Xu hướng ngoại giao số trong kỷ nguyên mới và một số hàm ý chính sách

PGS, TS Bùi Thành Nam - Nguyễn Ngọc Cương
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
11:43, ngày 13-07-2025

TCCS - Thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên số” (digital age). Tất cả quốc gia, lĩnh vực của đời sống xã hội đều chịu sự chi phối mạnh mẽ của kỷ nguyên  số. Kỷ nguyên số mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các thực thể trong quan hệ quốc tế, đòi hỏi tính tích cực trong hoạt động đối ngoại của các quốc gia. Ngoại giao số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong một thế giới mà không gian ảo đang ngày càng phát triển, đan xen và tác động mạnh mẽ đến không gian thực.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngày 12-11-2024 _Ảnh: TTXVN

Nội hàm ngoại giao số và đặc điểm của kỷ nguyên số

Các quan điểm định hình nội hàm ngoại giao số

Kể từ đầu thế kỷ XXI, ngoại giao kỹ thuật số (digital diplomacy, sau đây còn gọi là ngoại giao số) đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong tổng thể chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia. Mặc dù đến nay còn nhiều cách tiếp cận về “ngoại giao số”, song có thể thấy, có ba dòng quan điểm chủ đạo về ngoại giao số: Một là, các quan điểm ra đời sớm, ở giai đoạn đầu mới xuất hiện các hoạt động ngoại giao số, thường là nhóm quan điểm coi kỹ thuật số như một công cụ của ngoại giao truyền thống; hai là, các quan điểm cho rằng, ngoại giao số là một hình thức của ngoại giao công chúng; ba là, nhóm quan điểm tập trung vào khía cạnh phát triển và khả năng phát triển của ngoại giao số.

Bên cạnh đó, mặc dù đến nay vẫn còn nhiều cách tiếp cận về ngoại giao số, song thông qua xem xét các cách tiếp cận và nghiên cứu đi trước, có thể bước đầu hình dung rằng ngoại giao số là việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số và công nghệ thông tin vào quá trình triển khai hoạt động ngoại giao, bao gồm việc giao tiếp, trao đổi thông tin và xây dựng quan hệ quốc tế. Ngoại giao số không chỉ dừng lại ở việc sử dụng mạng xã hội hay công cụ trực tuyến để truyền đạt thông điệp, mà còn bao gồm nhiều vấn đề khác, như hoạt động hợp tác kỹ thuật số giữa các quốc gia, giải quyết vấn đề xuyên biên giới liên quan đến công nghệ, bảo đảm an ninh mạng, quyền riêng tư, bảo mật thông tin trên phạm vi quốc gia và toàn cầu...

Đặc điểm của kỷ nguyên số

Thuật ngữ “kỷ nguyên số” đã sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Theo Liên hợp quốc, công nghệ số đang phát triển nhanh hơn bất kỳ sáng tạo nào trong lịch sử loài người. Dữ liệu được thế giới tạo ra và lưu trữ trong vòng 5 năm trở lại đây được cho là lớn hơn toàn bộ dữ liệu loài người tạo ra trước đó(1). Kỷ nguyên số với những đặc điểm, tính chất mới, có mức độ tác động sâu rộng chưa từng có đến tất cả khía cạnh đời sống quốc tế, từ chính trị, kinh tế đến an ninh, văn hóa, xã hội,... Có thể khái quát đặc điểm nổi bật của kỷ nguyên số, bao gồm:

Quá trình chuyển đổi số toàn cầu làm thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển của xã hội. Số hóa và tự động hóa dẫn đến chuyển đổi từ dữ liệu tài liệu (ảnh, video, âm thanh...) vật lý sang dữ liệu số. Việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) và tự động hóa sẽ thay thế công việc thủ công. AI ngày càng được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực y tế, tài chính, giáo dục, marketing,... Dữ liệu lớn (Big data) và phân tích dữ liệu giúp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, dự đoán xu hướng và cá nhân hóa trải nghiệm người sử dụng. Internet vạn vật (IoT) với sự ra đời ngày càng tân tiến của các thiết bị thông minh kết nối internet, như điện thoại thông minh (smartphone), tivi thông minh (smart TV), ngôi nhà thông minh (smart home), phương tiện tự lái,... giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giám sát từ xa và nâng cao trải nghiệm người sử dụng. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) và tiền mã hóa (cryptocurrency) với khả năng tạo ra hệ thống giao dịch minh bạch hơn sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực tài chính, hậu cần, y tế, quản lý danh tính... Từ đó, doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số để tồn tại và phát triển dẫn đến sự thay đổi trong mô hình kinh doanh, cùng với sự “bùng nổ” của mô hình nền kinh tế chia sẻ (Uber, Airbnb...), thương mại điện tử (Amazon, Shopee...), dịch vụ số (Netflix, Spotify...).

