TCCS - Mới đây, Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn công bố “Chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu”. Đây phải chăng là lời giải đáp cho những băn khoăn nổi lên trong giới hoạch định chính sách của Mỹ từ nhiều năm qua, rằng những mục tiêu, ưu tiên và cách tiếp cận đối ngoại mà các chính quyền Mỹ theo đuổi từ sau Chiến tranh lạnh có thực sự phục vụ cho lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân Mỹ như họ vẫn kỳ vọng?

Sự mất cân bằng trong chính sách đối ngoại?

Chính sách đối ngoại thường được coi là “cánh tay nối dài” của chính sách đối nội. Tuy nhiên, đối với nước Mỹ sau Chiến tranh lạnh, xuất phát từ tâm thế là siêu cường số một thế giới có sức mạnh tổng hợp vượt trội trong tương quan so sánh với các trung tâm quyền lực khác, chính sách đối ngoại của các chính quyền Tổng thống Mỹ dường như mất đi sự cân bằng và thiếu hụt tính kết nối với các ưu tiên đối nội. Theo giới phân tích, thực trạng này biểu hiện qua ba góc độ trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Cụ thể là:

Thứ nhất, sự mất cân bằng trong lựa chọn mục tiêu chiến lược giữa thế và lực, đó là quá chú trọng vào mục tiêu duy trì vị thế siêu cường trong khi chưa thực sự chú ý tới mục tiêu phát triển tiềm lực quốc gia. Với tâm thế tự tin và mong muốn giữ vững ngôi vị siêu cường số một thế giới, các đời Tổng thống Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh luôn tập trung nhiều vào vấn đề nguồn lực để theo đuổi mục tiêu chiến lược xuyên suốt là duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Trong quá trình đó, các chính quyền Mỹ chưa thực sự dành sự quan tâm phù hợp cho nhiệm vụ củng cố và mở rộng sức mạnh quốc gia. Tính thiếu cân bằng của cách tiếp cận này được phản ánh rõ nét trong cơ cấu bản đề xuất ngân sách của các chính quyền Mỹ. Trong đó, tỷ trọng ngân sách dành cho lĩnh vực quốc phòng luôn lớn hơn gấp nhiều lần so với ngân sách đầu tư vào những nền tảng quan trọng tạo nên sức mạnh quốc gia, như các ngành công nghiệp trọng yếu hay công nghệ then chốt. Trong bản đề xuất ngân sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma vào năm 2015, vốn chủ trương cắt giảm chi phí dành cho lĩnh vực quốc phòng, song trên thực tế, tỷ trọng ngân sách quốc phòng của Mỹ chiếm tới 55% tổng số ngân sách đề xuất, trong khi ngân sách dành cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ lần lượt chỉ có 6% và 3%(1).

Tỷ trọng ngân sách dành cho lĩnh vực quốc phòng của Mỹ luôn rất lớn (Trong ảnh: Quân đội Mỹ ở Afghanistan) _Nguồn: AP

Không chỉ mất cân đối trong lựa chọn mục tiêu chiến lược, các chính quyền Mỹ trong quá trình triển khai chính sách đôi khi còn lạm dụng những lợi thế có được từ việc sở hữu sức mạnh quốc gia vượt trội và sử dụng lợi thế đó như một công cụ hàng đầu để đạt được mục tiêu duy trì vị thế, thay vì cách tiếp cận ngược lại là tận dụng những ưu thế có được từ vị trí siêu cường số một thế giới để làm đòn bẩy phục vụ nhiệm vụ phát triển tiềm lực quốc gia.

