Nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động

Việt Hải
15:07, ngày 05-12-2022

TCCS - Xuất khẩu lao động góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu lao động đã dần hồi phục khi nhiều thị trường lớn đã mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam.

Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc)_Ảnh: TTXVN

Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022 với việc các nước và vùng lãnh thổ mở cửa, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang nhận được những tín hiệu tích cực, từng bước phục hồi như Hàn Quốc - thị trường tiềm năng của Việt Nam đã nâng tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài trong năm 2022 sẽ tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021, chỉ tiêu tuyển dụng sẽ là 59.000 người. Không chỉ Hàn Quốc, lao động Việt Nam còn có thêm cơ hội sang Singapore làm việc khi nước này thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động phổ thông Việt Nam làm việc trong các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến. Đầu năm 2022, Việt Nam và Malaysia cũng ký kết bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động. Bản ghi nhớ này là sự tiếp nối của bản ghi nhớ lần đầu tiên về tuyển dụng lao động Việt Nam được chính phủ 2 nước ký vào tháng 12-2003. Từ đó đến nay, có khoảng hơn 100.000 lượt người lao động Việt Nam đã sang làm việc tại Malaysia.

Các thị trường hiện nay đều mở cửa và đều có nhu cầu tiếp nhận thực tập sinh, lao động rất lớn. Do đó, mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là khả thi. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 2.455 người. Thị trường Nhật Bản tiếp nhận 612 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 439 người, Hàn Quốc: 336 người, Singapore: 331 người, Trung Quốc: 245 người, Hungary: 99 người, Nga: 71 người, Ba Lan: 68 người, Romania: 65 người... Thời gian qua, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài tập trung nhiều vào các lĩnh vực, như sản xuất - chế tạo, nhà máy, công xưởng (chiếm trên 80% số lượng người đi làm việc tại nước ngoài hàng năm). Ngoài ra, chăm sóc sức khoẻ (điều dưỡng, hộ lý làm việc tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi), nông nghiệp, xây dựng cũng là những ngành, nghề mà các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài.

Hoạt động XKLĐ của Việt Nam thời gian qua cho thấy không chỉ đột phá về số lượng mà chất lượng đã có sự thay đổi lớn. Theo đó cả doanh nghiệp và người lao động đã chú trọng chọn những thị trường tốt, thu nhập cao để đi làm việc. Bản thân người lao động cũng đã ý thức hơn trong việc tự rèn luyện nâng cao tay nghề giúp người lao động dễ dàng hơn trong tìm kiếm cơ hội việc làm có chất lượng cao hơn và thu nhập tốt hơn.

Hiện nay, ngoài việc ổn định thị trường lao động truyền thống, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang từng bước mở rộng những thị trường mới, tiềm năng cao. Theo đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), các thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết như EPS (Hàn Quốc) và IM Japan (Nhật Bản), các quốc gia này đang đẩy mạnh việc thu hút nhân lực có chất lượng, tay nghề cao hơn từ Việt Nam.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh với lao động các nước khác đi làm việc ở nước ngoài cũng như giữ gìn hình ảnh lao động Việt Nam tại các thị trường truyền thống, cũng như để xây dựng hình ảnh lao động Việt Nam tại các thị trường mới, qua đó mở rộng cơ hội cho lao động Việt Nam, để thực hiện được điều đó, các đơn vị liên quan cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau.

- Cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở, phải xem công tác xuất khẩu lao động là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và nhân dân

- Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động; tăng cường tuyên truyền về Luật Lao động của Việt Nam, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đối với công tác xuất khẩu lao động để mọi người hiểu đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia xuất khẩu lao động; nhất là ý thức của lao động trong việc chấp hành pháp luật lao động, phong tục tập quán của nước tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc, để người lao động thực hiện hợp đồng thuận lợi hơn, tránh tình trạng bỏ lỡ hợp đồng.

- Tăng cường công tác đào tạo, giáo dục định hướng.

- Trang bị cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài những kiến thức cơ bản cho quá trình lao động ở nước ngoài. Đối tượng giáo dục định hướng là số lao động chuẩn bị xuất cảnh, đây là lực lượng gồm nhiều thành phần khác nhau về trình độ, về hoàn cảnh gia đình, về khả năng tiếp thu vì vậy trong giáo trình cần được chuẩn bị tốt và thiết thực, sát thực tế, đảm bảo có chất lượng, có hiệu quả.

- Kết hợp với các ngành, các cấp, đoàn thể ở xã, phường, thị trấn thành lập bộ phận thường trực chuyên trách về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thông tin tư vấn và giải đáp thắc mắc cho người lao động kịp thời.

- Phối hợp các công ty xuất khẩu lao động tổ chức tư vấn, tọa đàm, tuyển chọn trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ hàng tháng tại trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, nhằm tạo niềm tin, sự gắn kết chặt chẽ với người lao động, làm cho người dân chú ý hơn góp phần nâng cao công tác tuyên truyền đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả kinh tế làm điển hình để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

- Thông báo công khai về thị trường lao động, số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, môi trường sinh hoạt. Thông báo về tiền lương, tiền công, quyền lợi của người lao động được hưởng và các khoản phải đóng góp, các chi phí trước khi xuất cảnh để người lao động chuẩn bị.

- Mở rộng thêm các thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao phù hợp với điều kiện làm việc sinh hoạt và trình độ của người lao động, như Singapore, Liên bang Nga,... mở rộng quan hệ đối tác tìm kiếm, thẩm định và đi đến ký kết những hợp đồng cung ứng lao động chú trọng đến chất lượng, không chạy theo số lượng.

- Mở rộng các thị trường có thu nhập cao, ổn định và lựa chọn các công ty, doanh nghiệp cung ứng lao động có uy tín, có trách nhiệm trong quản lý đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

- Nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Tóm lại, để công tác xuất khẩu lao động trong thời gian tới đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra thì Việt Nam cần quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động để người lao động hiểu và nhận thức được lợi ích, hiệu quả kinh tế của công tác giải quyết việc làm gắn với chương trình giảm nghèo nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo./.