Chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ của cộng hòa Pháp

PGS, TS BÙI HỒNG HẠNH - LÊ VIẾT HIẾU
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
07:01, ngày 19-02-2024

TCCS - Chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ (FFP) là một khái niệm tương đối mới, được xây dựng trên nền tảng lịch sử lâu dài về thực tiễn hoạt động và vận động cho quyền phụ nữ, với mục tiêu đưa bình đẳng giới trở thành yếu tố ưu tiên xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Pháp Em-ma-nu-en Ma-crông, FFP đang được thúc đẩy mạnh mẽ. 

Cơ sở xây dựng chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ của Pháp

Nội hàm của FFP

Nhìn chung, các quốc gia đưa ra cách tiếp cận và phạm vi FFP không hoàn toàn giống nhau. Năm 2014, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên công bố và áp dụng FFP trên ba trụ cột: quyền của phụ nữ, quyền đại diện của phụ nữ và phân bổ nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới. Đây được xem là chính sách toàn diện khi áp dụng lăng kính bình đẳng giới trong tất cả khuôn khổ của chính sách đối ngoại, từ viện trợ phát triển, thương mại đến quốc phòng, an ninh trong quan hệ với các nước(1). Tiếp đến là FFP của Ca-na-đa được ban hành vào năm 2017, với tên gọi “Chính sách hỗ trợ quốc tế vì quyền của phụ nữ” (FIAP), trong đó hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được xem là trọng tâm chính của chính sách này(2). Đối với Pháp, thuật ngữ “đối ngoại vì quyền của phụ nữ” được sử dụng phổ biến hơn(3). Quan điểm của Pháp về FFP được thể hiện thông qua các bài phát biểu và chiến lược quốc tế của Pháp về bình đẳng giới (2018 - 2022). Theo đó, Hội đồng cấp cao về bình đẳng giới (HCE) - cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá chiến lược về giới của Pháp - nhấn mạnh, FFP là chính sách của một nhà nước đặt bình đẳng giữa nam và nữ, tự do và quyền của phụ nữ, đấu tranh xóa bỏ chế độ phụ hệ làm trung tâm của các hoạt động đối ngoại, trên mọi phương diện (ODA, ngoại giao, thương mại và kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng và an ninh, khí hậu và môi trường,...)(4).

Hiện nay, chưa có một văn bản pháp lý quốc tế quy định thống nhất về nội hàm của FFP. Song, theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW), “FFP là chính sách của một quốc gia xác định các tương tác với các quốc gia, các phong trào và các chủ thể phi nhà nước khác, theo phương thức ưu tiên hòa bình, bình đẳng giới và toàn vẹn môi trường; tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; tìm cách phá vỡ các cấu trúc quyền lực thuộc địa, phân biệt chủng tộc, gia trưởng và do nam giới thống trị; phân bổ các nguồn lực quan trọng, bao gồm cả nghiên cứu, để đạt được tầm nhìn đó. FFP nhất quán giữa cách tiếp cận với các đòn bẩy tạo nên ảnh hưởng của nó và tất cả được gắn chặt với việc thực hiện các giá trị này ở trong nước, đồng hành sáng tạo với các nhóm, các nhà hoạt động phong trào vì quyền của phụ nữ ở cả trong nước và ngoài nước”(5). Như vậy có thể thấy, FFP là một khái niệm tương đối mới, được xây dựng từ thực tiễn hoạt động và vận động cho quyền phụ nữ. Theo đó, nội hàm của FFP có thể được hiểu một cách tổng quan như quan niệm của ICRW.

Nhân tố thúc đẩy sự ra đời FFP của Pháp

Năm 2014, khi Thụy Điển công bố FFP đã gặp phải không ít nghi ngại, song đến nay, đã có tám quốc gia(6) chính thức triển khai FFP trong tổng số hơn 30 quốc gia áp dụng hoặc có một phần chính sách theo khuôn khổ của FFP, nhằm vận động quốc tế đưa bình đẳng giới vào chính sách đối ngoại. Điều này cho thấy, bất bình đẳng giới vẫn là vấn nạn nhức nhối trên toàn cầu, không chỉ tồn tại ở các nước đang phát triển, mà còn cả các nước phát triển. Chính vì vậy, vấn đề bất bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các cơ chế, tổ chức quốc tế trên thế giới và Pháp là một trong những quốc gia tích cực tham gia các cơ chế này.

