Phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển đất nước

Vũ Phương Mai
Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội
10:24, ngày 08-06-2025

TCCS - Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế tư nhân” xác định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, chiếm tỷ trọng cao trong GDP và tạo ra việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này đối mặt với nhiều rào cản, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, do đó cần nhiều giải pháp để kinh tế tư nhân đóng góp tích cực hơn trong phát triển đất nước.  

Vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc gia

Kinh tế tư nhân (KTTN) là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế thị trường, đóng vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất và giải quyết việc làm. Cùng với các thành phần kinh tế khác, KTTN thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển các ngành nghề mới; thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. KTTN đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân, nhờ đó giảm chi tiêu công trong một số lĩnh vực, như y tế, giáo dục, hạ tầng; góp phần ổn định xã hội, giảm bất bình đẳng kinh tế, tạo cơ hội việc làm cho người lao động ở mọi trình độ; hỗ trợ phúc lợi xã hội gián tiếp thông qua các chương trình CSR (trách nhiệm xã hội doanh nghiệp).

Tại Việt Nam, KTTN được xác định là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia”(1). Trước năm 1986, KTTN không được khuyến khích do mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Khu vực tư nhân chỉ tồn tại nhỏ lẻ, chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ. Đại hội VI của Đảng thừa nhận thành phần KTTN. Hiến pháp năm 1992 công nhận quyền tự do kinh doanh và bảo hộ sở hữu tư nhân. Hiến pháp năm 2013 khẳng định, KTTN là một động lực quan trọng. Luật Doanh nghiệp được ban hành và sửa đổi nhiều lần, tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, như giảm thuế, tiếp cận vốn, đào tạo nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định, KTTN “được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”(2). Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế tư nhân” khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế…”(3). Nghị quyết số 198/2025/QH15, ngày 17-5-2025, Quốc hội khóa XV về quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN, bao gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất - kinh doanh; tài chính, tín dụng, thuế, phí; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn KTTN tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2021 - 2025

Những năm qua, KTTN tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, quy mô vốn sản xuất, kinh doanh, tài sản cố định và đầu tư dài hạn. Năm 2022, số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước là 710.664 doanh nghiệp, chiếm 96,63% tổng số doanh nghiệp (tăng1,2 lần so với năm 2018); tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2018 - 2022 là 4,74%/năm(4). Hiện tại, khu vực KTTN có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động(5). DNTN chiếm lĩnh trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, xuất hiện một số tập đoàn tư nhân lớn, như Vingroup, Massan, Sun Group, Hòa Phát, Vietjet, FPT, Thaco,…

KTTN đóng góp ngày càng lớn vào GDP, cụ thể: Năm 2023, đóng góp 43 - 45% GDP, cao hơn khu vực nhà nước. Hiện tại, KTTN đóng góp khoảng 50% GDP (khu vực nhà nước khoảng 25 - 30% GDP, khu vực FDI  khoảng 20 - 25% GDP)(6). Trong đó, doanh nghiệp đăng ký chính thức đóng góp hơn 10%, khu vực hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nông nghiệp, trang trại và các cơ sở kinh tế, cá nhân kinh doanh khác chiếm khoảng 40%(7). Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình 7-8%/năm(8).

Bên cạnh đó, KTTN tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế(9), góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp cho sự phát triển và tiến bộ xã hội. Giai đoạn 2021 - 2025, khu vực tư nhân tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm mới. Năm 2022, tạo thêm được 1,3 triệu việc làm, chiếm 85% tổng việc làm mới, năm 2023, khoảng 8,6 triệu(10). Khoảng 17,5 triệu người thuộc khu vực KTTN tham gia bảo hiểm xã hội, 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm tự nguyện (tính đến năm 2023)(11). Thu hút vốn đầu tư của KTTN giai đoạn 2021-2025 tăng mạnh, đạt mức 10 - 12%/năm. Tổng vốn đầu tư năm 2022 đạt 2.000 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 2.300 nghìn tỷ đồng. Trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt khoảng 174 tỷ USD năm 2025, đầu tư tư nhân sẽ đóng góp khoảng 96 tỷ USD (xấp xỉ 56%). Đầu tư công chỉ khoảng 36 tỷ USD, khu vực FDI khoảng 28 tỷ USD và đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD(12). KTTN dẫn đầu về chuyển đổi số quốc gia, các tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup (VinBigdata), FPT có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và trung tâm dữ liệu. Khu vực KTTN đang dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển (R&D) và công nghệ mới. Đơn cử như VinFast đầu tư lớn vào R&D xe điện, pin, công nghệ tự lái; FPT tập trung vào AI (FPT AI), blockchain. Việt Nam có hơn 3.800 công ty khởi nghiệp (startup), trong đó có 4 kỳ lân (công ty được định giá trên 1 tỷ USD), bao gồm VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis đều thuộc khu vực tư nhân(13).

Tuy nhiên, KTTN ở Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, đó là:

Thứ nhất, hạn chế về quy mô doanh nghiệp. Việt Nam có hơn 940.000 DNTN, chiếm 96,7% tổng số doanh nghiệp nhưng hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô lớn khoảng 2%, chưa có doanh nghiệp nào lọt vào Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới(14). Vốn đầu tư chính thức trung bình của một doanh nghiệp chỉ đạt 43,5 triệu đồng (trong đó doanh nghiệp nhà nước 5,56 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI 421,9 triệu đồng). Quy mô vốn hóa trung bình trên thị trường là 186 triệu USD/công ty (Philippines là 1,2 tỷ USD, Singapore là 1,07 tỷ USD)(15).

Thứ hai, tình trạng không chính thức của khu vực KTTN (các hộ kinh doanh nhỏ) còn chiếm tỷ lệ cao và không được coi là một loại hình doanh nghiệp. Điều này gây ảnh hưởng đến phát triển KTTN và nền kinh tế nói chung, làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.

Thứ ba, hạn chế về tiềm lực tài chính, khó tiếp cận nguồn vốn vay, thiếu vốn dài hạn. Hiện nay, chỉ khoảng 30 - 35% doanh nghiệp SME có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng(16). Lãi suất cho vay cao, trên 10%/năm trong năm 2023(17), 9,17%/năm trong năm 2024(18). Tỷ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người là 490 USD (mức trung bình của ASEAN là 690 USD), thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực(19).

Thứ tư, năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao (trừ một số doanh nghiệp lớn, như Vingroup, Vietjet, FPT,… có năng suất và sức cạnh tranh cao, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ). Năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân có năm chỉ bằng 3,6% khu vực doanh nghiệp nhà nước và 28,5% khu vực FDI (năm 2021)(20). Sản xuất chủ yếu tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng thấp, chưa có nhiều doanh nghiệp dẫn dắt trong các lĩnh vực chiến lược, chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp mạnh mẽ.

Thứ năm, hạn chế về công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ doanh nghiệp ngành công nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 chiếm dưới 15%, phần lớn vẫn sử dụng công nghệ 2.0 và 3.0(21). Theo Bộ Công Thương, năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp thực sự làm chủ công nghệ lõi chỉ chiếm chưa đến 0,3%(22). Đa số SME không đủ nguồn lực tài chính và nhân lực để phát triển R&D. Thiếu nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực AI, blockchain, tự động hóa.

