Khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh già hóa dân số
TCCS - Ngày 8-5-2025, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau theo Quyết định số 1336/QĐ-TTg, ngày 31-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1336).
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ trì. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Thủ đô Hà Nội và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình khẳng định ý nghĩa đặc biệt của sự kiện trong bối cảnh cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hướng đến đại hội đảng các cấp và kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước. Hội nghị lần này nhằm tổng kết Đề án 1336, đồng thời triển khai Quyết định số 383/QĐ-TTg, ngày 21-2-2025, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược quốc gia về người cao tuổi và Quyết định 379/QĐ-TTg, ngày 20-2-2025, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.
Với tinh thần trách nhiệm cao, ngay sau khi Đề án 1336 được phê duyệt, Trung ương Hội Người cao tuổi đã khẩn trương thành lập Ban Điều hành Đề án, xây dựng kế hoạch triển khai, biên soạn tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội, ban chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) tại các địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đồng hành cùng các địa phương trong quá trình nhân rộng mô hình.
Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình sinh hoạt cộng đồng độc đáo, tích hợp nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người cao tuổi và cộng đồng dân cư, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tài chính, cải thiện thu nhập, nâng cao kiến thức pháp luật, bảo vệ quyền lợi người cao tuổi, nâng cao năng lực tự quản, phòng chống bạo lực, tăng cường giao lưu văn hóa - văn nghệ và chăm sóc tinh thần... Chỉ trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án, toàn quốc có 6.000 CLB liên thế hệ tự giúp nhau mới được thành lập, nâng tổng số toàn quốc lên 9.000 CLB, với hơn 330.000 thành viên; trong đó trên 231.000 là người cao tuổi; vượt 155% chỉ tiêu đề ra. Không chỉ dừng lại ở số lượng, chất lượng hoạt động của các CLB cũng được nâng cao đáng kể, trở thành điểm sáng trong công tác hội ở nhiều địa phương. Mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau thực sự trở thành kênh kết nối hiệu quả giữa người cao tuổi với cộng đồng, giúp họ sống vui, sống khỏe, sống có ích. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế ngày càng rõ nét của người cao tuổi trong xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Trải qua hơn một thập niên, mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau được đánh giá là một mô hình nhân văn, đa dạng hoạt động, phát huy được cách tiếp cận liên thế hệ, phù hợp với văn hóa và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là mô hình thể hiện tính bền vững cao, vừa giúp người cao tuổi bảo đảm thu nhập, vừa phát huy nội lực và sự đóng góp tích cực đối với cộng đồng cũng như tạo sự gắn kết xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Y tế) Nguyễn Ngọc Toản nhấn mạnh: “Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau không chỉ hỗ trợ vật chất mà còn chăm lo toàn diện đời sống tinh thần cho người cao tuổi. Nhận thức của người dân về vai trò của người cao tuổi cũng có nhiều chuyển biến tích cực. CLB góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi, đem lại sự cải thiện rõ rệt trong cuộc sống của hội viên”.
Giám đốc Tổ chức hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế (HAI) tại Việt Nam Trần Bích Thủy cho biết, trong suốt 15 năm qua, HAI đã tiếp đón gần 200 đoàn khách quốc tế tới Việt Nam để tìm hiểu và học hỏi mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Điều đáng nói là CLB liên thế hệ tự giúp nhau có tới 8 mảng hoạt động thiết thực, phù hợp với nhiều lứa tuổi, không chỉ riêng người cao tuổi. Đây là điều mà rất ít mô hình trên thế giới làm được.
Tại hội nghị, đại diện Hội Người cao tuổi các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Tiền Giang đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, quản lý và duy trì hoạt động CLB liên thế hệ tự giúp nhau; trong đó, nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hội. Một số địa phương đã chủ động lồng ghép thêm các nội dung mới, như chăm sóc tích hợp, ứng dụng công nghệ trong quản lý, truyền thông, đào tạo kỹ năng số cho người cao tuổi… Các địa phương cũng kiến nghị Trung ương Hội Người cao tuổi tiếp tục có văn bản đề xuất các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa đến công tác người cao tuổi; tăng cường hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ, nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau; bổ sung nguồn lực tài chính; tổ chức khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xác định “già hóa dân số” vừa là cơ hội và vừa là thách thức đồng thời khẳng định người cao tuổi là nguồn lực lao động giầu kinh nghiệm, có uy tín và có trách nhiệm. Vì vậy, trong thời gian tới đặt ra yêu cầu mới đối với việc tiếp tục duy trì, nhân rộng, nâng cao chất lượng CLB liên thế hệ tự giúp nhau, trong đó nhấn mạnh vai trò của người cao tuổi trong kỷ nguyên mới, góp phần tích cực của Hội Người cao tuổi Việt Nam triển khai thực hiện việc thực hiện Chiến lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2035 tầm nhìn 2045; Đề án Người cao tuổi tham gia thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.

Để thực hiện hiệu quả và duy trì bền vững kết quả của các CLB liên thế hệ tự giúp nhau, thời gian tới, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục tham mưu để Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo nhân rộng, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các CLB liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Hội Người cao tuổi các cấp cần trực tiếp tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở đưa chỉ tiêu thành lập, vận hành CLB liên thế hệ tự giúp nhau vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng các CLB đã có, bảo đảm hoạt động đủ 8 mảng theo chuẩn. Bồi dưỡng, tập huấn cho ban chủ nhiệm, thành viên chủ chốt về kỹ năng quản lý CLB, kỹ năng vận động nguồn lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhằm hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động CLB. Lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thích ứng biến đổi khí hậu để huy động nguồn lực cho CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về mô hình này; tích cực giới thiệu các gương điển hình tiên tiến để tạo động lực nhân rộng…
Nhân dịp này, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng bằng khen cho 8 cá nhân tiêu biểu lập thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 1336. Đây là sự ghi nhận kịp thời, đồng thời là nguồn động viên cổ vũ tinh thần để những người làm công tác hội tiếp tục nỗ lực vì một cộng đồng người cao tuổi khỏe mạnh, hạnh phúc, phát huy vai trò, trí tuệ, kinh nghiệm trong sự nghiệp phát triển đất nước./.
Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam (11/11/2024)
Tiếp cận chính sách chủ động và linh hoạt để thích ứng với xu thế già hóa dân số nhanh hiện nay (31/08/2024)
Bảo đảm an ninh thu nhập cho người cao tuổi Việt Nam (08/08/2024)
- Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Coi trọng xây dựng văn hóa trong Đảng - nhân tố quan trọng tạo sức mạnh nội sinh của Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Một số điểm nghẽn chính sách trong phát triển mô hình kinh tế bao trùm ở Việt Nam: Nhìn từ thực tế vùng và hoạt động của doanh nghiệp
- Con đường trỗi dậy kinh tế của Hàn Quốc - một số vấn đề gợi mở từ phương diện chính sách
- Giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, góp phần xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực, nền tảng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý