TCCS - Trong bốn năm qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm quyền, chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có sự điều chỉnh theo hướng cứng rắn, trực diện hơn; đồng thời, mang tính hợp tác, liên kết rõ nét hơn nhằm mục tiêu bất biến là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Trong đó, một trong những biểu hiện căn bản là chính sách của Mỹ đối với các đồng minh “trụ cột” tại đây.

Định hướng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tăng cường an ninh quốc gia Mỹ

Đến nay, chiến lược này thể hiện rõ cách thức mà chính quyền của Tổng thống D. Trump lựa chọn khi đặt “Nước Mỹ trên hết”, nhất là trong việc bảo đảm an ninh quốc gia. Chiến lược xác định Mỹ trở lại cạnh tranh chiến lược dài hạn, mục tiêu được xác định nhằm đối diện với các thách thức an ninh, bảo vệ lãnh thổ Mỹ, duy trì sức mạnh quân sự, bảo đảm cán cân sức mạnh ở những khu vực then chốt, thúc đẩy một trật tự quốc tế có lợi nhất cho an ninh và sự phồn thịnh của Mỹ. Trong các mục tiêu đó, Mỹ chú trọng duy trì ưu thế quân sự, cán cân sức mạnh có lợi cho Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trên thực tiễn, sự thành công của chiến lược phụ thuộc vào sự đầu tư liên tục của Mỹ: Thứ nhất, hiện đại hóa và tái bố trí quân đội Mỹ, tăng cường tính linh hoạt, tính sẵn sàng của lực lượng quân sự liên minh. Theo đó, phối hợp với các nước đồng minh trong việc thiết lập triển khai lực lượng quân sự tiền đồn của Mỹ ở khu vực không chỉ về số lượng mà còn cả về chất lượng nhằm tăng cường sức mạnh răn đe và nâng cao trạng thái sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với “đối thủ mạnh”. Thứ hai, tăng cường và mở rộng quan hệ đồng minh an ninh trong khu vực. Mỹ nhận thức tầm quan trọng của việc mở rộng năng lực hành động chung với các nước đồng minh trong bối cảnh Mỹ không thể duy trì ưu thế sức mạnh tuyệt đối. Một cấu trúc với các vòng tròn đồng tâm của hệ thống an ninh khu vực của Mỹ đã được triển khai, trong đó vòng trong cùng là các nước đồng minh song phương của Mỹ, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan là hệ thống “trục” truyền thống. Thứ ba, thúc đẩy xây dựng một khu vực kết nối và tích hợp mạnh hơn. Các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực là nền tảng kết nối.

Tổng thống D. Trump thăm Trại Bonifas ở Hàn Quốc, chuẩn bị cho cuộc gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu Phi quân sự liên Triều, ngày 30-6-2019 _Nguồn: AP

Như vậy, Mỹ xác định hệ thống liên minh khu vực là một trong những trụ cột quan trọng của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Báo cáo Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của đồng minh trong việc đáp trả các mối đe dọa và mở rộng lợi ích chung. Tháng 6-2019, Mỹ đã công bố Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đánh dấu chiến lược châu Á - Thái Bình Dương phiên bản mới. Theo đó, Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan về cả mặt chính trị lẫn an ninh - quân sự.

