Quan hệ ASEAN - Nga: Kết quả và những vấn đề đặt ra hiện nay

TS. Hoàng Thị Mỹ Nhị
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
20:23, ngày 03-07-2021

TCCS - Năm 2021 là năm kỷ niệm thiết lập 30 năm quan hệ và 25 năm quan hệ đối thoại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga. Đây là thời điểm quan trọng để Nga và ASEAN nhìn lại những thành quả đã đạt được, cũng như xác định những lĩnh vực hợp tác cần đẩy mạnh trong giai đoạn tới.

Chính sách đối ngoại của Nga đối với ASEAN

Trước năm 2016

Trong 20 năm đầu tiên (1995 - 2015), Nga đã có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại và hợp tác với ASEAN. Ban đầu, Chính phủ Nga hợp tác với ASEAN như một phần của Diễn đàn khu vực ASEAN (năm 1995) và sau đó Nga trở thành Đối tác đối thoại toàn diện của ASEAN vào năm 1996. Thông qua cuộc họp đầu tiên của Ủy ban hợp tác chung ASEAN - Nga (ARJCC) và Quỹ hợp tác ASEAN - Nga, hai bên đã thống nhất trở thành đối tác đối thoại trên tinh thần đoàn kết ASEAN - Nga, hướng tới quan hệ hợp tác song phương, hiểu biết, hỗ trợ nhau thông qua các ủy ban, nhóm và hội đồng chuyên trách để thực hiện các mục tiêu chung đã cam kết.

Vào những năm đầu thế kỷ XXI, nhằm thúc đẩy chính sách “Hướng Đông”, Nga đã xoay trục để tái cân bằng với các nước phương Tây, khẳng định vị thế là trung tâm quyền lực độc lập và là một cực trong trật tự thế giới đa cực mới. Vì vậy, Nga đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và hợp tác với ASEAN thông qua Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với Đông Nam Á (TAC) từ năm 2004 và Chương trình hành động toàn diện (CPA) giai đoạn 2005 - 2015. Kể từ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nga lần thứ hai được diễn ra vào năm 2010 cho đến năm 2015, quan hệ ASEAN - Nga ngày càng được tăng cường. Có thể thấy, kể từ khi mới thiết lập quan hệ với ASEAN (năm 1996) cho đến năm ASEAN hình thành Cộng đồng ASEAN (năm 2015), Nga đã đạt được một số thành tựu bước đầu trong quan hệ về đối ngoại và hợp tác với ASEAN.

Giai đoạn 2016 - 2020

Từ năm 2016, Nga xác định rõ ASEAN là đối tác đối thoại lâu dài. Tháng 5-2016, Hội nghị thượng đỉnh Sochi đã thông qua Tuyên bố Sochi, đưa quan hệ ASEAN - Nga trở thành quan hệ đối tác chiến lược. Tổng thống V. Putin khẳng định, ASEAN là mục tiêu của chiến lược “Đại Á - Âu” và Nga muốn nâng cao vai trò và thể hiện trách nhiệm của mình đối với Đông Nam Á với vị thế trung lập trong các xung đột và tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia. Hai bên đã tìm hiểu các cách thức để mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hiện có, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về định hướng hợp tác trong tương lai giữa ASEAN - Nga. Nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Nga giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình hành động toàn diện (CPA) đã ra đời và được thông qua. Nội dung chương trình tập trung góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai bên thực chất và hiệu quả hơn trong các lĩnh vực an ninh, như duy trì hòa bình và ổn định khu vực, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, thúc đẩy thương mại và đầu tư; khoa học - công nghệ, giáo dục, vận tải, năng lượng, thu hẹp khoảng cách phát triển và giao lưu nhân dân. Nga ủng hộ việc tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, thúc đẩy phối hợp với ASEAN trong Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và các cơ chế đa phương khác. Nhìn chung, sự hợp tác này nhằm góp phần hỗ trợ ASEAN hội nhập kinh tế, xây dựng cộng đồng, tăng cường vị thế của ASEAN ở khu vực và trên thế giới. Trong giai đoạn này, Tổng thống V. Putin tăng cường gặp gỡ song phương với hầu hết lãnh đạo các nước ASEAN thông qua Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị cấp cao ASEAN. Từ những bước đi nhằm nâng tầm chiến lược trong quan hệ đối ngoại với ASEAN, thông qua những chính sách song phương và đa phương, có thể thấy rõ được sự coi trọng của Nga đối với khu vực Đông Nam Á.

