năm 2021 và hỗ trợ cho nhiều quốc gia trên thế giới trong cuộc đấu tranh phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội của Cu-ba.

Về lĩnh vực đối ngoại, bất chấp sự cản trở của Mỹ, Cu-ba tích cực đẩy mạnh “ngoại giao y tế”, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến khó lường. Cu-ba đã cử 53 đoàn với hơn 5.000 chuyên gia y tế tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại 48 quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển như I-ta-li-a; tích cực thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc cũng như các diễn đàn khu vực, tiểu khu vực; tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết với các chính phủ cánh tả, tiến bộ khu vực Mỹ La-tinh, như Vê-nê-xu-ê-la, Ni-ca-ra-goa, Bô-li-vi-a, Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô...; đẩy mạnh quan hệ “rất tốt đẹp” với các nước bạn bè truyền thống, xã hội chủ nghĩa, như Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên; duy trì quan hệ chính trị tốt đẹp với Nga.

Quan hệ giữa Cu-ba và EU tiếp tục được thúc đẩy thông qua Thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác, trên cơ sở tôn trọng, có đi có lại; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp và văn hóa. Quan hệ Cu-ba - Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Đ. Trăm không tiến triển, tuy nhiên Cu-ba khẳng định kiên trì thúc đẩy đối thoại trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng thể chế chính trị của Cu-ba.

Về hạn chế tồn tại, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội VIII đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, như đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước còn trì trệ, chậm đổi mới. Vai trò của các hình thức sở hữu ngoài quốc doanh chưa được nhìn nhận đúng. Việc xây dựng chính sách thiếu đồng bộ, thiếu cơ chế giám sát hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong triển khai chính sách còn nhiều vướng mắc, thiếu tinh thần cầu thị. Chưa phát huy tối đa và hiệu quả sự tham gia của các thành phần kinh tế. Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình cập nhật hóa. Còn tồn tại tâm lý e ngại, thiếu chủ động và chưa tạo đột phá cũng như tận dụng hết các nguồn lực. Nhiều tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo chưa thực sự quán triệt nội dung của công tác tư tưởng - chính trị, dẫn đến cách hiểu, cách làm còn nhiều bất cập. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng có nơi chưa được phát huy đúng mức. Tình trạng quan liêu, kiểm soát không hiệu quả các nguồn lực, một số vấn đề mang tính cấu trúc của mô hình kinh tế chưa tạo động lực cho lao động và sáng tạo.

Các đại biểu tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba ở La Habana, ngày 16-4-2021 _Ảnh: AFP/TTXVN

Kế thừa và tiếp nối con đường đã chọn

Đại hội VIII đã tập trung thảo luận Báo cáo chính trị do đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa VII trình bày và năm văn kiện, bao gồm: 1- Đánh giá kết quả phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2021; 2- Đánh giá kết quả quá trình cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội từ Đại hội VI (tháng 4-2011) đến nay; 3- Khái niệm hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa; 4- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030; 5- Cập nhật hóa đường lối phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026.

Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021 do Đại hội VII đề ra với 274 nội dung, trong đó 70% nội dung đã hoặc đang được thực hiện, Đại hội VIII quyết định sửa đổi, rút gọn, bổ sung và thông qua Nghị quyết về đường lối phát triển kinh tế - xã hội cập nhật cho giai đoạn 2021 - 2026, bao gồm 200 nội dung (giữ nguyên 17, sửa đổi 165 và bỏ 92 nội dung), phản ánh quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội sâu rộng. Nghị quyết nhấn mạnh, trong quá trình triển khai các chủ trương, chính sách, cho phép sự linh hoạt, điều chỉnh, bảo đảm thực chất, coi chất lượng, hiệu quả là thước đo; khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và nguyên tắc “Nhà nước sở hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu”; từng bước xây dựng cơ chế, môi trường cởi mở hơn đối với các thành phần kinh tế; cho rằng việc mở rộng phạm vi, lĩnh vực hoạt động cho khu vực tư nhân là “đúng đắn, kịp thời”; khẳng định tiếp tục duy trì các thành quả của cách mạng trên lĩnh vực y tế, giáo dục.

