TCCS - Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ trong thời đại ngày nay, chuyển đổi số để phát triển du lịch là hướng đi hiệu quả giúp ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch xoay trục sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với du khách. Ngành du lịch Hà Nội sớm nắm bắt được xu thế đó và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển và quảng bá điểm đến du lịch.

Du khách khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột-Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo_Ảnh: baovanhoa.vn

Xu thế chung trên thế giới

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đại dịch COVID-19 có thể làm giảm 1 tỷ khách du lịch quốc tế, tổn thất lên tới 1.000 tỷ USD. Sự tàn phá của đại dịch COVID-19 cho thấy, nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng chống lại ảnh hưởng của đại dịch và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh buộc phải cắt giảm nhân sự, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục vận hành bằng số lượng nhân lực ít ỏi, chi phí con người giảm xuống song hiệu quả lại tăng lên, đồng thời là nhân tố làm gia tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đại dịch COVID-19 giống như “cú huých” giúp doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn nếu họ biết cách tận dụng nó. Tuy nhiên, chuyển đổi số lại không hề đơn giản khi các doanh nghiệp hầu như đã kiệt sức, nguồn nhân lực giảm, dòng vốn cạn kiệt bởi những ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh.

Đảng và Nhà nước ta định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh và bền vững, đồng thời, chuyển đổi phát triển kinh tế số gắn liền với phát triển kinh tế du lịch. Cụ thể, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó “du lịch số” được xác định là một trong các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao. Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thực hiện Quyết định số 1671/QĐ-TTg, ngày 30-11-2018, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về phát triển du lịch ở Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Tổng cục Du lịch đẩy mạnh marketing du lịch; quản lý du lịch thông minh; tích hợp dữ liệu số của ngành; kêu gọi doanh nghiệp hưởng ứng, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Qua đó, nhiều ứng dụng trên các nền tảng số được nghiên cứu, triển khai và đưa vào sử dụng để tăng trải nghiệm cho du khách, cải thiện môi trường du lịch. Tổng cục Du lịch chú trọng xây dựng các kênh YouTube, Zalo, Facebook để đẩy mạnh tuyên truyền về du lịch Việt Nam với nội dung đa dạng, liên tục cập nhật. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch triển khai nhiều ứng dụng trên nền tảng di động, mang đến tiện ích, khả năng tương tác hơn cho người sử dụng, tiêu biểu là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”.

Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam”, diễn ra cuối tháng 9-2020, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, cần được đẩy mạnh hơn sau tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Việc áp dụng công nghệ số giúp các địa phương phát triển du lịch thông minh, tăng tính trải nghiệm cho du khách. Có thể nói, việc tăng cường ứng dụng công nghệ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, dễ dàng quản lý công việc trong bối cảnh nhân sự hao hụt, đẩy mạnh chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Internet và có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn với nhiều ứng dụng phổ biến như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử… Nhiều địa phương trên cả nước từng bước đưa các công nghệ này vào hoạt động du lịch, cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D… Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, du khách trở thành khách hàng thông minh. Thói quen du lịch cũng có sự thay đổi, du khách có thể tự đặt dịch vụ tour, tuyến thông qua ứng dụng thông minh.

Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi số để quảng bá điểm đến du lịch

Trong quá trình lịch sử phát triển lâu đời, Hà Nội sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú như di tích Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu phố cổ trầm mặc, những làng nghề truyền thống cùng những cảnh quan mang giá trị riêng như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm… Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã công nhận 19 khu, điểm du lịch, trong đó có 5 khu, điểm du lịch thuộc khu vực nội thành là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ Lệ, quận Ba Đình); Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm); Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa). Số còn lại nằm ở các huyện Thường Tín, Ba Vì, Gia Lâm, Phú Xuyên, Đan Phượng, Sóc Sơn.

