TCCS - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bãi ven sông ở xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có sự đổi thay nhanh chóng. Bên cạnh những cây trồng truyền thống, một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được hình thành, tạo hướng mới trong phát triển kinh tế.

Anh Trần Xuân Tâm, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà áp dụng phương thức thụ phấn bằng ong cho dưa lưới để giảm nhân công lao động _ Ảnh: baothaibinh.com.vn

Trong suốt 8 năm cây dưa lưới bén rễ với vùng đất này cũng là từng ấy thời gian anh Trần Xuân Tâm, thôn Tân Hòa, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình dành trọn thời gian chăm chút cho từng gốc dưa và tìm hướng mở rộng diện tích. Từ 430m2 ban đầu, đến nay diện tích trồng dưa của anh Tâm tăng lên 7.000m2 với 3 nhà màng hiện đại. Vườn dưa áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động, phân bón được hòa sẵn trong nước giúp giảm chi phí nhân công. Điều đặc biệt là anh không xuống giống dưa cùng một lúc mà sử dụng phương pháp trồng gối vụ. Bởi thế, trang trại luôn có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Trung bình mỗi năm anh Tâm thu về gần 40 tấn quả với giá bán khoảng 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng.

Khởi nghiệp từ một cây trồng hoàn toàn mới với cách làm rất khác biệt trên vùng đất bãi màu mỡ, anh Tâm đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở địa phương. Anh tâm sự: Năm 2016, tôi bắt đầu khởi nghiệp trồng dưa lưới công nghệ cao, lúc đó ở miền Bắc có rất ít mô hình triển khai. Tôi thấy đây là cơ hội lớn nên đã quyết định đầu tư. Vụ dưa đầu tiên thất bại nhưng cũng từ thất bại đó đã giúp tôi có kinh nghiệm sản xuất ở những vụ sau. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao chi phí ban đầu rất lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Không chỉ hướng đến những cây trồng mới với công nghệ cao, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình còn được biết đến là vùng chuyên canh sản xuất các giống ngô có giá trị kinh tế cao của huyện Hưng Hà. Đi dọc trên đê ven sông đoạn qua xã Tân Lễ, đâu đâu chúng tôi cũng thấy màu xanh bạt ngàn của cánh đồng ngô, cả những vùng đất trước đây bỏ hoang nay cũng được đưa vào sử dụng. 

Trên cánh đồng thôn Tân Hòa, bà Trần Thị Lý đang chăm sóc 3 sào ngô của gia đình. Để giảm công sức lao động, gia đình bà tự chế tạo ra máy cày nhỏ cầm tay để xới đất và vun gốc. Bà Lý cho biết: Sở dĩ gia đình tôi gắn bó với cây ngô lâu năm vì đây là loại cây cho năng suất cao, vừa dẻo vừa có vị thơm ngọt nên được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng; sau khi thu hoạch gia đình còn tận dụng được thân và lá cây làm thức ăn cho gia súc. Bình quân mỗi sào ngô thu 2,5 - 2,8 tạ, cao gấp nhiều lần cây trồng khác nên bà con yên tâm canh tác.

Hiện nay, xã Tân Lễ có 175ha trồng ngô, đậu tương, vừng; các cây ăn quả và phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp. Mỗi năm, từ vùng đất bãi này, các hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng, chiếm 20% giá trị sản xuất nông nghiệp của xã. 

Ông Trần Ngọc Võ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: Trong những năm qua, vùng bãi ven sông thực sự là mảnh đất màu mỡ góp phần tạo ra giá trị kinh tế lớn cho người dân địa phương. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, thực hiện công thức luân canh tăng vụ, vùng bãi ven sông trở thành vùng kinh tế chủ lực, đa dạng cây trồng và loại hình sản xuất, giúp hàng trăm người dân bám đất, bám bãi phát triển kinh tế.

Để khai thác lợi thế, phát huy hiệu quả nội lực, tranh thủ các nguồn lực để đưa vùng đất bãi phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, xã Tân Lễ thường xuyên vận động bà con đưa vào trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới, năng suất và chất lượng, nhờ đó kinh tế của xã phát triển khá ổn định, đời sống nhân dân đổi thay từng ngày.

Khai thác tiềm năng vùng đất bãi ven sông của người dân xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là tín hiệu đáng mừng; đặc biệt, khi diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp thì phát triển kinh tế từ vùng đất bãi sẽ là lời giải cho phát triển kinh tế nông nghiệp ở các địa phương ven sông./.

Việt Nguyễn (tổng hợp)