Năm 1983, Pháp là nước thứ hai mươi hai thông qua Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn vào ngày 18-12-1979(7). Tại châu Âu, từ nhiều thập niên qua, bình đẳng giới được xem là một trong những giá trị cốt lõi và được ghi nhận trong luật pháp của Liên minh châu Âu (EU) nói chung, các quốc gia thành viên EU nói riêng. Đơn cử như, năm 2010, EU thông qua Hiến chương phụ nữ - Tăng cường cam kết về bình đẳng giới, nhằm cải thiện việc thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực châu Âu và trên thế giới. Ngoài ra, EU còn có hàng loạt chiến lược về bình đẳng giới theo giai đoạn năm năm kể từ năm 2010 đến nay... Gần đây nhất, EU đưa ra Kế hoạch hành động mới về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong hoạt động đối ngoại giai đoạn 2021 - 2025 (GAP III), trong đó đặt mục tiêu: 85% các hoạt động được thực hiện trong quan hệ đối ngoại sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vào năm 2025(8). Trong bối cảnh đó, Pháp - quốc gia thành viên của EU, nơi ra đời của bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789, cũng tích cực tham gia và vận động để bảo đảm mối lo ngại của phụ nữ được chú trọng hơn ở khu vực và trên thế giới.

Ở cấp độ quốc gia, kể từ những năm 70 của thế kỷ XX, Pháp đã phát triển các chính sách về bình đẳng giới và đến nay các chính sách này trở thành một khung pháp lý hoàn chỉnh được đánh dấu bằng việc thông qua “Luật Bình đẳng giới thực sự” vào năm 2014. Tuy nhiên, FFP của Pháp được thúc đẩy tích cực hơn trong bối cảnh phong trào “MeToo” nổ ra mạnh mẽ vào năm 2017 Mặt khác, số lượng phụ nữ tham gia các vị trí chính trị trong nội bộ nước Pháp vẫn còn thấp so với các quốc gia trong khu vực, cũng như khối lượng ODA trong lĩnh vực bình đẳng giới của Pháp chưa tương xứng so với nhiều nước. Hơn nữa, từ cấp độ cá nhân nhà lãnh đạo, có thể thấy bình đẳng giới cũng là một trong những mục tiêu ưu tiên mà chính quyền Tổng thống Pháp E. Ma-crông hướng tới trong nhiệm kỳ của ông.

Hạ viện Pháp bầu bà Yael Braun-Pivet, nghị sĩ thuộc liên minh "Đồng lòng" của Tổng thống Emmanuel Macron làm Chủ tịch Hạ viện Pháp - nữ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên của Pháp, ngày 28-6-2022_Ảnh: TTXVN

Nội dung và thực tiễn triển khai chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ của Pháp

Chiến lược quốc tế về giới và mục tiêu FFP của Pháp

Năm 2018, Pháp công bố “Chiến lược quốc tế về bình đẳng giới giai đoạn 2018 - 2022” và khẳng định mong muốn tiến hành chính sách “ngoại giao nữ quyền”. Cụ thể, Chiến lược quốc tế về bình đẳng giới của Pháp giai đoạn 2018 - 2022 có trọng tâm chính là ODA với năm mục tiêu ưu tiên, năm phương hướng hành động và ba nguyên tắc tiếp cận. Trong đó, năm mục tiêu ưu tiên hỗ trợ, bao gồm: 1- Tiếp cận dịch vụ miễn phí và bình đẳng; 2- Tiếp cận các nguồn lực sản xuất và kinh tế; 3- Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trước mọi hình thức bạo lực; 4- Sự tham gia hiệu quả của phụ nữ trong các lĩnh vực ra quyết định kinh tế, chính trị và xã hội; 5- Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và an ninh(9).

Năm phương hướng hành động nhằm mục đích lồng ghép giới vào các hoạt động ngoại giao được đặt ra đối với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan của Pháp, bao gồm: 1- Tăng cường văn hóa thể chế ủng hộ bình đẳng giữa nam và nữ và cân bằng giới trong các cơ quan của Bộ Ngoại giao; 2- Đẩy mạnh vận động chính trị của Pháp về bình đẳng giới; 3- Cải thiện vấn đề bình đẳng giới trong ODA; 4- Tăng cường khả năng hiển thị, minh bạch và trách nhiệm giải trình về hoạt động của cơ quan bộ vì lợi ích bình đẳng giới; 5- Tăng cường liên kết với các chủ thể khác, như tổ chức xã hội, khu vực tư nhân,... nghiên cứu để chống sự bất bình đẳng giới(10).

Tuy nhiên, các hoạt động ngoại giao vì quyền của phụ nữ của Pháp phải được tiến hành dựa trên ba nguyên tắc chủ đạo, bao gồm: 1- Tiếp cận toàn diện: lồng ghép giới trong các hoạt động đối ngoại của Pháp; 2- Tiếp cận dựa trên cơ sở giới: vấn đề giới sẽ được xem xét trong toàn bộ quá trình hoạt động đối ngoại từ bước hoạch định việc thực thi; 3- Tiếp cận dựa trên quyền: tôn trọng quyền của phụ nữ, bình đẳng giới và bác bỏ mọi phân biệt đối xử về giới là nền tảng để xây dựng chính sách phát triển và hoạt động đối ngoại của Pháp.