Bên cạnh đó, kỷ nguyên số cũng tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về văn hóa và xã hội. Cùng với sự phổ biến của các ứng dụng công nghệ, như Zoom, Microsoft Teams, Google Classroom,... có thể dẫn đến sự bùng nổ của mô hình làm việc từ xa (remote work) và học tập trực tuyến. Mạng xã hội ảnh hưởng đến lối sống, cách giao tiếp và tiêu dùng của con người. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa có thể thay đổi cơ cấu việc làm, yêu cầu kỹ năng mới.

Định hình một không gian ảo ở quy mô toàn cầu, có khả năng kết nối mạnh mẽ, vượt ra khỏi giới hạn địa lý, ngày càng đan xen chặt chẽ với không gian thực và không còn chịu sự kiểm soát hoàn toàn của các chính phủ. Không gian ảo đó có ngày càng nhiều thực thể tham gia: các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, tiêu biểu như Liên hợp quốc, Nhóm G-20(2), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC),... ngày càng tích cực thúc đẩy thảo luận và hợp tác về các vấn đề nảy sinh trong trong thời kỳ kỷ nguyên số, như an ninh mạng, thương mại số,... để tiến đến ký kết các điều ước quốc tế về quản lý không gian mạng và công nghệ số; các tập đoàn công nghệ lớn, như Google, Apple, Facebook, Amazon, Tencent, Alibaba,... không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, mà còn cả chính trị toàn cầu. Một số tập đoàn công nghệ thậm chí có sức mạnh ngang tầm hoặc vượt qua nhiều quốc gia về năng lực kiểm soát dữ liệu và thông tin.

Các vấn đề trong không gian số thúc đẩy cả hợp tác và xung đột trong quan hệ quốc tế. Công nghệ số giúp quốc gia, tổ chức và cá nhân kết nối với nhau nhanh chóng, vượt qua giới hạn địa lý, thúc đẩy hợp tác liên quốc gia giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng công nghệ số cũng làm gia tăng mối đe dọa an ninh mạng, tấn công mạng vào kết cấu hạ tầng, đánh cắp dữ liệu và can thiệp bầu cử, yêu cầu ngày càng cao về bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ quyền riêng tư. Trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để tạo tin giả, thao túng dư luận, gây ảnh hưởng đến chính trị thế giới và quan hệ quốc tế. Do đó, an toàn thông tin và bảo mật mạng cũng thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa các quốc gia.

Mặt khác, không gian mạng trở thành chiến trường mới, nơi các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Các nước chạy đua cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ cao, như AI, điện toán lượng tử và mạng 5G... Tranh chấp về dữ liệu và chủ quyền số giữa các quốc gia ngày càng căng thẳng. Các quốc gia đều nỗ lực đề ra chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân và chủ quyền số, như Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU), Luật An ninh mạng của Trung Quốc, Luật An ninh mạng của Ô-xtrây-li-a, Luật cơ bản về an ninh mạng của Nhật Bản... Chiến tranh trên không gian mạng trở thành vấn đề nổi cộm trong an ninh phi truyền thống.

Có thể thấy, các quốc gia hợp tác để phát triển công nghệ mới, nhưng cũng cạnh tranh quyết liệt trong không gian số. Các quốc gia có nền tảng công nghệ mạnh, như Mỹ, Trung Quốc, EU có lợi thế trong quan hệ quốc tế. Các nước đang phát triển phải tìm cách tận dụng công nghệ số để không bị tụt lại phía sau. Xu hướng thành lập các liên minh công nghệ, như Hiệp định Đối tác Kinh tế kỹ thuật số (DEPA), Liên minh AI,... có thể được coi như những hình thức tập hợp kiểu mới trong kỷ nguyên số. Tất cả có thể dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu quyền lực quốc tế.

