Bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí góp phần bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay

PGS, TS Trần Thanh Giang
Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
15:51, ngày 08-05-2024

TCCS - Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của truyền thông, báo chí ngày càng lớn, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của con người. Chính vì vậy, việc bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí trở thành một phần hết sức quan trọng của an ninh con người.

Vai trò của an ninh truyền thông, báo chí đối với an ninh con người ở Việt Nam

An ninh con người và bảo đảm an ninh con người là những khái niệm mới được hình thành trên cơ sở phát triển tư duy về sự mở rộng nội hàm an ninh quốc gia. Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) quan niệm: “An ninh con người là sự an toàn của con người trước những mối đe dọa kinh niên như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những biến cố bất ngờ, bất lợi trong cuộc sống hằng ngày”(1); có 7 mặt tạo nên an ninh con người, đó là: An ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị.

Phóng viên đưa tin trẻ em vùng cao tỉnh Sơn La khai giảng năm học mới_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Tại Việt Nam, thuật ngữ an ninh con người và bảo đảm an ninh con người lần đầu tiên được đề cập tại Văn kiện Đại hội XII: “Kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người”(2). Đến Đại hội XIII, an ninh con người được xác định là một thành tố trong an ninh quốc gia, có mối quan hệ mật thiết với an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa - tư tưởng… Văn kiện nhấn mạnh: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”(3) và cụ thể hóa thành 2 định hướng trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Như vậy, an ninh con người nhận được nhiều sự quan tâm của các diễn đàn trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Dù có một số điểm khác nhau về cách tiếp cận, các nghiên cứu đều khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa an ninh quốc gia và an ninh con người, đồng thời, nội hàm của khái niệm này cũng không ngừng được mở rộng, phát triển.

Truyền thông, báo chí là lĩnh vực có chức năng, vai trò hết sức quan trọng, ra đời là để thỏa mãn nhu cầu thông tin, giao tiếp của con người và xã hội. Ở Việt Nam, chức năng tư tưởng của báo chí, truyền thông là chức năng xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, với nhiệm vụ truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và làm cho hệ tư tưởng - lý luận này trở thành chủ đạo trong đời sống tinh thần, tư tưởng của quần chúng nhân dân. Ngoài ra, truyền thông, báo chí còn có chức năng giám sát và phản biện xã hội, thể hiện ở chỗ báo chí duy trì và phát triển mối liên hệ chặt chẽ giữa chủ thể và khách thể quản lý bằng thông tin hai chiều, bảo đảm cho các quyết định quản lý được thông suốt và thực thi hiệu quả.

An ninh truyền thông, báo chí là trạng thái ổn định, an toàn, thực hiện đúng chức năng của hệ thống truyền thông, báo chí, bảo đảm cho mọi hoạt động trao đổi thông tin giữa mọi đối tượng trong xã hội diễn ra bình thường, góp phần tích cực vào sự phát triển đất nước. Trước hết, nó trực tiếp tham gia định hướng dư luận xã hội, tạo ra bầu không khí tâm lý xã hội tích cực, lành mạnh cho con người hoạt động. Nếu như trước khi có internet, hệ thống truyền thông, báo chí cơ bản chỉ mang tính một chiều, đơn tuyến (từ phía Nhà nước đến phía người dân), thì ngày nay, mỗi một người dân đều có thể trở thành một “nhà truyền thông”, “người đưa tin”, đồng thời cũng có thể nắm bắt được thông tin ở mọi nơi trên thế giới chỉ với một chiếc điện thoại có kết nối mạng. Chính vì vậy, chỉ cần một thông tin “nóng” được đưa ra, có thể được lan tỏa rất lớn, rất nhanh, tạo ra dư luận xã hội mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý, tư tưởng, cuộc sống của nhiều người trong xã hội. Do đó, ngăn chặn, lọc bỏ các thông tin không đúng, thông tin tiêu cực và thực hiện tuyên truyền theo hướng “làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”(4) sẽ phục vụ đắc lực cho bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay.

An ninh truyền thông, báo chí góp phần bảo đảm an ninh chính trị của con người. Mặc dù trong xã hội thông tin, song trong thực tế, các kênh phát thanh, truyền hình, báo chí của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị vẫn luôn được người dân quan tâm, theo dõi và coi đây là những thông tin chính thống. Với chức năng tư tưởng của mình, truyền thông, báo chí thực hiện truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thông qua đó, góp phần quan trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững an ninh chính trị, xây dựng niềm tin, khơi dậy những nhân tố tích cực trong tư tưởng, tinh thần con người và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ của đất nước hiện nay, bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa con người Việt Nam. Lợi dụng sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện mưu đồ “xâm lăng văn hóa”, cổ xúy nhiều xu hướng, lối sống lai căng, phản văn hóa, nhất là tác động tới giới trẻ Việt Nam. Bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí một mặt giúp tuyên truyền, quảng bá những nét giá trị văn hóa truyền thống quý báu của con người Việt Nam không chỉ ở trong nước mà còn với bạn bè thế giới; mặt khác, giúp người dùng có thể kết nối, tương tác an toàn thuận tiện trên các không gian, môi trường truyền thông, góp phần thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và định hình ngày càng vững chắc hơn những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam hiện đại.

