TCCSĐT - Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 16 đến 18-4. Trước thềm chuyến thăm, dư luận cũng như truyền thông Cộng hòa Séc rất mong đợi, đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm, đồng thời đánh giá cao thành tựu phát triển của Việt Nam.

Truyền thông Cộng hòa Séc đưa tin đậm nét về chuyến thăm

Truyền thông Cộng hòa Séc đưa tin về chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới nước này, trong đó nhấn mạnh tới ý nghĩa thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Trang vlada.cz của Chính phủ Séc đưa tin Văn phòng Chính phủ Séc thông báo, ngày 17-4, Thủ tướng Séc Andrej Babis sẽ chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời nhấn mạnh một trong những nội dung trọng tâm của cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng là thảo luận tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, trong đó Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ tạo điều kiện thúc đẩy trao đổi thương mại song phương.

Hai Thủ tướng sẽ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp và đầu tư Séc-Việt. Đây là cuộc gặp lần thứ hai giữa hai thủ tướng sau cuộc gặp bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, vào tháng 01-2019.

Trước đó, trang www.cvs-praha của Hội Hữu nghị Séc-Việt đã đăng bài viết với tiêu đề “Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Cộng hòa Séc,” trong đó nhấn mạnh Chủ tịch danh dự Marcel Winter, Chủ tịch Milos Kusy cùng lãnh đạo Hội Hữu nghị Séc-Việt bày tỏ vinh dự và vui mừng được gặp Thủ tướng Việt Nam.

Điều này thể hiện sự trân trọng của Việt Nam đối với những nỗ lực trong suốt 22 năm qua của Hội Hữu nghị Séc-Việt trong việc ủng hộ và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở Séc hội nhập vào xã hội sở tại cũng như phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Séc.

Trang parlamentnilisty.cz của Nghị viện Séc đăng bài viết với tiêu đề “Tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Séc và Việt Nam,” trong đó nhấn mạnh hai nước có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Bài báo nhấn mạnh, trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng được tăng cường, nhất là thông qua chuyến thăm Việt Nam tháng 6-2017 của Tổng thống Séc Milos Zeman và chuyến thăm Séc tháng 4-2017 của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân.

Quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước đã tạo đà phát triển hợp tác song phương, trong đó có lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Séc coi Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống và tiềm năng, là cầu nối để xuất khẩu sản phẩm của Séc sang thị trường ASEAN.

Đáng chú ý, trong Chiến lược Xuất khẩu quốc gia 2012-2020 của Séc, Việt Nam được xếp vào danh sách 12 thị trường ưu tiên (nước duy nhất trong ASEAN).

Hai bên thường xuyên tiến hành các cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, gần đây nhất là cuộc họp lần thứ 6 tại Hà Nội vào tháng 4-2018 nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Thời gian qua, giao dịch thương mại giữa hai nước tăng liên tục ở mức trên 15%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2018 đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 2 lần so với năm 2013.

Việt Nam đã xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, hoa quả, chè, cao su, hải sản, giày dép, dệt may, thủ công mỹ nghệ....

Trong khi đó, Séc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như điện tử, máy móc, hóa chất, các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, cơ khí...

Là thành viên của EU, Séc có thế mạnh và sẵn sáng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo máy, khai khoáng, công nghệ chế biến thực phẩm, nông sản, sản xuất bia.

Thời gian tới, Séc và Việt Nam có điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong bối cảnh EVFTA chuẩn bị được ký kết, phê chuẩn và đi vào thực hiện.

Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của EU, trong đó có Séc, đầu tư lâu dài tại Việt Nam cũng như gia tăng xuất khẩu sang thị trường Việt Nam với các mặt hàng máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, phương tiện vận tải...

Việt Nam cũng sẽ gia tăng xuất khẩu sang EU các sản phẩm giày, dép, dệt may, nông sản nhiệt đới, thủy sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng công nghiệp.

EVFTA sẽ tạo cơ hội để Việt Nam và Séc nói riêng, cũng như EU nói chung tiếp cận thị trường của nhau một cách hiệu quả, cải thiện thể chế và gia tăng dòng chảy thương mại kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực cùng phối hợp với EU sớm xử lý vấn đề đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý (IUU) để tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang EU.

Bài báo kết luận, Séc luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác quan trọng và là cửa ngõ để tăng cường hợp tác với ASEAN.

Hiện nay nền kinh tế Việt Nam và Séc tiếp tục tăng trưởng ở mức cao và cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Điều đó sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Ca ngợi Việt Nam là mô hình phát triển thành công

Ngày 08-4, trang halonoviny.cz của Séc đã đăng bài viết với tiêu đề "Việt Nam: Mô hình phát triển thành công," đánh giá sau hơn 40 năm kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển đất nước và được cộng đồng quốc tế xem là mô hình phát triển thành công.

Theo bài báo, sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã phải đối mặt với khó khăn trong 10 năm do hậu quả của chiến tranh để lại.

Tình hình bắt đầu được cải thiện kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách “Đổi mới” vào năm 1986, với việc định hướng tư duy mới được áp dụng trong nền kinh tế và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ nhất, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã thành công trong cải cách kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Từ sau những năm 1990, GDP của Việt Nam đã tăng gần gấp 3 lần và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định liên tục với khoảng 7,5% mỗi năm.

Thậm chí, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng. Năm 2018, mặc dù nhiều biến động kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 7,08%.