Kỷ nguyên số mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn cho quan hệ quốc tế. Các quốc gia không chỉ phải thích ứng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, mà còn cần xây dựng hệ thống luật lệ, hợp tác để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững trong một thế giới ngày càng số hóa.

Xu hướng của ngoại giao số trong kỷ nguyên mới

Các yếu tố tác động đến ngoại giao số trong kỷ nguyên mới

Trong thời gian tới, kỷ nguyên số được dự báo sẽ tác động toàn diện đến sự vận động của thế giới, cũng như từng quốc gia, doanh nghiệp, người dân,... Trong đó, nổi bật là sự gia tăng vai trò của thực thể phi nhà nước. Tổ chức phi chính phủ (NGOs), tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn, tổ chức hoạt động về chính trị - xã hội và cá nhân có ảnh hưởng (influencers) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị quốc tế. Các thực thể này sử dụng nền tảng kỹ thuật số để gây ảnh hưởng đến quyết định chính trị và ngoại giao. Vì thế, trong hệ thống chính trị quốc tế đang diễn ra sự dịch chuyển của quyền lực và thông tin. Trước đây, thông tin liên quan đến ngoại giao thường bị kiểm soát bởi cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ số, khả năng kiểm soát thông tin có xu hướng được chia sẻ giữa cơ quan, tổ chức công quyền và một số thực thể khác. Sự thay đổi này đòi hỏi ngoại giao thích ứng với bối cảnh mới, khi thông tin được chia sẻ công khai và nhanh chóng. Điều này dẫn đến sự cần thiết phát triển các chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, trong đó có vai trò của ngoại giao số để tương tác với những nhân tố này.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới đang tích cực, chủ động triển khai chiến lược, chính sách về hội nhập quốc tế, chú trọng thúc đẩy kinh tế số và các thỏa thuận, thương mại quốc tế thế hệ mới. Mỹ là quốc gia đi đầu về đầu tư cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trung Quốc đặt mục tiêu tham vọng trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Hầu hết quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đều có chiến lược ở cấp quốc gia để phát triển kinh tế số, như chiến lược “Wawasan Brunei 2035” của Bru-nây; các kế hoạch, lộ trình phát triển hạ tầng số, thương mại điện tử và doanh nghiệp số của In-đô-nê-xi-a; tầm nhìn công nghệ thông tin năm 2030 của Lào; chiến lược “Ma-lai-xi-a số” của Ma-lai-xi-a; hoạt động của Ủy ban phát triển kinh tế số của Mi-an-ma; chiến lược số quốc gia của Phi-líp-pin; kế hoạch trở thành một quốc gia thông minh đi đầu thế giới về công nghệ thông tin - truyền thông của Xin-ga-po; kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số của Thái Lan giai đoạn 2014 - 2034(3). Ở cấp độ khu vực, hội nhập số cũng từng bước được thúc đẩy. Năm 2019, ASEAN ban hành một số văn bản liên quan đến hội nhập số, như Chương trình hành động khung hội nhập số giai đoạn 2019 - 2025 và Chỉ số hội nhập số ASEAN (ADII) theo đề xuất của Việt Nam năm 2020.

Biến động của chính trị quốc tế trong kỷ nguyên số cũng diễn ra nhanh chóng và liên tục, được dự báo sẽ tác động sâu sắc đến sự phát triển và triển khai của ngoại giao số theo nhiều cách thức khác nhau.

Một là, thúc đẩy hoặc kìm hãm quá trình số hóa ngoại giao. Căng thẳng địa - chính trị giữa các cường quốc, như Mỹ - Trung Quốc, Nga - phương Tây,... có thể thúc đẩy một số quốc gia đầu tư mạnh hơn vào nền tảng ngoại giao số để truyền bá quan điểm của mình, đồng thời cản trở hợp tác số giữa các nước đối lập. Các quốc gia có quan hệ đồng minh chặt chẽ có thể tăng cường hợp tác ngoại giao số, như chia sẻ dữ liệu, phối hợp truyền thông trên nền tảng số.