Thực tiễn triển khai FFP của Pháp giai đoạn 2018 - 2022

Việc triển khai các hoạt động ngoại giao vì quyền của phụ nữ của Pháp trong giai đoạn này tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thúc đẩy bình đẳng giới trên các diễn đàn hợp tác đa phương khu vực và quốc tế. Năm 2019, Pháp coi bình đẳng giới là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Pháp làm Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7). Vì vậy, Pháp tiếp tục duy trì cơ cấu của Hội đồng Tư vấn cấp cao về bình đẳng giới nhằm thúc đẩy, vận động và yêu cầu các quốc gia G-7 thực hiện chính sách ngoại giao vì quyền của phụ nữ và đưa bình đẳng giới trở thành một ưu tiên trong chính sách đối ngoại cũng như chương trình ODA của mỗi quốc gia. Các thành viên của Hội đồng Tư vấn cấp cao về bình đẳng giới cũng kêu gọi Nhóm G-7 cam kết dành 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho ODA. Trên cơ sở các đề xuất của Hội đồng Tư vấn cấp cao về bình đẳng giới, các nhà lãnh đạo Nhóm G-7 đã thông qua Tuyên bố chung về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Để hiện thực hóa tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Nhóm G-7 thành lập Đối tác Biarritz - một liên minh quốc tế tập hợp các quốc gia thành viên G-7 cùng với các quốc gia khác(11), cam kết giải quyết bất bình đẳng giới bằng cách thông qua một khung pháp lý tiến bộ chung.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Pháp (năm 2022), Pháp cũng đưa vấn đề bình đẳng giới vào chương trình nghị sự và thúc đẩy các quốc gia thành viên EU tuân thủ Công ước Istanbul(12) của Hội đồng châu Âu (EC). Nhiều nước thành viên EU tuyên bố đưa các vấn đề chống bạo lực tình dục, trao quyền kinh tế cho phụ nữ,... trở thành những ưu tiên chung.

Điểm sáng tiếp theo trong các hoạt động đa phương về bình đẳng giới của Pháp đó là Pháp đã cùng Mê-hi-cô triển khai Diễn đàn Bình đẳng thế hệ (GEF) do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) khởi xướng vào tháng 7-2021, với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế cũng như đại diện của các tổ chức xã hội, thanh niên và khu vực tư nhân để thực hiện các cam kết lịch sử, thúc đẩy bình đẳng giới một cách bền vững. Diễn đàn đã khởi động “kế hoạch tăng tốc toàn cầu” vì bình đẳng giới bằng một loạt hoạt động cụ thể, đầy tham vọng, bao gồm các cam kết tài chính lên tới 40 tỷ USD(13). Sáu “liên minh hành động” đã được đưa ra tại GEF xoay quanh sáu chủ đề, bao gồm: 1- Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; 2- Quyền kinh tế của phụ nữ; 3- Quyền với cơ thể, quyền và sức khỏe tình dục và sinh sản; 4- Phụ nữ hành động vì khí hậu; 5- Công nghệ và sáng tạo vì bình đẳng giới; 6- Các phong trào vì quyền của phụ nữ và sự lãnh đạo của phụ nữ. Mỗi chủ đề sẽ được giải quyết bởi một “liên minh hành động”.

Thứ hai, hoạt động tài trợ và ODA trong lĩnh vực bình đẳng giới. Năm 2022, 100% các dự án và chương trình của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) được đánh dấu theo dấu “giới tính” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)(14) và 50% khối lượng cam kết hằng năm của AFD lấy bình đẳng giới là mục tiêu chính hoặc là mục tiêu quan trọng(15).

