Chủ quyền quốc gia của Nga nhìn từ Thông điệp Liên bang năm 2020
TCCS - Một trong những công lao lớn và quan trọng hàng đầu của Tổng thống V. Putin sau 20 năm cầm quyền là làm thất bại mưu toan của một số thế lực ở phương Tây ngăn chặn nước Nga phát triển như một quốc gia có chủ quyền. Những đề xuất của Tổng thống V. Putin trong Thông điệp Liên bang lần thứ 16 về sửa đổi Hiến pháp là các biện pháp tiếp theo nhằm củng cố và khẳng định chủ quyền quốc gia của nước Nga.
Tổng thống Nga V. Putin đọc Thông điệp Liên bang tại Trung tâm triển lãm quốc tế Manezh (Moscow, Nga), ngày 15-1-2020 _Nguồn: AP
Trong những ngày qua, dư luận quốc tế đưa ra nhiều nhận định khác nhau về ý nghĩa hàm chứa trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga V. Putin ngày 15-1-2020. M.Tirkikh, Tổng Biên tập Tạp chí “Nghiên cứu luật Exlegis” nhận định, bản Thông điệp này có ý nghĩa như là “sự phân chia lại quyền lực trên thế giới”(1). Alecxander Rogers - nhà báo và là nhà hoạt động xã hội Nga, chuyên gia phân tích chính trị và kinh tế - lại cho rằng, với bản Thông điệp đó, Tổng thống V. Putin đang tiến hành “cuộc cách mạng từ thượng tầng kiến trúc”(2). Còn bài bình luận trên trang mạng xã hội “Komitet GosBez” lại nhận định rằng, bản Thông điệp lần thứ 16 của Tổng thống V. Putin có ý nghĩa như là “chiến lược phục hưng” nước Nga(3). Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng nhất và cũng dễ nhận thấy nhất của bản Thông điệp là nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia của nước Nga trong Hiến pháp của Nga và định hướng phát triển đưa nước Nga trở thành cường quốc kinh tế trong 20 năm cầm quyền của Tổng thống V. Putin.
Chủ quyền quốc gia là một khái niệm thiêng liêng, được khẳng định rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc. Là một trong những quốc gia sáng lập Liên hợp quốc sau khi đã đóng vai trò quyết định cứu loài người thoát khỏi thảm họa phát-xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai, lẽ ra Nga phải là quốc gia có quyền chủ quyền và được tôn trọng hơn bất cứ thành viên nào trong cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, ngay từ thời Chiến tranh lạnh, Mỹ và một số nước phương Tây không chỉ thực hiện chiến lược nhằm làm tan rã Liên bang Xô viết mà còn không để cho nước Nga tồn tại như một quốc gia có chủ quyền(4).
Theo William Engdahl - chuyên gia nghiên cứu chính trị nổi tiếng ở Mỹ - các chính quyền Mỹ đã che đậy một thực tế là, đối với một bộ phận chủ chốt trong chính giới ở Washington như Lầu Năm Góc, tổ hợp công nghiệp - quân sự, các nhà thầu quân sự, các tập đoàn tài chính - công nghiệp, thì Chiến tranh lạnh vẫn chưa kết thúc sau khi Liên Xô tan rã mà vẫn được tiếp diễn dưới những hình thức chiến tranh khác nhằm chống phá Nga(5). Theo đó, một số thế lực cầm quyền ở Mỹ đã cài hai “quả bom nổ chậm” ngay trong lòng nước Nga. Quả “bom nổ chậm” thứ nhất là “liệu pháp sốc” do các cố vấn kinh tế Mỹ đã tư vấn cho chính quyền mới ở Moscow nhằm tư nhân hóa ồ ạt nền kinh tế Nga trong giai đoạn 1991 - 1999. Chính “liệu pháp sốc” này đã đẩy Nga lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và gần như đã đánh mất quyền tự chủ kinh tế của mình vào tay các “tỷ phú sau một đêm” khi đó đã hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của giới tài phiệt Mỹ. Quả “bom nổ chậm” thứ hai là các cố vấn pháp lý đến từ Washington, tư vấn cho chính quyền mới ở Moscow soạn thảo bản Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua vào năm 1993(6).