Với lợi thế về tính linh hoạt của nền kinh tế và giá nhân công rẻ cùng với chính sách khuyến khích cạnh tranh và thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và an ninh xã hội được đảm bảo.

Thực tế, hơn 1/3 trong tổng số các khoản đầu tư trong xã hội ở Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa và các mục tiêu tương tự khác.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới thành công trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, đáp ứng các yêu cầu của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs).

Trước khi bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam là 58%, song cho đến nay con số này đã giảm xuống còn dưới 6%.

Thứ ba, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Với chính sách đối ngoại đa phương và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, kể từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977 đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 180 nước cũng như có quan hệ thương mại với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Việt Nam đã thể hiện sự chủ động và tích cực trong công tác hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết, thực thi 12 Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 4 Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, trong đó có những Hiệp định rất quan trọng như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Việt Nam phê chuẩn từ cuối năm 2018 hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hiện đang được Nghị viện châu Âu xem xét để ký và phê chuẩn...

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã tổ chức rất thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132(IPU-132), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017(APEC 2017), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26(APPF-26)…

Mới đây nhất, việc Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã thể hiện uy tín và vị thế trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Bài báo kết luận những thành tựu trong hơn 30 năm qua chứng tỏ sự lựa chọn và quyết định của Việt Nam đi theo con đường đổi mới là đúng đắn, hợp lý và Việt Nam được xem là một mô hình thành công.

Điều đó tạo nền tảng căn bản và cơ sở vững chắc cho con đường phát triển nước Việt Nam độc lập và hội nhập thành công hơn nữa trong tương lai.

Dư luận tại Séc mong đợi chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam

Ông Milos Kusy, Chủ tịch Hội hữu nghị Séc-Việt cho biết dư luận Séc rất hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Theo ông Kusy, trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) chuẩn bị hoàn thiện, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa rất quan trọng trong thương mại và kinh doanh vì có thể thỏa thuận thêm được những vấn đề xuất nhập khẩu không chỉ giữa Việt Nam và Séc mà còn cả với EU.

Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển sự hợp tác giữa hai nước, vấn đề không chỉ là kinh tế mà còn có cả văn hóa, do đó chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa cũng như kinh tế của nhau.

Bên cạnh đó, phía Séc hiện đang rất cần nhiều lao động, đặc biệt là lao động Việt Nam, chuyến thăm lần này sẽ làm mới hoặc thay đổi các điều kiện để lao động Việt Nam có thể sang Séc làm việc cũng như tham gia vào thị trường lao động của Séc.

Cũng theo ông Kusy, nhân chuyến thăm này hai bên có thể nhất trí về vấn đề cấp visa cho người Séc sang Việt Nam du lịch và phía Séc tạo điều kiện cấp visa từ Việt Nam sang Séc trong vòng 17 ngày nhằm hỗ trợ cho phát triển thương mại, kinh tế, đặc biệt khi ký kết hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên.

Ngoài ra, điều này cũng tạo điều kiện cho rất nhiều người Séc đã sang Việt Nam và muốn quay trở lại thăm Việt Nam, cũng như những người Việt từng học tập, lao động tại Séc cũng muốn sang Séc thăm lại những nơi mình từng có nhiều kỷ niệm quí báu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Séc rất vui mừng, phấn khởi chờ mong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt, bởi vì điều này góp phần nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới về mọi mặt.

Đặc biệt cộng đồng người Việt tại Séc cũng quan tâm đến sự hợp tác về kinh tế giữa hai nước nhân chuyến thăm lần này để bà con trong cộng đồng có thể đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và Séc.

Chuyến thăm cũng cho thấy đây là tình cảm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam đối với cộng đồng người Việt tại Séc và bà con coi đây là “tình cảm thực sự của quê hương, đất mẹ.” Do đó, bà con cũng rất phấn khởi, hồ hởi, chuẩn bị những ý kiến đóng góp, đồng thời mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải thích và chia sẻ thêm thông tin về thực tế đất nước đối với bà con người Việt Nam sống tại châu Âu.

Ông Nguyễn Duy Nhiên khẳng định cộng đồng người Việt là sợ dây trung gian nối mối quan hệ hai đất nước. Từ lâu, mỗi người Việt sinh sống và học tập tại Séc cũng chính là nhà ngoại giao nhân dân để nối kết tình đoàn kết và nâng cao quan hệ ngoại giao hai nước.

Hội người Việt Nam tại Séc coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mình, chính vì vậy Hội đã tích cực tăng cường quan hệ với chính quyền các tỉnh, các thành phố, Quốc hội, Chính phủ và Nhà nước Séc, qua đó góp phần hiểu biết hơn các bạn Séc và ngược lại, các chính khách Séc hiểu hơn về Việt Nam. Đây cũng là điều kiện để Hội có thể đề đạt những nguyện vọng của người Việt, đồng thời là cầu nối cho mối quan hệ lâu dài.

Nhân chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội người Việt Nam tại Séc mong muốn, ngoài việc tạo điều kiện để cộng đồng người Việt hội nhập sâu rộng hơn và cho thế hệ thứ hai giữ gìn được bản sắc, văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, cộng đồng người Việt ở Séc cũng như ở châu Âu rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực của Chính phủ Việt Nam nhằm giữ gìn và duy trì hình ảnh đẹp của người Việt trong con mắt của bạn bè thế giới./.