Một số xu hướng chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới hiện nay

TS. Bùi Thanh Tuấn
Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử công an, Bộ Công an
15:58, ngày 19-02-2021

TCCS - Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, nền kinh tế thế giới đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của xu thế tự do hóa và toàn cầu hóa các quan hệ kinh tế - thương mại. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số xu hướng mới làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới vốn tồn tại trong mấy thập niên qua.

Thế giới chuyển biến rõ nét từ “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung Quốc và đại dịch COVID-19

Thế giới đương đại đang có những chuyển biến lớn lao với nhiều sự kiện diễn ra một cách nhanh chóng, phức tạp, khó lường, vừa mang đến cho các quốc gia - dân tộc những thời cơ, vận hội và hy vọng vào tương lai; vừa đặt ra nguy cơ, thách thức và bất an. Thế giới, khu vực đứng trước nguy cơ đe dọa chưa từng có trong lịch sử làm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, thương mại và mọi mặt đời sống xã hội cùng với tương quan lực lượng đang chuyển dần sang cục diện mới. Đơn cử, trung tâm kinh tế toàn cầu chuyển dịch mạnh về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kéo theo xu thế liên kết kinh tế - thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ tại khu vực.

Bên cạnh sự điều chỉnh chính sách, đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, làn sóng chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, xu hướng cường quyền, dân tộc cực đoan trỗi dậy, sự phát triển vượt bậc về khoa học - công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy sự hình thành, vận động một trật tự kinh tế thế giới với nhiều xu hướng mới. Điều này càng trở nên rõ nét hơn bởi sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đại dịch COVID-19 xảy ra gần đây.

Ngày 10-2-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi về các vấn đề quốc tế (Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và ông Joe Biden (trái), khi đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, ngày 4-12-2013_Ảnh: AFP/TTXVN)

Một là, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên quyết liệt, đối đầu trực diện trên các lĩnh vực, tập trung vào khía cạnh kinh tế, trong đó chú ý đến thương mại quốc tế và vấn đề công nghệ. Từ đầu năm 2018 đến nay, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc lan ra toàn cầu. Trước những tác động tiêu cực từ “cuộc chiến” này, lưu thông hàng hóa bị nghẽn, thương mại toàn cầu trở nên suy yếu, từ đó, kéo theo sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có hồi kết, ngày càng phức tạp, khó lường, Liên minh châu Âu (EU) hướng nội, bị chia rẽ sâu sắc hơn sau tiến trình Brexit… làm môi trường địa - chính trị bị phá vỡ, xung đột hơn dẫn tới thương mại quốc tế ngày càng bị ảnh hưởng.

Cùng với nhiều động thái khác, như ưu tiên hợp tác song phương, rút khỏi một loạt cơ chế, thỏa thuận quốc tế đa phương, để đạt được mục đích “nước Mỹ trên hết”, “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Mỹ sẵn sàng đưa chủ nghĩa bảo hộ quay lại và phá vỡ trật tự thương mại quốc tế đã tồn tại từ lâu. Nhiều nước như EU, Nhật Bản,… đã điều chỉnh chính sách thương mại để thích ứng với sự thay đổi của Mỹ. Điều này sẽ tạo tiền lệ cho các cách thức ứng xử của các quốc gia khác trong tương lai và làm giảm vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các cơ chế kinh tế, thương mại đa phương khác. Đồng thời, động thái thắt chặt các biện pháp bảo hộ nằm trong chiến dịch “nước Mỹ trên hết” có thể dẫn tới sự gia tăng về trả đũa thương mại, thậm chí châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại ở phạm vi toàn cầu. Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc còn tiếp tục kéo dài thì sẽ làm gia tăng mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ thương mại với các chính sách can thiệp của nhà nước đối với kinh tế và toàn cầu hóa bị hạn chế.

Hai là, hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến mới chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra. Đại dịch COVID-19 đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống, nhất là kinh tế, chính trị, xã hội của hầu hết các quốc gia. Đại dịch COVID-19 được coi là thách thức chưa từng có đối với nhân loại, bởi nó làm đình trệ đột ngột và gần như đồng thời toàn bộ nền kinh tế thế giới, gây ra cú sốc cung - cầu trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống con người. Nền kinh tế thế giới đã và đang trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, các hợp đồng kinh tế bị phá vỡ, các cơ hội kinh doanh bị mất đi, dẫn tới giảm thu nhập của người lao động, tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, tác động xấu đến tăng trưởng… Đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại và tác động mạnh mẽ, sâu rộng hơn gấp nhiều lần so với các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đã từng xảy ra.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới một bệnh viện ở Mulhouse, Pháp, ngày 22-3-2020_Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã tạo ra nhiều thay đổi trong thói quen mua sắm, tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến. Thói quen mua sắm thay đổi khiến các doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh, chú trọng hơn vào quảng cáo số, dịch vụ vận chuyển. Thương mại điện tử là một trong những điểm sáng trong bối cảnh có hàng nghìn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người thất nghiệp do đại dịch COVID-19. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp thúc đẩy kinh tế số, đặc biệt là thương mại điện tử, trở thành một trong các trụ cột của chiến lược khôi phục kinh tế do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Cũng chính từ đại dịch COVID-19, các nước có nền kinh tế phát triển và đang phát triển nhìn thấy rõ hơn việc đang quá phụ thuộc vào nền sản xuất của Trung Quốc và cần tìm kiếm những nơi đầu tư và những đối tác mới.

Trước những tác động khó kiểm soát của đại dịch COVID-19, các quốc gia sẽ phải cố gắng cân bằng tốt hơn giữa việc tận dụng lợi thế của toàn cầu hóa và bảo đảm một mức độ tự lực cần thiết(1). Điều này dẫn đến việc cấu trúc lại vai trò của nhà nước và thị trường ở phạm vi toàn cầu nhằm đối phó với các nguy cơ đe dọa đến an ninh phi truyền thống, tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế, tương tự đại dịch COVID-19. Các quốc gia có thể đưa ra và thực hiện các chính sách mạnh mẽ đối với doanh nghiệp, công dân nhằm kiểm soát hoạt động và hành vi của họ để tránh sự lây lan của bệnh dịch, cũng như các tác động về kinh tế, an ninh khó lường kéo theo. Sức ép làm thay đổi chính sách có thể được tạo ra theo nhiều kênh, nhiều tầng khác nhau trong quá trình hội nhập quốc tế, như qua các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia, các chính phủ nước ngoài, thậm chí qua mạng internet và những công cụ truyền thông hiện đại… sẽ tạo ra tác động nhiều chiều, khó đối phó, khó kiểm soát đối với các nền kinh tế. Dù thế nào đi nữa, toàn cầu hóa vẫn là xu hướng cơ bản, nhưng sẽ được các quốc gia tiến hành một cách thận trọng và có kiểm soát. Những nhân tố cấu thành “nền kinh tế chuỗi” của quá trình toàn cầu hóa, như đầu tư, sản xuất, thương mại, cung ứng, hậu cần, dịch vụ… sẽ có sự dịch chuyển, tổ chức lại ở mọi cấp độ và phạm vi.

Một số xu hướng trong sự chuyển dịch kinh tế thế giới

Thứ nhất, toàn cầu hóa, liên kết kinh tế quốc tế có phần chững lại do phản ứng của những nước từng đi đầu toàn cầu hóa, như Anh, Mỹ, EU… trước tác động trái chiều của chính xu thế này. Những năm gần đây, một số quốc gia nhận thấy mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, như nhập cư trái phép, vi phạm bản quyền, biến đổi khí hậu. Những nước này đã thực hiện một số bước điều chỉnh chính sách phục vụ cho lợi ích của mình, như Mỹ với chính sách “nước Mỹ trên hết”, hay Anh rời EU (Brexit). Có thể thấy, quá trình toàn cầu hóa vốn đã định hình nên một trật tự kinh tế thế giới từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc trở lại đây, được xem xét trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Hay nói cách khác, đại dịch COVID-19 chỉ là một nhân tố đẩy nhanh sự chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới và quá trình toàn cầu hóa hiểu theo nghĩa là sự trao đổi thương mại, hợp tác kinh tế giữa các nước sẽ vẫn tiếp tục phát triển trong trật tự kinh tế mới đó(2).

Cũng trong hơn một thập niên qua, Trung Quốc từng bước cạnh tranh với Mỹ trong vai trò dẫn dắt toàn cầu hóa và liên kết kinh tế quốc tế. Có thể kể đến như việc Trung Quốc đơn phương thực hiện cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2015 (COP21), trong khi Mỹ rút khỏi cam kết này; Trung Quốc đưa ra một loạt sáng kiến lớn, như “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI); thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ Con đường tơ lụa; thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… trong khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại một loạt cam kết song phương, đa phương về kinh tế, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA); Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc… Những điều này đã làm thay đổi sự chênh lệch vốn có về vị thế, ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc, trực tiếp tác động đến những khuôn khổ, cách thức quan hệ cố hữu trong trật tự kinh tế và an ninh ở các cấp độ khu vực, thế giới. Đây là tín hiệu xấu cho hoạt động của các định chế quốc tế, như WTO, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và các tổ chức khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Điều này cũng dẫn đến những hiệu ứng tự do hóa của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mạnh mẽ hơn. Bằng chứng cho thấy, kể cả khi xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc nhiều lần leo thang và “trồi sụt”, Mỹ nhiều lần đơn phương áp thuế đối với các nước đối tác và đồng minh, xu hướng tham gia liên kết mới thông qua các FTA ưu đãi vẫn phát triển(3).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và các nước tham dự lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) qua hình thức trực tuyến _Ảnh: TTXVN