Năm 2019, AFD đã phân bổ 120 triệu ơ-rô để hỗ trợ các chương trình thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ. Trong đó, 35% ODA của Pháp có mục tiêu quan trọng là bình đẳng giới và 6% coi bình đẳng giới là mục tiêu chính(16). Chính phủ Pháp cho biết, 50% ODA của Pháp được dành cho các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới vào năm 2022(17), nhằm tăng tổng ngân sách cho các dự án ủng hộ bình đẳng giới lên 700 triệu ơ-rô. Với những nỗ lực không ngừng, Pháp đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tài trợ cho các dự án thúc đẩy quyền tự chủ của phụ nữ và tăng cường quyền cho phụ nữ. Theo báo cáo của OECD, Pháp đứng thứ mười ba trong tổng số các nước tài trợ ODA cho bình đẳng giới lớn nhất thế giới. Pháp đã phân bổ trung bình 47% viện trợ song phương cho bình đẳng giới trong giai đoạn 2020 - 2021(18). Tháng 8-2021, Pháp đã ban hành một quy định mới nhằm định hình chính sách ODA của nước này. Theo đó, bình đẳng giới được thiết lập như một mục tiêu xuyên suốt trong ODA của Pháp, quy định 75% các dự án được tài trợ bằng vốn ODA của Pháp phải có bình đẳng giới theo đánh dấu giới của OECD (so với 50% kể từ năm 2013)(19). Theo dự báo tăng trưởng kinh tế hiện tại và chương trình tài chính ODA tổng thể cũng như quy định mới này, việc thúc đẩy trực tiếp bình đẳng giới trong giai đoạn 2022 - 2026 có thể chiếm tới 12,8 tỷ ơ-rô ODA của Pháp(20). Ngoài ra, khoản đóng góp của Pháp cho các tổ chức quốc tế cũng gia tăng, chẳng hạn đối với UN Women, ngân sách tài trợ đã tăng từ 1,7 triệu ơ-rô năm 2018 lên 3,05 triệu ơ-rô năm 2020, đưa Pháp trở thành một trong 20 nhà tài trợ lớn nhất cho tổ chức này(21).

Có thể thấy, AFD chịu trách nhiệm cung cấp tài trợ và hỗ trợ cho các dự án phát triển ở các quốc gia khác nhau. Nói cách khác, AFD là công cụ thực thi chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ của Pháp. Trong các năm 2019 - 2020, AFD đã có 15 dự án (với tổng số tiền 94,2 triệu ơ-rô) với mục tiêu trực tiếp và mục tiêu cụ thể vào việc giúp phụ nữ ở Ca-mơ-run, Cộng hòa Trung Phi, Sát, Mô-ri-ta-ni và một số nước Trung Đông... tiếp cận các dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, nước sạch, đất đai...) và quản trị(22). Năm 2021, AFD thực hiện 63 dự án về bình đẳng giới với tổng số tiền là 857 triệu ơ-rô(23), trong đó có một số dự án nổi bật, như dự án Ajyal với trị giá 5,5 triệu ơ-rô, tập trung thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ, thúc đẩy văn hóa bình đẳng giới ở Maghreb và hỗ trợ các phong trào vì quyền của phụ nữ ở một số quốc gia Bắc Phi; dự án đa quốc gia “Feminist Opportunities Now” (FON) chống bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới (GBV) với trị giá 14 triệu ơ-rô...(24).

Thứ ba, cải thiện và nâng cao hệ thống về giới trong Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp (MEAE). Đây có thể coi là một điểm đặc biệt trong quá trình triển khai chính sách ngoại giao vì quyền của phụ nữ giai đoạn 2018 - 2022 của Pháp. Cách tiếp cận kép này bao gồm cải thiện hệ thống bình đẳng giới của chính MEAE song song với khía cạnh bên ngoài là cam kết và thúc đẩy hành động bình đẳng giới trong hoạt động ngoại giao của Pháp. Việc cải tổ vấn đề giới trong MEAE tập trung vào ba nội dung chính: 1- Chính sách bổ nhiệm cán bộ nữ; 2- Đào tạo và hỗ trợ nhân viên; 3- Mạng lưới đầu mối về bình đẳng giới. Theo số liệu thống kê, tháng 12-2021, MEAE có 28% đại sứ là nữ giới (năm 2012 là 11%), chiếm 50% tổng số đại sứ nữ ở các nước thuộc EU(25). Năm 2022, MEAE có 29,76% tổng lãnh sự quán là nữ giới, đáp ứng các mục tiêu của “Đạo luật Sauvadet”(26) với 44% bổ nhiệm chính cho các nữ đại sứ và giám đốc của chính quyền trung ương. Tỷ lệ này là 41,3% nếu tất cả vị trí của “Đạo luật Sauvadet” được xem xét (đại sứ, giám đốc trong chính quyền trung ương, người đứng đầu các dịch vụ và người đứng đầu các bộ phận)(27).

Các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới được tổ chức cho toàn bộ cán bộ mới của MEAE và cán bộ chuẩn bị ra nước ngoài công tác. Việc đào tạo ban đầu này được bổ sung thông qua các mạng lưới nội bộ dành cho cán bộ đã làm việc tại MEAE(28). Các hoạt động đào tạo dài hạn và chuyên sâu hơn cũng được tổ chức cho những cán bộ chịu trách nhiệm về các vấn đề giới quốc tế. Tính đến năm 2019, mạng lưới đầu mối liên lạc về bình đẳng giới trong MEAE có khoảng 170 người(29). Mạng lưới này chịu trách nhiệm điều phối giữa cơ quan quản lý trung ương và mạng lưới của MEAE về bình đẳng giới. Các đầu mối liên lạc có nhiệm vụ tổ chức đối thoại với các đối tác địa phương, giám sát chủ đề bình đẳng và truyền thông về chính sách của Pháp cùng chiến lược quốc tế của MEAE. 