Thứ hai, sự mất cân bằng trong lựa chọn ưu tiên đối ngoại, dành nhiều nguồn lực để theo đuổi các lợi ích an ninh - chính trị và đôi khi sao nhãng những lợi ích kinh tế - thương mại. Bắt nguồn từ cách tiếp cận thiên lệch trong lựa chọn mục tiêu chiến lược nêu trên, các chính quyền Mỹ thường đề cao ba nhiệm vụ trọng yếu trong việc bảo đảm lợi ích an ninh - chính trị. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là gia tăng năng lực răn đe, không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm ẩn đe dọa an ninh của Mỹ; trong đó, nổi bật là cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ với chiến lược chống khủng bố toàn cầu và việc theo đuổi hình thái tấn công quân sự mới “đánh đòn phủ đầu”. Nhiệm vụ tiếp theo là duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống đồng minh và sau này được mở rộng thêm mạng lưới đối tác chủ chốt; theo đó, chính quyền Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đề xuất phát triển mạng lưới đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Á theo mô hình “trục và nan hoa” thành “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”(2), bao gồm thêm các đối tác chủ chốt. Nhiệm vụ thứ ba là thúc đẩy và mở rộng mô hình tự do, dân chủ “kiểu Mỹ” tới các nước trên thế giới mà điển hình là chiến lược “can dự và mở rộng” của chính quyền Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn.

Trong quá trình này, để bảo đảm các lợi ích kinh tế - thương mại, nhiệm vụ củng cố và mở rộng sự thịnh vượng của Mỹ dù vẫn luôn được đề cập trong các văn bản Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ và được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, song nếu so với ba nhiệm vụ trọng yếu trong việc bảo đảm lợi ích an ninh - chính trị, những nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ củng cố và mở rộng sự thịnh vượng của Mỹ dường như chưa thực sự được các chính quyền Mỹ quan tâm đầu tư. Trên thực tế, nỗ lực thúc đẩy lợi ích kinh tế - thương mại của Mỹ chỉ diễn ra mạnh mẽ ở giai đoạn đầu sau Chiến tranh lạnh, khi chính quyền Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn thúc đẩy và mở rộng tự do hóa thương mại, sớm hoàn thành vòng đàm phán U-ru-guay, tiến tới thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thay thế Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) và ký kết Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Ca-na-đa, Mê-hi-cô. Sau đó, việc thúc đẩy tự do hóa thương mại của Mỹ đã chững lại dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ, nhất là sau sự kiện tấn công khủng bố vào ngày 11-9-2001, nhường chỗ cho các cuộc “phiêu lưu quân sự” tốn kém ở khu vực Trung Đông và để lại nhiều hệ lụy kinh tế cho chính quyền Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma, nổi bật là cuộc khủng hoảng tài chính ngay tại nước Mỹ, tiếp đó lan rộng ra toàn cầu trong những năm cuối thập niên đầu thế kỷ XXI.

Thứ ba, sự mất cân bằng trong cách thức theo đuổi lợi ích kinh tế - thương mại, tập trung thúc đẩy tự do hóa thương mại, phục vụ lợi ích của giới lãnh đạo, mà chưa thực sự chú trọng tới nhiệm vụ củng cố sức hấp dẫn của nền kinh tế Mỹ và đáp ứng lợi ích của người lao động Mỹ. Luận giải cho cách tiếp cận này là học thuyết kinh tế tân tự do, xuất phát từ quan điểm của các chính quyền Mỹ về sức cạnh tranh vượt trội của hàng hóa Mỹ trên thị trường thế giới, cho rằng sức hấp dẫn của hàng hóa Mỹ sẽ giúp kích thích nhu cầu hàng hóa và dịch vụ Mỹ ở nước ngoài, từ đó việc mở rộng tự do hóa thương mại sẽ giúp tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ Mỹ ra bên ngoài cũng như kiến tạo cơ hội đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp Mỹ tại thị trường nước ngoài. Theo đó, tiếp nối nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Mỹ ra thị trường thế giới dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn là Sáng kiến xuất khẩu quốc gia được Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đưa ra vào tháng 3-2010. Đây được coi là trọng tâm trong chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma, với mục tiêu tăng gấp hai lần xuất khẩu hàng hóa trong vòng 5 năm (2010 - 2014). Trong khi đó, về phương cách bảo vệ lợi ích của người dân Mỹ, các nhà hoạch định chính sách lại tiếp cận từ góc độ của chủ nghĩa tiêu dùng, cho rằng việc thúc đẩy tự do hóa thương mại sẽ giúp giảm giá thành hàng hóa trên thị trường Mỹ và mang lại cho người tiêu dùng Mỹ nhiều sự lựa chọn hơn. Đồng thời, với niềm tin vào sức cạnh tranh vượt trội của nền kinh tế Mỹ trong tương quan với các nền kinh tế phát triển khác, giới lãnh đạo Mỹ kỳ vọng việc thúc đẩy tự do thương mại sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Mỹ, qua đó giúp tạo việc làm cho người lao động Mỹ.

