Di sản công nghiệp - nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa cho thành phố Hà Nội

TS. NGUYỄN THỊ HUỆ
Đại học Quốc gia Hà Nội
05:08, ngày 16-10-2022

TCCS - Di sản công nghiệp cũng giống như các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác cần được bảo tồn như một bằng chứng sống động cho những giai đoạn phát triển độc đáo của lịch sử nhân loại và cần xem xét di sản công nghiệp như một loại di sản văn hóa. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản công nghiệp phục vụ chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô là một yêu cầu cần thiết và cấp bách.

Đặc thù di sản công nghiệp Hà Nội

Theo định nghĩa của Ủy ban quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp, di sản công nghiệp là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp” (như các giá trị lịch sử, khoa học, công nghệ, xã hội, kiến trúc,... và những giá trị khác), bao gồm các tòa nhà, công xưởng, máy móc, hầm mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội (công nhân) tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp (như nhà ở, nơi thờ phụng, thực hành nghi lễ tôn giáo, các cơ sở đào tạo... cho công nhân - lực lượng lao động trong các cơ sở công nghiệp đó)(1). Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, gắn với từng giai đoạn lịch sử của “nền văn minh công nghiệp thế giới”, có điểm khởi đầu vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, trải qua 3 giai đoạn phát triển, nay đã chuyển sang giai đoạn thứ tư - hay còn gọi là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các di sản công nghiệp đều mang nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn. Đầu tiên là giá trị lịch sử. Nó là bằng chứng của các hoạt động sản xuất theo phương thức công nghiệp, đã và đang tiếp tục để lại những ảnh hưởng sâu sắc đến ngày nay. Thứ hai, là giá trị xã hội: Di sản công nghiệp phản ánh phần nào bức tranh cuộc sống của những người công nhân bình thường ở một nơi nào đó trong một thời gian cụ thể, và như vậy, nó tăng khả năng nhận diện bản sắc, đặc trưng địa phương của di sản đó. Thứ ba, là giá trị công nghệ và khoa học trong lịch sử của sản xuất, kỹ thuật, xây dựng. Thứ tư, là giá trị thẩm mỹ của các công trình công nghiệp (quy mô, kết cấu, chi tiết, quy hoạch, vật liệu,...), cùng những giá trị và ý nghĩa xã hội khác. Các giá trị của một di sản công nghiệp có thể được nhận diện trong tình trạng hiện tại, trong các tài liệu (văn bản) và cả trong “ký ức” con người gắn với địa điểm sản xuất đó. Chưa kể đối với mỗi khu vực, những giá trị vật chất, tinh thần mà di sản công nghiệp mang lại cho con người là khác nhau.

Di sản công nghiệp của thành phố Hà Nội là các nhà máy, công xưởng từ thời Pháp thuộc cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây không đơn thuần chỉ là những công trình kiến trúc, mà đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng công dân Thủ đô, là minh chứng sống động cho một giai đoạn khó khăn trong lịch sử dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng. Bảo lưu di sản công nghiệp giai đoạn đó là lưu giữ lại ký ức về con người Hà Nội, về đời sống nói chung và đời sống “thời bao cấp” của người Hà Nội nói riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy bòng đèn phích nước Rạng Đông, Hà Nội (năm 1964)_Nguồn: hochiminh.vn

Thành phố Hà Nội đã có những bài học đắt giá về việc di dời, chuyển đổi và lưu giữ lại các giá trị của di sản công nghiệp. Có nhiều nhà máy, xí nghiệp gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng, với giai đoạn đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và gắn bó chặt chẽ với quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam, như Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ... Những nhà máy này đã mất đi vĩnh viễn trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, trong sự nghiệp hiện đại hóa và kiến thiết đất nước.

Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo là nhà máy đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một điển hình trong thời kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, là biểu tượng của nền công nghiệp cơ giới hóa thời kỳ xã hội chủ nghĩa và đầu thời kỳ đổi mới. Được thành lập vào ngày 19-4-1947, ở khu rừng thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Thái Nguyên, thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, nhiệm vụ chủ yếu của nhà máy là sản xuất, sửa chữa máy móc phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi vào năm 1954 thì Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo được chuyển về thị xã Thái Nguyên (nay là thành phố Thái Nguyên). Đến cuối năm 1956, Bộ Công nghiệp quyết định di chuyển Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo về phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội và vào giữa năm 1957 thì nhà máy hoạt động trở lại. Thời kỳ đổi mới, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo là điển hình trong sản xuất, có những đóng góp to lớn về sản xuất, kỹ thuật công nghiệp trong thời kỳ này. Nhà máy vinh dự được Bác Hồ đến thăm 4 lần vào các năm 1951, 1959, 1961, 1964 và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 8 huân chương các loại. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường và thực hiện chính sách di dời nhà máy ra khỏi nội đô, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đã bị phá dỡ hoàn toàn.

Nhà máy cơ khí Hà Nội ra đời từ những ngày đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô (cũ). Vì vậy, Nhà máy còn được xem là biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô. Với những thành tích và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp kiến thiết đất nước, phục vụ cho cuộc kháng chiến ở miền Nam, Nhà máy vinh dự được Bác Hồ 9 lần về thăm vào các năm 1958 (Bác tới thăm 3 lần), năm 1959 (Bác tới thăm 2 lần), năm 1960 (Bác tới thăm 3 lần) và năm 1963 (Bác tới thăm 1 lần)(2). Năm 2000, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công ty đã gắn biển ghi lại những lần Bác về thăm nhà máy; năm 2001 đã dựng tượng đài Bác giữa khoảng sân vườn phía trong nhà máy tạo nên một khu vực trang nghiêm. Năm 2010, theo chủ trương di dời nhà máy và các công trình gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, Nhà máy cơ khí Hà Nội đã được chuyển đổi và di dời cơ sở sản xuất đến Khu công nghiệp Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, phần lớn diện tích nhà máy đã được thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng.

Nhà máy đèn Bờ Hồ được biết tới là nơi phát ánh sáng điện đầu tiên cho thành phố Hà Nội (năm 1892). Năm 2012, Nhà máy đèn Bờ Hồ được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển di tích Cách mạng kháng chiến trong Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập. Tuy nhiên, dấu ấn còn lại, đặc biệt là hình ảnh cột khói cao sừng sững bên bờ Hồ Gươm đã không còn. Dấu vết về nơi cung cấp điện cho toàn thành phố, hoạt động của xe điện, vận hành của các nhà máy, công sở,... cũng không còn, chỉ còn lại trong ký ức của những người đã từng sống ở Hà Nội giai đoạn đó. Năm 1925, để tăng công suất cung cấp điện cho thành phố Hà Nội, người Pháp cho xây dựng và hoàn thành Nhà máy điện Yên Phụ, nằm ngay đầu phố Cửa Bắc, dưới chân đê Yên Phụ. Nhà máy điện Yên Phụ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự kiện Toàn quốc kháng chiến năm 1946, bởi đây là nơi phát đi hiệu lệnh tiến công, mở đầu cho toàn quốc kháng chiến. Chiều ngày 19-12-1946, Nhà máy điện Yên Phụ được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, tiến hành nổ mìn nhằm cắt điện, lấy đó là hiệu lệnh báo hiệu cho các nơi trong toàn thành phố Hà Nội phối hợp tiến công địch, mở đầu cho 60 ngày đêm khói lửa của Hà Nội. Mặc dù gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc nhưng hiện nay, Nhà máy điện Yên Phụ đã hoàn toàn bị phá bỏ.

Những dấu ấn vật chất và phi vật chất gắn với Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy cơ khí Hà Nội, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy điện Yên Phụ và những di sản công nghiệp khác đã và đang mất đi không chỉ đơn thuần là sự mất đi của một nhà máy sản xuất, mà là sự mất đi những minh chứng sống động cho những năm tháng lịch sử vừa sản xuất, vừa đấu tranh hào hùng của dân tộc gắn với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Trên thực tế, chuyển đổi là nhu cầu tất yếu của đô thị hiện đại, song sự phá hủy toàn bộ di sản cũ, mất dấu hoàn toàn những giá trị lịch sử gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thực sự là việc làm vô cùng đáng tiếc.

Nguyên nhân của sự biến mất hoàn toàn những di sản này là do chưa có kế hoạch chuyển đổi hợp lý, thiếu định hướng hay kế hoạch bảo tồn các di sản cũ. Sự mất đi hoàn toàn của những công trình đó là bài học lớn về ứng xử với di sản và bảo tồn di sản. Vậy, ứng xử với những di sản công nghiệp còn lại, những nhà máy chưa có kế hoạch chuyển đổi, di dời như thế nào?

Thành phố Hà Nội vẫn còn khá nhiều nhà máy được kiến tạo trong những năm tháng lịch sử ấy, như Nhà máy xe lửa Gia Lâm (năm 1905), Nhà máy bia Hommel (năm 1890), sau đổi tên thành Tổng công ty cổ phần bia, rượu nước giải khát Hà Nội, Nhà máy cao su Sao Vàng (năm 1957), Nhà máy thuốc lá Thăng Long (năm 1957), Nhà máy dệt kim Đông Xuân (năm 1959), Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (năm 1961)... Việc quy hoạch, tái thiết hay tái sử dụng những di sản công nghiệp này thế nào là một vấn đề nan giải đối với các nhà quy hoạch đô thị, các nhà văn hóa và các nhà kinh tế. Với tính chất đặc thù của một đô thị trung ương cộng với quá trình đô thị hóa đang diễn ra “thần tốc”, vấn đề khó khăn với Hà Nội chính là quy hoạch những không gian xanh trong lòng đô thị; những khu sáng tạo nghệ thuật cho đại chúng thay vì những cao ốc bê tông bốn bề là kính cùng với hàng loạt máy móc công nghệ.

Toàn cảnh Nhà máy thuốc lá Thăng Long hiện nay_Nguồn: nguoiduatin.vn

Định hướng bảo tồn và phát huy di sản công nghiệp để phát triển công nghiệp văn hóa cho thành phố Hà Nội

Hiện, thành phố Hà Nội có 117 nhà máy thuộc diện phải di dời, nhưng từ năm 2016 đến nay, Hà Nội mới tiến hành di dời cho 4 nhà máy và vẫn còn 113 nhà máy vẫn nguyên hiện trạng. Một số nhà máy chưa di dời và vẫn còn diện tích khá lớn, như Nhà máy cao su Sao Vàng (diện tích 6,2ha), Nhà máy thuốc lá Thăng Long (6,4 ha), Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (5,7ha), Nhà máy dệt kim Đông Xuân (3ha), Nhà máy cơ khí ô tô 3-2 (1,4ha)... Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII, Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề cao mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa. Năm 2045, Hà Nội có chất luợng cuộc sống cao; kinh tế - xã hội - văn hóa phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế. Với những mục tiêu trên, việc hoàn thiện phương án bảo tồn, tái thiết, thích nghi tái sử dụng những di sản công nghiệp cũ theo hướng bền vững, sáng tạo sẽ góp phần quan trọng trong việc nhận diện thương hiệu thành phố sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.

Muốn vậy, Hà Nội cần xem các di sản công nghiệp cũng là một loại di sản văn hóa và là một trong những nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp và lên phương án đánh giá, phân loại các loại di sản công nghiệp, từ đó có cơ sở để xây dựng phương án bảo tồn cũng như tái sử dụng.

Sau khi phân loại đánh giá, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,...) và các doanh nghiệp để lên phương án chuyển đổi. Dựa trên giá trị di sản thực tế để xây dựng phương án chuyển đổi và bảo tồn phù hợp, có thể giữ lại một phần hoặc toàn bộ; giữ lại một phần và tái hiện lại di sản hay quy trình sản xuất, dây chuyền sản xuất, các loại máy móc hay di sản gắn với đời sống công nhân... Để quy hoạch, tái sử dụng các cơ sở này, Hà Nội có thể xây dựng những mô hình chuyển đổi phù hợp dựa trên kết quả đánh giá, phân loại di sản.

Một là, mô hình chuyển đổi các di sản công nghiệp thành bảo tàng văn hóa công nghiệp.

Trong Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ “Về phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”, nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp: “Đầu tư xây dựng một số bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng chuyên ngành cấp trung ương và địa phương; phát triển bảo tàng ảo”. Do vậy, việc xây dựng một bảo tàng của ngành công nghiệp với những thành tựu công nghiệp gắn với những giai đoạn lịch sử đã qua là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Thành phố Hà Nội đã mất đi nhiều nhà máy, nhiều giá trị lịch sử quan trọng. Tuy nhiên, với những di sản còn lại như Nhà máy xe lửa Gia Lâm hoàn toàn có thể đầu tư, quy hoạch theo mô hình bảo tàng công nghiệp. Theo đánh giá sơ bộ, Nhà máy xe lửa Gia Lâm được xây dựng từ thời Pháp (năm 1905), có thiết kế đẹp, kết cấu chắc chắn, sử dụng các loại vật liệu có độ bền cao, ở đây vẫn còn rất nhiều đầu máy, dây chuyền sản xuất. Với vị trí gần sát cầu Chương Dương, cầu Long Biên, gần khu phố cổ Hà Nội, ngay cạnh Bến xe Gia Lâm và Ga xe lửa Gia Lâm, công trình này có rất nhiều lợi thế để chuyển đổi thành một bảo tàng công nghiệp của Thủ đô Hà Nội.

Hai là, mô hình bảo tàng di sản công nghiệp gắn với con người và ký ức thời gian.

Gắn bó mật thiết với di sản công nghiệp chính là lực lượng công nhân, là linh hồn của hoạt động sản xuất và hiện nay là người lưu giữ ký ức về những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. Muốn tìm hiểu về lịch sử công nghiệp Việt Nam thì bên cạnh bảo tàng công nghiệp, cần bảo lưu những khu dân cư - khu tập thể cũ gắn với đời sống công nhân. Trước đây, hầu hết các nhà máy đều xây dựng khu tập thể cho cán bộ công nhân viên để thuận tiện sản xuất và sinh hoạt, nhưng đến nay, cùng với sự mất đi của nhà máy thì các khu nhà ở công nhân cũng không còn. Lưu giữ, quy hoạch di sản công nghiệp và bảo tồn những khu tập thể cũ còn lại, như Khu tập thể của Nhà máy thuốc lá Thăng Long và Nhà máy cao su Sao Vàng sẽ giúp cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về đời sống công nhân giai đoạn kháng chiến, giai đoạn kinh tế tập trung và giai đoạn đầu đổi mới. Song song với đó, cần có dự án sưu tầm hiện vật gắn với đời sống công nhân, sưu tầm, ghi chép lại những ký ức của họ về giai đoạn họ đã sống và làm việc. Nó sẽ trở thành những di sản tư liệu quan trọng để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống dân tộc, đời sống của thế hệ trước, góp phần giáo dục truyền thống, đồng thời cũng tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa.

Ba là, mô hình chuyển đổi thành các không gian sáng tạo, tổ hợp nghệ thuật sáng tạo.

Các nhà máy cũ có nhiều lợi thế để thiết kế thành các không gian sáng tạo, như có diện tích rộng, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử và đặc biệt là hầu hết đều nằm ở những vị trí đắc địa trong nội thành Hà Nội, như Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Nhà máy cao su Sao Vàng, Nhà máy dệt kim Đông Xuân... Đây là những nhà máy mà quỹ đất ít ỏi còn lại chưa bị phá bỏ để xây dựng các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại hay các khu căn hộ cao cấp. Thay vì xây thêm những công trình xây dựng mới, có thể chuyển những nhà máy này thành những mô hình không gian sáng tạo, tổ hợp sáng tạo như bài học thành công của rất nhiều nước trên thế giới. Việc xây dựng mô hình không gian sáng tạo trên nguồn lực di sản công nghiệp dưới sự quản lý, điều phối của Nhà nước hoặc theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) là hướng đi phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa chung của cả nước; đồng thời, kết hợp mô hình này với việc đẩy mạnh phát triển du lịch. Hơn nữa, với tư cách là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, Hà Nội cần đẩy mạnh việc kết nối các không gian văn hóa thực và ảo trong nước với khu vực và toàn cầu.

Thành phố Hà Nội với vị trí địa - chính trị, địa - văn hóa của cả nước luôn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đồng thời, còn lưu lại dấu ấn đậm nét của văn minh Đại Việt cũng như văn minh công nghiệp giai đoạn sau này. Thành phố Hà Nội có nhiều nguồn lực về văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó di sản công nghiệp có thể xem là một thế mạnh. Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” đã đặc biệt chú trọng đến phát triển công nghiệp văn hóa, xem công nghiệp văn hóa là một mũi nhọn của kinh tế đất nước. Do vậy, việc định hướng quy hoạch, tận dụng nguồn lực di sản văn hóa công nghiệp của Thủ đô sẽ là một cơ hội tốt để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa nhanh và mạnh hơn; cùng với việc hoàn thiện hệ thống không gian sáng tạo, không gian văn hóa - nghệ thuật sẽ góp phần đưa Hà Nội kết nối mạnh mẽ với hệ thống Thành phố sáng tạo toàn cầu theo đúng tinh thần của Đảng, Nhà nước cũng như đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu thành phố Hà Nội lần thứ XVII đề ra./.

-----------------

(1) Minja Yang: “Industrial World Heritage and Global Strategy” (Di sản công nghiệp thế giới và chiến lược toàn cầu), UNESCO World Heritage Centre, 2001, https://whc.unesco.org/archive/ind-study01.pdf

(2) Di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm nhà máy cơ khí Hà Nội, ngày 13-6-2014, https://thanhxuan.hanoi.gov.vn/tuyen-dung-cong-chuc-vien-chuc/-/asset_publisher/HgNzlI7sMGQj/content/di-tich-luu-niem-bac-ho-tham-nha-may-co-khi-ha-noi-nay-la-cong-ty-co-phan-co-khi-ha-noi-