Một vài nhận xét và gợi ý tham chiếu đối với Việt Nam

Một là, về kết quả triển khai chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ của Pháp giai đoạn 2018 - 2022. Trong giai đoạn 2018 - 2022, Pháp đã tích cực triển khai chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ ở các diễn đàn hợp tác đa phương và cơ chế song phương trên cơ sở đóng góp tài chính thông qua AFD hỗ trợ các dự án trao quyền và chống bất bình đẳng giới trên thế giới, tập trung chủ yếu ở khu vực châu Phi. Mặc dù thời gian triển khai chưa thực sự dài, song đã bước đầu mang lại những kết quả khả quan khi các số liệu về khối lượng viện trợ cho các dự án về bình đẳng giới ngày càng tăng; đồng thời, sự hiện diện và tham gia tích cực của Pháp vào lĩnh vực này được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Những chuyển biến về cải thiện hệ thống bình đẳng giới trong chính Bộ Ngoại giao của Pháp cũng đạt kết quả tích cực hơn.

Tuy nhiên, mặc dù Pháp đã cam kết đầu tư vào các chính sách về quyền của phụ nữ, nhưng nguồn tài chính vẫn còn hạn chế. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng triển khai các chính sách và dự án mới của Pháp. Theo báo cáo của OECD về sự đóng góp của các nước cho bình đẳng giới, Thụy Điển dẫn đầu thế giới khi chiếm 90%, Ca-na-đa đứng thứ hai với hơn 70%, còn Pháp chỉ đạt hơn 30%. Trong khi cam kết của Ca-na-đa là dành 95% cho ODA về bình đẳng giới thì Pháp vẫn ở mức thấp là 50% vào năm 2022(30). Về phạm vi tài trợ, các dự án ODA của Pháp mới chỉ giới hạn với phụ nữ và trẻ em gái. Vì vậy, cần mở rộng phạm vi, lĩnh vực tài trợ hơn nữa, nhất là ở khu vực châu Phi vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ đến vấn đề bình đẳng giới.

Hai là, về đặc điểm FFP của Pháp. Mục tiêu chung của các nước theo đuổi FFP, một mặt, hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, từ đó các nước này có thể thúc đẩy, gia tăng quyền lực mềm và ảnh hưởng đối với các nước đang phát triển cũng như trên phạm vi toàn cầu; mặt khác, bằng các hoạt động đối ngoại vì quyền của phụ nữ, chính phủ các nước sẽ phải điều chỉnh và thúc đẩy các chính sách bình đẳng giới trong chính nội bộ quốc gia.

Tuy nhiên, khi công bố về FFP, Pháp không đưa ra một khuôn khổ cụ thể hóa các mục tiêu, phạm vi hành động hay tiêu chí. Văn bản hiện tại làm đường hướng cho FFP của Pháp vẫn là “Chiến lược quốc tế về bình đẳng giới năm 2018 - 2022”. Đến nay, mặc dù văn bản này đã hết thời hạn, song Pháp vẫn chưa đưa ra được một văn bản chính sách mới để dẫn dắt hoạt động ngoại giao vì quyền của phụ nữ. Đây cũng có thể là cách thức để ngỏ của Chính phủ Pháp, để có thể linh hoạt điều chỉnh các chính sách và hoạt động đối ngoại vì quyền của phụ nữ phù hợp với từng bối cảnh.

Điểm khác biệt nữa là FFP của Pháp chưa thực sự toàn diện, giai đoạn này chỉ mới tập trung vào viện trợ phát triển mà chưa mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng tương tác và ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề bình đẳng giới, như thương mại, an ninh...

