Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
TCCS - Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tiêu chí “hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới mục tiêu xây dựng “tỉnh hạnh phúc”. Gần 4 năm đã trôi qua, việc xây dựng và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Hạnh phúc, chỉ số hạnh phúc
Hạnh phúc là một khái niệm có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, biểu hiện trình độ tư duy của con người. Hạnh phúc có trong tiêu ngữ của mỗi văn bản hành chính của đất nước ta (Độc lập - Tự do - Hạnh phúc)… Trên bình diện chung nhất, có thể hiểu hạnh phúc dùng để chỉ một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Các nhà triết học và tâm lý học thì cho rằng, hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, chỉ có ở loài người, mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí.
Ở Việt Nam, trong Sắc lệnh số 50-SL, ngày 9-10-1945, lần đầu tiên 6 chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đặt trang trọng dưới dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đây là tiêu ngữ của Nhà nước dân chủ đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra ngay từ ngày đầu thành lập chế độ mới. Tự do - hạnh phúc là mục tiêu cao cả, là khát vọng của loài người. Mỗi cá nhân, cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc cần hướng vào mục tiêu cao cả ấy mà phấn đấu vươn lên để khẳng định vị thế cá nhân, cộng đồng, quốc gia mình.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, “hạnh phúc” được xác định là mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội, là khát vọng phát triển của đất nước, là chuẩn mực tối cao của gia đình Việt Nam. Đó là những chỉ dẫn quan trọng đối với quản trị quốc gia, đưa hạnh phúc trở thành một mục tiêu thực tế trong tiến trình phát triển đất nước. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”(1).
Chỉ số hạnh phúc (tiếng Anh Happiness Index, viết tắt HI) là một chỉ số tổng hợp, phản ánh mức độ hạnh phúc của một nhóm xã hội, một cộng đồng người, được tính toán trên cơ sở kết quả đạt được của các tiêu chí thành phần của nhóm xã hội, của cộng đồng người đó tính đến một năm nhất định. Chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam (viết tắt VNHI) là một chỉ số tổng hợp, phản ánh mức độ hạnh phúc của toàn thể dân tộc Việt Nam, được tính toán trên cơ sở bốn nhóm tiêu chí thành phần về kinh tế, xã hội, môi trường, hiệu quả quản trị và hành chính công của phạm vi cả nước đến một năm nhất định(2).
Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Yên Bái về chỉ số hạnh phúc
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định mục tiêu: “Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”(3). Như vậy, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã lựa chọn triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; đồng thời, xác định “xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân” là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, trong 3 năm (từ năm 2021 đến hết năm 2023), tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều kế hoạch, nghị quyết, đề án, chính sách ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường(4)… Đây là những cơ sở quan trọng để xây dựng và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái, gắn kết mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, giữa kinh tế và môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tiêu chí đánh giá chỉ số hạnh phúc
Chỉ số hạnh phúc của người dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng tỉnh Yên Bái lần thứ XIX được đánh giá trên 3 tiêu chí chính: 1- Sự hài lòng về cuộc sống, bao gồm hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất; hài lòng về mối quan hệ với gia đình và xã hội; hài lòng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội; hài lòng về hoạt động của các cơ quan công quyền. 2- Đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh (bao gồm 3 mức: 65 tuổi, 70 tuổi, 75 tuổi). 3- Sự hài lòng về môi trường sống, bao gồm: sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh.
Để có cơ sở xây dựng chỉ tiêu về chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái đến năm 2025, Tỉnh ủy Yên Bái đã chỉ đạo tiến hành cuộc điều tra xã hội học về chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh năm 2020. Kết quả như sau: Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 40,71%; đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện tại: 41,6% đánh giá tuổi thọ trung bình hiện tại của người dân tỉnh Yên Bái là 70 tuổi (chiếm tỷ lệ cao nhất); tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 31,8%.
Công thức tính chỉ số hạnh phúc dựa trên 3 tiêu chí: Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống × Tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình/Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống
Theo đó, chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái năm 2020 là 53,3%, ở mức Khá hạnh phúc.
Thực tiễn triển khai thực hiện nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân thời gian qua
Kết quả đánh giá về chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái sau hơn nửa nhiệm kỳ triển khai, thực hiện, tiếp cận ở góc độ 3 tiêu chí chính của chỉ số hạnh phúc:
Từ bảng tổng hợp trên, có thể thấy, chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái tăng đều qua các năm và tăng so với kế hoạch hằng năm đề ra. Nếu lấy cột mốc là năm 2023 nhìn về năm 2020, chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái tăng 12,32%, đạt 65,62%. Tỉnh Yên Bái đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020 (tăng 2,68% so với năm 2023). Những thành tựu đạt được về chỉ số hạnh phúc người dân được biểu hiện qua các nội dung sau:
Thứ nhất, nâng cao sự hài lòng của người dân về cuộc sống.
Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển mới không chỉ trên ruộng đồng, mà còn từ trong tư duy, chuyển nhận thức từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; tỉnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng, sản lượng làm mục tiêu sang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, gia tăng giá trị của sản phẩm.
Những năm qua, tỉnh Yên Bái quan tâm, đầu tư lớn cho phát triển hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, tạo nên mạng lưới giao thông thuận tiện, phục vụ nhu cầu của các tầng lớp nhân dân. Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng hoặc mở rộng, nâng cấp. Những cây cầu mới qua sông Hồng, sông Chảy và nhiều công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm... ở các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa thực sự đã trở thành “nhịp cầu nối những bờ vui”, những “công trình, con đường, cây cầu hạnh phúc”.
Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, nhờ đó bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được bảo tồn, phát huy. Tính đến hết tháng 9-2024, toàn tỉnh có 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 73,3%; 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Yên Bái tiếp tục dẫn đầu các tỉnh khu vực Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới.
Nếu như năm 2021, tỉnh Yên Bái có 73,6% số gia đình văn hóa đạt tiêu chí “Gia đình hạnh phúc”; 35,5% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt tiêu chí “Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” thì chỉ 12 tháng sau (năm 2022), con số gia đình văn hóa đạt tiêu chí “Gia đình hạnh phúc” đã là 85,4% (tăng 11,8% so với năm 2021); thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chí “Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” là 37,9% (tăng 1,4% so với năm 2021). Năm 2023, hầu hết các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có mô hình xây dựng thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc với sự vào cuộc tích cực, chủ động của người dân. Hầu hết người dân đều ý thức được mình sẽ là đối tượng trực tiếp hưởng thụ những thành quả “hoa thơm trái ngọt”, niềm hạnh phúc từ các hoạt động này.
Tính đến hết năm 2023, tỉnh Yên Bái đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3 (đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố) và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2 (đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố). Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia là 72,9%. Phong trào thi đua xây dựng, nhân rộng các mô hình “Trường học hạnh phúc”, lớp học hạnh phúc được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh với 100% trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Năm học 2022 - 2023, đã có 289 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học hạnh phúc, tỷ lệ đạt 65%, vượt 15% so với chỉ tiêu. Tính đến hết tháng 4-2024, Yên Bái có 296 trường học đươc công nhận đạt tiêu chí “Trường hạnh phúc”, đạt 67%. Kết quả đó góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân về môi trường giáo dục, chất lượng dạy và học.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 5,15% so với năm 2021. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ước giảm khoảng 3,41% so với năm 2023. Từ năm 2020 đến hết năm 2023, tỉnh Yên Bái đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 1.300 hộ người có công và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa. Giai đoạn 2023 - 2025, theo đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Yên Bái sẽ tiếp tục hỗ trợ 3.022 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, phấn đấu cơ bản xóa hết nhà tạm, tranh tre nứa lá. Đây là một con số ấn tượng, gấp hơn 3 lần giai đoạn 2020 - 2022.
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng sự hài lòng của người dân cũng như các cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh Yên Bái xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc so với năm 2021); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố (tăng 5 bậc); chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) nằm trong nhóm “Trung bình cao”. Năm 2023, chỉ số PAR Index của Yên Bái đứng thứ 10/63, tỉnh, thành phố (tăng 4 bậc so với năm 2022); trong khi đó, chỉ số SIPAS đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2022).
Thứ hai, nâng cao mức độ hài lòng của người dân về môi trường sống.
Tỉnh Yên Bái đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, xử lý nước thải, chất thải; xây dựng các điểm xử lý rác thải tập trung để bảo đảm môi trường sống cho người dân. Tỉnh cũng thường xuyên sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình cấp nước sạch tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ; chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp (từ các thôn, bản, tổ dân phố, trong từng đường làng, ngõ phố, trong mỗi gia đình đến mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp); tăng cường bảo vệ môi trường rừng, cây xanh. Phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững...
Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân.
Năm 2023, tỉnh Yên Bái có hai bệnh viện đa khoa, 5 bệnh viện chuyên khoa. Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang được đầu tư xây dựng thành trung tâm khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao của khu vực Tây Bắc; toàn tỉnh đạt 10,8 bác sĩ/10.000 dân; 34,6 giường bệnh/10.000 dân; 154/173 số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (đạt tỷ lệ 89%). Thời gian gần đây, khi nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện, người dân đã được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến huyện, góp phần giảm thời gian đi lại, chi phí do phải di chuyển và giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở Yên Bái đạt 96%; tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt 98,2%; tuổi thọ trung bình của người dân là 73,9…; trong đó, số năm sống khỏe tối thiểu của người dân đạt 66,2 tuổi.