Áp dụng các công cụ tài chính được quốc tế thừa nhận trong quản lý nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ hoạch định chiến lược dài hạn, bảo đảm tính liên tục của quá trình triển khai thống nhất tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Tiếp tục đẩy mạnh quá trình hoàn thiện hóa doanh nghiệp; coi doanh nghiệp nhà nước là chủ thể cơ bản của nền kinh tế. Tăng cường chuỗi liên kết trong sản xuất liên vùng, liên khu vực với các ngành dịch vụ du lịch và công nghiệp. Tiếp tục triển khai các giải pháp chuyển đổi sự dụng nguồn năng lượng, ưu tiên các dự án phát triển năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học  - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, các văn kiện, nghị quyết của Đại hội VIII đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc từng bước xóa bỏ chế độ bao cấp, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tiếp tục lộ trình tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Nhấn mạnh việc khuyến khích phát triển kinh tế ngoài quốc doanh và mô hình tự doanh; đẩy mạnh mở cửa thị trường nội địa. Đặc biệt là, các văn kiện nhấn mạnh “đã đến lúc phải xóa bỏ định kiến về đầu tư nước ngoài”, cần chuẩn bị tốt, khuyến khích các dự án có sự tham gia của vốn đầu tư nước ngoài; cho rằng, đầu tư nước ngoài có “vai trò quyết định” đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, do đó sẽ đề ra các biện pháp nhằm gỡ bỏ các rào cản, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Cu-ba.

Tân Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez phát biểu tại Lễ bế mạc Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba ở La Habana, ngày 19-4-2021 _Ảnh: AFP/TTXVN

Khẳng định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội phồn vinh và bền vững

Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Cu-ba đã thông qua năm nghị quyết, gồm: 1- Báo cáo chính trị của Đại hội; 2- Cập nhật khái niệm hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa Cu-ba; 3- Đường lối cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026; 4- Chức năng, hoạt động chính trị tư tưởng và mối liên hệ với quần chúng; 5- Chính sách cán bộ.

Về xác định tầm nhìn quốc gia, Đại hội VIII tái khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Cu-ba; xây dựng một quốc gia có chủ quyền, độc lập, xã hội chủ nghĩa, phồn vinh và bền vững; xác định các trụ cột chiến lược và động lực cho chiến lược phát triển, gồm: xây dựng một chính phủ hiệu quả, tạo ra chuyển biến mạnh trong sản xuất và hội nhập quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, sáng tạo; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; thúc đẩy phát triển con người, công bằng xã hội.

Về công tác chính trị - tư tưởng, Đại hội VIII khẳng định chủ trương khuyến khích sự tham gia của nhân dân vào các vấn đề hệ trọng của đất nước; tăng cường công tác nghiên cứu, giáo dục tư tưởng Hô-xê Mác-ti và Phi-đen Ca-xtơ-rô; xác định mạng xã hội, in-tơ-nét là “trận địa” đấu tranh thường xuyên, liên tục; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức nhân dân và toàn xã hội trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tư tưởng với đoàn viên thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả công tác chính trị - tư tưởng với lực lượng lao động ngoài quốc doanh.