Ba là, trong giai đoạn vừa qua, trọng tâm cải thiện tình hình bình đẳng giới trên thế giới của Pháp là khu vực châu Phi, từng là các thuộc địa cũ của Pháp, khiến một số người quan ngại. Tuy nhiên, việc thúc đẩy FFP chỉ là một trong những hành động và cơ chế để Pháp gia tăng nguồn “sức mạnh mềm”. Bên cạnh việc kết hợp với ngoại giao văn hóa, Pháp có thể khuếch đại và lan tỏa những giá trị mà FFP của Pháp hướng tới. Đây được xem là một quá trình tương hỗ. Mặt khác, việc Pháp và các quốc gia, như Thụy Điển, Ca-na-đa, Đức,... thúc đẩy FFP đã khiến chính phủ các nước phải nhìn nhận lại chính sách đối ngoại của mình, từ đó thay đổi để trao truyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Đối với Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái là một trong những mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt của Đảng và Chính phủ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Những thành tựu của Việt Nam về bình đẳng giới đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2020, Việt Nam đứng thứ 87 về các chỉ số bình đẳng giới(31). Việt Nam đã rất thành công trong việc nâng cao tỷ lệ học sinh nữ cấp tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động là 73% và nam giới là 82%. Tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%; thạc sĩ: 33,95%; tiến sĩ: 25,69%. Trong giới báo chí, ước tính tỷ lệ các nhà báo nữ đạt gần 30% tổng số nhà báo. Phụ nữ chiếm ưu thế trong một số ngành, như giáo dục, y tế và dịch vụ. Trong công tác chuyên môn, phụ nữ chiếm số đông trong các bộ môn văn học, ngôn ngữ, y dược, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kinh tế. Tổng số giờ làm việc của nữ giới (kể cả ở nhà và bên ngoài) cao hơn rất nhiều so với tổng số giờ làm việc của nam giới...

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại liên quan đến bình đẳng giới, như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc...; tham gia tích cực Liên đoàn các tổ chức phụ  nữ  ASEAN (ACWO), Nhóm Phụ nữ ASEAN về hòa bình (AWPR); tham gia có trách nhiệm và phát huy vai trò, sáng kiến tại các diễn đàn, sự kiện, hội nghị quốc tế về phụ nữ, như ACWO, Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế  APEC, Liên  đoàn Phụ  nữ  dân chủ  quốc tế  (WIDF)...

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân với các đại biểu dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2023 với chủ đề “Phụ nữ: Tạo dựng môi trường mới của sự thay đổi” do Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đăng cai_Ảnh: TTXVN

Giai đoạn 2018 - 2022, tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ của Pháp đã thực hiện hỗ trợ một số dự án trong lĩnh vực bình đẳng giới theo khuôn khổ Quỹ hỗ trợ các tổ chức vì quyền của phụ nữ khởi xướng vào năm 2020(32). Đại sứ quán Pháp cũng sử dụng hình thức ngoại giao số để tích cực truyền thông, quảng bá dấu ấn FFP của Pháp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trên trang web và fanpage của Pháp cũng đăng tải thông cáo mời các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam trình bày dự án của họ để có thể nhận được hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ quốc tế về quyền của phụ nữ (FSOF). So với một số đối tác khác, mặc dù các hoạt động đối ngoại vì quyền của phụ nữ của Pháp tại Việt Nam chưa nhiều, song đã phần nào góp phần thay đổi cách nhìn nhận và thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới nói chung và ngoại giao vì quyền phụ nữ nói riêng tại Việt Nam.

Năm 2021, Học viện Ngoại giao và UN Women cùng Đại sứ quán các nước Pháp, Mê-hi-cô, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Ca-na-đa đã tổ chức chương trình đối thoại “Chính sách ngoại giao nữ quyền - Nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạch định chính sách đối ngoại” cho thấy sự quan tâm và sức hút của lĩnh vực ngoại giao này. Trong xu thế đa dạng hóa các loại hình ngoại giao, FFP được đánh giá một lĩnh vực quan trọng. Theo đó, Việt Nam có thể tính đến việc triển khai ngoại giao vì bình đẳng giới một cách bài bản trong tổng thể chính sách đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng phù hợp với nội lực quốc gia. Một mặt, Việt Nam chủ động lồng ghép cam kết quốc tế về bình đẳng giới vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mặt khác, chú trọng đưa vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vào chương trình nghị sự song phương, đa phương với các đối tác phù hợp, nhất là những quốc gia,  tổ chức quốc tế chú trọng vấn đề giới, có chính sách đối ngoại về giới và có nguồn lực cho hợp tác quốc tế về giới, từ đó tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài.

Đồng thời, Việt Nam vẫn cần tiếp tục kiên định mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể trong lĩnh vực chính trị, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương và giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm lần lượt là 50%, dưới 30% vào năm 2025 và khoảng 60%, dưới 25% vào năm 2030; tỷ lệ lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là nữ đạt ít nhất 27% năm 2025 và 30% năm 2030. Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngoài việc giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình được trả công của phụ nữ, các chỉ tiêu đặt ra yêu cầu đến năm 2025, có 80% số người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản và 50% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Phấn đấu đến năm 2030, con số này lần lượt là 90% và 70%. Bên cạnh đó, còn nhiều chỉ tiêu cần phấn đấu nâng cao hơn nữa nhằm thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực, như y tế, giáo dục - đào tạo, thông tin và truyền thông.