Nếu như thông tin có vai trò ngày càng to lớn và toàn diện đối với xã hội thì rõ ràng, mức độ bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí cũng thể hiện vai trò hết sức toàn diện đối với an ninh con người ở Việt Nam. Nếu những thông tin trên hệ thống truyền thông, báo chí mất an toàn, có thể tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra “hiệu ứng đô-mi-nô”, gây nên hậu quả khôn lường, mà người cuối cùng gánh chịu chính là người dân. Trong trường hợp các cơ quan truyền thông, báo chí bị tấn công, bị chiếm đoạt, đánh cắp tài liệu, bí mật từ hệ thống cơ sở dữ liệu, để đưa lên những thông tin giả, thậm chí kêu gọi, hướng dẫn người dân tiến hành các hoạt động sai phạm, thì sẽ gây rối loạn hệ thống thông tin quốc gia và gây thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội.

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện_Nguồn: congluan.vn

Một số giải pháp trong thời gian tới

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí đã được quan tâm thực hiện ngày càng tốt hơn. Theo đó, số lượng địa chỉ IP trong năm 2023 của Việt Nam nằm trong mạng Botnet tiếp tục giảm liên tục trong 5 năm qua (giảm gần 70% kể từ năm 2018). Năm 2023 cũng là năm đổi mới cách tiếp cận về bảo vệ người dân trên không gian mạng. Gần 125 nghìn nguồn website đã được thiết lập và kết nối, tích hợp với các giải pháp an toàn thông tin mạng. Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia đã chặn 9.073 website vi phạm pháp luật, trong đó có 2.603 website lừa đảo. Bảo vệ hơn 10 triệu người dân khỏi truy cập các website vi phạm, lừa đảo trực tuyến(5). Hiện cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình(6). Tuy nhiên, đứng trước nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bối cảnh sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, cần tiến hành nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn an ninh truyền thông, báo chí theo đúng quan điểm của Đảng: “Nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin”(7).

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí. Tập trung quán triệt, triển khai thực hiện các quan điểm, đường lối về công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, nhất là một số nghị quyết, chỉ thị như: Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16-9-2013, của Ban Bí thư, “Về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 25-12-2013, của Bộ Chính trị, “Về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet”; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Chỉ thị số 09/CT-TTg, ngày 31-3-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 – 2025”… Song song với đó, các địa phương, đơn vị cũng cần kịp thời xây dựng, kiện toàn các cơ quan, lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí, để có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí. Trước hết cần rà soát, bổ sung, cụ thể hóa hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí, nhất là đối với những vấn đề mới, “nhạy cảm”. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong bảo vệ an toàn, an ninh truyền thông, báo chí và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường tiềm lực quản lý an ninh truyền thông, báo chí, đặc biệt là trong việc ngăn chặn, đối phó đối với các hoạt động tấn công làm tê liệt hệ thống thông tin, truyền thông quốc gia; ý đồ sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để thao túng, kích động dư luận xã hội; âm mưu và hoạt động của các đối tượng phản động, chống đối lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để kích động quần chúng tham gia khiếu kiện, biểu tình gây phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… Quản lý chặt chẽ các cơ quan báo chí, nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp thông tin, định hướng dư luận đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các sự kiện lớn, sự kiện phức tạp, nhạy cảm.

Ba là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng của người dân trong tiếp cận, khai thác thông tin. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong hoạt động truyền thông, báo chí, an ninh mạng, giúp họ ý thức được ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận, phản biện xã hội với hành vi bình luận, phát ngôn mang tính chất bôi nhọ, thù địch, vi phạm pháp luật. Nâng cao nhận thức của nhân dân về âm mưu chống phá đất nước ta của các thế lực thù địch; động viên và có biện pháp thích hợp huy động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh truyền thông, báo chí. Tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng cho nhiều đối tượng, người sử dụng khác nhau những kỹ năng cần thiết, như: kỹ năng kiểm chứng thông tin, lựa chọn, tiếp nhận thông tin, kỹ năng nhận diện, phân biệt thông tin thật - giả, đúng - sai, xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, báo chí.

Bốn là, chú trọng đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với đẩy mạnh tự chủ về công nghệ, kỹ thuật, cơ sở vật chất bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ chuyên gia làm việc trong các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí. Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp và cá nhân tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực này. Nâng cao chất lượng đào tạo kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo. Đầu tư kết cấu hạ tầng hiện đại, xây dựng các quỹ đầu tư, nghiên cứu, phát triển giải pháp bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí. Mở rộng liên kết, hợp tác với các quốc gia, tổ chức, tập đoàn có trình độ phát triển cao. Tham gia các công ước, thỏa thuận quốc tế về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí là vấn đề cấp thiết và có vai trò ngày càng quan trọng đối với bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay, cần kíp phải xây dựng chiến lược và triển khai đồng bộ các giải pháp có tính khả thi cao, bằng nhiều hình thức khác nhau, thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay./.

---------------------------

(1) United Nations Development Programme (UNDP), Human Developmemt Report 1994, Oxford University Press, New York, 1994, p. 23
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 135
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 156
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 12, tr. 558
(5) NK, “Doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông năm 2023 cán mốc hơn 3,74 triệu tỷ đồng”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 2023, https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/doanh-thu-toan-nganh-thong-tin-va-truyen-thong-nam-2023-can-moc-hon-3-74-trieu-ty-dong-656791.html
(6) “Số liệu về các cơ quan báo chí Việt Nam năm 2023”, Thông tấn xã Việt Nam, 2022, https://infographics.vn/so-lieu-ve-cac-co-quan-bao-chi-viet-nam-nam-2023/209747.vna
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 272