Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 08 đến ngày 14-4-2019

Hồng Ngọc tổng hợp
22:02, ngày 15-04-2019
TCCSĐT - Thí điểm không gửi bản giấy 21 loại văn bản điện tử đã ký số; Thành phố Hồ Chí Minh nhân rộng mô hình khảo sát đánh giá cải cách hành chính; Long An rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; Khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long; Hậu Giang tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; là những tin nổi bật tuần qua.

Thí điểm không gửi bản giấy 21 loại văn bản điện tử đã ký số

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả gửi, nhận văn bản điện tử có ký số giữa các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện ký số tất cả các văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật) giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Chính phủ. 21 loại văn bản điện tử đã ký số, trong đó, văn bản quy phạm pháp luật gồm: Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; văn bản hành chính gồm: Văn bản hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương; Chỉ thị; Quy chế; Quy định; Thông báo; Hướng dẫn; Kế hoạch; Đề án; Dự án; Báo cáo; Tờ trình; Công văn; Công điện; Giấy mời; Phiếu gửi; Phiếu chuyển. Thời gian thực hiện thí điểm từ nay đến hết ngày 10-5-2019.

Báo cáo đánh giá tình hình gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia và việc thực hiện thí điểm gửi nhận văn bản điện tử có ký số thay văn bản giấy về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15-5-2019 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ. Thời gian hoàn thành trước ngày 10-5-2019.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản trong nội bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử có ký số từ ngày 15-5-2019 đến ngày 15-6-2019. Báo cáo đánh giá tình hình gửi, nhận văn bản điện tử và việc thực hiện thí điểm gửi nhận văn bản điện tử có ký số trong nội bộ thay văn bản giấy về Văn phòng Chính phủ trước ngày 20-6-2019.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên giám sát, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ cho phần mềm quản lý văn bản và điều hành hoạt động ổn định; cung cấp thông tin của các cán bộ đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận văn bản điện tử, quản lý, vận hành phần mềm quản lý văn bản điện tử và điều hành để nhận cảnh báo văn bản đến trên Trục liên thông văn bản quốc gia, việc cơ quan chưa nhận văn bản và phản hồi trạng thái về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15-4-2019.

Đồng thời, các đơn vị cung cấp thông tin về tình hình triển khai kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 10-5-2019. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Thời gian dự kiến vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5-2019.

Thành phố Hồ Chí Minh nhân rộng mô hình khảo sát đánh giá cải cách hành chính

 
 Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.

Sáng 11-4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết triển khai thực hiện thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố năm 2018 và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tham dự hội nghị.

Hiện tại việc thí điểm đang được thực hiện tại năm đơn vị, gồm: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận 1, UBND quận 12 và UBND huyện Hóc Môn, với 1.200 mẫu khảo sát được chọn ngẫu nhiên từ danh sách người dân và tổ chức đã hoàn tất giao dịch hành chính trong quý I-2018. Nội dung khảo sát tập trung vào việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ; giá dịch vụ; chất lượng phục vụ và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức khi tiếp xúc người dân và tổ chức.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân hài lòng với thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư là 92%, Sở Xây dựng - 93%, quận 1 -92%, quận 12 - 91%, huyện Hóc Môn - 83%. Tỷ lệ người dân thể hiện không hài lòng đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức huyện Hóc Môn là cao nhất với 17%.

Về mức độ không hài lòng của người dân và tổ chức về những lần trải nghiệm làm thủ tục hành chính công, tỷ lệ không hài lòng đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và UBND quận 1 dao động từ 4-10%. Trong khi đó, quận 12 có tỷ lệ không hài lòng là 12% và huyện Hóc Môn tới 25%. Tại những địa phương này một số người dân, doanh nghiệp không hài lòng vì thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa công khai rõ ràng; quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ chậm, kéo dài mà không có giải thích thỏa đáng; công chức có thái độ chưa tốt, tác phong thiếu chuyên nghiệp.

Trong năm 2019 Mặt trận Tổ quốc thành phố dự kiến sẽ khảo sát mở rộng, thực hiện tại năm đơn vị (Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Cục Hải quan, Cục Thuế); UBND 24 quận, huyện; UBND 319 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là việc làm rất cần thiết và cần mở rộng trong thời gian tới, điều này giúp các quận, huyện có đánh giá tin cậy hơn, từ đó rút ra những kinh nghiệm quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính của thành phố.

Trên cơ sở kế hoạch của Mặt trận, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, cần giảm số lượng khảo sát tại các xã, phường, thị trấn (khoảng 3/4 tổng số phường, xã, thị trấn) và tăng số lượng các sở, ngành; đồng thời, khảo sát tất cả các quận, huyện trên địa bàn. Ngoài ra, kết quả khảo sát cần đối chiếu với đánh giá của Trung ương; so sánh khảo sát của Mặt trận với đánh giá của các sở ngành, quận huyện; số lượng phiếu điều tra, khảo sát được cân nhắc cho phù hợp với dân số thành phố. Các đơn vị, quận huyện chịu trách nhiệm về sự hài lòng của người dân. Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, các nội dung khảo sát nên tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ chưa nhận được sự hài lòng nhiều như cấp giấy phép xây dựng nhà ở, đây là lĩnh vực thường gặp phiền phức, khó khăn.

Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Công tác cải cách hành chính được các cấp chính quyền tỉnh Long An quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, từ năm 2016 - 2018, Long An đã công bố rút ngắn thời gian giải quyết 158 thủ tục hành chính với tổng thời gian cắt giảm so với quy định là 1.052 ngày; kiến nghị Trung ương đơn giản hóa 32 thủ tục hành chính. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo đánh giá của HĐND tỉnh Long An, trong giai đoạn 2016-2018, công tác cải cách hành chính được tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ ở các ngành, các cấp trong tỉnh, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác cải cách thể chế, trọng tâm là soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện cơ bản bảo đảm trình tự, thủ tục, nội dung, chất lượng theo quy định. Việc kiểm tra, rà soát văn bản được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ. Công tác cải cách thủ tục hành chính được chú trọng thực hiện với điểm nổi bật là đưa Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và 15/15 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện đi vào hoạt động, mang lại nhiều tiện ích và hiệu quả. Việc đơn giản hóa, rà soát cắt giảm thời gian thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện thường xuyên.

Việc hiện đại hóa nền hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính được quan tâm thực hiện. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, chứng thư số được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; phần mềm một cửa điện tử được lắp đặt ở tất cả các trung tâm hành chính cấp tỉnh và cấp huyện…

Song song với cải cách thủ tục hành chính, Long An cũng chú trọng việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thông qua việc thực hiện đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đến thời điểm hiện tại, bộ máy hành chính của tỉnh đã giảm được một đơn vị tương đương cấp sở; giảm 64 phòng thuộc cấp sở; 15 đơn vị thuộc UBND cấp huyện. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Long An cũng chú trọng việc tinh giản biên chế, sắp xếp các chức danh không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp với việc giảm 121 đơn vị và hơn 1.000 biên chế viên chức.

Theo UBND tỉnh Long An, nhằm phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác cải cách hành chính. Trong đó, tỉnh chú trọng chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ; thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để chủ động xử lý, điều chỉnh các văn bản thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị điều chỉnh các văn bản thuộc thẩm quyền Trung ương.

Các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, tạo đột phá rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính; tích cực rà soát, đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính; chủ động rút ngắn thời gian giải quyết, phấn đấu cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; phấn đấu trung bình hàng năm có từ 98% trở lên hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn.

Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chất lượng; tập trung thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% so với biên chế giao năm 2015.

Khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long

Ngày 08-4, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long chính thức khai trương tại địa chỉ 12 C, đường Hoàng Thái Hiếu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Hiện Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận và xử lý 1.230 thủ tục hành chính trong tổng số 1.476 thủ tục hành chính cấp tỉnh, giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đưa các thủ tục hành chính còn lại vào Trung tâm tiếp nhận và trả kết quả theo quy định. Các thủ tục hành chính đưa vào Trung tâm đều được quy trình hóa trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến hoàn trả kết quả. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp Bưu điện tỉnh Vĩnh Long triển khai dịch vụ bưu chính công ích trong việc giao, nhận trả kết quả thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Long trong việc thu hộ phí, lệ phí, nhằm kịp thời trả kết quả đến tay cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp một cách nhanh chóng trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung yêu cầu Trung tâm và các sở, ban, ngành liên quan thực hiện đúng phương châm hoạt động đặt ra là: “Công khai - Minh bạch - Trách nhiệm - Đúng luật” và “Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo trong đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính”. Đây được xem như bước đột phá trong cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp đến giao dịch. Đồng thời, nghiên cứu hiện đại hóa hoạt động của Trung tâm trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm dịch vụ công để giải quyết trực tuyến mức độ 3 hoặc 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Nhà nước; tiếp nhận và xử lý trực tuyến các kiến nghị vướng mắc về thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để giải quyết nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Đối với các thủ tục hành chính đang thực hiện tại các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục rà soát để đưa các thủ tục hành chính có đủ điều kiện tiếp nhận tại Trung tâm.

Hậu Giang tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian tới, tỉnh tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh bằng cách tiếp tục đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số người dân (SIPAS). Đồng thời, tỉnh tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo; tổ chức tốt công tác đối thoại, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hậu Giang tăng cường sự công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc cho các nhà đầu tư, nhất là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh công bố rộng rãi, đầy đủ và kịp thời thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực…

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; đẩy mạnh việc cấp phép điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Ông Phạm Văn Tửu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính còn một số hạn chế làm ảnh hưởng công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh của tỉnh. Đó là lãnh đạo một số đơn vị chưa thật quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin. Người dân còn tâm lý e ngại trong việc gửi hồ sơ trực tuyến, chưa tin tưởng vào dịch vụ của các cơ quan nhà nước cung cấp, vẫn muốn đến gặp trực tiếp để được hướng dẫn thủ tục.

Do vậy, thời gian tới, lãnh đạo các đơn vị là người tiên phong và chịu trách nhiệm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ đạo quyết liệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo an toàn thông tin và xây dựng chính quyền điện tử tại đơn vị. Cùng với đó, lãnh đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc ký số online trên hệ thống; chỉ đạo các bộ phận chuyên môn rà soát, cập nhật thông tin đầy đủ trên cổng/trang thông tin điện tử; cổng dịch vụ công, hoàn chỉnh các thủ tục liên thông để tổ chức thực hiện./.