Ngoài những nỗ lực quyết liệt của Chính phủ cùng sự bảo vệ của hệ thống pháp luật, để có thể đi đến giải quyết ngọn ngành các vấn đề do bất bình đẳng giới gây ra còn cần sự thay đổi trong quan điểm, nhận thức của mỗi người dân Việt Nam về vấn đề bình đẳng nam nữ. Do đó, rất cần có sự chung tay của mỗi người dân cùng phối hợp với chính quyền cùng hoàn thành các mục tiêu đã đề ra nhằm xây dựng một xã hội Việt Nam mà nam giới, nữ giới, trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn, góp phần phát triển Việt Nam tiến bộ, toàn diện và bền vững./.

---------------------------

(1) Khuôn khổ chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ của Thụy Điển bao gồm “ba chữ R”: 1- Rights (quyền của phụ nữ và trẻ em gái); 2- Resources (hỗ trợ nguồn lực để thúc đẩy bình đẳng giới); 3- Representation (hỗ trợ việc tăng cường đại diện cho phụ nữ trong các lĩnh vực đặc biệt là chính trị. Xem: Government Offices of Sweden: “Handbook: Sweden’s Feminist Foreign Policy” (Tạm dịch: Sổ tay: Chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ của Thụy Điển), Ministry for Foreign Affairs, 2018, https://www.swedenabroad.se/globalassets/ambassader/zimbabwe-harare/documents/handbook_swedens-feminist-foreign-policy.pdf, tr. 13
(2) Government of Canada: “Canada’s Feminist International Assistance Policy” (Tạm dịch: Chính sách hỗ trợ quốc tế về quyền của phụ nữ của Ca-na-đa), 2021, https://www.international.gc.ca/world-monde/issues_development-enjeux_developpement/priorities-priorites/policy-politique.aspx?lang=eng
(3) Thuật ngữ này được quốc tế công nhận và được Pháp chính thức sử dụng vào tháng 3-2018 trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp (MEAE) Giăng - I-vét LơĐri-an (Jean-Yves Le Drian), tại lễ công bố Chiến lược quốc tế về bình đẳng giới giai đoạn 2018 - 2022 của Pháp
(4) High Council for Gender Equality (HCE): “Feminist diplomacy Moving from a slogan to rally support to true momentum for change” (Tạm dịch: Ngoại giao vì quyền của phụ nữ chuyển từ khẩu hiệu để tập hợp sự ủng hộ sang động lực thực sự cho sự thay đổi), Report 2020-09-22 DIPLO-44, ngày 4-11-2020
(5) Rachel Clement and Lyric Thompson: “Toward a Feminist Foreign Policy in the United States” (Tạm dịch: Hướng tới một chính sách ngoại giao vì quyền của phụ nữ ở Mỹ), Washington, DC: International Center for Research on Women (ICRW), 2019, https://www.icrw.org/wp-content/uploads/2019/06/Toward-a-Feminist-Foreign-Policy-in-the-US-v5.pdf
(6) Thụy Điển (năm 2014), Ca-na-đa (năm 2017), Pháp (năm 2019), Mê-hi-cô (năm 2020), Lúc-xem-bua (năm 2021), Tây Ban Nha (năm 2021), Đức (năm 2021), và Chi-lê (năm 2022)
(7) Ngày 3-9-1981, sau khi được nước thứ hai mươi thông qua, CEDAW bắt đầu có hiệu lực với tư cách một văn kiện quốc tế tổng hợp nhất về quyền con người của phụ nữ. Đến nay, theo CEDAW, đã có 186 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết công ước, chiếm hơn 90% thành viên Liên hợp quốc
(8) Sénat France: “L’égalité femmes-hommes, un enjeu fondamental de solidarité internationale” (Tạm dịch: Bình đẳng giới, vấn đề cơ bản của đoàn kết quốc tế), ngày 4-5-2021, https://www.senat.fr/rap/r20-550/r20-5501.html
(9), (10) MEAE: “France’s international strategy for gender equality (2018 - 2022)” (Tạm dịch: Chiến lược quốc tế của Pháp về bình đẳng giới (2018 - 2022)”, Directorate-General for Global Affairs, Culture, Education and International Development, 2018, https://www.diplomatie.gouv.fr/en/french-foreign-policy/human-rights/women-s-rights/france-s-international-strategy-for-gender-equality-2018-2022/#:~:text=The%203rd%20International%20Strategy%20for,national%20cause%20of%20his%20term.
(11) Ô-xtrây-li-a, Chi-lê, Ấn Độ, Xê-nê-gan...
(12) Công ước của Hội đồng châu Âu về ngăn ngừa, chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực gia đình đã được thông qua vào ngày 7-4-2011
(13) Ministère chargé de l’égalité entre les femmes et les hommes, de la diversité et de l’égalité des chances: “Égalité-femmes-hommes” (Tạm dịch: Bình đằng giữa phụ nữ và nam giới), ngày 13-4-2022, http://www.egalite-femmes-hommes.gouv.fr/diplomatie-feministe