Hai là, chiến tranh thông tin và ngoại giao công chúng số. Các cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột (Nga - U-crai-na, I-xra-en - Ha-mát) đã dẫn đến việc sử dụng ngoại giao số như một công cụ để tranh giành ảnh hưởng dư luận toàn cầu. Trong bối cảnh căng thẳng, các quốc gia có thể áp đặt lệnh cấm hoặc kiểm soát nền tảng số của nước khác để bảo đảm an ninh quốc gia.

Ba là, ảnh hưởng đến các tổ chức hợp tác đa phương quốc tế, gây gián đoạn hợp tác số. Căng thẳng chính trị có thể khiến các nước rút khỏi hoặc hạn chế hợp tác trong các tổ chức toàn cầu về công nghệ số, thậm chí thành lập liên minh về công nghệ. Liên minh D10 (Democracy 10) bao gồm 10 nước(4) được thành lập vào năm 2020 theo sáng kiến của Anh là một trong những ví dụ điển hình.

Bốn là, làm sâu sắc hơn nữa sự phân cực trong không gian mạng và công nghệ số. Thế giới đang dần chia thành những “khối công nghệ” riêng biệt. Các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản sử dụng hệ sinh thái số do các tập đoàn công nghệ Google, Microsoft, Amazon cung cấp; trong khi đó, Trung Quốc và một số nước khác lại sử dụng hệ sinh thái riêng, như WeChat, TikTok, Alibaba Cloud, Baidu. Nga tạo hệ sinh thái riêng, như VKontakte (thay thế Facebook), RuTube (thay thế YouTube). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức mà các nước tiến hành ngoại giao số, do các nước sử dụng nền tảng mạng xã hội khác nhau và khó tiếp cận nhau hơn.

Sự thay đổi chính sách của các nước lớn, như Mỹ, Nga, Trung Quốc...; các cuộc xung đột diễn ra và kéo dài ở nhiều nơi trở thành môi trường thúc đẩy ngoại giao số phát triển, đồng thời cũng gia tăng các mặt tiêu cực của phương thức ngoại giao này khi được sử dụng làm công cụ cạnh tranh ảnh hưởng.

Nhìn chung, sự phát triển của ngoại giao số phần lớn bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của nền tảng truyền thông xã hội và khả năng tương tác với các thực thể chính trị quốc tế. Bốn yếu tố chính định hình xu hướng phát triển của ngoại giao số, bao gồm kỹ thuật số, toàn cầu, kết nối và thay đổi nhanh chóng(5). Các yếu tố này hiện diện trong ngoại giao số theo bản chất, đặc điểm riêng của mỗi thực thể chính trị quốc tế và điều này sẽ tiếp tục quyết định sự phát triển của ngoại giao số trong tương lai.

Trên cơ sở phân tích yếu tố tác động, cơ hội và thách thức của kỷ nguyên số, có thể khái quát xu hướng phát triển ngoại giao số như sau:

Thứ nhất, ngoại giao số chưa thể thay thế hoàn toàn ngoại giao truyền thống. Ngoại giao truyền thống đã phát triển trong suốt quá trình lịch sử lâu dài, thích ứng với yêu cầu của các quốc gia, tính cách của nhà lãnh đạo, các cuộc xung đột, liên minh và sự thay đổi mô hình,... Ngoại giao truyền thống dựa vào sự tương tác cá nhân. Chính vì vậy, kỹ năng cần thiết để thực hiện sứ mệnh của nhà ngoại giao về cơ bản vẫn không thay đổi. Phương thức ngoại giao truyền thống, tương tác giữa đại diện của các quốc gia có chủ quyền vẫn đóng vai trò quan trọng. Điều mà công cụ số khó có thể thay thế là yếu tố con người và giao tiếp trực tiếp để xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia. Những cuộc đàm phán, thỏa thuận yêu cầu sự hiện diện trực tiếp để bảo đảm tính bảo mật và hiểu rõ thái độ thực sự của đối tác, đối phương. Ngôn ngữ cơ thể, sắc thái biểu cảm và tín hiệu phi ngôn ngữ không thể truyền tải đầy đủ qua kênh kỹ thuật số.

