Ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay

PGS, TS. LƯƠNG THANH HÂN
Chủ nhiệm Khoa Triết học Mác - Lê-nin, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
07:39, ngày 19-08-2020

TCCS - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa dân tộc Việt Nam lên một vị trí mới với những ý nghĩa về chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Cuộc cách mạng ấy đã để lại nhiều giá trị và bài học vô cùng quý giá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay và trong tương lai, mà thế hệ trẻ là những người gánh vác trọng trách quan trọng.

Bước ngoặt cách mạng chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam, đã làm nên một sự kiện “long trời, lở đất”, chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Từ đây, nhân dân Việt Nam đã thật sự làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Với ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc(1).

Ngay từ khi ra đời, ngày 3-2-1930, Đảng ta đã đề ra đường lối đúng đắn với mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp cách mạng là “vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần tích cực vào phong trào cách mạng thế giới”. Vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối. Chỉ trong vòng 15 năm (1930 - 1945), Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh; cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945). Tháng 8-1945, với nghệ thuật lãnh đạo tài tình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chớp thời cơ thuận lợi nhất, lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành “tổng khởi nghĩa, đánh đổ đế quốc phong kiến, thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á… với tinh thần độc lập tự chủ, dựa vào sức mình, chủ động sáng tạo, xóa bỏ xiềng xích nô lệ, tự thay đổi cuộc sống của mình, là thắng lợi mở đầu cho cao trào giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ hai”(2).

Mít tinh của hàng vạn quần chúng nhân dân tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, sáng 19-8-1945, do Mặt trận Việt Minh tổ chức_Nguồn Tư liệu TTXVN

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc. Thực tiễn lãnh đạo của Đảng đã khẳng định rằng, một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ thì đảng có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là hội tụ của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo để “lựa tình thế, chọn thời cơ”, đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo ở tầm chiến lược. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng chứng minh rằng, một dân tộc đất không rộng, người không đông, chưa có nhiều khả năng, tiềm lực về kinh tế, khoa học, quân sự, nhưng nếu có truyền thống nồng nàn yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, cần cù lao động, thông minh, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính thì vẫn có thể làm nên những sự kiện vĩ đại có tầm vóc và đi vào lịch sử của dân tộc và thế giới như một địa chỉ đỏ, một cuộc cách mạng xã hội điển hình ở khu vực và trên thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo bước ngoặt cách mạng sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; là một chế độ xã hội mới mẻ hoàn toàn đối với dân tộc Việt Nam, hiện hữu đầy đủ bản chất dân chủ, nhân văn vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân lao động. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là động lực mạnh mẽ cổ vũ toàn thể dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đưa nước ta phát triển để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay.

Giáo dục giá trị truyền thống của Cách mạng Tháng Tám để cho các thế hệ, mỗi người Việt Nam hiện nay và mai sau nhận thấy công lao trời biển của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ, đồng bào để đổi lấy nền độc lập, tự do của Tổ quốc là một trọng trách to lớn đối với lịch sử. Đồng thời, giáo dục cho mỗi người Việt Nam nhận thức về tính ưu việt, nhân văn, nhân đạo mà Cách mạng Tháng Tám đem lại, ở đó, con người được giải phóng, dân tộc Việt Nam có quyền làm chủ vận mệnh của mình. Giá trị của Cách mạng Tháng Tám là bất diệt, có sức sống trường tồn đối với dân tộc Việt Nam và thế hệ trẻ là những người viết tiếp truyền thống “con Lạc, cháu Hồng” với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm “Tôi yêu Tổ quốc tôi” với thanh niên dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII_Nguồn: baochinhphu.vn

Với ý nghĩa to lớn đó, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là một nội dung đặc biệt quan trọng góp phần thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng ta để mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Nhận thức về ý nghĩa sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với thế hệ trẻ sẽ góp phần làm cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đi vào đời sống, đi vào thực tiễn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nghiên cứu, học tập truyền thống tốt đẹp của dân tộc vừa là bổn phận, vừa là tình cảm với dân tộc của thế hệ trẻ. Theo đó, thế hệ trẻ phải là những người xung kích đem “dòng chảy” truyền thống, hào khí anh hùng của Cách mạng Tháng Tám mãi mãi nhịp bước cùng với sự phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam. Khi giá trị truyền thống đã đi vào con tim, khối óc của thế hệ trẻ, tất yếu nó sẽ là sức mạnh tinh thần, là động lực nội sinh để họ tự tin tiến lên phía trước, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vào thực hiện mục tiêu xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Những nội dung giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ từ giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thứ nhất, giáo dục cho thế hệ trẻ kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Đây là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, trong đó Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được xem điểm xuất phát của một thời kỳ cách mạng mới đấu tranh cho độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thế hệ trẻ Việt Nam là những người viết tiếp những trang sử vàng truyền thống của dân tộc, tiếp nối thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành công xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa, tạo thành dòng chảy liên tục của lịch sử dân tộc.