Vì thế, thành quả lớn nhất của Tổng thống V. Putin sau 20 năm cầm quyền là khẳng định chủ quyền quốc gia của Nga. Về kinh tế, Tổng thống V. Putin lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội có sự quản lý của nhà nước. Theo mô hình đó, Nga tiến hành quốc hữu hóa nhiều lĩnh vực kinh tế và khoa học - công nghệ then chốt. Về chính trị, Tổng thống V. Putin từng bước đẩy lùi các tập đoàn tài phiệt của Nga ra khỏi bộ máy quyền lực ở Moscow, đồng thời giành quyền kiểm soát quyền lực trên toàn liên bang. Về an ninh, Tổng thống V. Putin đã tiến hành cuộc cải cách trên quy mô lớn các lực lượng vũ trang Nga, tạo lập thế cân bằng chiến lược với Mỹ và Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời tiến hành phát triển thành công và đưa vào trang bị một số loại vũ khí hiện đại, đưa nước Nga trở thành cường quốc có ảnh hưởng ngày càng lớn trên thế giới.
Trong Thông điệp Liên bang năm 2020, Tổng thống V. Putin nhấn mạnh, Nga là một quốc gia có chủ quyền và quyền chủ quyền - đó là yếu tố vô điều kiện. Theo Tổng thống V. Putin, nước Nga đã làm được rất nhiều việc để khôi phục sự thống nhất đất nước và chấm dứt tình trạng một số chức năng quyền lực nhà nước bị chiếm đoạt bởi các tập đoàn “gia đình trị”. Hiện nay, cần phải tiếp tục đổi mới kinh tế - xã hội và sửa đổi hiến pháp để tạo dựng hệ thống chính trị ổn định, vững chắc, tin cậy, độc lập, không thể bị tổn thương do tác động từ bên ngoài nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia của Nga. Đây là điều kiện nhất thiết phải có để phát triển bền vững đất nước và bảo vệ lợi ích của nước Nga(7).
Tổng thống V. Putin khẳng định, nước Nga hiện nay không cần chạy đua vũ trang với bất kỳ quốc gia nào mà vẫn có tiềm lực quốc phòng mạnh hơn bao giờ hết, đủ khả năng vô hiệu hóa mọi nguy cơ xâm lược để bảo đảm môi trường hòa bình và an ninh nhằm tập trung phát triển đất nước. Đồng thời, nước Nga đã trở lại vũ đài chính trị thế giới như một quốc gia có chủ kiến mà các nước không thể không tính đến. Với vị thế đó, Nga đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm chống lại chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc lịch sử về Chiến tranh thế giới thứ hai và về vai trò của Liên Xô trong cuộc đấu tranh nhằm tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nước Nga khẳng định chủ quyền quốc gia của mình. Trên cơ sở đó, Tổng thống V. Putin đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong Hiến pháp của Liên bang Nga nhằm tiếp tục khẳng định Nga là một quốc gia có chủ quyền, trong đó tự do, nhân quyền, phẩm giá của con người và hạnh phúc của nhân dân là những giá trị cao quý nhất.
Khoản 4 Điều 15 của Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua năm 1993 quy định: “Những nguyên tắc và tiêu chuẩn pháp lý quốc tế đã được thừa nhận cùng với các hiệp ước quốc tế mà Nga ký kết cũng là bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật của Nga. Nếu hiệp ước quốc tế do Liên bang Nga ký kết quy định những điều luật khác với luật pháp Nga thì sẽ áp dụng các điều luật của hiệp ước quốc tế”(8). Với những quy định này, chủ quyền quốc gia của Nga đã bị hạ thấp. Do đó, Tổng thống V. Putin đề nghị sửa đổi nội dung điều khoản này như sau: “Những yêu cầu của luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế, cũng như các quyết định của các cơ quan quốc tế chỉ có thể có hiệu lực trên lãnh thổ Nga một khi chúng không hạn chế các quyền lợi và quyền tự do của công dân Nga, không mâu thuẫn với Hiến pháp Liên bang Nga”(9). Đề xuất của Tổng thống V. Putin về những sửa đổi này trong Hiến pháp Liên bang Nga nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia của Nga trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây không ngừng đơn phương đưa ra các quyết định nhằm chống phá Nga. Như sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014, Mỹ và các nước phương Tây đơn phương áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế, hoàn toàn trái với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thậm chí loại Nga ra khỏi Nhóm các nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G8) và Hội đồng châu Âu.
Khoản 1 Điều 62 của Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: “Theo luật pháp liên bang hoặc hiệp ước quốc tế, công dân Liên bang Nga có thể có quốc tịch nước ngoài (quốc tịch kép)”. Khoản 2 Điều 62 quy định: “Việc các công dân Nga có quốc tịch nước ngoài sẽ không hạn chế quyền và quyền tự do của họ, cũng không loại bỏ trách nhiệm công dân Nga của họ nếu không có những quy định khác trong luật pháp liên bang hoặc trong hiệp ước quốc tế mà Liên bang Nga đã ký kết”(10). Về những điều khoản này, Tổng thống V. Putin đề xuất sửa đổi để bảo đảm an ninh quốc gia và chủ quyền của đất nước. Nội dung sửa đổi là: “Các công dân Nga là những người đứng đầu các chủ thể của Liên bang Nga, các thành viên Hội đồng Liên bang, đại biểu Hạ viện Nga, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng Liên bang, người đứng đầu các cơ quan hành pháp và tư pháp liên bang khác không được có quốc tịch nước ngoài, không được có giấy phép cư trú hoặc bất kỳ loại giấy tờ nào khác cho phép họ cư trú thường xuyên trên lãnh thổ một quốc gia khác”. Riêng đối với những người muốn ra tranh cử Tổng thống Liên bang Nga, Tổng thống V. Putin đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn, theo đó những người đó phải cư trú thường xuyên trên lãnh thổ Nga không dưới 25 năm, không có quốc tịch nước ngoài hoặc giấy phép cư trú ở quốc gia khác không chỉ trong thời gian tham gia bầu cử mà còn cả những thời gian trước đó(11). Những đề xuất sửa đổi này trong Hiến pháp của Nga có ý nghĩa như là “quốc hữu hóa” giới tinh hoa chính trị của Nga.
Nội dung sửa đổi này trong Hiến pháp Liên bang Nga nhằm hiến định Đạo luật được thông qua ngày 14-7-2006 cấm các quan chức trong các cấp chính quyền của Nga có quốc tịch thứ hai hoặc quyền định cư ở nước ngoài. Do Đạo luật này đã không được thực thi nghiêm nên tính đến ngày 14-5-2019 vẫn có nhiều quan chức cấp cao trong bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nga có quốc tịch thứ hai hoặc quyền định cư ở nước ngoài và nhiều quan chức khác của Chính phủ, Quốc hội Nga cũng có quyền tương tự(12). Theo nhận định của Anatoli Zyganov, Phó Giáo sư Khoa Chính trị thế giới (Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow), Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự, thuộc Viện Nghiên cứu chính trị - quân sự của Nga, một khi các quan chức cao cấp trong hệ thống chính trị của Nga có quốc tịch hoặc quyền định cư ở nước ngoài thì họ sẽ không làm việc và hành động vì lợi ích của nước Nga nữa mà sẽ vì lợi ích cá nhân của chính họ(13). Lợi dụng điểm này, trong Đạo luật cấm vận Nga của Quốc hội Mỹ đã đưa ra các biện pháp đe dọa đóng băng tài khoản của các quan chức trong hệ thống chính trị của Nga nếu họ không hành động chống lại Tổng thống V. Putin(14).
Ngoài ra, Tổng thống V. Putin còn đề xuất bổ sung một số nội dung trong Hiến pháp Liên bang Nga, theo đó tăng thêm quyền lực và trách nhiệm cho Quốc hội Nga trong việc lựa chọn các thành viên nội các và hạn chế một số quyền lực của Tổng thống nhằm xây dựng một hệ thống chính trị cân bằng quyền lực giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp theo thể chế nghị viện - tổng thống. Theo Tổng thống V. Putin, với lãnh thổ rộng lớn, cấu trúc lãnh thổ quốc gia phức tạp, với tính đa dạng của truyền thống văn hóa và lịch sử, nước Nga không thể phát triển bình thường nếu tồn tại dưới hình thức chế độ cộng hòa đại nghị đơn thuần mà phải là một quốc gia theo thể chế cộng hòa - tổng thống mạnh mẽ. Theo đó, Tổng thống Nga cần phải giữ quyền xác định các nhiệm vụ và ưu tiên hoạt động của Chính phủ, cũng như quyền bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng trong trường hợp thực thi nhiệm vụ không đúng hoặc làm mất niềm tin; quyền lãnh đạo trực tiếp các lực lượng vũ trang và toàn bộ hệ thống thực thi pháp luật(15).
Tổng thống V. Putin (trái) bổ nhiệm nội các mới do ông Mikhail Mishustin (phải) làm Thủ tướng _Nguồn: AP
Ngay sau khi kết thúc Thông điệp Liên bang lần thứ 16, Tổng thống V. Putin chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Dmitry Medvedev và bổ nhiệm nội các mới do ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng. Theo tuyên bố của ông D. Medvedev, nội các từ chức nhằm tạo điều kiện cho Tổng thống V. Putin tiến hành cải cách hệ thống chính trị. Trước mắt, nhiệm vụ của nội các mới sẽ thực hiện các định hướng phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống V. Putin. Còn về lâu dài, nội các mới sẽ đưa Nga phát triển nhanh hơn và bền vững hơn, mặc dù nước Nga vẫn bị Mỹ và một số nước phương Tây cấm vận(16). Với những cải cách đó, Nga sẽ tiếp tục phát triển bền vững cả về kinh tế và chính trị, tạo tiền đề cho sự chuyển giao quyền lực êm thấm vào năm 2024 khi đương kim Tổng thống V. Putin sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp theo quy định của Hiến pháp Liên bang Nga./.
--------------------
(1) Послание Путина как часть Большого Передела Мира, https://cont.ws/@SirMaxMerfie/1560641
(2) Послание Путина революция сверху, https://putin-news.ru/7948-poslanie-putina-revolyuciya-sverhu.html
(3) Послание о Возрождении России или Ренессанс, который объявил Владимир Путин, https://cont.ws/@KGB/1557638|
(4) Владимир Лисичкин, Леонид Шелепин. Третья мировая информационнопсихологическая война, https://www.ozon.ru/context/detail/id/1369111/
(5) William Engdahl. Full Spectrum Dominance: Totalitarian Democracy in the New World Order”, https://www.globalresearch.ca/full-spectrum-dominance-totalitarian-democracy-in-the-new-world-order/14046
(6)Владимир Лисичкин, Леонид Шелепин. Третья мировая информационнопсихологическая война. Tldd.
(7) Послание Президента Федеральному Собранию, http://kremlin.ru/events/president/news/62582
(8) Конституция Российской Федерации, http://www.constitution.ru/
(9), (10), (11) Послание Президента Федеральному Собранию, Tlđd
(12) Агенты или гастарбайтеры - как относиться к чиновикам с двойным гражданством в правительстве России?, https://bazaistoria.ru/blog/43381642388/Agentyi-ili-gastarbayteryi-kak-otnositsya-k-chinovikam-s-dvoynyi?utm_referrer=mirtesen.ru
(13) Лицам с двойным гражданством запретили занимать ряд государственных должностей, https://psmirnova1.livejournal.com/309668.html
(14) H.R.3364-Countering America's Adversaries Through Sanctions Act, https://www.congress.gov/bill/115th-congress/house-bill/3364/text
(15) Послание Президента Федеральному Собранию, Tlđd
(16) Ключевое назначение в правительстве не сам Мишустин, https://cont.ws/@russkiy-malchik/1564244