Ngoại giao số vẫn bị giới hạn khả năng xử lý vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Các cuộc khủng hoảng lớn, như xung đột quân sự, đàm phán hạt nhân, tranh chấp biên giới,... đòi hỏi các cuộc đối thoại trực tiếp với sự tham gia của nhiều bên. Các vấn đề cần thương lượng đa tầng, như điều ước quốc tế về thương mại... khó thực hiện hiệu quả khi chỉ thông qua nền tảng trực tuyến. 

Ngoại giao số không thể thay thế hoàn toàn vai trò của các đại sứ quán và tổ chức quốc tế. Bởi vì, đại sứ quán không chỉ là nơi trao đổi thông tin, mà còn là cầu nối giữa các chính phủ, xử lý thị thực, bảo hộ công dân và thực hiện hoạt động giao lưu văn hóa. Những điều này không thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Các hội nghị quốc tế trong khuôn khổ G-20, Liên hợp quốc, ASEAN,... cũng là cơ hội để nguyên thủ quốc gia triển khai những cuộc gặp gỡ trực tiếp, không chính thức bên lề để có thể đạt được cam kết chính trị mạnh mẽ hơn. Mặt khác, hạn chế hiện nay của bảo mật thông tin, an ninh mạng, sự chênh lệch về hạ tầng số giữa các quốc gia,... cũng khiến nhiều nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao lựa chọn phương pháp ngoại giao truyền thống hơn là ngoại giao số. 

Tuy nhiên, trong thế giới kết nối ngày nay, không chỉ các quốc gia, mà còn cả cá nhân và tổ chức..., đóng vai trò ngày càng quan trọng trong vấn đề quốc tế. Ngoại giao số là một phương thức thích ứng với bối cảnh mới, bổ trợ hiệu quả cho ngoại giao truyền thống.

Thứ hai, nhu cầu về ngoại giao số sẽ tiếp tục gia tăng. Sự phát triển của ngoại giao số sau đại dịch COVID-19 không chỉ là một xu hướng nhất thời, mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động ngoại giao toàn cầu. Với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ và nhu cầu tăng cường kết nối quốc tế, ngoại giao số sẽ tiếp tục mở rộng và đổi mới, mở ra khả năng và cơ hội mới trong bối cảnh toàn cầu. Thế giới là nơi thực thể nhà nước và phi nhà nước đều cạnh tranh để giành ảnh hưởng trong cùng một không gian trực tuyến. Hiện nay, không gian đó có hơn 3 tỷ người, hầu hết đều truy cập internet thông qua điện thoại di động(6). Khi được sử dụng đúng cách, ngoại giao số là một sự bổ sung thuyết phục và kịp thời cho ngoại giao truyền thống, có thể giúp một quốc gia thúc đẩy mục tiêu chính sách đối ngoại, mở rộng phạm vi tiếp cận quốc tế. 

Ngoại giao số không thay thế ngoại giao truyền thống, nhưng có thể củng cố công tác của nhà nước trong quan hệ quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ngày nay, ngoại giao số là một yếu tố thiết yếu để hiện thực hóa chính sách đối ngoại. Ngoại giao số rất hữu ích trong việc thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại, mở rộng sự liên kết quốc tế. Tương tác trực tiếp của công chúng và sự tham gia của thực thể phi nhà nước khiến các quốc gia sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và ngoại giao số như một cách để duy trì tính hợp pháp và phát triển hoặc củng cố mối quan hệ trong một thế giới đang thay đổi.

Thứ ba, ngoại giao số đã vượt khỏi khuôn khổ của ngoại giao công chúng. Ngoại giao số cho phép các quốc gia tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng toàn cầu và nhóm cộng đồng lớn hơn, không giới hạn bởi biên giới địa lý. Điều này không chỉ giúp truyền tải thông điệp một cách hiệu quả, mà còn nâng cao hình ảnh quốc gia và gia tăng “sức mạnh mềm”. Vì vậy, các nước sử dụng ngoại giao số khá nhiều, chủ yếu như một phương tiện của ngoại giao công chúng. Tuy nhiên, kỷ nguyên số đã mở rộng các vấn đề toàn cầu trên một không gian mới, chính vì vậy các quốc gia cần tăng cường đối thoại đa phương và hợp tác quốc tế phát triển chuyển đổi số nhằm hạn chế thách thức về bảo mật thông tin và an ninh mạng. Trong thời gian tới, đây có thể là mục tiêu được các thực thể chính trị quốc tế ưu tiên và chú trọng.