Về chính sách kinh tế - xã hội, tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và nguyên tắc “nhà nước sở hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu”; từng bước xây dựng cơ chế, môi trường cởi mở hơn đối với các thành phần kinh tế; cho rằng việc mở rộng phạm vi, lĩnh vực hoạt động cho khu vực tư nhân là “đúng đắn, kịp thời”; khẳng định tiếp tục duy trì các thành quả của cách mạng trên lĩnh vực y  tế, giáo dục; nhấn mạnh “đến lúc phải xóa bỏ định kiến về đầu tư nước ngoài”, cần chuẩn bị tốt, khuyến khích các dự án có sự tham gia của vốn đầu tư nước ngoài; cho rằng đầu tư nước ngoài có “vai trò quyết định” đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, sẽ đề ra các biện pháp nhằm gỡ bỏ các rào cản, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Cu-ba; khẳng định mục tiêu của văn kiện khái niệm hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa là xây dựng cơ sở lý luận cho mô hình phát triển của Cu-ba trong thời gian tới trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hô-xê Mác-ti và tư tưởng, hành động của lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô; tái khẳng định “Cu-ba đang trong giai đoạn lịch sử của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”; nhấn mạnh sự phát triển bền vững của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thành công trên cơ sở bảo vệ các giá trị và nâng cao năng suất lao động, làm ra nhiều của cải gắn liền với phân phối công bằng, nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Về công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ, Đại hội VIII nhấn mạnh chủ trương tiếp tục đổi mới công tác xây dựng Đảng, ưu tiên củng cố các tổ chức cơ sở đảng nhằm nâng cao tính chiến đấu, tính gương mẫu của đảng viên; xác định công tác cán bộ thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung vào việc đào tạo và trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, kể cả các vị trí lãnh đạo cấp cao; khẳng định những nội dung cơ bản của công tác cán bộ được thông qua tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất (tháng 2-2012) còn nguyên giá trị; xác định việc đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sắp xếp cán bộ dựa trên cam kết với sự nghiệp cách mạng Cu-ba, sự khiêm tốn, giản dị, gương mẫu, có bản lĩnh chính trị và lập trường kiên định đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu như xa rời quần chúng, tham vọng chính trị...

Về chính sách đối ngoại, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; thúc đẩy đoàn kết Mỹ La-tinh; tình đoàn kết với các chính phủ cánh tả tại Vê-nê-xu-ê-la, Ni-ca-ra-goa, Bô-li-vi-a, Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô...; đánh giá cao quan hệ “rất tốt đẹp”, hữu nghị, đoàn kết với đảng, chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa, như Trung Quốc, Việt Nam, Lào và CHDCND Triều Tiên; khẳng định coi trọng quan hệ chính trị tốt đẹp với Nga; tình đoàn kết với các quốc gia châu Phi; sự ủng hộ đối với sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Pa-le-xtin và Tây Xa-ha-ra. Cu-ba nhấn mạnh tiếp tục thúc đẩy quan hệ với EU thông qua Thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác, trên cơ sở tôn trọng, có đi có lại; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp và văn hóa. Trong quan hệ với Mỹ, Cu-ba khẳng định lại mong muốn xây dựng “quan hệ kiểu mới”, thúc đẩy đối thoại trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng thể chế chính trị của Cu-ba.

Về quốc phòng - an ninh, Đại hội VIII khẳng định trong bối cảnh hiện nay, quốc phòng - an ninh tiếp tục là lĩnh vực được ưu tiên; học thuyết “chiến tranh nhân dân” do lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô khởi xướng và đưa vào thực hiện từ năm 1980 vẫn còn nguyên giá trị nhằm phối hợp chặt chẽ giữa an ninh, quốc phòng và toàn thể nhân dân trong việc giữ gìn và bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Diễn ra trong bối cảnh khó khăn về mọi mặt, Đại hội VIII Đảng Cộng sản Cu-ba được tổ chức rất thành công, hoàn tất quá trình chuyển giao lãnh đạo ở cấp cao nhất “thế hệ lịch sử” cho thế hệ kế cận, đa phần sinh ra sau ngày Cách mạng Cu-ba thành công (tháng 1-1959). Đại hội VIII có ý nghĩa trọng đại, định hướng phát triển cho Cu-ba trong thời gian tới. Các văn kiện của Đại hội đã tiếp nối, kế thừa đường lối đề ra từ Đại hội VI (tháng 4-2011), Đại hội VII (tháng 4-2016), xác định cơ sở lý luận và thực tiễn cho mô hình kinh tế - xã hội của Cu-ba trong thời gian tới. Nếu như Đại hội VI đặt tiền đề cho tiến trình chuyển đổi, Đại hội VII đã thể chế hóa cho tiến trình này, thì Đại hội VIII đặt ra yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ về cơ chế, chính sách, cụ thể hóa các biện pháp chuyển đổi sâu rộng nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, cải thiện đời sống nhân dân: tăng cường sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu, cải cách tiền lương, từng bước xóa bỏ bao cấp với các dịch vụ không thiết yếu; mở rộng các lĩnh vực cho tư nhân tham gia (từ 127 lĩnh vực trước đây lên hơn 2.000 lĩnh vực); coi trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh tin học hóa, các dịch vụ viễn thông, in-tơ-nét... từng bước đưa Cu-ba thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. 

