Bức tranh Trung Đông năm 2019: Phức tạp và khủng hoảng

Nguyễn Quang Khai
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông
00:45, ngày 14-01-2020

TCCS - Năm 2019 trôi qua, Trung Đông với vị trị địa - chiến lược quan trọng vẫn là khu vực đầy biến động và đối đầu căng thẳng, xuất phát từ những nguyên nhân nội tại và sự can thiệp từ bên ngoài. Các cuộc xung đột tiềm tàng ở khu vực này tiếp tục được dự báo khó có triển vọng tìm ra giải pháp.

Tổng thống Nga V. Putin có chuyến thăm tới Syria và hội đàm với Tổng thống Bashar al-Assad tại Damacus, ngày 8-1-2020 _Ảnh: Sputnik

Sự trở lại “ấn tượng” của nước Nga ở Trung Đông

Sau một thời kỳ khó khăn do Liên Xô tan rã, nước Nga bắt đầu phục hồi vị trí cường quốc của mình. Nếu như trước đây, dư luận còn nghi ngờ về vai trò của Nga ở khu vực Trung Đông thì đến năm 2019, Nga đã khẳng định vị thế ngày càng vững chắc tại khu vực này. Năm 2015, khi Nga đưa quân mở chiến dịch quân sự tại Syria, nhiều nhà quan sát cho rằng Nga sẽ bị sa lầy. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Đến nay, với sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang Nga, quân đội Syria đã giành được thắng lợi to lớn. Hơn 90% lãnh thổ Syria được giải phóng, tình thế trên chiến trường là không thể đảo ngược, buộc phe đối lập phải bước vào đàm phán.

Về chính trị, vị thế của chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad ngày càng được nâng cao. Nhiều nước Arab đã nối lại quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán tại Thủ đô Damascus, đồng thời đang thỏa thuận để đưa Syria trở lại Liên đoàn Arab (AL). Diễn đàn Astana đang phát huy kết quả trong giải quyết cuộc xung đột Syria mà không có sự tham gia của Mỹ.

Về chiến lược, Nga đưa quân sang Syria không chỉ giúp chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad khỏi bị sụp đổ mà còn để khẳng định sự phục hồi vai trò cường quốc của mình trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như sự trở lại mạnh mẽ của Nga ở khu vực Trung Đông. Căn cứ hải quân Tartous và căn cứ không quân Hmeimim của Nga tại Syria được trang bị các loại vũ khí tối tân nhất đang làm thay đổi tương quan lực lượng tại khu vực Trung Đông. Sự có mặt về quân sự tại Syria cho phép Nga kiểm soát toàn bộ vùng trời và vùng biển của khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông. Bên cạnh đó, Nga cũng đang trở thành đối tác tin cậy, giúp các nước trong khu vực giải quyết những bất đồng và xung đột, khôi phục lại hòa bình, an ninh và ổn định ở Trung Đông.

Chuyến thăm của Tổng thống Nga V. Putin tới Arab Saudi và các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), từ ngày 14 đến 16-10-2019, đã đưa quan hệ hợp tác giữa Nga và các nước này lên mức phát triển cao nhất từ trước tới nay. Hàng chục thỏa thuận hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực đã được ký kết, kể cả hợp tác quân sự. Các nhà lãnh đạo Nga, Arab Saudi và UAE đều đánh giá cao kết quả của chuyến thăm và cho rằng, quan hệ hợp tác với Nga chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như hiện nay, đồng thời khẳng định mong muốn phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương. Ngoài ra, Nga cũng đang tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống, như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập, Iraq...

Vai trò của Mỹ tại Trung Đông suy giảm

Quyết định rút các lực lượng của Mỹ khỏi khu vực Trung Đông và mới đây nhất là rút quân đội Mỹ ra khỏi miền Bắc Syria, tiếp đó là đàm phán với phiến Taliban để rút một nửa số quân ra khỏi Afghanistan là một trong những minh chứng rõ nét về sự thất bại trong chính sách của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Tổng thống D. Trump đã công khai thừa nhận sự thất bại của Mỹ ở khu vực này kể từ cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003.

Tại Afghanistan, Mỹ đã bị sa lầy vào cuộc chiến kéo dài 18 năm mà Tổng thống D. Trump gọi đó là “một cuộc chiến không có hồi kết”. Ông đang hy vọng có thể thoát khỏi “vũng lầy” này thông qua các cuộc đàm phán với phong trào đối lập Taliban tại Thủ đô Doha (Qatar). Việc rút quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan, giống như Syria, cũng sẽ tạo ra một “khoảng trống” cho Nga, Pakistan, Iran, Ấn Độ, nhất là Trung Quốc, khi nước này đang chủ trương mở rộng ảnh hưởng sang phía Tây thông qua Sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Mười tám năm trôi qua (từ năm 2001), cuộc chiến tại Afghanistan đã tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ USD, khiến gần 150.000 người Afghanistan và hơn 2.500 lính Mỹ bị chết. Với sức mạnh quân sự và chi phí khổng lồ như vậy, song Mỹ đã không tiêu diệt được phiến quân Taliban. Ngược lại, phiến quân Taliban hiện vẫn kiểm soát hơn 60% lãnh thổ và đang trở thành một lực lượng chính trị, quân sự có ảnh hưởng lớn ở Afghanistan. Giải pháp cho cuộc xung đột Afghanistan không còn nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ.

Tổng thống Mỹ D. Trump phát biểu trước các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan, ngày 28-11-2019 _Ảnh: AFP

Ngày 28-11-2019, Tổng thống Mỹ D. Trump đã thăm Afghanistan, khẳng định sẽ nối lại các cuộc đàm phán với phiến quan Taliban để sớm đưa các binh sĩ Mỹ về nước. Ông cũng bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận với phiến quân Taliban để có thể “báo cáo” về “thành quả lịch sử” này trước cuộc họp Quốc hội Mỹ, cũng như tranh thủ số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống nước này dự kiến diễn ra cuối năm 2020.


Tại Iraq, đã 16 năm kể từ khi xâm chiếm và lật đổ chính quyền của Tổng thống Iraq Saddam Hussein, Mỹ với lực lượng hùng hậu đã không ổn định được tình hình. Các cuộc biểu tình rầm rộ bùng nổ vào đầu tháng 10-2019 kéo dài đến nay trên khắp đất nước Iraq để chống chính phủ, đòi cải thiện đời sống, yêu cầu Mỹ rút quân, đã khiến gần 200 người chết và 16.000 người khác bị thương.

Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông và là thành viên lớn thứ hai trong Khối Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO) ngày càng trở nên căng thẳng. Trước những lời “đe dọa” của Tổng thống D. Trump “sẽ phá hủy nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn tiến hành mở chiến dịch quân sự vào miền Bắc Syria để quét sạch lực lượng “Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG)” của người Kurd - đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, mà không phối hợp với Mỹ.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thi hành “chính sách hướng Đông”, thắt chặt quan hệ với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 và máy bay chiến đấu Sokhoi-35 của Nga, tiếp tục quan hệ với Iran, ủng hộ Phong trào Hamas ở dải Gaza và đi đầu trong việc chống lại quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine cũng ngày càng bế tắc do Tổng thống D. Trump đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của các chính quyền cũ. Việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này, cũng như việc công nhận cao nguyên Golan (Syria) bị chiếm đóng là một phần lãnh thổ của Israel, hợp pháp hóa các khu định cư của Israel ở Bờ Tây, là minh chứng cho thấy Mỹ khá “thiên vị” Israel, không còn có thể đóng vai trò là trung gian hòa giải đáng tin cậy trong tiến trình đàm phán hòa bình Israel - Palestine.

Kể từ khi ông D. Trump lên nắm quyền Nhà Trắng (năm 2016), cuộc xung đột Israel - Palestine không những không được giải quyết mà còn trở nên căng thẳng hơn. “Thỏa thuận thế kỷ” nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine của Mỹ được coi như đã thất bại trước khi đi đến công bố chính thức, do đi ngược lại các nghị quyết của Liên hợp quốc, như Nghị quyết 181 (năm 1947) của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Nghị quyết 242 (năm 1967), Nghị quyết 338 (năm 1972) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hiệp định hòa bình Oslo được ký kết giữa Israel và Palestine vào năm 1993... Theo các chuyên gia, kế hoạch này của Mỹ thực chất là nhằm xóa bỏ vấn đề Palestine, bởi nó hoàn toàn không đề cập đến việc thành lập Nhà nước Palestine theo đường biên giới trước năm 1967 mà chỉ tập trung vào việc “giúp đỡ” Bờ Tây và dải Gaza xây dựng, phát triển kinh tế. Đây là “ý đồ” dùng “chiêu bài” kinh tế để làm lu mờ các mục tiêu chính trị, hợp pháp hóa sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ Palestine của Mỹ. Do đó, chính sách này đang làm mất lòng tin của các đồng minh của Mỹ tại khu vực, cũng như uy tín của Mỹ trên thế giới.

Quan hệ Mỹ - Iran vẫn là tâm điểm chú ý của thế giới

Có thể nói, cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran đang trở nên căng thẳng nhất từ trước tới nay. Nếu việc các tàu chở dầu của các nước bị tấn công ở cảng Fujairah thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (tháng 5-2019) và Vịnh Oman (tháng 6-2019) chưa xác định được “thủ phạm” và có thể coi là sự va chạm không trực tiếp giữa Mỹ - Iran, thì việc Iran bắn hạ máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ xâm phạm không phận Iran vào ngày 20-6-2019 là sự đối đầu quân sự trực diện đầu tiên giữa hai nước.

Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 3-1-2020 sát hại Tướng Qassem Soleiman - nhân vật quyền lực thứ hai của Iran - đã đẩy quan hệ giữa Mỹ và Iran leo thang thêm một bước mới. Đáp lại, ngày 8-1-2020, các Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng một loạt tên lửa vào ba căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, trong đó có căn cứ không quân Ain Al-Assad thuộc tỉnh Anbar được coi là căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông để trả thù cho Tướng Qassem Soleimani. Đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào căn cứ quân sự của Mỹ. Trước hành động này của Iran, Tổng thống D. Trump tuyên bố tiếp tục chính sách “gây áp lực tối đa”, siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran với Nhóm P5+1, tự do làm giàu uranium ở cấp độ cao và không đàm phán với Mỹ chừng nào Mỹ chịu từ bỏ các biện pháp cấn vận Iran.

Giới phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran chưa có triển vọng giải quyết trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2020 và chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ do quan điểm hai bên còn rất xa.

Chủ nghĩa khủng bố vẫn là nguy cơ lớn đối với các nước

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mặc dù đã bị đánh bại ở Iraq và Syria, nhưng vẫn chưa thực sự bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc (Mỹ), hiện có khoảng 14.000 - 18.000 chiến binh IS, trong đó có 3.000 người nước ngoài vẫn nằm vùng ở Syria và Iraq, chưa kể 10.000 tù binh IS hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd ở miền Đông Syria có thể thoát ra bất cứ lúc nào. Tại Iraq, riêng trong năm 2019, IS đã tiến hành 139 vụ tấn công ở các tỉnh phía Bắc và phía Tây, làm 274 người, trong đó có 170 sĩ quan cảnh sát bị thiệt mạng. Bất chấp chính quyền, IS vẫn tiếp tục tiến hành các vụ khủng bố ghê rợn ở một số nơi. Còn theo tờ New York Times, ở Syria và Iraq, ước tính vẫn còn khoảng 18.000 chiến binh IS và lãnh đạo của tổ chức này có khối tài sản trị giá 400 triệu USD, phần lớn trong số đó được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

Các đơn vị trực thuộc IS sau thất bại tại Iraq và Syria đã rút vào hoạt động bí mật “nằm chờ thời” hoặc chuyển địa bàn hoạt động sang các khu vực khác ở châu Á, Bắc Phi, thậm chí cả châu Âu. Đây là mối đe dọa to lớn về an ninh không những đối với Syria mà còn cả toàn bộ khu vực.

Một bộ phận rất lớn của IS đã chuyển sang hoạt động tại Afghanistan. Theo một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (CSIS) đưa ra, hiện có khoảng 2.500 đến 4.000 chiến binh đang tập trung tại tỉnh Nangarhar (Afghanistan) mới đây đã tiến hành vụ tấn công tự sát vào một đám cưới ở thành phố Kabul (Kabul) làm thiệt mạng hàng chục người. IS cũng đang “chuyển lửa” sang châu Âu thông qua chiến thuật “những con cáo đơn độc”. Các vụ tấn công khủng bố nhằm vào dân thường ở Anh, Pháp và các nước châu Âu khác gần đây vẫn chưa chấm dứt.

Phong trào “mùa Xuân Arab” tiếp tục lan rộng

Từ cuối năm 2018 đến nay, một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng đã bùng nổ tại một loạt nước, như: Algeria, Sudan, Lebanon, Iraq, Iran... khiến các quốc gia này rơi vào tình trạng căng thẳng và hỗn loạn. Nhiều cuộc biểu tình lớn chưa từng có với sự tham gia của hàng triệu người ở các nước này đã khiến người ta liên tưởng đến phong trào “mùa Xuân Arab” bùng nổ từ năm 2010.

Mặc dù các cuộc biểu tình bùng nổ dưới nhiều hình thức và tầng lớp nhân dân tham gia khác nhau, nhưng đều xuất phát từ những nguyên nhân giống nhau, chủ yếu là các nguyên nhân nội tại, khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đời sống người dân khó khăn, sự quản lý yếu kém của chính phủ và nạn tham nhũng tràn lan, dẫn đến gia tăng bất mãn trong dân chúng. Lợi dụng tình hình bất ổn, nhiều thế lực bên ngoài đã can thiệp  công việc nội bộ của các nước khu vực thông qua việc ủng hộ các lực lượng đối lập chống chính phủ trung ương, lật đổ các chế độ không đi theo quỹ đạo của họ.

Tại Sudan, đời sống của người dân hết sức khó khăn do hàng hóa khan hiếm, giá cả của các nhu yếu phẩm gia tăng mạnh mẽ; đồng bảng Sudan mất giá lên tới 80%; tỷ lệ lạm phát vượt quá 30%/tháng. Ngân sách quốc gia thâm hụt lớn, buộc Chính phủ Sudan phải tăng các loại thuế đánh vào người dân và chấm dứt những khoản trợ cấp. Nạn tham nhũng cũng diễn ra tràn lan. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), Sudan xếp thứ 170/180 quốc gia về chỉ số tham nhũng. Với diện tích 1,88 triệu km2, dân số 42 triệu người, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng Sudan hiện vẫn là một trong những nước nghèo nhất châu Phi.

Mặc dù dân số chỉ có 43 triệu người, song Algeria là một trong những nước giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên nhất trên thế giới về dầu mỏ và khí đốt. Từ năm 2000 đến năm 2013, Algeria đã thu về hơn 1.000 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Với nguồn tài nguyên phong phú và thu nhập lớn như vậy, Algeria lẽ ra phải là đất nước có một nền kinh tế phát triển và mức sống của người dân ở mức cao. Thế nhưng, Algeria trong những năm gần đây lại rơi vào khủng hoảng, đời sống của người dân hết sức khó khăn. Hiện có khoảng 30% thanh niên Algeria đến độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng tràn lan đã góp phần kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước, khiến nền kinh tế Algeria vốn đã vô cùng khó khăn nay càng trở nên trầm trọng hơn. Theo báo cáo về chỉ số tham nhũng toàn cầu, năm 2017, Algeria xếp thứ 112/180 quốc gia có nạn tham nhũng cao.

Tương tự như Sudan và Algeria, Lebanon đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết bởi nạn tham nhũng tràn lan trong chính quyền. Giá cả các loại hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân đều tăng mạnh. Trong tình hình như vậy, thay vì có những biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, Chính phủ Lebanon lại tìm cách tận thu để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề được tích tụ từ nhiều năm nay. Đó là các vấn đề kinh tế - xã hội của Lebanon. Gần 40% thanh niên Lebanon thất nghiệp. Nạn tham nhũng tràn lan. Thêm vào đó, chính phủ liên tục tăng các loại thuế, đánh vào túi tiền của người dân…