Thứ tư, tốc độ phát triển và mức độ triển khai ngoại giao số sẽ không đồng đều giữa các thực thể chính trị quốc tế. Ngoại giao số là một chính sách đối ngoại thiết yếu của các quốc gia, song, sự phát triển ngoại giao số của mỗi quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lực và ý chí chính trị của quốc gia đó. Lực cản cho sự phát triển của ngoại giao số giữa các quốc gia xuất phát từ một số nguyên nhân, như lòng tin vào ngoại giao số do các quan ngại về an ninh mạng, quyền riêng tư về dữ liệu và quản trị internet; khoảng cách trong ngoại giao số giữa các quốc gia, cũng như khả năng sử dụng ngoại giao số để giải quyết vấn đề toàn cầu.

Nhìn chung, ngoại giao số phản ánh sự thay đổi về cách thức các quốc gia tương tác và phối hợp với nhau trong một thế giới ngày càng kết nối và phụ thuộc vào công nghệ. Trong thời đại sau đại dịch COVID-19, ngoại giao số đã và đang trở thành một xu hướng phát triển quan trọng, là một công cụ mạnh mẽ giúp xã hội hòa bình và thịnh vượng, mở ra khả năng mới và cơ hội mới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này hết sức quan trọng cho sự hiện hữu của một thế giới kết nối. Ngoại giao số đã thúc đẩy xu hướng số hóa trong lĩnh vực ngoại giao, tạo tiền đề cho các hình thức hợp tác quốc tế linh hoạt hơn trong tương lai.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 21-1-2025 _Ảnh: THX/TTXVN

Một số hàm ý chính sách

Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số, với sự cải thiện đáng kể về hạ tầng kỹ thuật số và đóng góp quan trọng của kinh tế số vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) quốc gia. Năm 2024, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia về Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử ở mức “rất cao”(7). Về hạ tầng kỹ thuật số, tính đến tháng 10-2024, hơn 82,4% số hộ gia đình ở Việt Nam đã sử dụng cáp quang, vượt mục tiêu 80% đề ra cho năm 2025. Hơn 87% người dân sử dụng điện thoại thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ số và công nghệ mới(8). Trong lĩnh vực kinh tế số, Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng. Năm 2024, tổng giá trị giao dịch truyền thông số (GMV) đạt 6 tỷ USD, chỉ đứng sau In-đô-nê-xi-a (8 tỷ USD) trong khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực(9).

Nhìn chung, việc xây dựng nền ngoại giao số không chỉ giúp quốc gia tăng cường vị thế quốc tế, mà còn mang lại hiệu quả cao trong việc thúc đẩy hợp tác, trao đổi thông tin và giải quyết thách thức toàn cầu trong bối cảnh thế giới ngày càng số hóa. Tuy nhiên, việc phát triển ngoại giao số của quốc gia cần dựa trên các điều kiện quan trọng để bảo đảm thành công và hiệu quả, bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin; chính sách, khung pháp lý và an ninh mạng; ứng dụng công nghệ số trong ngoại giao; nguồn nhân lực ngoại giao số; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngoại giao số... Cụ thể là:

Về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đây một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai, cũng như thúc đẩy ngoại giao số. Việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), bao gồm internet băng thông rộng, điện toán đám mây, AI, công nghệ chuỗi khối,... là nền tảng cơ bản để hoạt động ngoại giao số diễn ra thuận lợi. Hiện nay, việc bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống ngoại giao đang phải đối mặt với khó khăn do nguy cơ tấn công mạng ngày càng gia tăng.

Về chính sách, khung pháp lý và an ninh mạng, nhiều quốc gia đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý và chính sách thúc đẩy hoạt động ngoại giao số, hướng tới điều chỉnh toàn diện hoạt động ngoại giao số. 