Công nhân lắp ráp động cơ tại Nhà máy Cummins Inc ở bang Indiana (Mỹ) _Nguồn: wsj.com

Tuy nhiên, quá trình triển khai thiên lệch, thiếu quan tâm tới nhiệm vụ củng cố sức hấp dẫn của nền kinh tế Mỹ đã mang lại những kết quả không như kỳ vọng của các chính quyền Mỹ. Đi kèm với quá trình tự do hóa thương mại, toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, làm tăng tốc độ và quy mô của quá trình tự động hóa, một sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã diễn ra mạnh mẽ ngay tại nước Mỹ. Trong quá trình đó, đối tượng được hưởng lợi lớn nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ, mà đứng sau đó là giới chủ doanh nghiệp và tầng lớp thượng lưu trong xã hội Mỹ, trong khi đa số tầng lớp trung lưu và người lao động phổ thông chỉ nhận được những lợi ích hạn chế, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm, nhiều quyền lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục không được bảo đảm.

Sự mất cân bằng dần được nhận diện

Thực trạng mất cân bằng trong việc lựa chọn mục tiêu chiến lược giữa thế và lực, trong cách thức sắp xếp các ưu tiên đối ngoại và trong nỗ lực theo đuổi những lợi ích kinh tế - thương mại cụ thể của các đời Tổng thống Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh đã được các chính trị gia kỳ cựu thuộc cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cảnh báo ở những thời điểm khác nhau trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Trong bài viết “Thực trạng quân sự hóa quá mức chính sách đối ngoại của Mỹ” đăng trên tạp chí Các vấn đề đối ngoại (Foreign Affairs) số ra tháng 7 + 8-2020, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết cho rằng, “Mỹ đã trở nên quá phụ thuộc vào công cụ quân sự và bỏ qua một cách đáng quan ngại những công cụ sức mạnh phi quân sự, một cách làm khiến cho các kết quả chính sách trở nên yếu kém và dần tiêu tan”. “Nếu Mỹ không tự kiềm chế trong việc sử dụng sức mạnh quân sự, nhanh chóng tiến hành tái cấu trúc và cải tổ cơ cấu ở tất cả các lĩnh vực, các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách sẽ gặp không ít khó khăn trong nỗ lực thuyết phục người dân Mỹ ủng hộ vai trò lãnh đạo thiết yếu của Mỹ trên thế giới, vì mục tiêu bảo vệ an ninh và nền kinh tế Mỹ”. Ngoài ra, “có một sự đồng thuận lưỡng đảng rộng rãi trong nội bộ nước Mỹ, kêu gọi Mỹ nên cắt giảm những cam kết ở bên ngoài, thay vào đó là tập trung nhiều hơn cho nhiệm vụ xử lý các thách thức trong nước và củng cố tiềm lực quốc gia”(3).

Chia sẻ quan điểm của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Ghết, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn trong bài viết “Đánh giá lại về an ninh quốc gia: Cách Oa-sinh-tơn nên nhìn nhận về sức mạnh của Mỹ”, đăng trên tạp chí Các vấn đề đối ngoại số ra tháng 11 + 12-2020, cho rằng “trong nhiều thập niên, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã bó hẹp lối tư duy về an ninh quốc gia và thất bại trong việc tiếp thu hoặc dung nạp một cách tiếp cận sâu rộng hơn khi đánh giá về những mối đe dọa đối với Mỹ, bao hàm trong đó không chỉ là các thách thức đến từ vấn đề tên lửa đạn đạo liên lục địa và xung đột vũ trang mà còn cả những thách thức đến từ những vụ tấn công mạng, các loại vi-rút, khí thải các-bon, chiến dịch tuyên truyền trực tuyến và sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng”. Hệ quả của cách tiếp cận này là “hiện trạng một nước Mỹ đang gặp nguy hiểm do thiếu vắng sự chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với hàng loạt thách thức trước mắt, trong đó nền tảng sức mạnh công nghiệp và công nghệ đang dần suy giảm hiệu quả, các chuỗi cung ứng trọng yếu trở nên dễ bị tổn thương, hệ thống đồng minh bị lỏng lẻo còn Chính phủ Mỹ đang tồn tại nhiều mâu thuẫn”(4).

Trước đó, phê phán về cách thức theo đuổi lợi ích kinh tế - thương mại của các chính quyền Mỹ, trong bài viết “Chính sách đối ngoại cho tất cả mọi người” đăng trên Tạp chí Các vấn đề đối ngoại số ra tháng 1 + 2-2019, một chính trị gia mang tư tưởng thiên tả trong Đảng Dân chủ, người sau này trở thành “đối thủ” của ông G. Bai-đơn trong cuộc chạy đua vào vị trí ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ tại kỳ bầu cử năm 2020, Thượng nghị sĩ Ê-li-da-bét Oa-rơn của bang Ma-sa-chu-xét đã đưa ra nhận định: “trong những thập niên gần đây, Mỹ đã tập trung chuyển dịch những chính sách mang lại lợi ích cho tất cả người dân Mỹ sang những chính sách chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm nhỏ thuộc tầng lớp tinh hoa”; đồng thời, nhấn mạnh “những nỗ lực thúc đẩy an ninh của nước Mỹ đã làm cạn kiệt dần các nguồn lực khổng lồ và gây ra tình trạng bất ổn tại nhiều khu vực, trong khi ưu thế công nghệ của Mỹ lại đang dần bị xói mòn”(5).

Về phía chính quyền của Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn, dù không công khai phê phán hay chỉ trích sự mất cân bằng trong định hướng chính sách đối ngoại của các chính quyền Mỹ, song Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cùng các quan chức an ninh - đối ngoại và kinh tế - thương mại cấp cao trong chính quyền của ông, như Cố vấn An ninh quốc gia Giếch Xăn-li-van, Bộ trưởng Ngoại giao An-tô-ni Blin-ken, Bộ trưởng Tài chính Gia-nét Y-en-len..., đều cho rằng cần phải điều chỉnh chính sách đối ngoại, lấy trọng tâm là phục vụ tầng lớp lao động trung lưu và tạo sự gắn kết hơn nữa giữa các mục tiêu và ưu tiên về an ninh - đối ngoại với kinh tế - thương mại. Trong đó, Cố vấn An ninh quốc gia G. Xăn-li-van được coi là “kiến trúc sư” của “chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu”.

Trước khi đảm nhiệm vai trò Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ trong chính quyền của Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn, với tư cách là nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, ông G. Xăn-li-van từng nêu rõ quan điểm về tính mất cân bằng trong chính sách đối ngoại và thực trạng thiếu hụt sự gắn kết giữa chính sách đối ngoại với các ưu tiên đối nội trong bài viết “Nước Mỹ cần một học thuyết kinh tế mới” đăng trên Tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) số ra tháng 2-2020. Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ G. Xăn-li-van, trong hơn 30 năm qua, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ đã phó thác những vấn đề kinh tế cho một nhóm nhỏ các chuyên gia kinh tế quốc tế và không tạo ra được sự kết nối giữa những vấn đề kinh tế này với các ưu tiên, mục tiêu trong chính sách đối ngoại. Cách làm thiếu tính kết nối này được phản ánh qua thực tế là các đề xuất chính sách kinh tế đối nội của chính quyền Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ rất khác biệt, song cách tiếp cận trong chính sách kinh tế đối ngoại và thương mại của hai chính quyền này dường như là đồng nhất. Đồng thời, những lần điều chỉnh chiến lược lớn trong lịch sử nước Mỹ thường đi kèm với sự thay đổi cơ bản về học thuyết kinh tế và hiện nay là thời điểm thích hợp để các nhà hoạch định chính sách an ninh quốc gia tại Mỹ bắt đầu cuộc thảo luận mới nhằm định ra một sự điều chỉnh chiến lược lớn, đóng góp vào quá trình hình thành học thuyết kinh tế mới. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường đầu tư, củng cố tiềm lực và chú trọng vào các chính sách công nghiệp hiện đại, nước Mỹ “cần nhìn nhận một hiện thực khách quan rằng không phải mọi thỏa thuận thương mại đều là những thỏa thuận tốt và quyết định thúc đẩy mạnh hơn tự do hóa thương mại lớn không phải lúc nào cũng là lựa chọn đúng đắn”(6).

