Phát triển kinh tế biển ở tỉnh Phú Yên

ĐỖ CÔNG TIẾN
Tạp chí Cộng sản
00:12, ngày 14-12-2021

TCCS - Phú Yên là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển. Kinh tế biển có vai trò ngày càng lớn trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tăng nguồn thu ngân sách, lan tỏa, quảng bá mảnh đất và con người Phú Yên. Trước yêu cầu phát triển trong tình hình mới, việc khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của tỉnh Phú Yên là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.

Thực trạng phát triển kinh tế biển

Tỉnh Phú Yên thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, có vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc. Là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển, tỉnh Phú Yên có bờ biển dài với nhiều bãi biển rộng lớn, nước trong xanh, bờ cát mịn, trải dài gần 200km, khá đa dạng về chủng loại hải sản, có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên còn là địa phương có nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo rất độc đáo và các lễ hội đặc sắc của ngư dân, tạo nên nét văn hóa riêng có, rất thuận lợi cho phát triển du lịch, nhất là du lịch biển.

Ghềnh đá đĩa - địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên_Ảnh: Tư liệu

Nhận thức được vị trí, vai trò, tiềm năng quan trọng đặc biệt của biển đối với sự phát triển của tỉnh, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và các thế hệ lãnh đạo tỉnh Phú Yên luôn trăn trở suy nghĩ, tìm cách khai thác, phát huy lợi thế này để đưa Phú Yên bứt phá đi lên. Nếu Phú Yên chậm trễ không khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế to lớn về kinh tế biển sẽ có thể bỏ qua những cơ hội phát triển lớn.

Thống nhất nhận thức là cơ sở cho quá trình triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, Phú Yên hết sức chú trọng công tác tuyên truyền đến mỗi tổ chức, người dân và doanh nghiệp về tiềm năng, lợi thế, chủ trương, chính sách của tỉnh trong phát triển kinh tế biển, coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp.

Quán triệt, triển khai và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chiến lược biển nói chung (1), phát triển kinh tế biển nói riêng, tỉnh Phú Yên ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động nguồn lực, các thành phần kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội để phát triển kinh tế biển. Nghị quyết các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh đều đề cập đến phát triển kinh tế biển. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh đến phát triển kinh tế biển. Các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế biển và trên thực tế đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Việc khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển tiếp tục được chú trọng. Vùng ven biển được quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư triển khai các dự án, nhất là công nghiệp, du lịch. Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển được đẩy mạnh; công nghiệp ven biển từng bước phát triển, kinh tế hàng hải bước đầu hình thành,… đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh nói chung và vùng biển, ven biển nói riêng. Kinh tế biển đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc; chú trọng đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh, trọng tâm là phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, cộng đồng; tăng cường thu hút đầu tư, hình thành một số khu du lịch đặc trưng của tỉnh Phú Yên mang tầm quốc gia và khu vực (tại vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, vịnh Vũng Rô,…). Chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao. Việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được chú trọng.

Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm và thu hút đầu tư, phát triển; sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, lượng khách du lịch tăng khá qua các năm. Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030.

Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên được chú trọng, đạt một số kết quả tích cực. Tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình dự án quan trọng, bước đầu hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế và các khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế biển ở Phú Yên còn một số hạn chế, yếu kém:

Một là, tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển của tỉnh chưa được khai thác hiệu quả. Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển còn thiếu và yếu. Du lịch biển chưa có những sản phẩm đặc trưng, nguồn nhân lực còn hạn chế. Quản lý vùng nuôi trồng thủy sản chưa tốt, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát ở một số địa phương vẫn còn diễn ra; nguồn lợi thủy sản ven bờ bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biển đổi khí hậu, biển xâm thực còn nhiều bất cập. Khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biển chưa được quan tâm đúng mức.

Hai là, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mặc dù có nhiều nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa, nhưng thủ tục hành chính, nhất là trên lĩnh vực đất đai, đầu tư vẫn còn phức tạp, rườm rà. Thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tiến độ triển khai các dự án chậm, kéo dài hoặc không có khả năng thực hiện. Thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp khai thác đầu tư.

Những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu do các nguyên nhân: 1- Một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của kinh tế biển; công tác tổ chức, quản lý về kinh tế biển chưa theo kịp yêu cầu phát triển; 2- Công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức và quản lý thống nhất, nhất là quy hoạch sử dụng đất, mặt nước, quy hoạch xây dựng. Các địa điểm du lịch danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa chưa được đầu tư đúng mức về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cơ sở dịch vụ du lịch…, nên chưa khai thác hiệu quả; 3- Nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư kết cấu hạ tầng vùng biển còn hạn chế; 4- Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển nguồn nhân lực về biển còn hạn chế; công tác đào tạo, hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho cư dân vùng ven biển chưa phù hợp với quá trình cơ cấu lại, phát triển các ngành kinh tế biển; 5- Quản lý đất đai nhiều nơi thiếu chặt chẽ. Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn, chưa tạo nhiều quỹ đất để thu hút đầu tư.

Giải pháp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thứ tư là khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh Phú Yên ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 18-8-2021, “Về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên” xác định mục tiêu tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực; để đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Thu hoạch tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú yên_Ảnh: TTXVN

Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trên, khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, Phú Yên tập trung thực hiện tốt một số giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển, thu hút đầu tư. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển và vùng ven biển. Cần có nhận thức thống nhất tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị về phát triển kinh tế biển, gắn kinh tế biển với bảo đảm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là về kinh tế biển, gắn với ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - công nghệ.

Việc đầu tư, thu hút đầu tư cần được lựa chọn, tính toán cẩn trọng dựa trên quy hoạch, chiến lược để phát huy thế mạnh từng địa phương, gắn với khai thác được tiềm năng, lợi thế liên kết vùng, tránh đầu tư tràn lan. Mỗi địa phương, mỗi vùng cần xác định và chỉ phát triển một số sản phẩm có thế mạnh để tập trung đầu tư hạ tầng, công nghệ sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Đơn cử, tỉnh Phú Yên có lợi thế về cá ngừ thì nên tập trung đầu tư phát triển mạnh ngành cá ngừ...

Thứ hai, chú trọng cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là cá ngừ đại dương. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi. Đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão.

Phát triển hợp lý nuôi trồng thủy sản, ưu tiên đầu tư theo hướng thâm canh, công nghệ cao, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như tôm hùm, tôm thẻ...; ưu tiên phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững ở vùng biển hở.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, làng nghề, khu vực ven biển và trên biển, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

Tỉnh cần xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể khoa học, có trọng tâm, trọng điểm; phát huy hiệu quả lợi thế của từng vùng và tăng cường liên kết giữa các vùng, kêu gọi thu hút đầu tư, tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo,... tận dụng tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch biển và khai thác, nuôi trồng thủy sản; khuyến khích ngư dân bám biển sản xuất kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ tư, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổ chức các đoàn thăm và làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn nhằm đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư vào tỉnh để đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển bền vững. Các khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp ven biển của tỉnh Phú Yên, tận dụng lợi thế về cảng biển, sân bay để thu hút các nhà đầu tư có chất lượng.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nâng cao chất lượng dịch vụ, hình thành một số khu du lịch đặc trưng của tỉnh Phú Yên mang tầm quốc gia và khu vực.

Thứ năm, phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Phú Yên chú trọng đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện; thực hiện tốt giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc người có công, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế biển của đất nước, các địa phương ven biển nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng có nhiều tiềm năng, cơ hội, cũng như điều kiện để bứt phá, chuyển mình vươn lên, xây dựng tỉnh Phú Yên giàu mạnh, văn minh, từng bước hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

-----------------------
(1) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X, “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”