Về ứng dụng công nghệ số trong ngoại giao, nhiều quốc gia đã bắt đầu tận dụng các nền tảng truyền thông xã hội, như Facebook, Twitter, YouTube và trang web chính phủ để truyền tải thông tin ngoại giao, thúc đẩy xây dựng hình ảnh đất nước và tiếp cận với công chúng quốc tế. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu tối ưu hóa về mặt nội dung và cách tiếp cận chiến lược ngoại giao công chúng, từ đó xây dựng thông điệp mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng trên nền tảng số. Đa dạng hóa phương tiện truyền thông số từ việc sử dụng mạng xã hội, trang web và ứng dụng truyền thông để tăng cường truyền tải thông điệp ngoại giao, phát triển ngoại giao công chúng.

Về nguồn nhân lực ngoại giao số, một vấn đề đặt ra là kỹ năng sử dụng nền tảng trực tuyến để làm việc  với đối tác quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu đào tạo kiến thức về an ninh mạng, phân tích dữ liệu và kỹ năng số cho cán bộ ngoại giao.

Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngoại giao số, nhiều diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế liên quan đến công nghệ và an ninh mạng để thúc đẩy an ninh mạng và trao đổi thông tin về ngoại giao số đã được tổ chức trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, mối liên kết và hợp tác quốc tế trong xây dựng chính sách và chia sẻ công nghệ ngoại giao số vẫn còn hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc gia có kinh nghiệm phát triển ngoại giao số, để học hỏi và triển khai mô hình hiệu quả, đồng thời có giải pháp thúc đẩy thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương để học hỏi kinh nghiệm và phát triển hạ tầng ngoại giao số; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh không gian mạng, hợp tác chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về bảo mật trong môi trường số.

Tuy nhiên, để đáp ứng được điều kiện trên và có thể triển khai thành công ngoại giao số, sự ủng hộ từ xã hội đối với hoạt động ngoại giao số là rất cần thiết. Điều này cho phép thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp công nghệ số vào lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới và không ngừng đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp số cần tập trung xây dựng sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá nhằm tạo môi trường thuận lợi để ngoại giao số phát triển mạnh mẽ. Tăng cường liên kết hợp tác với doanh nghiệp công nghệ lớn để phát triển công cụ hỗ trợ ngoại giao số, như nền tảng trực tuyến, giải pháp bảo mật và dịch vụ dữ liệu. Sự hợp tác công - tư (PPP) có thể giúp nâng cao năng lực số hóa của quốc gia./.

-------------------

(1) Nguyễn Việt Lâm - Lê Trung Kiên: “Hội nhập quốc tế trong “kỷ nguyên số” và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 5-6-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/823137/hoi-nhap-quoc-te-trong-%E2%80%9Cky-nguyen-so%E2%80%9D-va-mot-so-van-de-dat-ra-doi-voi-viet-nam.aspx
(2) G-20 thường được biết đến với tên gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, bao gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU). Gần đây, Liên minh châu Phi (AU) đã trở thành thành viên mới nhất của G-20
(3) Nguyễn Việt Lâm - Lê Trung Kiên: “Hội nhập quốc tế trong “kỷ nguyên số” và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, Tlđd
(4) Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ca-na-đa, I-ta-li-a, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ
(5) Olubukola S. Adesina: “Foreign policy in an era of digital diplomacy - Benefits of digital diplomacy” (Tạm dịch: Chính sách đối ngoại trong kỷ nguyên ngoại giao số - Lợi ích của ngoại giao số), Cogent Social Sciences, ngày 1-3-2017, https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/23311886.2017.1297175
(6) Danielle Cave: “Does Australia do digital diplomacy? (Tạm dịch: Ô-xtrây-li-a có thực hiện ngoại giao kỹ thuật số không?), Lowy Institute, ngày 17-4-2015, https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/does-australia-do-digital-diplomacy
(7) Xem: Giang Phạm: “Việt Nam tăng 15 bậc trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử toàn cầu năm 2024”, Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 18-9-2024, https://mic.gov.vn/viet-nam-tang-15-bac-trong-bang xep-hang-chinh-phu-dien-tu-toan-cau-nam-2024- 197240918233011444.htm
(8) Xem: “Chuyển đổi số phải nói thật, làm thật, hiệu quả thật”, Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, ngày 13-10-2024, https://moha.gov.vn/chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-phai-noi-that-lam-that-hieu-qua-that-d956-t56439.html
(9) Nguyễn Văn Cường: “Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, tháng 10-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/1044702/tong-quan-ve-chuyen-doi-so-viet-nam.aspx#