Phát huy ý chí tự lực và khát vọng vươn lên của lao động nữ trong các hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay
TCCS - Chiếm 50,2% lực lượng lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp(1), phụ nữ Việt Nam nói chung, lao động nữ trong các hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, giữ vai trò quan trọng, không chỉ là chủ thể chính mang lại thu nhập cho gia đình mà còn là nguồn lực quan trọng sản xuất ra phần lớn nông phẩm cho xã hội, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, lao động nữ nông thôn trong các hợp tác xã nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cần nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Trong những năm qua, cùng với toàn Đảng, toàn dân và phụ nữ cả nước, phụ nữ nông thôn đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, năng động, sáng tạo, tích cực hưởng ứng phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, tích cực rèn luyện các phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang; phụ nữ giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, bảo vệ tài nguyên, môi trường, thay đổi diện mạo nông thôn...
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới và trong các hợp tác xã, các cấp Hội Phụ nữ luôn tích cực vận động phụ nữ nông thôn hiến đất, góp công, hỗ trợ thành lập trên 150 hợp tác xã, 4.583 tổ hợp tác, tổ liên kết; hỗ trợ trên 100.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo(2). Vượt qua nhiều khó khăn, khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra, chị em phụ nữ các vùng nông thôn đã tích cực ứng dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu, thay đổi giống vật nuôi, cây trồng, phát triển ngành nghề, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị cao, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nhờ được tiếp cận các dự án hỗ trợ sinh kế thông qua việc nâng cao năng lực bản thân mà hàng nghìn phụ nữ ở các vùng nông thôn, miền núi đã có việc làm bền vững, có thu nhập ổn định. Nhiều chị em vươn lên làm chủ gia đình, rút ngắn khoảng cách về giới so với trước đây. Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động, phát huy tinh thần tự lực, tự cường để làm giàu ngay trên quê hương mình. Xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình phụ nữ giữ gìn “môi trường xanh, sạch đẹp”, như tổ, nhóm phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông, tổ phụ nữ “nhà sạch, vườn đẹp”, “đoạn đường nở hoa”, “xử lý rác thải tại nhà”... góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Theo Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng vai trò của nữ giới trong các hợp tác xã nông nghiệp tại 300 hợp tác xã thuộc 6 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Thái nguyên, Nghệ An, Đồng Nai, Quảng Bình, Bình Phước) thì hiện nay, lao động nữ chiếm khoảng 43% lực lượng lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp(3). Lao động nữ trong các hợp tác xã nông nghiệp tích cực phát huy vai trò của mình bằng những việc làm cụ thể, như xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của hợp tác xã; trực tiếp điều hành, quản lý hợp tác xã; trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh và tham gia các hoạt động tập thể, các phong trào thi đua mà hợp tác xã phát động, hưởng ứng. Kết quả khảo sát cho thấy, 60% số lao động nữ tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động của hợp tác xã hằng năm; tỷ lệ lãnh đạo nữ ở các hợp tác xã chiếm khoảng 25%. Nhiều phụ nữ vượt qua những định kiến của xã hội, phấn đấu vươn lên trở thành những lãnh đạo quản lý hợp tác xã giỏi, đứng vững ở vị trí của mình và làm ăn có hiệu quả. Nhiều nữ lãnh đạo hợp tác xã có những sáng kiến quan trọng thay đổi về cơ cấu tổ chức sản xuất, chuyển đổi loại hình hoạt động, tìm đầu ra cho sản phẩm; chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp đồng, tạo công ăn việc làm cho xã viên; đưa ra các quyết định kịp thời về việc thay đổi tổ chức và nhân sự, tổ chức thêm các loại hình dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại các lợi ích thiết thực cho hợp tác xã, có những sáng kiến quan trọng trong cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, không ít lao động nữ nông thôn trong nói chung, lao động nữ trong các hợp tác xã nông nghiệp nói riêng còn nhiều hạn chế về nhận thức và ý chí tự lực chưa cao, còn thiếu hoài bão, khát vọng vươn lên. Cùng với những hạn chế về năng lực quản lý của đội ngũ nữ cán bộ quản lý các hợp tác xã, nhận thức của các xã viên hợp tác xã (mà chủ yếu là phụ nữ) về mô hình hợp tác xã kiểu mới còn rất hạn chế. Mặc dù Luật Hợp tác xã đã được thực