Hướng tới cách tiếp cận tái cân bằng các trụ cột đối ngoại

Hiểu rõ thực trạng và những hệ quả của một chính sách đối ngoại mất cân bằng về mục tiêu, ưu tiên và cách tiếp cận kể từ sau Chiến tranh lạnh, đồng nhất với Cương lĩnh tranh cử của Đảng Dân chủ rằng “nền tảng của một chính sách đối ngoại có nguyên tắc sẽ được xây dựng dựa trên nhu cầu và nguyện vọng của tầng lớp trung lưu Mỹ”(7), hai tuần sau bài diễn văn tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ, ngày 4-2-2021, Tổng thống  Mỹ G. Bai-đơn đã lựa chọn Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ quan Chính phủ đầu tiên để đến thăm và có bài phát biểu chính sách đối ngoại quan trọng với chủ đề “Vị trí của nước Mỹ trên thế giới”. Trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn lần đầu tiên đề cập tới cụm từ “chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu” và khẳng định rõ, để thúc đẩy một chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là củng cố nội lực, khôi phục nền kinh tế, ổn định tình hình trong nước, hướng tới mục tiêu kiến tạo việc làm cho người lao động và củng cố lợi thế cạnh tranh toàn cầu của Mỹ trên mọi lĩnh vực(8).

Cùng ngày, trong cuộc họp báo chung với Thư ký báo chí Nhà Trắng Gien Pxa-ki (Jen Psaki), Cố vấn An ninh quốc gia G. Xăn-li-van mặc dù không đề cập tới thực trạng mất cân bằng trong chính sách đối ngoại của các chính quyền tiền nhiệm, song đã giải thích rằng “chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu” là chính sách lấy nguời lao động làm trung tâm, ra quyết sách an ninh quốc gia trên cơ sở lợi ích người lao động; đồng thời, nêu ví dụ về sự điều chỉnh chính sách thương mại như một phần của “chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu”, nhấn mạnh “sự điều chỉnh chính sách thương mại sẽ được tiến hành theo hướng thúc đẩy tạo việc làm, tăng thu nhập tại Mỹ thay vì ưu tiên mở cửa thị trường nước ngoài cho các tập đoàn đa quốc gia”(9).

Cùng với phát biểu của Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn và Cố vấn An ninh quốc gia G. Xăn-li-van, bản Hướng dẫn tạm thời Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ được công bố vào ngày 3-3-2021, cũng khẳng định “để đưa nước Mỹ tiến về phía trước, can dự mạnh mẽ với thế giới nhằm bảo đảm cho an toàn, thịnh vượng và tự do của người dân Mỹ, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ cần có cách nhìn mới, rộng hơn về an ninh quốc gia - một cách nhìn trong đó thừa nhận rằng vị thế và vai trò của Mỹ trên thế giới hoàn toàn phụ thuộc vào tiềm lực và sức sống của nền kinh tế Mỹ” và “nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách là bảo đảm những lợi thế mà nước Mỹ sở hữu sẽ được duy trì liên tục thông qua việc củng cố nội lực bên trong và hồi sinh vai trò lãnh đạo của nước Mỹ ở bên ngoài”(10).

Tổng thống  Mỹ G. Bai-đơn phát biểu tại Bộ ngoại giao Mỹ, ngày 4-2-2021 _Ảnh: AP

Nhất quán với định hướng lớn được Nhà Trắng đưa ra, các quan chức an ninh - đối ngoại và kinh tế - thương mại Mỹ cũng đã có những bài phát biểu chính sách quan trọng, thể hiện nỗ lực tái cân bằng trong mục tiêu chiến lược, ưu tiên giữa các trụ cột đối ngoại.

