Thu hút đầu tư và đầu tư vào địa bàn là những vấn đề được tỉnh ta đặc biệt quan tâm trong những năm qua. Kết quả là đã làm “thay da, đổi thịt” bộ mặt quê hương Ninh Bình: Kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp)... 
Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Chí Tình, TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ hơn những kết quả trong lĩnh vực thu hút đầu tư ở tỉnh ta thời gian qua.

Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của Ninh Bình trong hoạt động thu hút đầu tư kể từ khi tái lập tỉnh đến nay?

Đồng chí Nguyễn Chí Tình: Trong 20 năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh đã thực hiện khá tốt mục tiêu huy động nguồn lực ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng tập trung vào những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh. Sau nhiều năm kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp có bước phát triển khá, tăng trưởng bình quân 19,5%/năm (năm 1991 là 344,9 tỷ đồng, năm 2011 là 11.850 tỷ đồng), tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP chuyển dịch rõ nét, từ 18,9% lên 48,2%. Cơ cấu kinh tế năm 1991: Nông nghiệp và thủy sản 61%, công nghiệp - xây dựng 18,9%, dịch vụ 20,1%. Đến năm 2011: Nông nghiệp và thủy sản 14,1%, công nghiệp - xây dựng 48,2%, dịch vụ 37,7%. Trong đó, sản xuất vật liệu xây dựng đã trở thành mũi nhọn và xi măng, sắt thép là sản phẩm chủ yếu, đến nay nhiều sản phẩm chủ yếu của tỉnh đã có thị trường ổn định, chất lượng sản phẩm tăng lên đáng kể. 

Đến nay, đã cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thành lập mới cho 2.207 doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 440 dự án với tổng số vốn đăng ký 71.800 tỷ đồng (lĩnh vực sản xuất công nghiệp 303 dự án, nông nghiệp 39 dự án, dịch vụ 98 dự án). Trong đó thu hút được 27 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn trên 765 triệu USD. Nhiều dự án đầu tư xây dựng tại các khu, điểm du lịch được hình thành như: Khu du lịch sinh thái Tràng An; tuyến du lịch sinh thái Linh Cốc - Hải Nham; Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương; Khu tắm ngâm, nghỉ dưỡng nước khoáng Cúc Phương, Kênh Gà; sân Golf; Khu Vân Long… Điểm nổi bật trong giai đoạn này vẫn là lĩnh vực sản xuất công nghiệp với việc thu hút 6 nhà máy xi măng, tổng công suất đạt khoảng 13 triệu tấn/năm (đã có 4 nhà máy sản xuất ổn định); Nhà máy lắp ráp ô tô Thành Công; Nhà máy Đạm; Nhà máy sản xuất thép; sản xuất kính ô tô, cơ khí sửa chữa lắp ráp, dịch vụ cảng; may mặc; giày da...

Một số cơ sở sản xuất sớm hoàn thành đầu tư, đi vào sản xuất tạo sản phẩm mới, góp phần quan trọng tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn ở những năm đầu về định hướng phát triển công nghiệp, trong đó nổi bật là Nhà máy cán thép Tam Điệp, công suất 360 nghìn tấn/năm (đi vào sản xuất năm 2003); Nhà máy xi măng Tam Điệp, công suất 1,4 triệu tấn/năm (năm 2004); xi măng The Vissai, công suất 3,6 triệu tấn/năm (năm 2008); xi măng Hướng Dương, công suất 1,8 triệu tấn/năm (năm 2008); xi măng Duyên Hà, công suất 2,36 triệu tấn/năm (năm 2009)…

P.V: Xin đồng chí cho biết rõ hơn về những chính sách để thu hút các dự án của tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Chí Tình: Trong những năm qua, hoạt động xúc tiến đầu tư đã có những đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ mọi nguồn vốn trong và ngoài tỉnh, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế cao. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: Khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 568/2002/QĐ-UB ngày 10-4-2002 và Quyết định số 1556/2006/QĐ-UB ngày 31-7-2006); Quy định ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào Khu công nghiệp Gián Khẩu (Quyết định 532/2004/QĐ-UB ngày 11-3-2004); khuyến khích đầu tư vào khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình (Nghị quyết số 13/2008/NQ-HĐND ngày 12-12-2008)... Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch 7 khu công nghiệp (Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp, Khánh Cư, Phúc Sơn, Xích Thổ, Sơn Hà) với tổng diện tích quy hoạch là 1.961 ha, chiếm khoảng 1,4% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; 7 khu du lịch trọng điểm (Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Địch Lộng - Vân Long - Kênh Gà, Nhà thờ đá Phát Diệm - Kim Sơn; Kỳ Phú - hồ Đồng Chương, hồ Yên Thắng - hồ Yên Đồng - động Mã Tiên, Phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, trung tâm thành phố Ninh bình) và 1 khu dịch vụ khách sạn nhà hàng tại trung tâm thành phố Ninh Bình. 

Nhưng đến nay các hoạt động đầu tư trên địa bàn được thực hiện theo Luật Đầu tư. Trong những năm triển khai các cơ chế, chính sách trên đã thu được nhiều kết quả tích cực. 

Với việc thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa liên thông, đã đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư… Phối hợp với các trung tâm xúc tiến thương mại và du lịch của các tỉnh để tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư. 

Bên cạnh đó là những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng cơ sở, các tiện ích đem lại cho nhà đầu tư, hàng năm, phối hợp với Báo Đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tạp chí Kinh tế và dự báo, Đài truyền hình Việt Nam, VTC, truyền hình cáp đăng các bài viết có nội dung quảng bá hình ảnh tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh. Thường xuyên cung cấp các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội cho Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc, Công ty Kết nối đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… để cung cấp kịp thời cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

P.V: Vậy định hướng của tỉnh ta đối với việc thu hút đầu tư trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Chí Tình: Trên cơ sở các mục tiêu phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, trước bối cảnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có biện pháp cắt giảm đầu tư công, do vậy thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng, bổ sung nguồn lực đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, trong thời gian tới, tỉnh cần xác định kêu gọi thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách một cách chọn lọc, đảm bảo các tiêu chí như đóng góp cho tỉnh về thu ngân sách, giải quyết an sinh xã hội, tạo ra nhiều giá trị gia tăng để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, công nghệ tiên tiến. 

Đối với thu hút vốn đầu tư từ dân cư và doanh nghiệp, đây là nguồn lực chính để đầu tư phát triển KT-XH. Để huy động tốt nguồn vốn này, cần phải tạo thuận lợi đối với các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp bao gồm: Mặt bằng sản xuất, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, quan tâm đến nhà đầu tư từ khi họ đến cũng như khi dự án đi vào hoạt động, xử lý dứt điểm với thời gian nhanh nhất các vướng mắc trong quá trình cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và các vấn đề vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trong các lĩnh vực đầu tư và đăng ký kinh doanh. 

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư lựa chọn các hình thức đầu tư theo các hình thức BOT, BTO, BT, PPP…; đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa - xã hội theo hướng xã hội hóa; tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, tổ chức các cuộc gặp mặt, tiếp xúc các doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh nhằm thu hút các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư trên địa bàn.

Đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Tăng cường thu hút nguồn vốn này; mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút FDI, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Xây dựng những chính sách huy động tốt, minh bạch, tạo thuận lợi đối với các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp bao gồm: mặt bằng sản xuất, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư. Tìm hiểu, tiếp cận các nhà đầu tư lớn, tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương nhằm kết hợp hoặc tổ chức các hội nghị xúc tiến trong nước và nước ngoài.

Đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Xây dựng danh mục dự án thu hút và sử dụng ODA phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH để làm căn cứ vận động ODA. Trước mắt, tập trung vận động nguồn vốn ODA cho phát triển kết cấu hạ tằng kỹ thuật và hạ tầng xã hội gồm các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch, giảm nghèo…

Đối với nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ (NGO): Nguồn vốn này chủ yếu là viện trợ không hoàn lại, tuy không lớn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục, dân số, trẻ em… Tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là các tổ chức hữu nghị Việt Nam để tiếp cận được với các tổ chức NGO.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!