TCCS - Ô nhiễm môi trường gia tăng đang là vấn đề nan giải hiện nay. Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường với sự tham gia tích cực của cộng đồng, các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị và tổ chức xã hội.

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ 1-1-2022. Theo đó, đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Trong năm 2022, với sự đồng hành của các tổ chức xã hội và người dân, thành phố xây dựng, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và nhiều chương trình, kế hoạch với quyết tâm trở thành “điểm đến xanh”, “tọa độ xanh”.

Nằm ở trung tâm của Thủ đô Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có mật độ dân số cao, là đầu mối giao thông quan trọng, điểm dừng chân của khách du lịch khi đến với thành phố Hà Nội, do đó, bảo vệ môi trường được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm được thành phố Hà Nội lựa chọn thí điểm thực hiện nhiều chương trình về bảo vệ môi trường và đều đạt kết quả cao, như việc xóa bếp than tổ ong; chương trình thu gom vỏ sữa học đường, phân loại rác thải, qua đó, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các cháu học sinh. Hoàn Kiếm là quận đầu tiên của thành phố triển khai thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn, chương trình “Xây dựng Trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh”.

Chương trình hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh” và chuỗi hoạt động cộng đồng diễn ra vào ngày 4-6-2022 tại vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) là điểm đến cung cấp cho người dân Thủ đô các thông tin và giải pháp về môi trường xanh thông qua hoạt động chơi và học, nghệ thuật, giao lưu với các tổ chức cung cấp giải pháp môi trường sáng tạo, khả thi. Qua đó, người dân có thể nắm bắt được các giải pháp cụ thể cho vấn đề ô nhiễm môi trường sống, bao gồm: Tương tác cùng tổ chức môi trường, các nhóm thanh niên, doanh nghiệp trong hoạt động cộng đồng chia sẻ và lan tỏa giải pháp bảo vệ môi trường thông qua triển lãm, gian hàng, trưng bày mô hình cộng đồng, như mô hình trường học xanh, phân loại và xử lý rác, triển lãm ảnh về các sáng kiến, giải pháp cải thiện không khí, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm năng lượng và giao thông bền vững. Tham gia các trò chơi tìm hiểu về môi trường tại góc giáo dục. Trải nghiệm và cùng lan tỏa tại các khu vực thử thách xanh. Thưởng thức chương trình âm nhạc và cùng vui chơi tại khu sân chơi.

Ở một góc độ khác, nhằm bảo vệ môi trường, thành phố Hà Nội tích cực triển khai các đề án, công trình áp dụng khoa học - công nghệ, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ để bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả nhất định. Tiêu biểu là các dự án tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ đã được áp dụng thành công, đã xử lý tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng; đã điều tra, khảo sát và lập danh sách 25 điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu;... Việc ứng dụng công nghệ sinh học cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn thành phố. Hiện nay, các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố Hà Nội đang sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt tiêu hủy và xử lý thành mùn hữu cơ...

Đối với vấn đề ô nhiễm không khí, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội triển khai xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025), hoàn thành trong năm 2022, trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ. Sở đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, giao thông, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động đối với các công trình xây dựng vi phạm, không che chắn phát tán khói bụi ra môi trường..., đồng thời, khẩn trương hoàn thiện và vận hành ổn định, liên tục hệ thống quan trắc chất lượng không khí nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho người dân trên địa bàn Thủ đô. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng thành phố Hà Nội kiểm tra các điểm đổ, tập kết chất thải rắn xây dựng và các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình xây dựng có quy mô lớn trên địa bàn các quận. Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm, để phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường và đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội triển khai hiệu quả Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với kết cấu hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.

Việc áp dụng khoa học - công nghệ đã giúp cho thành phố Hà Nội xử lý nhiều vấn đề môi trường. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, vấn đề môi trường vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, như mô hình thùng rác công nghệ, mặc dù hướng tới mục đích tốt đẹp, nhưng sau gần 3 năm triển khai, thùng rác công nghệ chưa được sử dụng hiệu quả; trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội đã thành lập các tổ thu gom rác thải trong thôn, xóm và chở đến đổ tại địa điểm quy định, song đó mới chỉ là bãi chứa rác tạm thời và luôn trong tình trạng quá tải.

Có thể nói, quản lý chất thải rắn là trách nhiệm chung của cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Việc xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư các công trình xử lý và quản lý chất thải rắn là nhiệm vụ cần thiết. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia nghiên cứu triển khai mạnh mẽ các công nghệ mới giúp bảo vệ môi trường. Thành phố Hà Nội đang nhanh chóng cải tiến công nghệ xử lý rác; rác thải phải được xử lý tập trung, xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, như công nghệ đốt phát điện, phế thải, sau đó dùng san lấp, bởi khi rác được đốt, lượng chất thải tro xỉ chỉ còn 10% - 15%, sẽ không tốn quỹ đất cho việc xử lý chất thải.

Có thể thấy, việc áp dụng khoa học - công nghệ trong xử lý những hạn chế, bất cập trong bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu. Để góp phần giải quyết vấn đề này, giải pháp trước mắt là giáo dục, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức tự giác trong việc giảm thiểu chất thải phát sinh tại nguồn, phân loại tốt để hạn chế tối đa các chất thải cần phải tập trung xử lý.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Một là, điều chỉnh các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thành phố cần có chính sách thu hút nguồn “chất xám” của các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời, cần quan tâm đến nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn; có cơ chế gắn kết hoạt động khoa học - công nghệ với địa phương khác quan tâm đến chính sách khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn vào hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hỗ trợ thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra dịch vụ tốt cho các Start-up triển khai hoạt động; có đột phá về chính sách để có thể khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng sẵn có. Cụ thể, thành phố Hà Nội cần tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho hoạt động khoa học - công nghệ bảo vệ môi trường.

Hai là, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân Thủ đô về xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố xanh”, nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; nhiệm vụ bảo vệ môi trường cần có trong tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành.

Ba là, tạo môi trường, chính sách thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn, thuê đất, xã hội hóa, đầu tư... Bố trí vốn đầu tư công thỏa đáng để xây dựng hạ tầng làm nền tảng cho doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường. Nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu về bảo vệ môi trường luôn hài hòa và gắn với mục tiêu phát triển kinh tế. Đẩy mạnh các biện pháp huy động nguồn lực xã hội để tham gia bảo vệ môi trường. Tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, bảo vệ môi trường với các địa phương trong cả nước và các thành phố khác trên thế giới.

Bốn là, tăng cường rà soát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường công tác quản lý đối với chất thải y tế phát sinh, đặc biệt tại các địa phương có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các quận, huyện cần chủ động xử lý hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác quản lý, giám sát của địa bàn đối với các cam kết bảo vệ môi trường. Tăng cường chế tài xử lý vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải rắn nông nghiệp, chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng gây ô nhiễm môi trường không khí; kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân, tập thể có thành tích trong bảo vệ môi trường./.