hiện nhiều năm, song vẫn còn một bộ phận chị em phụ nữ hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về bản chất, nguyên tắc của hợp tác xã kiểu mới, nhất là ở những nơi mô hình này hoạt động kém hiệu quả. Thậm chí, có người quan niệm, mô hình này không khác hợp tác xã trong thời kỳ bao cấp. Cũng vì cách hiểu chưa đúng mà nhiều chị em có tâm lý e ngại, không muốn tham gia hoặc không chọn hướng phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình hợp tác xã. Hợp tác xã kiểu cũ và hợp tác xã kiểu mới không chỉ khác nhau về cách thức tổ chức, về đối tượng tham gia mà còn khác nhau về “sở hữu” tài sản hợp tác xã và mối quan hệ giữa các thành viên với hợp tác xã, về quan hệ giữa Nhà nước với hợp tác xã, về quy mô và phạm vi hoạt động. Mô hình hợp tác xã kiểu mới là tổ chức kinh tế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, do các xã viên (cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân) hoàn toàn tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra, cùng nhau sản xuất, kinh doanh, đáp ứng trước hết nhu cầu của chính xã viên; mô hình này vẫn duy trì sản xuất cá thể, tư nhân. Mặt khác, tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý, điều hành hợp tác xã còn ít và chủ yếu là cấp phó; chất lượng lao động nữ trong các hợp tác xã nông nghiệp còn thấp; tỷ lệ lao động nữ không có tay nghề chiếm 60%; chỉ có 20% phụ nữ được tham gia các khóa đào tạo nghề mà chủ yếu là các nghề giản đơn và đào tạo ngắn. Lao động nữ nông thôn có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học chỉ chiếm 1,37%. Nhiều phụ nữ quen với việc lao động chân tay, chưa có ý thức cần được đào tạo để có thể sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại.
Ngày 6-6-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2018/QĐ-TTg để thay thế Quyết định số 102/2009/ QĐ-TTg, ngày 7-8-2009, của Chính phủ, về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Khi rà soát, đánh giá tác động của chính sách, Ủy ban Dân tộc cho rằng, chính sách hỗ trợ theo hình thức “cho không” này chỉ thích hợp trong thời gian ngắn hạn, hiệu quả lâu dài hạn chế, thiếu tính bền vững. Bên cạnh những tác động tích cực của chính sách là hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo mua sắm vật tư, vật dụng phục vụ đời sống, sản xuất, góp phần thiết thực trong việc cải thiện đời sống và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó khăn, thì sau hơn 8 năm thực hiện, xuất hiện một bộ phận không nhỏ người dân ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, không có ý thức tự vươn lên để thoát nghèo...(4).
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần nâng cao nhận thức, rèn luyện và phát huy ý chí tự lực của phụ nữ nói chung, phụ nữ trong các hợp tác xã nông nghiệp nói riêng. Trong nhiều việc phải làm, trước mắt cần thực hiện tốt một số giải pháp:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, phụ nữ, nữ xã viên hợp tác xã về Luật Hợp tác xã, về mô hình hợp tác xã kiểu mới và vai trò, lợi ích khi tham gia hợp tác xã. Cùng với hình thức truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hợp tác xã nông nghiệp phối hợp với ngành văn hóa, thông tin và các cấp Hội Phụ nữ tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề, lớp tập huấn nâng cao nhận thức của ban quản trị hợp tác xã, của xã viên nữ và phụ nữ nông thôn về mô hình hợp tác xã kiểu mới, về những tác động tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập đến các hợp tác xã. Tham gia vào hợp tác xã kiểu mới, chị em cần nhận thức được rằng, hợp tác xã kiểu mới được thành lập dựa trên sự gắn kết chặt chẽ với xã viên và liên kết chặt chẽ với các thành viên của chuỗi giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ của xã viên, cũng như nắm bắt tốt những cơ hội do thị trường mang lại. Trong nền kinh tế thị trường với mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, người nông dân và những hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, các hợp tác xã kiểu mới có thể giúp giảm thiểu những rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thông qua các hình thức truyền thông, cán bộ hợp tác xã, xã viên có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã, thu hút thêm nhiều xã viên mới tham gia. Ngoài ra, ban quản trị các hợp tác xã cần chủ động tổ chức hoặc tham gia các đợt tham quan, giới thiệu các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức; tổ chức các diễn đàn biểu dương gương phụ nữ điển hình, tiên tiến vươn lên làm giàu bằng ý chí, nghị lực của bản thân; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để họ tự vươn lên thoát nghèo.
Hai là, bản thân mỗi lao động nữ trong các hợp tác xã nông nghiệp cần nỗ lực học tập, phấn đấu vươn lên để khẳng định mình, phát huy vai trò của cá nhân, đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của xã hội, mỗi phụ nữ cần có có khát vọng vươn lên, có ý thức cầu tiến, độc lập, tích cực học tập, nâng cao kiến thức và trình độ mọi mặt. Cần phát huy các phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ truyền thống và nỗ lực rèn luyện các phẩm chất đạo đức của người phụ nữ hiện đại, như sự tự tin, tự trọng, trung hậu, sáng tạo; có kỹ năng xây dựng kế hoạch, kỹ năng đối mặt với áp lực, chăm sóc bản thân; khắc phục tâm lý tự ti, tự định kiến về giới nữ, tư tưởng an phận. Trong nền kinh tế tri thức phụ nữ nông thôn cần trang bị cho mình những kiến thức khoa học và công nghệ cần thiết để có nhiều cơ hội hơn trong công việc, cuộc sống.
Ba là, các cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ lao động nữ trong các hợp tác xã nông nghiệp phát huy ý chí tự lực vươn lên, tạo dựng kinh tế, như tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trao đổi, chia sẻ về các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh... khuyến khích và hỗ trợ những phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Cần đào tạo đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội, trang bị cho họ các kiến thức, kỹ năng về giao tiếp, tham vấn, tư vấn nghề nghiệp, lập kế hoạch can thiệp, kỹ năng làm việc nhóm, đề xuất chính sách, để họ vận dụng vào các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực tự giải quyết vấn đề cho các nhóm phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khác.
Bốn là, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần thực hiện tốt các giải pháp mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2017 - 2022 đề ra để phát huy nội lực của phụ nữ, như tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, vận động các tầng lớp phụ nữ giúp nhau thực hành tiết kiệm, tạo nguồn vốn tại chỗ; kết nghĩa, hỗ trợ nhau về nguồn lực và kinh nghiệm sản xuất; vận động phụ nữ nỗ lực rèn luyện theo các tiêu chí: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; tăng cường mối liên kết hội viên của các tổ chức thành viên (Hội Nữ trí thức, Hiệp hội Nữ doanh nhân) với các nhóm phụ nữ, nhằm hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, nâng cao trình độ, tự tin hội nhập.
Năm là, Luật Hợp tác xã ra đời tạo cơ sở pháp lý quan trọng, giúp các hợp tác xã đổi mới và phát triển, thích ứng với nền kinh tế thị trường, mở rộng cả về quy mô, phạm vi và các lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn so với các thành phần kinh tế khác; số tài sản, vốn, quỹ hợp tác xã còn rất thấp; trong khi đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã còn ít, chậm được ban hành. Vì vậy, các cấp chính quyền, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần có những nghiên cứu để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách mới, phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ những chính sách không còn phù hợp, giảm hỗ trợ “cho không”, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo nói chung, phụ nữ nông thôn nghèo nói riêng; ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn./.
------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022
(2) Mai Hải Oanh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Những vấn đề lý luận về Công tác phụ nữ ở Việt Nam trong tình hình mới”, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Công sản. Nxb Hồng Đức. Hà Nội, 2017
(3) Báo cáo tại Hội thảo “Nâng cao vai trò nữ giới trong các hợp tác xã nông nghiệp” do Liên minh hợp tác xã nông nghiệp và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đồng tổ chức tại Hà Nội năm 2018
(4) Tờ trình của Ủy Ban Dân tộc về việc bãi bỏ Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
- Phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và một số hàm ý chính sách
- Để dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới
- Chính trị xanh tại châu Âu: Nhận thức phát triển
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay