TCCS - Hơn một thế kỷ trước, trong lúc cách mạng nước ta đang rơi vào bế tắc như “không có đường ra” thì tại nước Nga, dưới sự lãnh đạo thiên tài của lãnh tụ V. I. Lê-nin và Đảng Bolshevik, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Thắng lợi vĩ đại ấy không chỉ “làm rung chuyển” cả thế giới đương đại mà còn tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam từ đó về sau.

V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7-11-1918_Ảnh: Tư liệu TTXVN

1. Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống chống giặc ngoại xâm và yêu nước nồng nàn nên kể từ khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu yêu nước với nhiều xu hướng diễn ra. Tiêu biểu là: Phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa nông dân ở Yên Thế, Phong trào Đông Du, Phong trào Duy Tân… Mặc dù diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ nhưng các phong trào này đã không giành được thắng lợi do lãnh tụ của các phong trào còn hạn chế về nhận thức lịch sử và lập trường giai cấp, chưa có đường lối cứu nước đúng đắn, chưa tập hợp được quần chúng nhân dân để đấu tranh.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến bao nỗi đắng cay, khổ cực của nhân dân, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã nung nấu quyết tâm tìm một con đường mới để cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Song, không giống như cụ Phan Bội Châu, dù đã “Nam bôn, Bắc tẩu, dấu chân in gần khắp nửa châu Á” mà “tự xét thấy chẳng việc gì nên”, để đến khi sức tàn, lực kiệt vẫn ôm mối hận mà than rằng “cuộc đời tôi trăm thất bại chẳng một lần thành công”, Nguyễn Tất Thành không tìm đường cứu nước ở phương Đông lạc hậu, Người quyết định sang Pháp, hướng đến các nước phương Tây để trước hết là tìm hiểu cho rõ những gì đang ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”; xem vì sao các nước phương Tây lại trở nên phú cường, rồi sau đó sẽ trở về giúp đồng bào.

Với cách suy nghĩ táo bạo ấy, Người đã lựa chọn con đường cứu nước theo hướng mới, “hoàn toàn khác” so với các vị tiền bối. Ngày 5-6-1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng đã lên tàu Latouche - Tréville rời Tổ quốc thân yêu, vượt trùng dương đi tìm chân lý cách mạng. Cuộc hành trình trong sáu năm từ châu Á sang châu Âu, châu Phi, Mỹ rồi lại trở về châu Âu năm 1917 đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức và khám phá ra nhiều điều mới mẻ. Tìm hiểu các cuộc cách mạng ở Pháp, Anh, Mỹ, Người cho rằng, đó là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng chưa đến nơi: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(1), nên: Muốn dân tộc được độc lập, muốn nhân dân lao động thoát khỏi thân phận người nô lệ, thì phải làm cách mạng một cách triệt để. Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, không thể thiết lập mô hình nhà nước cộng hòa tư sản, nơi chính quyền chủ yếu thuộc về giai cấp hữu sản. Người chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(2).

Khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi (ngày 7-11-1917), mặc dù chưa biết nhiều về cuộc cách mạng ấy, nhưng “về cảm tính” Nguyễn Ái Quốc nhận thấy mình “có mối tình đoàn kết với cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy”. Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô trực tiếp nghiên cứu về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Xô viết; được tận mắt chứng kiến những thành tựu vĩ đại do Cách mạng Tháng Mười Nga mang lại trên quê hương Xô viết. Bằng sự trải nghiệm thực tiễn, Người đã rút ra kết luận: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(3). Bởi vậy muốn cách mạng thành công thì phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga.

Dù thời gian không dài, song những kiến thức trong những năm tháng ở nước Nga đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc hơn về V. I. Lê-nin và học thuyết cách mạng của Người; về Cách mạng Tháng Mười Nga và những bài học kinh nghiệm quý báu của Nhà nước Nga Xô viết, để từ đó tìm đường trở về Tổ quốc, hoạch định một lộ trình cho công cuộc giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản, bằng sự độc lập, tự chủ và với những cách thức truyền bá hết sức phong phú và đa dạng, dễ gần, dễ hiểu, Nguyễn Ái Quốc đã làm tất cả những gì có thể để truyền bá lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Sản phẩm của quá trình chuẩn bị công phu đó chính là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu tháng 2-1930. Đảng mới ra đời nhưng đã có ngay một Cương lĩnh chính trị đúng đắn, phác thảo những vấn đề cơ bản về chiến lược của cách mạng Việt Nam, thể hiện sự kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước, mở ra thời đại mới cho cách mạng Việt Nam.

2. Xác định đúng đường lối chiến lược giải phóng dân tộc trong bối cảnh lịch sử phức tạp thời đó đã là khó, làm thế nào để đưa tư tưởng của đường lối vào thực tiễn, biến mục tiêu lý tưởng thành hiện thực lại càng khó hơn. Thực tế lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Đảng và nhân dân ta từ năm 1930 đến năm 1975 không phải lúc nào cũng bằng phẳng, chỉ có thuận lợi và thành công; trái lại, đó là sự nghiệp đầy cam go, thử thách, thậm chí có cả những thời điểm phong trào cách mạng bị địch khủng bố và tàn sát dã man, tình cảnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, vận mệnh của Đảng và dân tộc rơi vào tình thế hiểm nghèo tưởng chừng như không thể vượt qua.

Sẽ là không đầy đủ nếu đề cập đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, bảo vệ và thống nhất Tổ quốc mà lại không nhắc đến giá trị của những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng và thể hiện thành công ở Việt Nam. Đó là bài học về chuẩn bị lực lượng cách mạng, liên minh công nông; bài học về nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; bài học về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ; về xây dựng Đảng và chăm lo củng cố chính quyền cách mạng…

Đặc biệt, có một sự tương đồng giữa cách mạng Việt Nam và Cách mạng Tháng Mười Nga. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Xô viết đã làm cho các nước đế quốc hết sức lo lắng. Ngay từ cuối tháng 11-1917, các nước đế quốc đã họp bàn tại Thủ đô Paris (Pháp), âm mưu tiến hành “cuộc thập tự chinh chống cộng” nhằm bóp chết nước Cộng hòa Xô viết non trẻ. Để rồi chính quyền Xô viết trẻ tuổi ấy vừa phải đương đầu với cuộc nội chiến do các thế lực phản động trong nước, vừa phải chiến đấu chống cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc bên ngoài tiến hành, kéo dài trong ba năm kể từ đầu năm 1918 đến cuối năm 1920. Trong cùng một thời điểm phải đương đầu với “thù trong, giặc ngoài” khiến cho mục tiêu giữ vững chính quyền Xô viết trở nên hết sức gay go và khó khăn.

Ở Việt Nam, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng non trẻ đã bị các thế lực đế quốc, phản động bao vây, tấn công. Ở miền Bắc, hai mươi vạn quân Tưởng dưới danh nghĩa quân Đồng minh kéo vào để tước vũ khí quân Nhật, nhưng thực chất là để phá hoại cách mạng Việt Nam, đã gây cho ta nhiều khó khăn. Ở miền Nam, cũng với danh nghĩa lực lượng Đồng minh, hơn một vạn quân đội Anh vào tước vũ khí quân Nhật, nhưng trên thực tế, đế quốc Anh đã giúp thực dân Pháp trở lại chiếm Việt Nam và cả Đông Dương. Quân Nhật đã đầu hàng đồng minh nhưng vẫn còn sáu vạn quân trên đất nước ta. Các thế lực phản động như Việt Quốc, Việt Cách, các lực lượng phản động đội lốt tôn giáo dựa vào thế lực bên ngoài chống phá cách mạng nước ta rất quyết liệt. Trên đất nước ta chưa bao giờ cùng một lúc có nhiều kẻ thù đến như vậy, tuy có những ý đồ riêng và hành động cụ thể khác nhau, song mục tiêu chung của chúng là tiêu diệt chính quyền nhà nước Việt Nam non trẻ. Tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, nền kinh tế vốn đã nghèo nàn lạc hậu lại bị Pháp, Nhật phá hoại, hậu quả chiến tranh nặng nề, đời sống nhân dân khó khăn đặt cách mạng nước ta trong tình thế “Tổ quốc lâm nguy! Vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc”. Chính ở những thời điểm đầy cam go, thử thách ấy, ánh sáng và những bài học sâu sắc về củng cố và giữ vững chính quyền Xô viết của Cách mạng Tháng Mười Nga đã rọi chiếu, thức tỉnh, trở thành nguồn cổ vũ lớn lao để Đảng và nhân dân ta vững bước tiến lên, vượt qua mọi gian lao, thử thách, giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 19-8-1945 (ảnh trái); ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ảnh phải)_Ảnh: Tư liệu TTXVN

3. Hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cũng giống như tình cảnh của nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười, trong khi chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước, hàn gắn những vết thương nghiêm trọng do hai cuộc chiến tranh tàn khốc và kéo dài gây ra thì chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lại ra sức chống phá hòng thủ tiêu thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã phải tốn bao công sức và xương máu mới giành được. Bắt đầu từ việc Mỹ và các nước phương Tây thực hiện bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị đối với Việt Nam, đến cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam rồi biên giới phía Bắc bùng nổ…

Trên thực tế, từ năm 1975 đến năm 1991, chưa một ngày nào chúng ta được sống trong hòa bình thực sự để xây dựng và phát triển đất nước. Những khó khăn do khách quan mang lại, cùng với những sai lầm chủ quan trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đã làm cho tình hình kinh tế - xã hội của nước ta lâm vào khủng hoảng, bắt đầu từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX và kéo dài trong nhiều năm sau đó. Thực tiễn lịch sử đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, vì liên quan tới vận mệnh đất nước, sự tồn vong của chế độ. Nhưng đổi mới thế nào để vừa sửa chữa được những sai lầm, khuyết điểm, vừa bảo đảm chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trụ vững và phát triển. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi mà công cuộc đổi mới do Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) vừa bắt đầu chưa được bao lâu thì phải chịu những chấn động dữ dội từ sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu, Liên Xô - thành trì của cách mạng thế giới, quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong bối cảnh đó, xuất hiện không ít những luồng tư tưởng hoài nghi sự phát triển của cách mạng Việt Nam, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Thậm chí có những người từng vào sinh ra tử trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, cống hiến gần trọn cuộc đời cho lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân thì nay lại hoang mang, dao động, chạy sang hàng ngũ kẻ thù, tiếp tay cho các thế lực thù địch chống Đảng, chống chế độ.

Trong bối cảnh hết sức phức tạp ấy, lý tưởng về một xã hội do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; con người được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân… từ lý luận Mác - Lê-nin, được hiện thực hóa trên đất nước Xô viết sau Cách mạng Tháng Mười Nga, lại tiếp thêm sức mạnh, trở thành nguồn cổ vũ lớn lao để Đảng và nhân dân ta tiếp tục sự nghiệp đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đổi mới nhưng không thay đổi mục tiêu con đường đã chọn. Đây chính là điểm khác nhau cơ bản giữa đổi mới ở Việt Nam với nhiều nước xã hội chủ nghĩa cùng thời. Để tháo gỡ những khó khăn, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiếp tục phát triển theo mục tiêu con đường đã chọn, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin, vận dụng sáng tạo lý luận đó, nhất là Chính sách kinh tế mới (NEP) của V. I. Lê-nin; kế thừa và vận dụng có hiệu quả vào điều kiện cụ thể của Việt Nam những bài học thành công của Đảng và nhân dân Liên Xô trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cũng như trong sự nghiệp dựng xây đất nước, về đổi mới, chỉnh đốn Đảng; mở rộng thực hành dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; dựa vào dân, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân; kết hợp chặt chẽ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa… Nhờ đó, công cuộc đổi mới ở Việt Nam mặc dù diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn, phức tạp nhưng vẫn giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Đất nước phát triển mạnh mẽ sau gần 35 năm đổi mới_Ảnh: Tư liệu

Hơn một trăm năm đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi. Khoảng thời gian ấy không dài so với lịch sử nhân loại, nhưng đủ để chúng ta nhìn nhận, đánh giá khách quan giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga. Điểm lại những nốt thăng trầm của lịch sử Việt Nam trước và sau Cách mạng Tháng Mười Nga, nghĩ về những trang sử chói ngời của đất nước Xô viết qua hai phần ba thế kỷ, chứng kiến những đổi thay của thế giới đương đại và sự điều chỉnh, thích nghi tạm thời nhưng đầy những mâu thuẫn bản chất không thể hóa giải được, báo trước sự tất yếu cáo chung của chủ nghĩa tư bản, chúng ta càng thấm thía những giá trị đích thực mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mang lại cho nhân loại. Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi không chỉ là biểu tượng của khát vọng và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, mà những bài học từ cuộc cách mạng ấy vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay./.

------------------------------

(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr. 296, 292, 304