Tổng thống Nga V. Putin cùng các nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga lần thứ 3, tại Singapore_Ảnh: TTXVN

Sau khi ban hành CPA giai đoạn 2016 - 2020, Nga luôn chủ động tìm kiếm các biện pháp để thực thi các cam kết và thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả hơn với ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, ASEAN là một trong những ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga và khẳng định vai trò trụ cột của ASEAN ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông S. Lavrov khẳng định: “Chúng tôi coi ASEAN là đối tác đáng tin cậy, có cùng chí hướng trong việc hình thành một kiến trúc an ninh mở, cân bằng, bình đẳng và không thể chia tách ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”(1). Ông S. Lavrov tin rằng, việc hình thành đối tác “Đại Á - Âu” với sự tham gia của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và ASEAN sẽ tạo thành xung lực để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nga trên tất cả các lĩnh vực(2). Bên cạnh đó, Ủy ban hợp tác chung ASEAN - Nga (ARJCC) cũng khẳng định, ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga, cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực, tham gia tích cực trong các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt. Nga sẽ chú trọng các lĩnh vực song phương cùng quan tâm, nhất là trong những lĩnh vực Nga có thế mạnh(3). Hai bên cùng nhau chia sẻ tầm nhìn và cam kết vì mục tiêu chung là đề cao luật pháp, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và xây dựng trật tự khu vực và quốc tế. Nga còn là quốc gia chứng kiến việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa ASEAN và EAEU.

Đối với vấn đề hợp tác quốc phòng - an ninh, Hội nghị cấp cao ASEAN -  Nga lần thứ 3 (năm 2018) đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Nga về hợp tác trong lĩnh vực an ninh và sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Tổng thống V. Putin khẳng định, Nga rất chú trọng đến việc phát triển quan hệ với ASEAN trên cơ sở tôn trọng và cân nhắc lợi ích giữa hai bên. Năm 2019, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (PMC) Phiên 10 + 1 với các đối tác đối thoại (4), các nhà lãnh đạo ASEAN và Nga đều nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; thúc đẩy sự phối hợp giữa ASEAN và Nga thông qua EAS, ARF và ADMM+ và các cuộc đối thoại về cấu trúc an ninh khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với vấn đề văn hóa - xã hội, Nga đẩy mạnh hợp tác khoa học giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, cũng như thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Nga và ASEAN. Bên cạnh đó, liên quan đến đại dịch COVID-19, Nga sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong vấn đề phòng, chống và kiểm soát đại dịch COVID-19.

Trong giai đoạn vừa qua, Nga luôn khẳng định ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Nga ủng hộ ASEAN trong việc nâng cao vị thế, phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tích cực tham gia các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực. Nga cố gắng thúc đẩy các cam kết hành động hợp tác giữa hai bên. Tuy nhiên, kết quả của hợp tác đi vào thực chất và hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào tiềm lực của Nga, mối quan tâm của ASEAN và bối cảnh quốc tế.

Những thành quả đạt được giữa ASEAN và Nga

Về chính trị - an ninh - quốc phòng

Trong những năm qua, ASEAN và Nga đã duy trì mối quan hệ hợp tác chính trị và an ninh ổn định thông qua đối thoại chiến lược về một cấu trúc an ninh toàn diện, cởi mở, bình đẳng và bao trùm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó lấy ASEAN làm trung tâm. Hai bên tăng cường tham vấn và hợp tác thông qua các Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (PMC) + 1, thông qua đối thoại giữa Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN (CPR) và Đại sứ Nga tại ASEAN nhằm đưa ra các biện pháp nâng cao vai trò của ASEAN và Nga trong cấu trúc khu vực. Tại các diễn đàn đa phương, Nga chú trọng nhấn mạnh về hợp tác an ninh - quốc phòng cùng có lợi trong khuôn khổ ADMM+, Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Hội nghị Bộ trưởng Đối thoại Hợp tác châu Á (ACD) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF). Ngoài ra, về hợp tác song phương, Nga nhấn mạnh mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm đa dạng quan hệ đối ngoại. Năm 2017, Nga ký kết thỏa thuận quốc phòng và thỏa thuận hợp tác kỹ thuật - quân sự với Philippines. Năm 2018, lực lượng đặc nhiệm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tiến hành tập trận chung với Hải quân Brunei. Tháng 12-2019, cuộc tập trận chung đầu tiên về các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn giữa Nga với Việt Nam đã diễn ra. Cùng năm 2019, cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Nga và Lào cũng đã diễn ra. Đối với các vấn đề tranh chấp quốc tế của ASEAN, Nga khẳng định cần giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua những nguyên tắc được xác định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Về thương mại và đầu tư