Với dân số chỉ có 37,2 triệu người nhưng Iraq là một trong những nước được đánh giá giàu có nhất trên thế giới, với trữ lượng dầu mỏ lên tới 140,3 triệu thùng (đứng thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC và thứ 5 trên thế giới); sản lượng khai thác dầu mỏ đạt 4,45 triệu thùng/ngày, trong đó xuất khẩu hơn 3,6 triệu thùng/ngày. GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) đạt 734 tỷ USD và GDP danh nghĩa đạt 250 tỷ USD. Ngoài ra, Iraq còn có nhiều tài nguyên thiên nhiên khác, như khí đốt, phốt-phát, lưu huỳnh... Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội của Iraq luôn trong tình trạng khủng hoảng, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên ở Iraq lên tới hơn 40%, hơn 60% dân số sống ở mức nghèo khổ. Đến nay, người dân Iraq vẫn phải vật lộn với khó khăn để sinh tồn. Nạn tham nhũng đã lấy đi một phần đáng kể của ngân sách nhà nước. Ủy ban Liêm chính - cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ Iraq hiện đang tiến hành điều tra hơn 5.000 vụ tham nhũng, trong đó phần lớn là các quan chức cấp cao của chính phủ nước này. Từ năm 2003 đến nay, đã có hàng nghìn vụ, việc liên quan đến các bộ trưởng và quan chức cấp cao Iraq biển thủ công quỹ, với số tiền lên tới 600 tỷ USD. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), Iraq là một trong 12 nước tham nhũng lớn nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, thể chế chính trị đa đảng gây mất ổn định đã làm cho các chính phủ mất kiểm soát và các thế lực bên ngoài nhân cơ hội này tìm cách can thiệp công việc nội bộ của các nước. Đơn cử như, ở Algeria trước đây, chỉ có Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FNL) cầm quyền, nay đã có 27 đảng phái chính trị đại diện cho các tầng lớp xã hội khác nhau, trong đó bao gồm cả các đảng tôn giáo cực đoan, như Mặt trận Cứu nguy Dân tộc (FIS). Tại Iraq, trước đây chỉ có Đảng Xã hội Phục hưng Arab (Baath) cầm quyền, tuy nhiên sau khi Mỹ tấn công lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein (năm 2003), đã xuất hiện 70 đảng phái chính trị và tôn giáo. Một đất nước nghèo như Sudan cũng có đến 25 đảng phái chính trị. Còn Lebanon - một đất nước chỉ với 7 triệu người dân cũng có đến 117 đảng phái khác nhau.

Trong bối cảnh nhiều đảng phái, mỗi đảng lại đấu tranh cho lợi ích riêng và cuộc tranh giành quyền lực gay gắt, các quốc gia Trung Đông luôn rơi vào tình trạng căng thẳng và hỗn loạn. Các cuộc biểu tình bắt đầu bằng những khẩu hiệu đòi cải thiện đời sống, dân sinh đã chuyển sang đòi lật đổ chính phủ. Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika phải từ chức, Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir và toàn bộ nội các bị bắt, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri và Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cũng đã phải “ra đi”... Nhiều nước rơi vào tình trạng vô chính phủ.

Theo giới quan sát, các nước phương Tây dưới chiêu bài dân chủ đã đưa ra nhiều tuyên bố ủng hộ các yêu sách của những người biểu tình, thậm chí kích động các cuộc biểu tình gây bạo loạn chống chính phủ, áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế, trừng phạt các nhà lãnh đạo một số nước để gây sức ép buộc phải thay đổi chính sách hoặc từ chức.

Mạng xã hội cũng đóng vai trò không nhỏ trong các sự kiện diễn ra ở Sudan. Những người biểu tình và các phần tử chống đối đã dùng mạng xã hội kêu gọi người dân các nước nổi dậy chống chính phủ. Trong số các biểu ngữ của người biểu tình có nhiều băng-rôn đòi dân chủ, tự do báo chí, tự do ngôn luận, thay đổi chế độ. Những hình ảnh này được cập nhật liên tục và đưa trực tiếp lên các trang mạng xã hội đã góp phần kích động những người biểu tình, đặc biệt là các phần tử quá khích.

Tóm lại, Trung Đông vốn là một khu vực đan xen lợi ích và tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước, nhất là các nước lớn. Có thể nói, với một loạt sự kiện đang xảy ra, như nội bộ nước Mỹ mâu thuẫn, Tổng thống Mỹ D. Trump bị Hạ viện Mỹ luận tội, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày càng đến gần; NATO chia rẽ sâu sắc; châu Âu bất ổn sau sự kiện “Brexit”; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm nhiệt; quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU), Mỹ - Nga căng thẳng; khủng hoảng hạt nhân Iran và vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chưa có chiều hướng hòa dịu; cuộc xung đột Israel - Palestine bế tắc; khủng hoảng chính phủ gia tăng tại Israel... và những diễn biến xảy ra trong năm 2019 dường như báo hiệu Trung Đông một năm mới 2020 sẽ không mấy “yên ả”./.