Về hợp tác chính trị, thời gian qua, chính quyền của Tổng thống D. Trump đã thúc đẩy quan hệ chính trị của Mỹ với các nước ở tần suất cao. Sau khi Tổng thống D.Trump lên nắm quyền, Mỹ và Nhật Bản tiến hành nhiều cuộc tọa đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Tháng 11-2017, Tổng thống D.Trump đã có chuyến công du tới Nhật Bản, khẳng định lịch sử 60 năm phát triển quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh và sự thịnh vượng của hai nước. Đối với Hàn Quốc, tháng 11-2017, Tổng thống D. Trump thực hiện chuyến thăm tới nước này, đàm phán về vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, về việc xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu. Tháng 6-2019, chuyến thăm của Tổng thống D. Trump đến Hàn Quốc một lần nữa khẳng định liên minh Mỹ - Hàn Quốc đóng góp vào việc thúc đẩy xây dựng trật tự khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đối với Philipines, Thái Lan - những đồng minh và thị trường quan trọng của Mỹ - chính quyền của Tổng thống D. Trump thể hiện những động thái nhằm khôi phục quan hệ với hai nước này sau một thời gian có dấu hiệu giảm sút. Tháng 10-2017, theo lời mời của Tổng thống D. Trump, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã thăm Mỹ. Tháng 8-2017, Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson lần đầu tiên thăm Đông Nam Á, thể hiện sự coi trọng đối với khu vực này. Tháng 11-2017, Tổng thống D. Trump thăm Đông Nam Á, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Về hợp tác an ninh - quân sự, Chiến lược Quốc phòng Mỹ tháng 1-2018 chỉ rõ mục tiêu trong chính sách đối với các đồng minh của Mỹ, đó là: 1- Củng cố quan hệ với các nước đồng minh và với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành một cấu trúc an ninh liên kết có khả năng ngăn chặn hành động xâm lược, duy trì ổn định và bảo đảm tự do tiếp cận các môi trường chung; 2- Các liên minh của Mỹ tiếp tục cung cấp sự hiện diện của Mỹ tại khu vực thông qua hỗ trợ một hệ thống hậu cần và căn cứ quân sự vốn có của Mỹ tại đây; 3- Tăng cường và phát triển các liên minh thành một mạng lưới mở rộng có khả năng răn đe và hành động quyết đoán để ứng phó với những thách thức chung trên thế giới (1). Trên cơ sở đó, hợp tác an ninh song phương tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu. Đối với quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản, hai bên chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm của đồng minh, hoạt động quân sự ở nước ngoài, phối hợp phòng thủ ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vốn là khu vực tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc... Bên cạnh đó, Mỹ ủng hộ Nhật Bản nâng cao năng lực quân sự, từng bước tăng cường cơ chế điều phối an ninh với Nhật Bản (tần suất các hoạt động đàm phán cấp cao về ngoại giao và quân sự được tăng cường với cơ chế Hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản, Hội đàm Ủy ban đàm phán bảo đảm an ninh Mỹ - Nhật Bản (hay còn gọi là cơ chế “2+2”). Ngoài ra, Mỹ thúc đẩy hợp tác về kỹ thuật và thương mại quân sự với Nhật Bản, coi trọng huấn luyện và diễn tập liên hợp giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản.

Hợp tác an ninh Mỹ - Hàn Quốc tập trung vào giải pháp đối với vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Hai nước tiến hành các cuộc tập trận chung, ký kết thỏa thuận mới về chia sẻ chi phí quốc phòng cho quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Nhằm thúc đẩy thỏa thuận trao trả Quyền Chỉ huy thời chiến cho quân đội Hàn Quốc (OPCON), Mỹ và Hàn Quốc ký kết Phương châm phòng thủ liên hợp sau khi chuyển giao OPCON, trong đó quân đội Mỹ tiếp tục đồn trú tại Hàn Quốc, bảo lưu Bộ Chỉ huy liên quân Mỹ - Hàn Quốc. Ngoài hợp tác song phương, hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc cũng được nâng cao. Mỹ không ngừng thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng ba nước nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Về hợp tác chia sẻ thông tin tình báo quân sự, tháng 11-2016, Mỹ thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết Hiệp định bảo vệ thông tin mật quân sự; đồng thời, ba nước tiến hành cuộc diễn tập chung “Con Rồng Thái Bình Dương”. Cơ chế đối thoại quốc phòng ba nước cũng được thực hiện thường xuyên. Trong các năm 2017, 2018, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ba nước được tổ chức, triển khai các nội dung hợp tác như chia sẻ thông tin tình báo, điều phối chính sách cấp cao và các lĩnh vực khác…

Hợp tác giữa Mỹ với hai đồng minh Philippines, Thái Lan phần nào được khôi phục, quan hệ hợp tác quân sự thể hiện trên các phương diện. Mỹ và Philippines từng bước tiến hành sửa đổi nội dung Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines với điểm mới là Hiệp ước này được áp dụng bao gồm cả khu vực Biển Đông. Điều này có nghĩa là khi quân đội hoặc chủ quyền của Philippines liên quan đến khu vực Biển Đông bị đe dọa thì Mỹ có nghĩa vụ cung cấp các nội dung phòng thủ. Quan hệ với Thái Lan được duy trì ổn định. Trong năm tài khóa 2016 - 2017, Mỹ viện trợ quân sự cho Thái Lan 5 triệu USD.

Triển vọng tăng cường liên minh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ trong thời gian tới

Quan hệ của Mỹ đối với các đồng minh trong thời gian qua được củng cố, tăng cường và tái khẳng định. Xu hướng duy trì, điều chỉnh liên minh của Mỹ giai đoạn này thể hiện một số đặc điểm nổi bật:

Một là, về vị trí và vai trò của đồng minh trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ. Các quốc gia đồng minh tiếp tục được chính quyền Mỹ coi là tiền đồn chiến lược để Mỹ duy trì vai trò bá quyền trong khu vực. Đơn cử như, Nhật Bản vẫn là “hòn đá tảng” trong hệ thống đồng minh của Mỹ, là “xương sống” trong cấu trúc an ninh châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản là nhân tố hết sức quan trọng không chỉ bởi nước này là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, có tiềm lực tài chính và công nghệ hàng đầu trong số các đồng minh của Mỹ, mà còn là quốc gia có thực lực quân sự, có khả năng hỗ trợ Mỹ trong nhiều lĩnh vực khi triển khai quân đội và mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn khu vực. Hàn Quốc cũng vẫn là “chiếc neo chiến lược” đối với sự có mặt của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á...

Hai là, về mục tiêu xác định mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ trong khu vực. Đặc điểm này cũng chính là mục tiêu nhắm đến khu vực trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi Mỹ đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh cần được kiểm soát và giải quyết. Đối với Hàn Quốc, quan hệ đồng minh của Mỹ lúc này nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh trong khu vực, nhất là sự ổn định an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Về vấn đề này, với Nhật Bản, Mỹ nhấn mạnh mục tiêu đối phó với Trung Quốc, bảo đảm an ninh trong các tranh chấp xung đột lãnh thổ. Là quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, Philippines giữ vai trò tiền tiêu trong đối phó với yếu tố ảnh hưởng tới lợi ích an ninh hàng hải, cũng như vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực. Ngoài ra, quốc gia này còn đóng góp vào nỗ lực chống khủng bố toàn cầu của Mỹ khi Đông Nam Á là địa bàn mà các phần tử cực đoan, khủng bố nhắm tới.

Ba là, về mức độ cam kết an ninh của Mỹ trong hiệp ước đồng minh. Đặc điểm này được thể hiện rõ nét, đó là sự phụ thuộc vào cái “ô bảo trợ an ninh” của Mỹ, nhất là sự bảo đảm của một quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân (Mỹ) để bảo vệ một quốc gia đồng minh không sở hữu vũ khí hạt nhân (như Nhật Bản, Hàn Quốc...). Cùng với đó là những cam kết bảo vệ an ninh đối với các đồng minh của Mỹ, cụ thể là Mỹ tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện lực lượng quân sự Mỹ tại những quốc gia này, hỗ trợ huấn luyện nâng cao khả năng tác chiến, khả năng hiệp đồng của các lực lượng quân đội quốc gia, thúc đẩy vai trò hội nhập với các thể chế khu vực và thế giới.