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trung thành, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để thế hệ trẻ có niềm tin khoa học vững chắc, niềm tự hào dân tộc tiếp thêm động lực đưa cách mạng nước ta đi đến mục tiêu cuối cùng. Thế hệ trẻ cần nhận thức sâu sắc truyền thống dân tộc, những hy sinh, mất mát không gì so sánh được của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ trong đấu tranh cách mạng; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ trong xác định đường lối, phương hướng, mục tiêu cách mạng đúng đắn cùng phương pháp đấu tranh linh hoạt, phù hợp từng thời kỳ cách mạng để đánh đuổi đế quốc, lật đổ chế độ phong kiến tay sai…, từ đó không ngừng đổi mới sáng tạo, phấn đấu vươn lên đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn chứng minh sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào giải quyết vấn đề dân tộc và thuộc địa. Vì thế, cần giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc rằng, để có được thắng lợi vĩ đại đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, đúc kết những kinh nghiệm của cách mạng thế giới để lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho dân tộc Việt Nam và cho đến nay thực tế đã chứng minh đó là con đường duy nhất đúng. Tuy vậy, các phần tử phản động, thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta, thậm chí, một số người đã “trở cờ”, trắng trợn phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Hơn lúc nào hết, thế hệ trẻ cần có bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng noi gương các thế hệ cha anh đi trước, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc Việt Nam, bằng những luận cứ, luận chứng thuyết phục, khẳng định giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam - cuộc cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân để tiến lên một nấc thang mới trong tiến trình phát triển của dân tộc và nhân loại.

Thứ hai, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý thức độc lập và tự cường của dân tộc

Truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý thức độc lập và tự cường của dân tộc được hội tụ và kết tinh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(3). Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay tự hào mang trong mình truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý thức độc lập và tự cường dân tộc. Truyền thống đó là giá trị mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã dày công vun đắp, tạo ra những giá trị bất diệt, là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước. Truyền thống yêu nước đó cần được  thế hệ trẻ hôm nay thể hiện bằng việc ra sức đóng góp công sức, trí tuệ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay luôn tự hào mang trong mình truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý thức độc lập và tự cường dân tộc_Ảnh: tư liệu

Thứ ba, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống đoàn kết dân tộc, lao động sáng tạo của con người Việt Nam

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã cho thấy những giá trị của tinh thần đoàn kết dân tộc, khắc phục khó khăn, cần cù sáng tạo, đồng tâm hiệp lực để đứng lên đấu tranh giành thắng lợi. Trong Cách mạng Tháng Tám, ở thời điểm khó khăn nhất, toàn thể dân tộc Việt Nam đã phát huy tinh thần đoàn kết, nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành lấy chính quyền trong toàn quốc. Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(4). Những giá trị đó hiện nay cần tiếp tục được khơi dậy và nhân lên gấp bội, khi một dân tộc đã đoàn kết một lòng thì sẽ làm được những điều to lớn, phi thường. Sự sáng tạo thể hiện ở tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đánh giá tình hình, phân tích điều kiện khách quan và phát huy nhân tố chủ quan trong việc nhận định những mâu thuẫn, chớp thời cơ cách mạng lãnh đạo nhân dân, kiên trì thực hiện chủ trương “khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa” giành thắng lợi trên phạm vi toàn quốc. Thế hệ trẻ hôm nay cần phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, không ngừng học tập, rèn luyện làm giàu tri thức, sẵn sàng gánh vác trọng trách chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu "đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(5).

Thứ tư, giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần nhân văn, nhân đạo, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo về phương pháp cách mạng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã phản ánh sâu sắc bản chất nhân văn của con người Việt Nam. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tên nhiều nhân sĩ, trí thức, có cả quan chức cấp cao trong triều đình Huế và chính phủ Trần Trọng Kim đã cho thấy bản chất nhân văn, nhân đạo, hòa hiếu “không đối đầu” vì mục tiêu, nhiệm vụ chung của cách mạng, của dân tộc. Đây là bài học lớn cho thế hệ trẻ hôm nay, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế cần ứng xử, giải quyết hài hòa các mối quan hệ với các nước và cộng đồng quốc tế, tăng cường tạo dựng lòng tin, không ngừng nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế của Việt Nam nhằm góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định xây dựng và phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng./.

----------------------------

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 25
(2) Nguyễn Anh Thái (chủ biên): Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr. 314
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 38
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 3
(5) Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Hà Nội, tháng 2-2020, tr. 3