(14) G-marker là công cụ đánh dấu chính sách bình đẳng giới của Ủy ban Hỗ trợ phát triển (DAC) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Đây là một chỉ số chính sách được sử dụng để theo dõi việc phân bổ nguồn lực của các nhà tài trợ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, bao gồm ba điểm: G-0 (CAD 0) - khi bình đẳng giới không được đưa vào làm mục tiêu; G-1 (CAD 1) - khi bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng và có chủ ý trong dự án/chương trình, nhưng không phải là lý do chính để đạt được mục tiêu đó; G-2 (CAD 2) - khi bình đẳng giới là mục tiêu chính trong các dự án/chương trình và nghiên cứu. Dự án/chương trình này sẽ không được thực hiện nếu không có mục tiêu bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới
(15) G7 France: “Faire de l’égalité femmes-hommes une grande cause mondiale” (Tạm dịch: Đưa bình đẳng giới trở thành một mục tiêu toàn cầu), ngày 1-1-2019, https://www.elysee.fr/en/g7/2019/01/01/lutter-contre-les-inegalites-entre-les-femmes-et-les-hommes.fr
(16) Focus 2030: “The French international solidarity policy” (Tạm dịch: Chính sách đoàn kết quốc tế của Pháp), ngày 12-4-2023, https://focus2030.org/The-French-international-solidarity-policy
(17) G7 France: “Faire de l’égalité femmes-hommes une grande cause mondiale” (Tạm dịch: Đưa bình đẳng giới trở thành một mục tiêu toàn cầu), Tlđd
(18) Focus 2023: “Which countries support gender equality in their official development assistance?” (Tạm dịch: Quốc gia nào hỗ trợ bình đẳng giới trong hỗ trợ phát triển chính thức?”, ngày 24-5-2023, https://focus2030.org/Which-countries-support-gender-equality-in-their-Official-Development
(19), (20) MEAE: “Diplomatie féministe” (Tạm dịch: Đối ngoại vì quyền của phụ nữ), 2020, http://www.genre-developpement.org/politique-francaise/diplomatie-feministe/
(21) MEAE: “Diplomatie féministe” (Tạm dịch: Đối ngoại vì quyền của phụ nữ), 2020, http://www.genre-developpement.org/politique-francaise/diplomatie-feministe/
(22) AFD: “Gender equality - 2019 - 2020 Activity Report” (Tạm dịch: Bình đẳng giới - Báo cáo hoạt động giai đoạn 2019 - 2020), tháng 6-2021, https://www.afd.fr/en/ressources/gender-equality-2019-2020-activity-report, tr. 9
(23), (24) AFD: “Gender Equality - 2021 Activity Report” (Tạm dịch: Bình đẳng giới - Báo cáo hoạt động giai đoạn 2019 - 2020, Tlđd, tr. 4, 9 - 11
(25) MEAE: “Gender equality at the Ministry for Europe and Foreign Affairs” (Tạm dịch: Bình đẳng giới tại Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp), Tlđd
(26) Đạo luật Sauvadet được thông qua tại Pháp vào năm 2012, nhằm thúc đẩy sự đại diện của phụ nữ trong chính phủ và các cơ quan công quyền. Theo Đạo luật, trong vòng 6 năm, trong các vị trí cấp cao của chính phủ và các cơ quan công quyền phụ nữ phải chiếm ít nhất 40%
(27), (28), (29) MEAE: “Gender equality at the Ministry for Europe and Foreign Affairs” (Tạm dịch: Bình đẳng giới tại Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp), Tlđd
(30) Lyric Thompson - Rachel Cleme: “Defining feminist foreign policy” (Tạm dịch: Xác định chính sách ngoại giao vì quyền của phụ nữ),  International Center for Research on Women (ICRW), 2019, https://www.icrw.org/wp-content/uploads/2019/03/Defining-Feminist-Foreign-Policy-Brief_web-version.pdf, tr. 5
(31) Trong đó, lĩnh vực kinh tế Việt Nam xếp thứ 31, giáo dục thứ 93, sức khỏe thứ 151 và chính trị thứ 110. Xem: “Global Gender Gap Report 2020” (Tạm dịch: Báo cáo khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2020), WEF, tháng 2-2023, https://www3.weforum.org/docs/WEF_GGGR_2020.pdf
(32) FSOF do AFD và MEAE quản lý được thành lập vào tháng 7-2020 có trị giá 120 triệu ơ-rô cho giai đoạn ba năm (2020 - 2022). Quỹ góp phần tài trợ cho các tổ chức xã hội và các tổ chức vì quyền của phụ nữ hoạt động tại các nước đối tác, với 65% ưu tiên cho các sáng kiến ở khu vực châu Phi