Bốn là, về tính chất của quan hệ đồng minh. Trong giai đoạn này, quan hệ đồng minh của Mỹ có sự thay đổi về chất. Đặc điểm “bất đối xứng” của mối quan hệ đồng minh của Mỹ đã được điều chỉnh, quan hệ chuyển từ lãnh đạo một chiều của Mỹ chuyển sang hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác đối đẳng song phương. Các nước đồng minh của Mỹ phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong chia sẻ những vấn đề khu vực và quốc tế. Có thể thấy như, vai trò của Nhật Bản trong quan hệ đồng minh với Mỹ được tăng cường, đó là Mỹ đồng ý mở rộng phạm vi hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng cho Nhật Bản, tức là nước này có quyền chủ động hơn trong tham gia phòng thủ tập thể, xây dựng lực lượng quân đội chính quy. Hàn Quốc trở thành “đồng minh chiến lược toàn cầu” của Mỹ, được trao vai trò lớn hơn, trách nhiệm quan trọng hơn. Phạm vi liên minh hợp tác rộng hơn, không chỉ trong khu vực mà còn mở rộng ra toàn cầu, trong cả lĩnh vực an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Mỹ không còn đóng vai trò là “người cho” mà đã có sự chia sẻ trách nhiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc trong gánh vác các vấn đề khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh một số điều chỉnh đã đạt được phần nào kết quả, chính sách của Mỹ đối với các đồng minh còn bộc lộ một số hạn chế, thách thức tới triển vọng quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh ở khu vực:

Vai trò tập hợp lực lượng về an ninh của liên minh nổi bật hơn nhưng vẫn nghi ngờ về tính bền vững.

Việc tập hợp lực lượng về an ninh của Mỹ ở khu vực thúc đẩy chuyển đổi mô hình mạng lưới đồng minh, một mặt giúp hỗ trợ Mỹ khi thực lực của Mỹ được đánh giá có phần suy yếu; mặt khác, giúp gia tăng ảnh hưởng an ninh của Mỹ. Chính quyền của Tổng thống D. Trump tăng cường hợp tác mở rộng nguồn lực chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù vai trò của hợp tác an ninh giữa Mỹ và các nước đồng minh ở khu vực được thúc đẩy, song do vẫn còn bất đồng trong mục tiêu chiến lược nên thái độ của những nước này đối với việc tăng cường quan hệ với Mỹ lại khác nhau.

Kể từ khi Tổng thống D. Trump lên nắm quyền, sự điều chỉnh chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ khiến mức độ tín nhiệm của đồng minh đối với Mỹ giảm sút, nhất là khi bối cảnh sự phân hóa giữa an ninh và kinh tế không có lợi cho sự phát triển lâu dài của quan hệ đồng minh. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực năng động nhất trong nền kinh tế thế giới hiện nay. Chính vì vậy, các nước trong khu vực coi hợp tác kinh tế là cơ hội phát triển. Các nước này phải lựa chọn sách lược hướng nội “tự lực cánh sinh” hoặc sách lược hướng ngoại “ứng phó rủi ro” trước tính khó lường, biến động của tình hình an ninh khu vực, thế giới. Các nước không chỉ tính đến lợi ích an ninh mà còn phải cân nhắc lợi ích về kinh tế. Những nước này vừa muốn tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ nhằm có được sự bảo trợ về an ninh, vừa duy trì quan hệ với Trung Quốc - một đối tác lớn về kinh tế, thương mại. Trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, những nước này mong muốn tìm kiếm vị trí có lợi, thực thi chiến lược cân bằng nhằm làm giảm tình thế khó xử phải “chọn bên”, do đó khó hoàn toàn đi theo Mỹ, nhất là đối sách đối với Trung Quốc nhằm đề phòng rủi ro nhất định trong lĩnh vực an ninh cũng như kinh tế.

Từ trái sang phải: Tổng thống D. Trump, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản, năm 2019 _Ảnh: Tư liệu

“Tính tự chủ” chiến lược của các nước đồng minh bộc lộ rõ nét hơn khi cần tối đa hóa lợi ích quốc gia khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc phát triển các mối quan hệ này theo ý đồ chiến lược của mình.