Thứ sáu, thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp trong khu vực KTTN với nhau, giữa KTTN với khu vực FDI, với khu vực nhà nước trong chiến lược phát triển chung của đất nước dẫn đến lãng phí nguồn lực. Nguyên nhân do KTTN chịu nhiều tác động từ bối cảnh kinh tế bất ổn (dịch bệnh, xung đột, cạnh tranh thương mại). Sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp bên ngoài; các quy định, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn về nguồn gốc xuất xứ, xanh hóa, bảo vệ môi trường. Tư duy, nhận thức về KTTN còn chưa đầy đủ, thiếu định hướng dài hạn; thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ. Cơ cấu ngành nghề ở khu vực KTTN không hợp lý, tập trung quá nhiều vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong khi công nghiệp chế biến, công nghệ cao còn yếu. Phân bổ không đồng đều ở các vùng trong phạm vi cả nước. Khu vực KTTN còn thiếu nội lực, nhất là SME, đặc biệt là vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, nhân lực chất lượng cao,… Phần lớn DNTN đi lên từ quy mô gia đình, phương thức quản trị lạc hậu, khả năng huy động vốn hạn chế, không đủ kiến thức, nguồn nhân lực để nắm bắt, tiếp thu công nghệ mới. Thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với DNNN và doanh nghiệp FDI. Tâm lý e dè hành lang pháp lý của một số doanh nghiệp.

Giải pháp phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong thời gian tới

Để KTTN phát huy tốt vai trò động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, cần chú ý một số vấn đề sau:

Một là, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Đẩy mạnh công tác truyền thông qua nhiều kênh thông tin đại chúng, các phương tiện truyền thông xã hội, tổ chức hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, tập huấn cho cán bộ, đảng viên, doanh nhân và người dân về nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW. Xây dựng tài liệu tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, kết hợp thông tin với hình ảnh và màu sắc, phù hợp với từng đối tượng. Phối hợp với báo chí, truyền thông đưa tin bài sâu rộng về chủ trương, chính sách đối với KTTN. Kết hợp tuyên truyền với hỗ trợ thực tế (cung cấp thông tin về ưu đãi vay vốn, thuế; tổ chức hội chợ, kết nối đầu tư). Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, giao lưu trực tuyến để lan tỏa thông tin nhanh chóng. Xây dựng các chương trình truyền hình, âm thanh kỹ thuật số (podcast) phân tích sâu về cơ hội và thách thức đối với khu vực KTTN. Lồng ghép vào chương trình đào tạo tại các trường đảng, trường quản lý, cơ sở đào tạo doanh nhân; tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ, cơ quan, địa phương.

Hai là, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, đồng thời tìm cách tháo gỡ các “nút thắt” cho phát triển kinh tế tư nhân.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 198/2025/QH15. Loại bỏ các rào cản, thủ tục hành chính không cần thiết, đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, giải quyết phá sản doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, vốn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các thủ tục để giảm chi phí và thời gian. Tăng cường thực thi pháp luật, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Song song đó, cần có chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tài chính, tín dụng, thuế, phí, lệ phí. Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia. Bỏ lệ phí môn bài, hình thức thuế khoán; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp SME (3 năm đầu thành lập)(23). Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (đơn cử như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo…), hỗ trợ lãi suất khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG)(24).

Ba là, thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân.

Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển. Trong đó cần hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy các quỹ đầu tư mạo hiểm để tài trợ cho startup. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển các khu công nghệ cao, vườn ươm doanh nghiệp. Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực. Để đạt được mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2030, ngoài cải thiện môi trường kinh doanh, cần chú trọng vào xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng việc hình thành cụm ngành công nghiệp, đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích R&D, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút doanh nghiệp đa quốc gia thông qua ưu đãi tài chính, xúc tiến thương mại, tận dụng hiệp định thương mại tự do (FTA). Hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp lớn và SME; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất. Phát triển thương hiệu quốc gia, xây dựng hình ảnh “điểm đến đầu tư”, tham gia các sáng kiến toàn cầu (chuỗi cung ứng xanh, kinh tế tuần hoàn), thiết lập đối tác với các tập đoàn lớn và các tổ chức quốc tế để nhận tư vấn và tài trợ.

Bốn là, tăng cường kết nối giữa các loại hình doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân bền vững.

Thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng, thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các loại hình doanh nghiệp. Ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa DNNN với DNTN. Phát triển cụm liên kết ngành như mô hình “Cụm công nghiệp - Đối tác FDI”,  khu công nghệ cao, tạo điều kiện cho DNTN tiếp cận công nghệ từ FDI. Thực hiện chuyển giao, chia sẻ công nghệ thông qua các dự án, mở phòng thí nghiệm chung. Kết nối các doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Tạo sân chơi kết nối nhà đầu tư (Techfest, Vietnam Innovation Network). 

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài cho khu vực kinh tế tư nhân.

Phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, nhân rộng, chuyển giao chương trình đào tạo phục vụ phát triển KTTN. Đổi mới phương pháp đào tạo, phương thức đánh giá, công nhận tốt nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục. Thúc đẩy đào tạo các kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ, khuyến khích hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực. Ứng dụng công nghệ số trong đào tạo để cập nhật kiến thức, kỹ năng. Tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, linh hoạt, không gian sáng tạo, tạo cơ hội thăng tiến và phát triển sự nghiệp. Tăng cường quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, tham gia sự kiện tuyển dụng. Hợp tác với các tổ chức quốc tế để thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài.

Sáu là, nghiên cứu, áp dụng có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng, phát triển KTTN của một số quốc gia trên thế giới.

Các kinh nghiệm cần được nghiên cứu, áp dụng để thúc đẩy KTTN tại Việt Nam, có thể bao gồm: (i) Cải cách thể chế, giảm thủ tục, tăng tính minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng; (ii) hỗ trợ tài chính và thuế một cách thông minh, tránh bao cấp; (iii) đầu tư vào R&D, đào tạo nhân lực chất lượng cao; (iv) xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với các trung tâm đổi mới sáng tạo; (v) khuyến khích liên kết doanh nghiệp; (vi) phát triển các tập đoàn lớn làm đầu tàu, nhưng phải kiểm soát độc quyền; (vii) kết hợp thị trường nội địa và xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài; (viii) thúc đẩy hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương hiệu quốc gia.

Cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tư nhân đang khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trở thành một động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo. Để phát huy tối đa tiềm năng của KTTT, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm rào cản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để DNTN phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, KTTN sẽ đóng góp ngày càng lớn vào quá trình phát triển đất nước giàu mạnh, thịnh vượng và bền vững./.

 

----------------------

(1) Xem: Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 13-6-2025, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-so-68-nq-tw-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-119250505101309949.htm
(2]) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 130
(3) Xem: Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 13-6-2025, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-so-68-nq-tw-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-119250505101309949.htm
(4) Xem: Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 13-6-2025, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-so-68-nq-tw-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-119250505101309949.htm
(5) Xem: Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 13-6-2025, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-so-68-nq-tw-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-119250505101309949.htm
(6) Xem: Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 13-6-2025, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-so-68-nq-tw-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-119250505101309949.htm
(7) Minh Nhật: “Kinh tế tư nhân mang lại giá trị gấp 2,5 lần đầu tư công và 3,5 lần đầu tư nước ngoài”, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, ngày 22-3-2025, https://thitruongtaichinhtiente.vn/kinh-te-tu-nhan-mang-lai-gia-tri-gap-2-5-lan-dau-tu-cong-va-3-5-lan-dau-tu-nuoc-ngoai-66433.html
(8) Nguyễn Sĩ Dũng: “Phát triển mạnh kinh tế tư nhân - chìa khóa để tăng trưởng 2 con số”, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 20-3-2025, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phat-trien-manh-kinh-te-tu-nhan-chia-khoa-de-tang-truong-2-con-so-119250308134537913.htm
(9) GS, TS Tô Lâm: “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 17-3-2025, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-don-bay-cho-mot-viet-nam-thinh-vuong
(10) Nguyễn Sĩ Dũng: “Phát triển mạnh kinh tế tư nhân - chìa khóa để tăng trưởng 2 con số”, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 20-3-2025, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phat-trien-manh-kinh-te-tu-nhan-chia-khoa-de-tang-truong-2-con-so-119250308134537913.htm
(11) Lê Duy Bình: “Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển”, Tạp chí Ngân hàng, ngày 3-4-2025, https://tapchinganhang.gov.vn/mot-so-giai-phap-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-15795.html
(12) Minh Nhật: “Kinh tế tư nhân mang lại giá trị gấp 2,5 lần đầu tư công và 3,5 lần đầu tư nước ngoài”, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, ngày 22-3-2025, https://thitruongtaichinhtiente.vn/kinh-te-tu-nhan-mang-lai-gia-tri-gap-2-5-lan-dau-tu-cong-va-3-5-lan-dau-tu-nuoc-ngoai-66433.html
(13) Ngô Huyền: “Dòng vốn sụt giảm, Việt Nam chưa có thêm kỳ lân công nghệ mới”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ngày 28-10-2024, https://vneconomy.vn/dong-von-sut-giam-viet-nam-chua-co-them-ky-lan-cong-nghe-moi.htm
(14) Nhóm phóng viên kinh tế: “Chân dung thế hệ doanh nghiệp mới”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 4-4-2025, https://nhandan.vn/bai-3-chan-dung-the-he-doanh-nghiep-moi-post870018.html
(15) Lê Thị Thu Hương, Phạm Thị Thanh Bình: “Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, ngày 15-11-2024, https://tapchinganhang.gov.vn/kinh-te-tu-nhan-dong-luc-phat-trien-cua-asean-va-bai-hoc-doi-voi-viet-nam-259.html
(16) Xem: Hậu Lộc: “Chỉ 30 - 35% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn vay ngân hàng”, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ngày 27-02-2025, https://phapluat.tuoitrethudo.vn/chi-30-35-doanh-nghiep-nho-va-vua-tiep-can-duoc-von-vay-ngan-hang-100963.html
(17) Xem: T.L: “Lãi suất cho vay trên 10%/năm, doanh nghiệp không có cửa để đầu tư, kinh doanh”, Báo Đầu tư, ngày 6-2-2023, https://baodautu.vn/lai-suat-cho-vay-tren-10nam-doanh-nghiep-khong-co-cua-de-dau-tu-kinh-doanh-d183228.html
(18) Bảo Ngọc: “Lãi suất cho vay ngắn hạn trung bình tại các ngân hàng thương mại là 9,17%”, Tạp chí Tài chính, ngày 2-1-2025, https://tapchitaichinh.vn/lai-suat-cho-vay-ngan-han-trung-binh-tai-cac-ngan-hang-thuong-mai-la-9-17.html#:~:text=Theo%20s%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20t%E1%BB%AB%20B%C3%A1o,vay%20v%E1%BB%91n%20c%E1%BB%A7a%20kh%C3%A1ch%20h%C3%A0ng
(19) Lê Thị Thu Hương, Phạm Thị Thanh Bình: “Kinh tế tư nhân: “Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, ngày 15-11-2024, https://tapchinganhang.gov.vn/kinh-te-tu-nhan-dong-luc-phat-trien-cua-asean-va-bai-hoc-doi-voi-viet-nam-259.html
(20) Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế: “Một số vấn đề về năng suất lao động Việt Nam”, Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Chính sách, chiến lược Trung ương,  ngày 26-5-2024, https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/mot-so-van-de-ve-nang-suat-lao-dong-viet-nam.html
(21) Minh Châu: “Chưa đầy 15% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ 4.0”, Báo Đại biểu nhân dân, ngày 21-12-2024, https://daibieunhandan.vn/chua-day-15-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-ap-dung-cong-nghe-4-0-10355411.html
(22) Mạc Quốc Anh: “Cần nhiều giải pháp để nâng chất doanh nghiệp Việt Nam”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 21-1-2025, https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/chuyen-doi-so/can-nhieu-giai-phap-de-nang-chat-doanh-nghiep-viet-nam-812465
(23) Xem: Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 13-6-2025, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-so-68-nq-tw-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-119250505101309949.htm
(24) Xem: Nghị quyết số 198/2025/QH15, của Quốc hội, ngày 17-5-2025, về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2025/5/198_nq.pdf