Quân đội nhân dân Việt Nam chủ động tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

PHAN VĂN GIANG
Thượng tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

11:27, ngày 29-05-2021

TCCS - Những năm qua, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam “Vì nhân dân phục vụ”, “Vì nhân dân quên mình”.

Thiên tai và những hệ lụy từ biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia trong thế kỷ XXI. Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu đã và đang làm cho các hình thái thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, mưa gây lũ lụt, triều cường, nước biển dâng, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, lốc xoáy, cháy rừng, lũ quét, sạt lở đất... ngày càng phức tạp, cực đoan, khó lường, cả về kiểu loại, cấp độ, vùng phân bố và chu kỳ xuất hiện, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam _Nguồn: zing.vn

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản về công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, đặc biệt là Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; Nghị định số 160/2018/NĐ-CP, ngày 29-11-2018, của Chính phủ, “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai”; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP, ngày 21-3-2017, của Chính phủ, “Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”; Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 18-6-2018, của Chính phủ, “Về công tác phòng, chống thiên tai”; Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 3-2-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020”. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn về công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong Quân đội. Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với tinh thần chủ động, tích cực, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đạt được những kết quả nổi bật.

Bộ Tổng Tham mưu chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Chính phủ, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xác định rõ đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Quân đội. Từ đó, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ), ứng phó kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra. Chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các địa phương, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với các loại hình sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; duy trì nghiêm chế độ ứng trực các cấp 24/24 giờ, nắm chắc tình hình, cơ động lực lượng, phương tiện để ứng phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, sóng thần và vỡ đê, đập, hồ chứa nước. Phối hợp với cơ quan chức năng của các bộ, ngành có liên quan triển khai nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng chương trình quốc gia về ứng dụng và huy động nguồn lực khoa học, công nghệ trong ứng phó động đất, sóng thần; xây dựng trạm phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đảo Đá Tây A, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trong dự án về hậu cần nghề cá.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn làm tốt công tác tuyên truyền nhân Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai (ngày 22-5 hằng năm) và Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai (từ ngày 15 đến ngày 22-5 hằng năm). Phối hợp với các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, ở trong và ngoài quân đội, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn(1). Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ không quản ngại gian khổ, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất, sát cánh cùng chính quyền và nhân dân ứng phó với các tình huống, góp phần khẳng định Quân đội là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp; hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng đứng trên địa bàn; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch sát hợp với tình hình thực tế, địa bàn và yêu cầu, nhiệm vụ; chuẩn bị đầy đủ cho công tác bảo đảm, kịp thời cơ động ứng phó các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Thực hiện Quyết định số 5570/QĐ-BQP, ngày 27-12-2014, của Bộ Quốc phòng, về “Phê duyệt Đề án thành lập các Đội tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai của Bộ Quốc phòng”, hiện nay đang tập trung huấn luyện 5 đội hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai theo Hiệp định về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp của các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ADDMER), bao gồm Đội Cứu sập thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, Đội Khắc phục hậu quả về môi trường thuộc Bộ Tư lệnh Hóa học, Đội Quân y cứu trợ thảm họa thuộc Cục Quân y, Đội Sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Đội Tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, sẵn sàng tham gia các hoạt động cứu trợ thảm họa ở khu vực và quốc tế. Thực hiện tốt công tác huấn luyện, hội thao, diễn tập theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát tình hình địa bàn, vùng, miền, góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy và khả năng cơ động xử lý các tình huống trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt. Tổ chức đào tạo, huấn luyện, tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trong toàn quân và ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở các bộ, ngành, địa phương, đạt kết quả tốt, an toàn tuyệt đối(2).

Cán bộ, chiến sĩ không quản ngại gian khổ, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất, sát cánh cùng chính quyền và nhân dân ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn _Ảnh: Tư liệu

Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24 giờ ở các cấp, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, ứng phó kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Huy động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo; khắc phục sự cố, thiên tai bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả. Tiêu biểu như: khắc phục sự cố vụ tràn dầu tại Khu phố 5, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; cứu nạn vụ cháy tàu APL Vancouver, quốc tịch Xin-ga-po; tìm kiếm, khắc phục hậu quả vụ tai nạn nghiêm trọng tàu cá NA 95899 TS bị tàu Pacific 01 đâm chìm (9 ngư dân mất tích); ứng phó sự cố vụ tàu BV 98459 TS chở khoảng 50.000 lít dầu DO bị chìm tại vùng biển Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; cứu nạn tàu Vietship 01 (10 ngư dân) tại vùng biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị,... Thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đúng quy chế đối ngoại của Bộ Quốc phòng và Nhà nước ta. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan tăng cường hợp tác song phương với các nước Mỹ, Nhật Bản, Cam-pu-chia, Nga; hợp tác đa phương với các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),... nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước trong chia sẻ thông tin, xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo, đánh giá nguy cơ của các loại hình thiên tai, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, đào tạo chuyên môn về quản lý, ứng phó đạt kết quả tốt.