Nguyên nhân là bởi thời gian qua, Mỹ đã có những yêu cầu trách nhiệm lớn hơn từ các nước đồng minh, điều này phần nào làm suy giảm mức độ tin cậy của các nước này với Mỹ trong thực hiện cam kết bảo đảm an ninh khu vực. Chính quyền của Tổng thống D. Trump thực thi chính sách ngoại giao mang tính thực dụng hơn, cân nhắc hơn giữa chi phí và rủi ro, tức là một mặt cần sự ủng hộ chiến lược của các đồng minh; mặt khác, muốn chia sẻ bớt trách nhiệm cho đồng minh. Đơn cử như việc Mỹ yêu cầu đồng minh gánh vác chi phí quốc phòng lớn hơn (năm 2019, Mỹ yêu cầu Nhật Bản tăng gấp 4 lần chi phí quốc phòng dành cho quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản. Tương tự, Mỹ yêu cầu Hàn Quốc gánh vác ít nhất 4 tỷ USD cho quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc). Điều này dẫn tới việc các nước đồng minh ở khu vực và Mỹ có những bất đồng trong việc đạt được sự đồng thuận. Cùng với đó, khi thực lực của Mỹ suy yếu và chiến lược thu hẹp, Mỹ dựa nhiều hơn vào các đồng minh khi “đùn đẩy” trách nhiệm cho đồng minh, thúc đẩy quan hệ từ mô hình “phụ thuộc” sang mô hình “hỗ trợ lẫn nhau”, tính tự chủ của các nước đồng minh có phần thay đổi.

Một yếu tố quan trọng nữa đó là sự thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của Mỹ trong tương quan nước lớn tại khu vực. Những nước đồng minh này vẫn tỏ ra thận trọng trong việc đón nhận sự quan tâm của Mỹ. Sự thận trọng này bắt nguồn từ sự tin cậy thực sự vào vai trò, trách nhiệm của Mỹ, đặc biệt là vai trò và thực lực của Mỹ trong tương quan so sánh với Trung Quốc về mặt dài hạn. Hầu hết các quốc gia Đông Á, bao gồm cả các quốc gia Đông Nam Á đều thận trọng giữa sự hoan nghênh chính sách hướng trọng tâm về khu vực của Mỹ; đồng thời, cũng không muốn “mất lòng” Trung Quốc, nhất là trong quan hệ kinh tế, thương mại với quốc gia này. 

Ngoài ra, sự phân cực trong khu vực tuy mới bắt đầu hình thành, nhưng ngày càng trở nên sâu sắc, phức tạp, chủ yếu xoay quanh trục Mỹ - Trung Quốc. Nhìn từ góc độ kinh tế, Trung Quốc đang dần thay thế Mỹ với tư cách là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhìn từ góc độ an ninh, Mỹ vẫn đóng vai trò chi phối, với mạng lưới đồng minh trải rộng khắp khu vực. Tuy nhiên, những bạn hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực lại chính là các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc. Vậy liệu Mỹ hay Trung Quốc sẽ là nước “dẫn dắt” khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai. Đây là một câu hỏi lớn và vì vậy, các nước trong khu vực vẫn thực hiện một chiến lược ngoại giao thận trọng đối với cả hai bên.

Lập trường, quan điểm của giới cầm quyền Mỹ và của các nước đồng minh trong tăng cường quan hệ hợp tác thời gian tới.

Thách thức này được đặt ra trong bối cảnh nước Mỹ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Sau mỗi cuộc bầu cử tổng thống, nước Mỹ lại chứng kiến “tuyên bố tranh cử” đặc trưng của mỗi vị tổng thống. Đây là “bản sắc” của mỗi đảng cầm quyền, là truyền thống trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, dù đảng nào nắm chính quyền sau năm 2020, tiếp cận theo góc nhìn nào, nước Mỹ vẫn có chung cách nhìn nhận về thế giới do Mỹ lãnh đạo, cho dù hiện nay Mỹ đã có sự chia sẻ về trách nhiệm cũng như cần sự hợp tác qua lại giữa các nước và khu vực trong các vấn đề quốc tế. Và để tiếp tục đạt được mục tiêu vì sự thịnh vượng của nước Mỹ, nắm chắc vai trò lãnh đạo thế giới, giới lãnh đạo Mỹ sẽ vẫn nhận thức tầm quan trọng của các đồng minh tại khu vực để lấy đó làm điểm tựa thuận lợi hơn cho Mỹ trong cách ứng xử với thế giới. Có khác chăng chỉ là ở những điểm ưu tiên khác nhau theo quan điểm của mỗi đảng phái cầm quyền trong những chính sách áp dụng đối với các nước thân cận của Mỹ.

Trên thực tế, vai trò của đảng phái chính trị trong việc hoạch định đường lối đối ngoại là không thể phủ nhận. Nền chính trị Mỹ trong nhiều năm qua tuy có sự tham gia của nhiều đảng phái, nhưng hai lực lượng chủ chốt vẫn là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Đảng Dân chủ nhìn chung ủng hộ hợp tác quốc tế, phản đối chủ nghĩa đơn phương và tăng chi tiêu quốc phòng đối ngoại. Đảng Cộng hòa cho rằng, Mỹ nên dựa vào uy thế quân sự vượt trội để lãnh đạo thế giới, Mỹ cần một nền an ninh mạnh dựa trên mối quan hệ tin cậy, giữ quyền tự do hành động và không nhất thiết quá phụ thuộc vào các hiệp định, hiệp ước quốc tế. Đây sẽ là định hướng cách ứng xử của Mỹ đối với các nước đồng minh và đối tác của Mỹ trong thời gian tiếp theo.

Còn nhìn từ phía các nước đồng minh, đơn cử việc thay đổi lãnh đạo của đồng minh Nhật Bản. Dưới thời Thủ tướng Nhật Bản S. Abe, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản được đánh giá là một trong những thời kỳ tốt đẹp nhất. Và ngay cả khi Thủ tướng Nhật Bản S. Abe tuyên bố từ chức do vấn đề sức khỏe, hai nước liên tục có cuộc tiếp xúc nhằm khẳng định quan hệ hai bên. Ngày 31-8-2020, Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản T. Motegi, thảo luận về mối quan hệ an ninh song phương, đặc biệt là các nỗ lực nhằm duy trì trật tự dựa trên các quy tắc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước đó cùng ngày, Thủ tướng S. Abe đã có cuộc điện đàm với Tổng thống D. Trump, tái khẳng định sức mạnh của liên minh Mỹ - Nhật Bản. Tuy nhiên, dưới thời kỳ của tân Thủ tướng Nhật Bản Y. Suga, đường hướng chính sách của Nhật Bản đối với Mỹ dường như sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với lợi ích trong nước và quốc tế của nước này cho dù tân Thủ tướng Y. Suga được coi là “cánh tay phải” của cựu Thủ tướng S. Abe. Do đó, Mỹ cũng phải tính đến sự thay đổi, thích nghi từ cả hai phía trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản trong thời gian tới.

Hay trường hợp của Philippines. Dưới thời Tổng thống Philippines B. Aquino, quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines không ngừng được tăng cường. Tuy nhiên, đến tháng 6-2016,  khi Tổng thống R. Duterte lên nắm quyền, quan hệ đồng minh hai nước có phần bị suy yếu. Thậm chí mới đây, tháng 2-2020, Tổng thống R. Duterte tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) năm 1998 với Mỹ. Do vậy, cho dù tháng 6-2020, Tổng thống R. Duterte đã quyết định lại sẽ tiếp tục thực hiện Thỏa thuận VFA với Mỹ, tuy nhiên, khi xuất hiện các bất đồng chính trị, sự hoài nghi về quan hệ đồng minh của Philippines đối với Mỹ, chính quyền mới của Mỹ sẽ phải tính tới các giải pháp nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của một liên minh, cũng như cân bằng lợi ích của cả hai bên./.

---------------------

U.S. Department of Defense: “Summary of the 2018 National Defense Strategy of The United States of America, Sharpening the American Milirary’s Competitive Edge”, https://dod.defense.gov/Portals/1/Documents/ pubs/2018-National-Defense-Strategy-Summary.pdf