Trong giai đoạn gần đây, hợp tác của Nga mang xu hướng thực chất và hiệu quả hơn. Tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại vẫn là ưu tiên hàng đầu của quan hệ đối tác ASEAN - Nga và mối ưu tiên này đã được đẩy mạnh hơn sau các cam kết của CPA năm 2016, thông qua nhiều kênh khác nhau, như Diễn đàn Doanh nghiệp ASEAN - Nga, Hội nghị các quan chức kinh tế cao cấp (SEOM) và Hội nghị Tham vấn các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nga (AEM). Dựa trên Lộ trình hợp tác thương mại và đầu tư ASEAN - Nga sửa đổi, cùng với Chương trình hợp tác đầu tư và thương mại ASEAN - Nga, sau năm 2017, các dự án liên quan đến lĩnh vực công nghệ, thực phẩm, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, du lịch và những dự án của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Qua đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nga gia tăng nhanh; năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 19,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2017. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nga vào ASEAN gia tăng nhanh chóng: 63,4 triệu USD (năm 2016); 47,8 triệu USD (năm 2017); 56,1 triệu USD (năm 2018) và 83,3 triệu USD (năm 2019)(5). Trong đó, FDI của Nga dành cho lĩnh vực năng lượng tái tạo tập trung vào dầu khí, lĩnh vực điện, năng lượng hạt nhân(6). Nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Nga ở khu vực này chủ yếu là từ Singapore, Thái Lan và Philippines. Riêng trong lĩnh vực thăm dò dầu khí ở Đông Nam Á, Nga chủ yếu phát triển hợp tác với Việt Nam. Đối với đầu tư cho giao thông vận tải, Nga thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông thông minh và hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu cho ASEAN thông qua việc chia sẻ thông tin, đào tạo và thực hành ứng dụng.

Hội nghị tham vấn trực tuyến các bộ trưởng kinh tế ASEAN - Liên bang Nga lần thứ 9 bằng hình thức trực tuyến_Ảnh: TTXVN

Về văn hóa - xã hội và du lịch

Năm 2016, tại Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ASEAN - Nga, hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa, như âm nhạc, sân khấu, văn thư lưu trữ, thư viện, bảo tàng, di sản văn hóa, khiêu vũ, nghệ thuật thị giác, phim ảnh, bản quyền, thủ công dân gian, nghệ thuật trang trí và ứng dụng, xiếc và các loại hình nghệ thuật khác. Lễ hội Văn hóa ASEAN - Nga lần thứ nhất (năm 2016) được tổ chức tại Hà Nội và lần lượt được tổ chức tại Viêng Chăn (Lào) năm 2017 và tại Singapore năm 2019. Nhờ vậy, sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có những bước tiến đáng kể.

Về y tế, giáo dục và giao lưu nhân dân

Trong lĩnh vực y tế, Nga đã khởi xướng hàng loạt khóa học ngắn hạn cho 100 chuyên gia đến từ các quốc gia thành viên ASEAN với các chủ đề về các phương pháp di truyền phân tử trong việc bảo đảm an toàn sinh học, cũng như bảo vệ sức khỏe và vệ sinh dịch tễ của người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ASEAN và Nga cam kết cùng nỗ lực nâng cao năng lực y tế công cộng trong khu vực, trao đổi thông tin và hợp tác giữa các chuyên gia, đóng góp vào Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN.

Đối với giáo dục, Diễn đàn Đại học ASEAN - Nga được tổ chức thường niên từ năm 2016 đến năm 2020 đã góp phần tăng cường và đa dạng hóa hợp tác ASEAN - Nga trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Diễn đàn Đại học ASEAN - Nga thường có các quan chức cấp cao và đại diện của các quan chức cấp cao ASEAN về giáo dục (SOM-ED) và các tổ chức liên kết với ASEAN tham dự. Nội dung chính của các diễn đàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong giáo dục, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sự di chuyển của học sinh và giáo dục trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và xây dựng Kế hoạch Hành động ASEAN - Nga về giáo dục(7).

Để thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân dân giữa ASEAN và Nga, Trung tâm ASEAN tại Trường Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) thường tổ chức, thực hiện các hoạt động quảng bá, giao lưu học thuật về văn hóa góp phần nâng cao sự hiểu biết của sinh viên Nga đối với ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh Thanh niên ASEAN - Nga lần thứ 5 đã diễn ra tại Manila, Philippines (năm 2019). Hội nghị này như một diễn đàn thường xuyên về giáo dục, văn hóa và thể thao giữa thanh niên ASEAN và Nga do Ủy ban Thanh niên quốc gia (NYC) của Philippines phối hợp với Nga và Ban Thư ký ASEAN đồng tổ chức. Các chương trình trao đổi học giả, các hội thảo và hoạt động tham vấn ở Hội nghị này đã góp phần thúc đẩy giao lưu, tăng cường hợp tác khoa học giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của Nga với các nước ASEAN trong những năm qua.

Về các lĩnh vực khác

Trong lĩnh vực du lịch, Nga tăng cường kết nối và xúc tiến các dự án với ASEAN bằng các khóa đào tạo tiếng Nga, phát triển nền tảng công nghệ thông tin cho công ty du lịch. Ngoài ra, Nga tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm thông qua 5 dự án chung với ASEAN, góp phần nâng cao tính bền vững và hiệu quả hơn trong hoạt động nông nghiệp từ năm 2017. Bên cạnh đó, ASEAN và Nga thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ nhằm tăng cường liên kết khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực. Hai bên đã tiến hành hợp tác chung về xử lý nước thải công nghiệp, tiến hành các hội thảo nâng cao năng lực cho các chuyên gia nhằm thực thi các cam kết liên quan đến giao thông vận tải, du lịch, thăm dò dầu khí, năng lượng…

Tính đến nay, Nga và ASEAN đã có 99/139 cam kết được thực hiện trên các lĩnh vực thuộc CPA, bao gồm các kế hoạch hợp tác về năng lượng, nông nghiệp, an ninh lương thực, khoa học - công nghệ sáng tạo trong giai đoạn 2016 - 2020, góp phần hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường kết nối trong ASEAN. Hai bên có những trao đổi khoa học và kỹ thuật trong các lĩnh vực sáng tạo như năng lượng, công nghệ thông tin, truyền thông và không gian. Hỗ trợ hệ thống giao thông khu vực với trọng tâm là thiết lập các chuỗi hậu cần đáng tin cậy, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.

Lễ hội văn hóa ASEAN - Nga tại thành phố Sochi (Nga)_Ảnh: Tư liệu 

Những vấn đề đặt ra

Trong giai đoạn vừa qua, Nga đã có những thay đổi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trong trong hợp tác với ASEAN. Với mục tiêu củng cố vị thế tại châu Á - Thái Bình Dương và ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, chính sách đối ngoại của Nga luôn coi trọng ngoại giao đa phương với khu vực, từng bước kết nối song phương với một số quốc gia nhằm tạo vị thế cạnh tranh với các nước lớn khác. Mối quan hệ ASEAN - Nga trở nên gắn bó hơn thông qua việc Nga chủ động, tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và các cơ chế do ASEAN lãnh đạo. Nga thúc đẩy việc thực thi các cam kết thuộc lĩnh vực mà mình có thế mạnh, đồng thời mở rộng phạm vi của các lĩnh vực hợp tác ngày càng đi vào thực chất hơn. Tuy vậy, trong 5 năm qua, vẫn có những hạn chế nhất định từ những chính sách ngoại giao cũng như hợp tác giữa hai bên.

Thứ nhất, sự gắn kết giữa Nga với các nước ASEAN, nhất là về kinh tế, còn khá lỏng lẻo. Đa số các cuộc gặp gỡ đều diễn ra bên lề các hội nghị cấp cao APEC và EAS. Cho đến nay, trong các hoạt động ngoại giao, Nga vẫn chưa đóng vai trò là nhân tố chính hay điều hướng trong các mối quan hệ đa phương với ASEAN so với các nước khác như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Về thương mại, các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga sang ASEAN chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt, vũ khí và năng lượng, nhìn chung vẫn còn tương đối thấp so với kim ngạch trao đổi thương mại giữa ASEAN với các nước khác. Việc mở rộng thương mại Nga - ASEAN vẫn  chưa có những bước tiến lớn.

Thứ hai, về ngoại giao, khi đứng ở vị trí trung lập, việc thắt chặt mối quan hệ sâu rộng với khu vực ASEAN là điều có thể nếu Nga chủ động và tích cực hơn nữa. Nga cũng có thể khẳng định vị thế quyền lực của mình đối với khu vực, khi ASEAN cần sự ủng hộ của nước lớn trong việc giải quyết vấn đề mang tính quốc tế. Thực tế là, sự xuất hiện của Nga góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của nước lớn đối với khu vực ASEAN. Những nỗ lực gắn kết song phương và đa phương của Nga góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực ASEAN trở nên đa cực hơn. Tuy nhiên, sự xuất hiện và vai trò gắn kết trên của Nga vẫn chưa như mong đợi.

Thứ ba, hợp tác về vũ khí, năng lượng sẽ là triển vọng trong thời gian tới của Nga. Tuy nhiên, Nga sẽ gặp khó khăn khi phải đối mặt với phản ứng của Mỹ khi Sáng kiến “Định hướng phát triển liên minh và đối tác” (GDAP) (năm 2020)(8) của Mỹ được đưa ra nhằm tập hợp lực lượng và tăng cường quan hệ đối tác để đối đầu với Nga và Trung Quốc về quân sự. Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang theo đuổi chính sách kiềm chế Nga. Bên cạnh đó, Nga chưa có đầu tư lớn về kinh tế và quân sự để hỗ trợ cho các quốc gia trong khu vực.

Thứ tư, trong thời điểm hiện tại, sự suy thoái toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra trên thế giới khiến nền kinh tế Nga tổn thất nặng nề và các hoạt động ngoại giao trở nên dè dặt hơn. Mặt khác, việc mua, bán vũ khí và năng lượng bị các nước ASEAN cắt giảm ngân sách và giảm nhu cầu trong một vài năm tới. Do đó, việc định hình trật tự khu vực trong tương lai vẫn còn hạn chế đối với Nga.

Trong thời gian tới, Nga cần có những định hướng nhằm phát huy vai trò và vị thế ở ASEAN. Trong nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống V. Putin (2018 - 2024), các chính sách đối ngoại với đối tác chiến lược ASEAN cần đi vào thực chất hơn ở cấp độ chính trị và kinh tế nhằm nâng cao vị thế của Nga trong các hoạt động đa phương. Nga cần chủ động hơn trong việc kết nối các tổ chức tiểu khu vực do Nga dẫn dắt hay các thỏa thuận khác thiết lập giữa EAEU với các đối tác. Bên cạnh đó, việc Nga tăng cường phát huy vai trò “cầu nối” của Việt Nam để thực hiện chính sách “Hướng Đông” một cách hiệu quả hơn, sẽ góp phần tăng cường sự hiện diện của Nga trong các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, quân sự nhằm nâng cao sức mạnh chiến lược trong thời gian tới tại khu vực ASEAN.

Có thể thấy, những kết quả, đóng góp tích cực mà Nga đã đạt được trong thời gian qua trong các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt, đặc biệt trong nỗ lực cùng ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19 đã khẳng định vai trò quan trọng của Nga đối với ASEAN và hợp tác khu vực. Điều này có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa hai bên. Trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ và 25 năm quan hệ đối thoại, ASEAN và Nga cần đẩy nhanh việc hoàn tất CPA giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược, góp phần đưa hai bên vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, cùng phục hồi và phát triển trong tương lai./.

----------------------------------

(1) “Joint Statement of the 3rd ASEAN - Russian Federation Summit on Strategic Partnership”, https://asean.org/storage/2018/11/ASEAN-Russia-Joint-Statement.pdf
(2)  “Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Nga - ASEAN”, https://baotintuc.vn/the-gioi/thuc-day-quan-he-doi-tac-chien-luoc-ngaasean-20200203212124921.htm, ngày 3-2-2020
(3) “ASEAN - Russia Trade and Investment Cooperation Roadmap”, https://www.mfa.gov.sg/Overseas-Mission/ASEAN/Recent-Highlights/2020/03/18th-Meeting-of-the-ASEAN-Russia-Joint-Cooperation-Committee, ngày 18-3-2020
(4)  “Chairman’s statement of the ASEAN post ministerial conference (PMC) 10+1”, https://asean.org/storage/2019/08/Chairmans-Statement-of-the-PMC-with-DP_FINAL.pdf
(5) “ASEAN Statistical Yearbook  2020”,  https://www.aseanstats.org/publication/asyb_2020/
(6)  Chris Cheang: “Russia - ASEAN Relations: Where Are They Headed?”,  https://www.rsis.edu.sg/rsis-publication/rsis/co17212-russia-asean-relations-where-are-they-headed/?doing_wp_cron=1621451466.3171930313110351562500#.YKVirqgzZPY, ngày 9-11-2017
(7) ASEAN - Russia Forum on Education, https://english.mgimo.ru/news/edu-forum-russia-asean, ngày 21-10-2019
(8) Guidance for Development of Alliances and Partnerships, https://www.defense.gov/Explore/News/Article/Article/2387595/esper-details-approach-for-strengthening-alliances-partnerships/, ngày 20-10-2020