Về mặt chiến lược, trong bài phát biểu “Chính sách đối ngoại cho người dân Mỹ” vào ngày 3-3-2021 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ A. Blin-ken nhấn mạnh việc lựa chọn các ưu tiên đối ngoại của chính quyền của Tổng thống G. Bai-đơn cần giải quyết được ba câu hỏi lớn: Một là, “chính sách đối ngoại sẽ phục vụ như thế nào cho lợi ích của người lao động Mỹ và gia đình của họ”; hai là, “giới lãnh đạo Mỹ cần làm gì trên trường quốc tế để giúp củng cố tiềm lực của nước Mỹ”; ba là, “giới lãnh đạo Mỹ cần làm gì để giúp nước Mỹ có vị thế mạnh hơn nữa trên thế giới”(11). Như vậy, nỗ lực tái cân bằng trong lựa chọn mục tiêu chiến lược giữa thế và lực đã bước đầu được Ngoại trưởng Mỹ A. Blin-ken đưa ra. Mặc dù không từ bỏ nhiệm vụ củng cố và mở rộng vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế khi được đề cập trong câu hỏi lớn thứ ba, song nhiệm vụ này chỉ được xếp ở vị trí cuối cùng, sau nhiệm vụ định ra phương cách để bảo đảm những gì nước Mỹ làm ở bên ngoài sẽ hỗ trợ cho nỗ lực củng cố sức mạnh bên trong. Trước đó, Cương lĩnh tranh cử của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 cũng nhấn mạnh chủ trương “tái tạo sự lãnh đạo của Mỹ ở bên ngoài là nhằm ưu tiên phục vụ và thúc đẩy nỗ lực đổi mới ở bên trong”.

Về sự cân đối giữa mục tiêu an ninh - chính trị và mục tiêu kinh tế - thương mại, cùng với việc nêu lên ba câu hỏi lớn định hướng cho quá trình đưa ra các quyết sách đối ngoại cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ A. Blin-ken cũng đề ra tám ưu tiên đối ngoại lớn, mà bốn trong số đó có nội hàm liên quan tới vấn đề kinh tế - thương mại. Trong đó, ưu tiên “xây dựng một nền kinh tế toàn cầu ổn định và bao trùm” đứng thứ hai, chỉ sau ưu tiên cấp bách nhất hiện nay là ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19. Đáng chú ý, trong đánh giá về thách thức đến từ Trung Quốc mà ông A. Blin-ken gọi là “phép thử địa - chính trị lớn nhất của thế kỷ XXI”, sức mạnh kinh tế của nước này là quan ngại đầu tiên được Ngoại trưởng Mỹ A. Blin-ken đề cập tới, trước ba sức mạnh còn lại là ngoại giao, quân sự và công nghệ. Ông cho rằng, để xử lý thách thức này từ “vị thế sức mạnh”, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, nước Mỹ cần “đầu tư nhiều hơn vào người lao động, doanh nghiệp, công nghệ”.

Về sự cân bằng trong các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể của trụ cột kinh tế - thương mại, nhất quán với chủ trương “xây dựng lại một nước Mỹ tốt đẹp hơn”, củng cố và tăng cường sức hấp dẫn của nền kinh tế Mỹ luôn là nhiệm vụ hàng đầu được đề cập trong phát biểu của các nhà lãnh đạo Mỹ. Đồng thời, điều chỉnh hướng tiếp cận trong chính sách kinh tế đối ngoại và chính sách thương mại cũng là nhiệm vụ được ưu tiên. Theo đó, Ngoại trưởng A. Blin-ken nhấn mạnh Mỹ sẽ ưu tiên xử lý hai vấn đề lớn trong kinh tế đối ngoại và khẳng định “sẽ sử dụng mọi công cụ để ngăn chặn hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và thao túng tiền tệ của nước khác nhằm đạt được lợi thế không công bằng”; trong khi về thương mại, ông A. Blin-ken nêu rõ “chính sách thương mại của Mỹ sẽ tập trung vào mục tiêu rõ ràng là thúc đẩy lợi ích của tầng lớp trung lưu, tạo việc làm mới với chất lượng cao”. Đồng nhất với cách tiếp cận này, trong bài phát biểu tại Hội đồng Đối ngoại Chi-ca-go về các vấn đề toàn cầu vào ngày 5-4-2021, Bộ trưởng Tài chính Mỹ G.L. Y-en-len cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải điều chỉnh cách tiếp cận, tạo ra sự kết nối giữa các mục tiêu kinh tế đối ngoại với các ưu tiên đối nội(12). Về thương mại, Đại diện thương mại Mỹ Ca-tơ-tin Tai đã đề xuất “chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm” tại Liên đoàn Lao động Mỹ và Đại hội các tổ chức công nghiệp Mỹ (AFL-CIO) vào ngày 10-6-2021, khẳng định sẽ tham vấn nguyện vọng và nhu cầu của người lao động Mỹ trong quá trình hoạch định chính sách thương mại, phối hợp với các đối tác thương mại và thể chế thương mại đa phương để thúc đẩy quyền của người lao động và an ninh kinh tế; ưu tiên trước mắt là thúc đẩy thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu, rà soát củng cố chuỗi cung ứng và cùng các nền dân chủ thúc đẩy thực thi thương mại nhằm ứng phó hiệu quả với các hành vi kinh tế phi thị trường(13).