Năm 2020 vừa qua, nước ta xảy ra 2.060 vụ sự cố, thiên tai, làm 636 người chết, 185 người mất tích, 869 người bị thương; gây chìm, cháy, hư hỏng 488 phương tiện, cháy 758 nhà xưởng và 1.597ha rừng, hư hỏng 281.364 ngôi nhà, hư hại 268.798ha lúa và hoa màu, chết 936.435 con gia súc, gia cầm, tràn 70m3 dầu. Quân đội nhân dân Việt Nam, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đã điều động 364.262 lượt người (132.849 lượt bộ đội, 231.413 lượt dân quân tự vệ) và 12.945 lượt phương tiện tham gia cứu nạn có hiệu quả 1.411 vụ, cứu được 1.770 người và 55 phương tiện. Kêu gọi, thông báo cho 3.110.095 người/656.709 phương tiện nắm được thông tin của bão; di dời 201.236 hộ dân đến nơi an toàn; vận chuyển 178,5 tấn nhu yếu phẩm, 13.823m3 nước sạch đến khu vực bị hạn hán; khắc phục, sửa chữa 60.030 ngôi nhà; gặt 146ha lúa...

Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, với tình cảm tương thân, tương ái, trách nhiệm chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của nhân dân ở các vùng bị thiên tai, sự cố, đã huy động hàng nghìn ngày công, trực tiếp giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, vệ sinh môi trường và phòng dịch; quyên góp, ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cùng nhiều thuốc men, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu,... hỗ trợ người dân ở các địa phương, đặc biệt là những gia đình thiệt hại về người; giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương khôi phục kết cấu hạ tầng, ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai giúp nhân dân huyện Kbang dựng lại nhà cửa sau bão _Ảnh: TTXVN

Thực tế chứng minh, mỗi khi sự cố, thiên tai xảy ra, Quân đội ta luôn thể hiện đầy đủ ý chí quyết tâm và tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, “Vì nhân dân quên mình”, là lực lượng nòng cốt trên mặt trận ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, được Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong Quân đội thời gian qua còn có những hạn chế nhất định. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa thật đầy đủ, còn biểu hiện chủ quan, đơn giản. Cán bộ quân sự địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm; chưa quyết liệt sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi xảy ra thiên tai. Việc kêu gọi tàu, thuyền vào tránh, trú bão chưa được triệt để, còn một số phương tiện nằm trong vùng bão dẫn đến bị chết máy, mất thông tin liên lạc, chìm tàu. Công tác phối hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng ngừa cháy rừng cho nhân dân còn hạn chế, còn để xảy ra cháy rừng do đốt nương làm rẫy, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng của nhân dân. Việc duy trì chế độ ứng trực, nắm tình hình, thực hiện chế độ báo cáo của một số ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở cấp cơ sở có lúc chưa kịp thời, thiếu chính xác, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả. Công tác phối hợp nắm, trao đổi thông tin giữa các lực lượng còn thiếu tỉ mỉ, chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Từ quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Quân đội thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cơ bản:

1- Thường xuyên quán triệt nghiêm túc, đầy đủ và triệt để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để kịp thời cụ thể hóa vào kế hoạch tổ chức thực hiện ở các cấp; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, thống nhất với các cấp chính quyền địa phương. 

2- Chủ động cập nhật, nắm chắc diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn; phối hợp với các địa phương nắm chắc tình hình về mọi mặt, nhất là về đặc điểm địa hình, địa chất ở các khu vực trọng điểm có thể xảy ra thiên tai trên địa bàn, làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc thù cơ quan, đơn vị.

3- Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương; vai trò chủ động tham mưu và trực tiếp điều hành của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp trong việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Nâng cao vai trò của các lực lượng tại chỗ, trong đó, lấy lực lượng quân đội và lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt.

4- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phải chủ động, khẩn trương, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, sử dụng nhiều biện pháp, chú trọng những biện pháp phù hợp nhất trong từng tình huống cụ thể, tổ chức tìm kiếm cứu nạn trong thời gian sớm nhất, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn phải chuẩn bị kỹ trang, thiết bị phù hợp với địa hình, thời tiết, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và bảo đảm an toàn về mọi mặt.

5- Chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các tình huống cụ thể. Trên cơ sở đó, lãnh đạo, người chỉ huy các đơn vị phải tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập nhằm nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành và vận hành cơ chế phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng ý thức trách nhiệm cho cán bộ, người chỉ huy các cấp và nâng cao nhận thức của nhân dân; chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Dự báo năm 2021 và những năm tới, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, khí tượng, thủy văn và thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường, gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết cấu hạ tầng, tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu tới hoạt động quốc phòng - quân sự. Cùng với đó, quá trình phát triển kinh tế  - xã hội; phát triển các khu đô thị; xây dựng các công trình ngầm, các tòa nhà cao tầng, khu công nghiệp, nhà máy hóa chất, các hồ, đập thủy lợi, thủy điện; quản lý, khai thác khoáng sản, đánh bắt thủy sản và giao thương thông qua vận tải đường biển, đường không; khai thác, vận chuyển dầu khí cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Để tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội cần tập trung làm tốt một số nội dung:

Một là, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, đặc biệt là Nghị quyết số 689-NQ/QUTW, ngày 10-10-2014, của Quân ủy Trung ương, “Về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Chỉ thị số 77/CT-BQP, ngày 11-3-2016, của Bộ Quốc phòng, “Về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020”. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng - nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Quân đội và của từng cơ quan, đơn vị. Từ đó, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bộ đội giúp dân chống lũ ở đồng bằng sông Cửu Long _Ảnh: Hà Quốc Thái

Hai là, chủ động nắm chắc tình hình về diễn biến thời tiết, thủy văn để sẵn sàng kế hoạch phòng, chống thiên tai, các phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, sập đổ công trình, cháy nổ, cháy rừng,... Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án bảo đảm sát đúng với tình hình thực tế của từng địa bàn, khu vực, phù hợp với từng loại hình thiên tai, sự cố, như lốc xoáy, mưa đá, triều cường, nước biển dâng gây ngập lụt...

Ba là, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó với những tình huống bất thường; ở các khu vực có nguy cơ về cháy rừng, sự cố vỡ hồ, đập; coi trọng công tác bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ. Nâng cao chất lượng huấn luyện đối với các lực lượng tham gia phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chú trọng huấn luyện khả năng cơ động và thực hành tìm kiếm cứu nạn. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với tổ chức diễn tập các phương án nhằm nâng cao trình độ chỉ huy, khả năng hiệp đồng, ứng phó với các hình thái thiên tai và năng lực tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng trong những điều kiện khó khăn, phức tạp.

Bốn là, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương về chủ trương, giải pháp trong huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện trong phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sao cho trúng và đúng, phù hợp, có hiệu quả trong từng tình huống cụ thể. Chú trọng tăng cường công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền các địa phương và các đơn vị quân đội khi xảy ra những tình huống nghiêm trọng, phức tạp. 

Năm là, chuẩn bị thật tốt các điều kiện thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm phát huy được mọi nguồn lực của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong huy động, trưng dụng phương tiện, trang bị, vật tư của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ngoài quân đội tham gia vào công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để đáp ứng kịp thời các tình huống xảy ra.

Sáu là, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời động viên, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phát huy những kết quả đạt được, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương và các lực lượng, thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ, luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.

------------

(1) Như Quân chủng Hải quân làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo và hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phát hành hàng chục nghìn tờ rơi tuyên truyền về tìm kiếm cứu nạn trên biển cho ngư dân 28 tỉnh bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; Binh chủng Hóa học phối hợp với Cục Cứu hộ, Cứu nạn xuất bản được 6 số Thông tin CBRN, phát hành cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân

(2) Tổ chức đào tạo, huấn luyện 15 khóa cho 503 học viên về điều khiển phương tiện thủy nội địa - tìm kiếm cứu nạn; tổ chức 3 lớp tập huấn về tìm kiếm cứu nạn đường không, tìm kiếm cứu nạn đường biển cho 555 đồng chí, đạt kết quả tốt, an toàn tuyệt đối