Thứ hai, toàn cầu hóa chuyển dần sang khu vực hóa thương mại với sự ra đời của nhiều cơ chế/sáng kiến ở cấp độ khu vực, sẽ có sự kết hợp giữa bảo hộ và khu vực hóa các chuỗi giá trị, thay đổi theo từng lĩnh vực. Sự phân cực kinh tế sẽ làm gia tăng sự khác biệt về chính trị, đơn cử như nhiều cơ chế hợp tác phát triển mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được hình thành, đã và đang tác động sâu sắc tới trật tự kinh tế thế giới, cục diện quan hệ quốc tế và quan hệ các nước lớn. Những liên kết kinh tế - thương mại trở thành công cụ quan trọng trong cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn nhằm giành quyền dẫn dắt, tập hợp lực lượng ở các khu vực. Để nắm ngọn cờ tập hợp lực lượng chính trị - chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nước lớn đều tranh thủ, lôi kéo các nước vừa và nhỏ, nhất là các nước ASEAN tham gia liên kết do mình dẫn dắt. Tuy nhiên, một số nước lớn và nhóm nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng ngày càng chủ động trong việc tham gia dẫn dắt, định hình các tập hợp lực lượng kinh tế - thương mại ở khu vực nhằm bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời ngăn ngừa khả năng Trung Quốc ảnh hưởng quá sâu vào các “sân chơi” kinh tế cũng như khả năng Trung Quốc - Mỹ thỏa hiệp với nhau để hình thành cục diện G2 phân chia khu vực ảnh hưởng.

Thứ ba, những đột phá công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi những nền tảng truyền thống của kinh tế thế giới. Khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ số sẽ vẫn là động lực lớn cho sự phát triển ở cấp độ toàn cầu. Những tiến bộ vượt bậc về khoa học - công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi về chất của lực lượng sản xuất, tác động mạnh mẽ đến những thay đổi trong quan hệ sản xuất, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, quy mô sản xuất, năng suất lao động… dẫn đến những thay đổi to lớn trong phương thức sản xuất. Đồng thời, nó thúc đẩy sự cạnh tranh, tăng cường tiềm lực sức mạnh và năng lực sản xuất quốc gia, về tổng thể thúc đẩy sự chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới và những thay đổi trong quan hệ quốc tế. Lịch sử thế giới chứng minh rằng, các cuộc cách mạng công nghiệp luôn dẫn đến phân kỳ giai đoạn, gia tăng khoảng cách phát triển giữa những quốc gia bắt kịp và những quốc gia tụt lại phía sau(4). Do đó, trong bối cảnh thế giới mới hiện nay, để tận dụng các cơ hội và hạn chế tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nước đang phát triển cần tăng cường liên kết, hợp tác về khoa học - công nghệ tiên tiến từ bên ngoài, từ đó, nâng cao năng lực công nghệ nội sinh của mình, tạo ra các sản phẩm và công nghệ sản xuất mới phục vụ phát triển kinh tế. Điều này dẫn đến sự gia tăng các cơ chế hợp tác mới trong khu vực và sự chuyển dịch lớn trong trật tự kinh tế thế giới.

Thứ tư, trung tâm thịnh vượng toàn cầu chuyển dịch từ Tây sang Đông, với vai trò dẫn dắt ngày càng lớn của Trung Quốc dẫn tới sự chuyển dịch trật tự kinh tế và quyền lực trên phạm vi toàn cầu. Tỷ trọng của các nền kinh tế phương Tây, kể cả Mỹ, các nước Tây Âu và Nhật Bản có xu hướng giảm dần; tỷ trọng của các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ ngày một tăng trong nền kinh tế thế giới hơn một thập niên qua. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tập trung 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới với các quốc gia đông dân nhất thế giới, như Trung Quốc và Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới với đà ổn định. Những thị trường lớn và tăng trưởng nhanh nhất này là động lực cơ bản cho các xu hướng phát triển lớn nhất trong công nghệ, thương mại và tài chính của nền kinh tế thế giới. Thời gian tới, châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực phát triển hàng đầu với sự hiện diện của nhiều nước lớn và các nền kinh tế năng động, nằm trên tuyến hàng hải, hàng không sôi động bậc nhất thế giới, nơi hiện diện các liên minh, tổ chức, thể chế đa phương quan trọng và tiếp tục ra đời những cơ chế/sáng kiến trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, an ninh - quốc phòng ở mọi cấp độ.

Gợi ý chính sách cho Việt Nam

Là nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu toàn cầu, đặc biệt với nhiều đối tác chủ chốt, như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc…, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều tác động, thách thức từ sự giảm sâu của tăng trưởng kinh tế và sự chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới. Vì vậy, thích ứng với sự chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới, chủ động tham gia quá trình định hình những “luật chơi” mới là một yêu cầu không thể không tính tới.

Một là, tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bồi đắp nội lực của nền kinh tế, để có thể ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch, biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu. Cùng với việc tận dụng giao thương để thúc đẩy tăng trưởng, tận dụng các lợi thế có được từ các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),… cần củng cố nội lực bằng việc quyết liệt thực hiện cơ cấu lại kinh tế, phát triển đồng bộ các ngành kinh tế quan trọng gắn với thương mại xuất, nhập khẩu và khai thông thị trường nội địa. Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường toàn cầu, cần tranh thủ những ngành công nghệ có thể đem lại hiệu quả, chất lượng cao; phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động nguồn lực từ trong nước thông qua thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI của các công ty đa quốc gia đến Việt Nam. Tập trung cải thiện môi trường pháp lý, kinh doanh thuận lợi và minh bạch, loại bỏ những thủ tục gây chậm trễ, rườm rà để thu hút hơn nữa FDI từ các tập đoàn lớn ở châu Âu, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ,…

Công nhân Công ty Điện tử YPE Vina - Hàn Quốc tại  tại Khu công nghiệp Bình Xuyên 2 Vĩnh Phúc kiểm tra sản phẩm bản mạch điện tử_Ảnh: TTXVN

Hai là, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, nhất là trong các khâu thu mua nguyên liệu nông sản bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tập trung phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian thay thế nhập khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung thay thế thông qua việc tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các FTA thế hệ mới. Xem xét, ưu tiên triển khai và hỗ trợ tối đa về nguồn lực đối với các dự án quan trọng liên quan đến các ngành công nghiệp năng lượng, giao thông, vận tải và công nghệ - thông tin, các loại hình kinh tế số, dịch vụ từ xa…

Ba là, tận dụng tối đa những lợi thế mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cho tăng trưởng kinh tế. Vì đổi mới công nghệ sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế, mà biểu hiện rõ nét nhất ở sự gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, các loại hình kinh tế số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống; đẩy mạnh xử lý trực tuyến dịch vụ công; phát triển các ứng dụng thương mại điện tử, ngân hàng số (digital banking)… Tận dụng những cơ hội và tiềm năng vốn có của mình để có thể trở thành công xưởng sản xuất smartphone hoặc đồ gia dụng thông minh của thế giới. Điều này giúp Việt Nam tăng thêm mức độ ảnh hưởng trong chuỗi sản xuất của thế giới và cạnh tranh để trở thành nơi sản xuất chất lượng của các tập đoàn lớn trên thế giới. Cần nhận diện các cơ hội đầu tư một cách thông minh, hướng tới phát triển bền vững, quyết không đánh đổi an ninh và môi trường để thu lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn./.

------------------------

(1) Phạm Thắng: “Trật tự kinh tế thế giới sẽ khác sau đại dịch COVID-19”, https://baoquocte.vn/trat-tu-kinh-te-the-gioi-se-khac-sau-dai-dich-covid-19-114615.html, ngày 2-5-2020
(2) Khổng Hà (tổng hợp): “COVID-19 làm nóng trật tự kinh tế thế giới”, http://cand.com.vn/Binh-luan-quoc-te/COVID-19-lam-nong-trat-tu-kinh-te-the-gioi-614238/, ngày 5-10-2020
(3) Duy Hưng: “Triển vọng thương mại toàn cầu hậu COVID-19: 4 xu hướng trong trung hạn”, https://congthuong.vn/trien-vong-thuong-mai-toan-cau-hau-covid-19-4-xu-huong-trong-trung-han-140473.html, ngày 17-7-2020
(4)  Angus Deaton: Cuộc đào thoát vĩ đại, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr. 156