Thực tiễn cho thấy, chủ trương xây dựng và nâng cao chỉ số hạnh phúc là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Nhờ có chủ trương đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt của tỉnh nên đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân trong thực hiện mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc.
Mặc dù là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, song các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân đã góp phần đem lại sự hài lòng cho mỗi người, mỗi nhà về cuộc sống. Sự hài lòng đó có thể đo lường được qua các điều kiện vật chất, đời sống tinh thần của từng cá nhân và gia đình; mức độ hài lòng về cung cách phục vụ của chính quyền địa phương cũng như môi trường sống xung quanh không ngừng được cải thiện; tuổi thọ trung bình và số năm sống khỏe tối thiểu của người dân ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân ở Yên Bái còn một số hạn chế sau:
Một là, việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vì tỉnh Yên Bái là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện công việc này, chưa có tiền lệ. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân chưa hình dung, nhận thức đầy đủ các nội dung, nội hàm liên quan đến chỉ số hạnh phúc cũng như những gì mình phải thực hiện.
Hai là, trong công tác điều tra, khảo sát, do nguồn nhân lực mỏng, hạn chế nên số phiếu điều tra chưa nhiều. Một số địa phương cũng chưa thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong việc chọn mẫu để thực hiện, nên việc đánh giá chưa nhất quán, đồng đều; phiếu điều tra phần nào chưa thể hiện được tính đại diện theo cơ cấu, thành phần của đối tượng điều tra.
Ba là, việc thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân liên quan tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động, tích cực phối hợp trong triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, kinh phí thực hiện các giải pháp còn hạn hẹp hoặc chưa có, nhất là đối với việc xây dựng và phát triển các mô hình, các phong trào cần huy động sự tham gia của đông đảo người dân. Do vậy, việc duy trì hoạt động, khuyến khích, phát triển nhân rộng mô hình, phong trào chưa thực sự hiệu quả.
Giải pháp nâng cao sự hài lòng và chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái trong thời gian tới
Thứ nhất, thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các chính sách, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ có hiệu quả các đối tượng yếu thế nhằm nâng cao đời sống vật chất, giảm thiểu bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng, cơ sở vật chất để người dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Thứ hai, gắn tăng trưởng kinh tế với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai cuộc vận động “xây dựng gia đình hạnh phúc” như là hạt nhân nuôi dưỡng cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người.
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, bảo đảm ít nhất 50% số trung tâm y tế cấp huyện đạt tiêu chuẩn hạng II trở lên; quan tâm đầu tư đồng bộ và phát huy hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo đảm mọi người dân đều được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế.
Thứ tư, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Yên Bái và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã theo hướng công khai, minh bạch, giải quyết công việc nhanh, thuận lợi; không ngừng cải thiện thái độ và mức độ phục vụ của cán bộ đối với các tầng lớp nhân dân. Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn và tiêu cực xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại để thu gom, xử lý chất thải, tái sử dụng, tái chế và sản xuất thu hồi năng lượng từ chất thải; giảm dần, tiến tới phấn đấu cơ bản năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; trên 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường. Các cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn nữa đến xây dựng cảnh quan đô thị, làng, xã; bảo vệ rừng và môi trường cây xanh tại địa phương.
Thứ sáu, thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc, khó khăn… Từ đó, rút ra những kinh nghiệm hay, bài học quý; phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần làm cho chỉ số hạnh phúc tiếp tục được định hình rõ nét bằng chính mục tiêu của cấp ủy, chính quyền các cấp, đáp ứng nhu cầu, khát vọng phát triển, nguyện vọng chính đáng của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, hướng tới mục tiêu xây dựng “Tỉnh hạnh phúc”./.
------------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: Biến thách thức thành cơ hội quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 83
(2) Xem: Nguyễn Huy Lương: “Phương pháp xây dựng chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam”, Thông tin Khoa học thống kê, số 1-2023
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr. 93
(4) Điển hình như: Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 30-10-2020, của Tỉnh ủy, về “Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025”; Kế hoạch số 30-KH/TU, ngày 10-5-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái năm 2021”; Công văn số 1466/UBND-VX, ngày 18-5-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc triển khai “Kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái”; Kế hoạch số 37-KH/TU, ngày 09-6-2021, của Tỉnh ủy, “Về xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập””; Quyết định số 1929/QĐ-UBND, ngày 8-9-2021, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, về “Ban hành tiêu chí tạm thời đánh giá “Gia đình hạnh phúc”, “thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh Yên Bái”; Kế hoạch số 63-KH/TU, ngày 25-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2022”…
(5) Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái: Báo cáo về nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2021, 2022, 2023.
Đẩy mạnh liên kết vùng đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Hà Nội  (24/11/2024)
Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay  (24/10/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai  (13/09/2024)
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
- Kỷ nguyên số - Bối cảnh và cơ hội cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX