“Thà làm đầu gà, không làm đuôi phượng”!

Nhất Lâm
17:57, ngày 19-02-2021

“Đầu gà, đuôi phượng” có thể được hiểu là một lý thuyết phát triển tiềm năng bản thân dựa vào động lực từ những người xung quanh ta. Chẳng hạn, nên lựa chọn làm việc ở một cơ quan, đơn vị có rất nhiều người tài giỏi, với những áp lực lớn hay chấp nhận an vị ở một cơ quan, đơn vị khiêm tốn hơn, nơi ta có thể giữ một ví trí lãnh đạo, quản lý?

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”; nếu cứ mãi ở trong một tầng thấp, thì cũng giống như “nước ấm nấu ếch”, những tưởng vô hại, mà khi tỉnh ngộ thì đã muộn. Nhiều người sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để có một khởi đầu mới, sẵn sàng đương đầu thử thách, áp lực, làm việc trong môi trường mới với những cá nhân xuất sắc để nhận thấy khoảng cách, sự khác biệt và tự thôi thúc phát triển bản thân.

Ấy thế mà, không ít cán bộ, đảng viên hiện nay lại cho rằng, “thà làm đầu gà, còn hơn làm đuôi phượng”, “làm chủ một nơi còn hơn làm tôi kẻ khác” và xem đây là “bí quyết” thăng tiến trong sự nghiệp. Trong mỗi cơ quan, đơn vị, họ thích làm “đầu gà” vì có quyền sai bảo, chỉ đạo người khác. Họ giống như “vua xứ mù”, càng có địa bàn rộng, quyền hành chỉ đạo, lãnh đạo càng nhiều và cuộc sống lại càng thành công. “Đầu gà” nhưng có thể quyết định đến mọi đường lối, chủ trương, công tác tổ chức, thu chi ngân sách của địa phương, cơ quan, đơn vị đó. Trong khi, “đuôi phượng”, mặc dù là bộ phận của một cơ thể lộng lẫy, trang hoàng, nhưng vẫn là vị trí phụ, không có quyền quyết định gì hết.

Vì vậy, để được “làm đầu con gà to”, không ít cán bộ đã tìm cách chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ. Từ đây, hình thành cái gọi là “đấu thầu chức tước”, tức là ai bỏ “thầu” cao, sẽ trúng. Và vì thăng tiến bằng con đường “chạy” nên khi đã được làm “đầu gà” thì họ phải thu hồi “vốn” bằng tham ô, tham nhũng.

Còn có những câu chuyện, trường hợp cán bộ từ chối luân chuyển lên chức to hơn (từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh, từ cơ quan này sang cơ quan khác) bằng những nguyên nhân “rất dễ thông cảm”, như là vì lý do sức khỏe, không phù hợp chuyên môn, sở trường,… để giữ khư khư cái địa vị, chức tước dù “bé” hơn kia.

Căn bệnh “tư duy nhiệm kỳ” cũng từ đây mà nảy sinh, hình thành. Tức là, “người đứng đầu” tận dụng nhiệm kỳ công tác để làm lợi cho cá nhân, bỏ qua lợi ích của tập thể và xã hội. Đặc biệt là khi ở “buổi hoàng hôn của nhiệm kỳ”, người lãnh đạo thường làm “chuyến tàu vét”, ký tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ tràn lan, thậm chí có sự “châm chước” hay cho “nợ tiêu chuẩn”.

Vì coi mình là “đầu gà”, không ít cán bộ đã ngang nhiên đưa người thân, đồ đệ, “cánh hầu” vào các vị trí tốt trong hệ thống công quyền, dẫn đến tình trạng “gia đình trị”, “chủ nghĩa thân hữu” ở không ít cơ quan, địa phương, tập đoàn kinh tế, bộ, ngành… Sau khi “ấm chỗ”, các cá nhân ấy sẽ được đưa vào “bệ phóng” với một quy trình hết sức bài bản, đúng thủ tục. Đến đây lại nhớ đến trường hợp báo chí phản ánh, có địa phương, cả một gia đình, từ vợ, anh em, họ hàng, thông gia đều được đà lên “làm quan”, giữ những vị trí “tốt” trong hệ thống chính trị của địa phương đó; mà ai cũng đều “được đào tạo bài bản”, “được bổ nhiệm theo đúng quy trình”.

Thế mới thấy, quy định của Đảng về luân chuyển, điều động cán bộ là chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp, để không ai có thể cậy mình là “đầu gà” mà lộng hành, với mục đích còn để tạo ra môi trường thử thách cán bộ, giúp cán bộ từng bước trưởng thành, phát triển hơn. Xã hội luôn vận động, phát triển không ngừng; “đuôi gà” hôm nay nhưng bằng thực học, thực tài để trở thành “đầu phượng” ngày mai, mới là đáng trân trọng! Người cán bộ có vị trí cao hay thấp nhiều khi không quan trọng bằng việc họ lao tâm khổ tứ cống hiến cho Đảng, đất nước và nhân dân - đó mới là thứ đáng quý, hơn là danh tiếng và địa vị!./.