Trước yêu cầu mới, từ năm 2020, nhiều khu, điểm du lịch của Hà Nội đã nỗ lực xây dựng sản phẩm, nâng cấp các dịch vụ để hấp dẫn du khách. Tại huyện Ba Vì, 4 khu, điểm du lịch trên địa bàn là Khoang Xanh - Suối Tiên, Tản Đà, Thiên Sơn - Suối Ngà, Ao Vua đều được đầu tư nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đáng chú ý, khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên xây dựng sản phẩm khám phá động băng tuyết từ năm 2020; khu Thiên Sơn - Suối Nga cải tạo lại cảnh quan, phát triển du lịch chữa bệnh. Làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) được công nhận là điểm du lịch từ năm 2019 được đầu tư xây dựng trung tâm thông tin du lịch để hỗ trợ du khách. Ở khu vực nội thành, các khu, điểm du lịch cũng nâng cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ, sẵn sàng đón khách khi được phép. Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò tận dụng thời gian tạm đóng cửa yêu cầu các cán bộ, nhân viên trang bị thêm kỹ năng đón khách an toàn. Khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám chuẩn bị sẵn sàng sản phẩm quà tặng chất lượng cao để tăng khả năng chi tiêu, mua sắm của du khách. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển mới, du lịch Hà Nội vẫn chưa giữ chân du khách lưu trú và trải nghiệm trong thời gian dài, chưa có sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn, tính chuyên nghiệp trong từng điểm đến chưa cao. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ, một trong những hạn chế tại các khu, điểm đến du lịch là chất lượng dịch vụ ít đổi mới, sáng tạo, nên chưa tạo được đột phá trong hấp dẫn, thu hút du khách.

Ngày 24-3-2021, Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ký kết Chương trình phối hợp nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá cho các hoạt động, sự kiện du lịch của Thủ đô; đổi mới cách thức, nội dung và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch; thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch. Theo đại diện của Sở Du lịch Hà Nội, một trong những nội dung quan trọng nhất trong chương trình phối hợp này là chuyển đổi số trong ngành du lịch để du khách có những trải nghiệm tốt hơn, lưu lại Hà Nội lâu hơn. Theo đó, các website của ngành du lịch Thủ đô sẽ được hoàn thiện, cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật tới du khách. Các quận, huyện trên địa bàn sẽ chuẩn hóa các nội dung thuyết minh để triển khai audio guide (thuyết minh tự động bằng tai nghe) bằng nhiều ngôn ngữ tại các điểm tham quan. Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ tham gia quảng bá du lịch Thủ đô trên các nền tảng số, mạng xã hội; đồng thời xử lý những thông tin, hình ảnh không đúng sự thật về hoạt động du lịch tại Hà Nội. Việc sử dụng công nghệ số vào phát triển du lịch thông minh đã được thế giới và Việt Nam thực hiện từ nhiều năm nay. Hoạt động này càng được chú trọng khi dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt đời sống, trong đó có du lịch. Nhiều quốc gia đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực này, coi đó là giải pháp hiệu quả để khắc phục hậu quả của dịch COVID-19. Hình thức du lịch trực tuyến, khám phá các điểm đến trên thế giới bằng công nghệ thực tế ảo đã trở nên phổ biến hơn.

Ngày 13-8-2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3928/QĐ-UBND, về việc ban hành thí điểm bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Bộ tiêu chí chia ra 5 nhóm tiêu chí đánh giá, đó là: Tài nguyên du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch, quản lý điểm đến, kết cấu hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng địa phương. Các khu, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao được đánh giá trên thang điểm 100, trong đó ngoài tiêu chí quan trọng là có di tích độc đáo, phong cảnh thiên nhiên đẹp, yếu tố tham gia của cộng đồng người dân trong hoạt động du lịch, bảo vệ di sản, cảnh quan, môi trường được đặt lên hàng đầu. Khu, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao còn cần bảo đảm thu hút được lượng khách ít nhất 150 người/ngày; có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ lưu trú, nhà hàng, các dịch vụ tham quan, mua sắm, tổ chức sự kiện phục vụ du khách… Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, đây sẽ là căn cứ để các tổ chức, cá nhân, đơn vị quản lý khu, điểm du lịch xây dựng kế hoạch phục vụ du khách tốt hơn. Ngoài việc các đơn vị tự đánh giá, khách du lịch cũng có quyền tham gia đánh giá chất lượng của khu, điểm du lịch. Điều này sẽ là động lực để các khu, điểm du lịch có sự điều chỉnh kịp thời về sản phẩm, dịch vụ, tăng chất lượng phục vụ.

Có thể khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, buộc các đơn vị phải chủ động chuyển mình nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra và phát triển. Để việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động quảng bá điểm đến du lịch của Hà Nội đạt hiệu quả, cần có sự liên kết, chia sẻ công nghệ, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực nhằm hướng tới mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô./.