Theo giới phân tích quốc tế, Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Cu-ba là điểm nhấn, đánh dấu bước đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ, được chuẩn bị bài bản, tuần tự, chặt chẽ và khá triệt để theo hướng tinh giản bộ máy, bảo đảm tính kế thừa, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Bộ Chính trị được trẻ hóa mạnh (độ tuổi trung bình là 61,6 tuổi (khóa VII là 67 tuổi), giảm 3 ủy viên so với khóa VII. Ban Chấp hành Trung ương gồm có 115 ủy viên, giảm 27 ủy viên (khóa VII là 142 ủy viên), thành phần đều nằm trong quy hoạch tổng thể của cả hệ thống chính trị, trong đó có hơn 20 ủy viên là cán bộ, giảng viên công tác tại một số trường đại học, trung tâm nghiên cứu đầu ngành, bác sĩ... Ban Bí thư gồm 6 ủy viên, hầu hết đều là các đồng chí lãnh đạo trẻ (người cao tuổi nhất là 54 tuổi, trẻ nhất là 46 tuổi; độ tuổi trung bình khoảng 51 tuổi (độ tuổi trung bình khóa VII là 64 tuổi).

Có thể thấy, giải quyết những khó khăn hiện tại của Cu-ba không phải là vấn đề một sớm, một chiều; là thách thức lớn đối với Ban lãnh đạo mới trong thời gian tới, đòi hỏi bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu, tư duy đổi mới mạnh mẽ hơn. Những khó khăn hiện nay đòi hỏi cần những quyết sách toàn diện, đồng bộ nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, từng bước xóa bỏ bao cấp, tinh giản biên chế trong cơ quan nhà nước, khuyến khích phát triển kinh tế tự doanh, mở cửa thị trường nội địa, mở rộng hợp tác kinh tế và đầu tư nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ; vừa tiến hành các biện pháp phù hợp phá thế cấm vận, hướng tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Song, các chuyên gia cho rằng, những quyết sách của Đại hội VIII Đảng Cộng sản Cu-ba sẽ tiếp tục làm sâu rộng quá trình chuyển đổi cởi mở và triệt để hơn. Với nhân dân Cu-ba, chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với chủ quyền, độc lập và tự do, gắn bó mật thiết với sự phồn vinh và bền vững. Một nền kinh tế năng động và hiệu quả hơn trong một môi trường ổn định về chính trị và xã hội sẽ mang lại nguồn của cải vật chất dồi dào trên con đường không thể đảo ngược của Cách mạng Cu-ba, vì hạnh phúc của nhân dân. Hơn nữa, với tất cả những gì mà cuộc Cách mạng Cu-ba dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô đem lại cho nhân dân Cu-ba, được thế hệ lãnh đạo kế cận tiếp nối, có thể tin tưởng rằng Đảng Cộng sản Cu-ba sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc những thành quả của cách mạng Cu-ba, đưa đất nước Cu-ba phát triển phồn vinh và bền vững./.