Mặc dù “chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu” mới được chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn công bố và cần thời gian để đánh giá về hiệu quả của quyết định điều chỉnh chính sách này, song việc nêu cao lợi ích của tầng lớp trung lưu và lấy người lao động Mỹ làm trung tâm có thể được xem là sự điều chỉnh quan trọng trong tư duy và cách tiếp cận đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn theo hướng cân bằng hơn so với các chính quyền tiền nhiệm, nhằm thực hiện cam kết trong cuộc tranh cử vị trí Tổng thống Mỹ vào năm 2020 của ông G. Bai-đơn là trở thành “tổng thống của tất cả người dân Mỹ” và hướng tới phục vụ cho lợi ích của tuyệt đại đa số người dân Mỹ./.

-----------------

(1) Xem: “Office of Management and Budget, Analytical Perspectives”: Budget of the U.S. Government, Fiscal Year 2015
(2) Ashton Carter: “Remarks on Asia-Pacific’s Principled Security Network at 2016 Shangri-la Dialogue”, U.S. Department of Defense, 2016, https://www.defense.gov/Newsroom/Speeches/Speech/Article/791213/remarks-on-asia-pacifics-principled-security-network-at-2016-iiss-shangri-la-di/
(3) Robert Gates: “The Overmilitarization of American Foreign Policy”, Foreign Affairs, Vol. 99
No. 4, 2020, tr. 120 - 121

(4) Hillary Clinton: “A National Security Reckoning”, Foreign Affairs, Vol. 99, No. 6, 2020,
tr. 88 - 89

(5) Elizabeth Warren: “A Foreign Policy for All”, Foreign Affairs, Vol. 98 No. 1, 2019, tr. 50 – 51
(6) Jake Sullivan: “America Nees a New Economic Philosophy. Foreign Policy Experts Can Help”, Foreign Policy, 2020, https://foreignpolicy.com/2020/02/07/america-needs-a-new-economic-philosophy-foreign-policy-experts-can-help/#
(7) Democratic Party Platform, 2020, tr. 73
(8) Joe Biden: “Remarks by President Biden on America’s Place in the World”, The White House, 2021, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/02/04/remarks-by-president-biden-on-americas-place-in-the-world/
(9) Jake Sullivan: “Press Briefing by Press Secretary Jen Psaki and National Security Advisor Jake Sullivan”, The White House, 2021, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/press-briefings/2021/02/04/press-briefing-by-press-secretary-jen-psaki-and-national-security-advisor-jake-sullivan-f
(10) Joe Biden: “Interim National Security Strategic Guidance”, The White House, 2021, tr. 6
(11) Antony Bliken: “A Foreign Policy for the American People”, U.S. Department of State, 2021, https://www.state.gov/a-foreign-policy-for-the-american-people/
(12) Janet Yellen: “Remarks by Secretary of the Treasury Janet L. Yellen on International Priorities to the Chicago Council on Global Affairs”, U.S. Department of Treasury, 2021, https://home.treasury.gov/news/press-releases/jy0101
(13) Katherine Tai: “Remarks of Ambassador Katherine Tai Outlining the Biden-Harris Administration’s ‘Worker-Centered Trade Policy’”, Office of USTR, 2021, https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2021/june/remarks-ambassador-katherine-tai-outlining-biden-harris-administrations-worker-centered-trade-policy